Truyện ngắn SAU LÁ THƯ THỨ BA của VŨ SẮC trên VNQĐ số 12 tháng 12-1957

Thứ Hai, 21/11/2011 06:00
Trường Kỹ thuật, ngày...

Anh Khang thân mến,

Đã từ lâu em muốn viết thư, viết cho bất kỳ ai cũng được, viết để trút nỗi lòng lên trang giấy rồi gửi đi cho nhẹ lòng. Nhưng em không viết. Viết cho ai? Còn ai đọc nữa? Ai muốn đọc thư của đứa con gái xuất thân ở một gia đình địa chủ như em! Đến cả người yêu của em (một quân nhân đồng ngũ với anh, em không muốn nhắc tên nữa) cũng đã xa em từ “dạo ấy” rồi! Và em đã được tin anh ấy đã đẹp duyên cùng người khác rồi!

Có đôi lần em đã viết cho mấy bạn học cũ, nhưng viết nửa chừng, đọc lại, em thấy thế nào ấy, em lập tức vò nát, ấn vào miệng, nhai nghiến. Viết làm gì cho chúng nó. Chúng nó như thế nào mà viết hả anh. Em đã thề những câu rất độc để quyết không thư từ với ai nữa. Thư từ mà làm gì? Hễ đặt bút, em tránh sao được những dòng thổ lộ, người hiểu thì chớ, người không hiểu, họ buông gọn một câu “con hèn” thì khác gì như mua thêm tủi.

Còn anh, có phải em cũng đã gán anh vào những người không hiểu em mà không thư từ với anh chăng? Chắc anh cũng cho là thế đấy anh nhỉ. Nếu vậy anh lầm rồi! Không bao giờ em gán cho anh thế đâu. Em biết anh hiểu em lắm! Chả hiểu em mà ngay hồi đầu tiếp quản, mặc dầu anh đã thừa rõ gia đình em thuộc vào tầng lớp nào rồi, mặc dầu anh có một số khó khăn trong việc tiếp xúc với em, nhưng anh vẫn không nỡ quên em, một nhi nữ của đội “chim Vàng” cách đây tám, chín năm anh đã phụ trách - khi anh về, đứa nhi nữ ấy đang trong tình trạng hoang mang, bố nó chỉ một, hai tính chuyện đi Nam... anh đã tìm đến nó, giúp đỡ nó để nó đến nay vẫn còn bố, đến nay vẫn còn được ngồi dưới mái trường Kỹ thuật này viết lá thư này cho anh.

Thật ra em không tin tức gì với anh, em thấy chỉ có một nguyên nhân. Nguyên nhân ấy: em không muốn để phiền lụy cho anh. Vâng, đúng thế, gặp anh nói chuyện bằng lời, nói xong lời tan đi, ai biết? Nếu viết thành chữ, qua đơn vị anh, sao khỏi phiền lụy hả anh.

Nhưng hôm nay em phải viết cho anh. Em thích viết, mạnh bạo viết là đằng khác nữa đấy. Sao vậy? Anh hỏi em thế ư? Em không trả lời ngay - anh cứ đọc hết lá thư này anh sẽ hiểu anh ạ...

...

Anh Khang! Em tính em sống trong cảnh “thế cuộc xoay vần” này thấm thoắt đã bảy, tám tháng có dư rồi! Chao ôi! Bảy, tám tháng! Bảy, tám tháng biết bao nhiêu sóng gió, chìm nổi đã đến với em! Phải, chỉ có bảy tám tháng thôi nhưng có lẽ cả đời em em không bao giờ quên được chuỗi ngày nặng nề ấy.

Mẹ em qua đời từ lâu rồi! Cả tình thương cần thiết cho một đứa con, em chỉ còn trông cậy vào một bố em thôi. Nhưng bố em, tuy đã được anh gần gụi, tuy đã được nghe anh giảng giải, những ý nghĩ đi Nam của bố em đã tắt, bố em đã ở lại, sẵn sàng chờ đợi chính sách đưa về... vậy mà khổ cho em quá, bố em yên lòng chẳng được bao ngày, những chuyện “nổ trời” từ trong thôn xóm ào ra, những tin “vỡ đất” ở khắp bốn phương xô tới, đúng như đã sai, hư cũng như thực, tất cả đã làm cho bố em dần dần như điên như dại. Người của bố em không còn ra hình dạng người. Bố em thất thểu, lêu đêu như chiếc bóng ma. Suốt ngày đêm bố em như một người câm, một người câm chỉ có thở dài, thở rốc hơi ra, hơi ra bao nhiêu, thân hình bố em lại teo, lại đét đi bấy nhiêu!...

Còn em, qua bao ngày được anh giúp đỡ, em đã cố chuẩn bị nghị lực chờ đợi giờ phút “sấm sét” này. Nhưng anh ạ! Sấm sét kinh hoàng quá, em đã choáng óc, xiêu hồn! Những ý kiến của anh có lúc hầu như em quên hết và đã có lúc em cũng như điên như dại, thờ thẫn như chiếc bóng ma...!

Nhưng không! Bố em còn trước mắt em kia! Cứ trông bố em, em phải gắng tỉnh lại. Phải, em không tỉnh lại, biết đâu mọi việc nó sẽ diễn ra đúng như lời anh đã bảo em từ trước, bố em lại sẽ tính chuyện đi Nam, hoặc rất có thể bố em sẽ tính đến nước kết liễu cuộc đời bằng sợi dây thừng, bằng con dao cứa họng! Cái sự im lặng cúa bố em đã gây cho em nhiều hãi hùng quá! Em phải tỉnh để dõi trông cái sự im lặng đó. Một phút điên dại của em là một phút, hoặc cả hai bố con cùng vào Nam, cùng dấn thân vào con đường không phải là lối thoát, hoặc em sẽ mồ côi nốt cả bố! Cuộc đời của em đã thiệt thòi tình mẹ, em để thiệt thòi cả tình cha nữa ư? Em không dám rời bố em nửa bước. Những đêm u tối, một tầu cau rơi soạt góc vườn, em tưởng như chính quả tim em bị rụng khỏi lồng ngực. Em lẩy bẩy ngồi dậy nghe cho đến khi thấy bố còn thở, còn cựa mình em mới hoàn hồn. Em sợ bóng đêm lắm. Gà gáy nửa đêm, em mong gà gáy tàn canh. Gà gáy tàn canh em đợi trời hửng sáng. Trời hửng sáng, bố vẫn còn, em bàng hoàng như người vừa qua một cơn sóng cả.

Nhưng đến một buổi, nỗi bàng hoàng của em còn phảng phất chưa tan thì một tổ du kích ập vào vây lấy bố em. Họ mở công lệnh ra đọc. Trời ơi! Anh Khang đã bảo có ý trước em sao cũng có sự này rồi, nhưng anh ạ, em nghe họ đọc công lệnh khác nào như họ đang tuyên án em vào tội tử hình. Em đã cố níu chặt lấy cánh cửa mà vẫn không tránh được té nhào. Người em như bị băng phủ! Đường gân thớ thịt em như có một bàn tay vô hình, tàn bạo nào túm mọi đầu mối, co chặt! Cứng, buốt, tê, dại!...

- Thế là hết! Sự thật thế này ư! Anh Khang ơi! Sự thật thế này ư! Có thể bằng cách nào khác để trừng phạt bố con em được không? Anh Khang ơi!...

Trí não em mờ mờ, ảo ảo những hình ảnh đau thương. Bố con nhìn nhau tạm biệt hay vĩnh viễn chia ly!

Bố em qua ngưỡng cửa...

Bố em run run bước xuống thềm...

Rồi qua cổng...

Từng bước, từng quãng như từng nhát búa đập vào trán em!

Em không nhìn rõ gì nữa rồi!

Nhưng em vội tỉnh, vùng dậy, lao theo...

Cánh đồng sương đổ mù mịt. Bố em lảo đảo đi trong màn khói xám!

Em gào lên:

- Cậu ơi! ... Tội sao cậu chịu vậy, cậu đừng chết cậu ơi!... Cậu ơi!...

Bố em sao không quay lại nói với em một lời?

Em muốn chạy theo nữa.

Nhưng chân em đã nặng như đeo cùm.

Mắt em bật đốm lửa vàng hoe!

Người em lại như bị băng phủ!

Đường gân, thớ thịt em lại như có một bàn tay vô hình, tàn bạo nào co chặt lại! Cứng, buốt, tê, dại!

Em bủn rủn, khuỵu xuống!

- Thế là hết! Sự thật thế này ư! Anh Khang ơi! Có cách nào khác để trừng phạt bố con em được không? Anh Khang ơi!...

...

Và cho đến lúc hồi chuông thu không vẳng lại, lạnh lẽo, âm i, em mới bừng mắt dậy. Em đã nằm trên tấm phản của nhà chị cốt cán Tá ở dìa đồng. Ngọn lửa bập bùng bên cạnh. Mùi bồ kết lẫn với mùi dầu bạc hà, lá ngải xông lên. Xung quanh lao xao bàn tán về em. Em ngơ ngác nhìn cảnh nhìn người và em cố nghĩ mãi mới nhớ lại được những chuyện đã qua. Nhớ lại rồi, em cực thân, quay lại vào vách khóc lặng...

Tiếng chuông thu không vẫn âm ỉ, lạnh lẽo. Con chim lợn bay qua kêu thé. Ruột em như bị thắt lại...

*
* *

Anh Khang! Cũng may hôm đó em không chết! Giá em mệnh hệ nào chắc bố em cũng không đủ sức để sống ở trại cải tạo cho tới ngày nay. Và anh, chắc khi được tin em chết trong khoảng thời gian ấy, biết đâu anh chả cho em là hèn yếu, tự tìm lấy cái chết xứng đáng với kẻ yếu hèn! Chẳng cứ gì anh, nhiều người khác có thể nghĩ về em thế lắm!

Nhưng sao me chết được! Em đã kêu van bố em phải sống, lẽ nào còn đi tìm lấy cái chết. Em phải sống, sống để đợi ngày bố con đoàn tụ.

Và sống như thế nào?

Trước đây anh đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về cách sống.

- Em ngược lên quê mẹ em ư? Không được! Trên ấy cũng đang như dưới này rồi! Và nếu chẳng “đang như dưới này”, em lần mò lên có khác gì như kẻ lẩn trốn. Em không muốn là đứa lẩn trốn. Hơn nữa lẩn trốn sao mà lẩn trốn.

- Em nhờ vả bà cô, ông bác để có một ngôi hàng chăng? Được lắm, sẵn vốn lắm. Các ông, các bà ấy đã bảo em nhiều lần rồi. Nhưng em không nhận được. Em không biết buôn. Mà dù em có biết buôn em cũng không thích buôn. Em đã xem xét và đối chiếu với những ý kiến của anh về cái nghề ấy rồi. Em sợ cuộc đời “nước bọt ăn tiền” để “phù vinh ngày tháng” quá rồi! Anh Khang ạ, nhắc đến hai chữ “phù vinh” em lại thấy rùng mình. Em tưởng như người em đang bị tuốt nứa!

Em thấy như muôn nghìn tia máu đang tứa ra loang đỏ khắp chỗ em ngồi, loang đỏ khắp cả trên trang giấy em đang viết cho anh nữa đây. Em rợn người và ghê tay quá! Anh để em tạm dừng bút một lúc anh ạ.

...

Thôi, em tiếp tục viết.

Anh Khang, em không theo nghề buôn. Em phải tìm một nghề nào nuôi sống được em một cách chính đáng hơn. Em phải tìm một nghề nào có thể đem lại một giá trị mới cho con người em (anh chả thường bảo em thế ư). Em đề nghị Nông hội cho em ruộng để em làm. Phần ruộng của em thuộc loại nào chắc anh cũng đã rõ chứ. Vâng, phần ruộng đó đúng là phần ruộng đáng dành cho hạng người trước đây “ngồi mắt ăn bát vàng” nay cần phải hứng lấy để mở mắt, để cải tạo. Em biết vậy nên em chả chê trách gì ai. Nhưng lẳn đêm, qua những ngày giờ “bán lưng cho giời, bán mặt cho đất”, mệt mỏi thấm sâu vào người em, em nghĩ miên man rồi ứa nước mắt và chỉ biết tự trách mình sao không sớm rõ con đường này từ lúc mới cất tiếng khóc chào đời (em dùng hai chữ “chào đời” có đúng không anh!).

Em làm ruộng gặp nhiều khó khăn quá! Anh tính, một nữ sinh như em xưa nay chỉ biết đứng trên đường nhìn xuống đồng ruộng rồi tả trong luận văn nào là “mênh mông... bát ngát...” nào lat “tít tắp xanh rì...”, cho đến khi đất nước mới giải phóng chỉ biết hát... “lúa vàng rỡn sóng...” thì sao chẳng khó khăn! Làm thế nào cho được “tít tắp xanh rì” để có được “lúa vàng rỡn sóng...”? Khó khăn lắm! Nhiều khó khăn không lường trước được. Nhưng em cứ gắng vượt. Xã hội hiện tại buộc em phải vượt. Thực tế miếng ăn trước mắt thúc bách em phải vượt. Em vượt quá khó khăn này, khó khăn khác lại dồn dập đến, kể cả những khó khăn của những cặp mắt, những lời nói nghiệt ngã, hằn thù của một số người coi em không bằng con chó ghẻ.

Ngày tháng cứ trôi qua. Em cứ cắn răng em làm.

Và chẳng bao lâu những cây lúa đầu tiên của em dần dần cũng lớn lên theo ngày tháng và có phần xanh tốt hơn một số ruộng xung quanh ruộng em. Chúng không đến nỗi phải tủi thẹn hoặc phải nguyền rủa kẻ khai sinh ra chúng. Chúng đã đem đến cho em một niềm tự hào vô hạn. Em thấy em đã có một chứng cớ cụ thể để trả lời câu “ngữ ấy thả ra vài ngày chết rạc”. Nhưng còn một niềm tự hào lớn hơn nữa là em thấy hai cánh tay của em chúng đã trưởng thành. Chúng đã có một giá trị đáng kể. Chúng không còn non bấy như hồi chúng còn đeo những chiếc xuyến vàng khè hoặc chiếc đồng hồ “ô-mê-ga” dây nhung đen mượt nữa. Đã nhiều lần em mến cánh tay của em quá, em đã cắn, cấu chúng nổi hằn lên mà em không biết đau. Lúc này, nhỡ có một tai nạn gì xảy ra, em mất chúng nó thì đời em hoàn toàn hết, hoàn toàn hết anh ạ.

Em viết dài rồi phải không anh?

Vâng, em biết thư đã dài, nhưng từ lâu không viết cho anh, chuyện này, chuyện khác chồng chất trong đầu óc em nhiều quá, anh thể theo hoàn cảnh mà chiếu cố cho em. Em kể cho anh nghe việc em đi học nhé. Ôi! Chuyện đi học cũng là một chuyện đáng nhớ của em đấy anh ạ.

Dạo ấy em đang vui với “thành quả lao động” khá đẹp đẽ kia thì một hôm, vào một buổi trưa, em đang làm đồng, chị cốt cán Tá ra gặp em, bảo em nộp đơn thi vào trường chuyên nghiệp.

Anh Khang, anh có biết lúc đó em như thế nào không? Anh ạ, thoạt nghe lời chị Tá, em uất người lên. Phải chăng đó là một thứ giễu cợt, xói móc tàn tệ. Phải chăng đó là một kiểu dò xét tầm thường của chị ta đối với em? Em cơ cực, khốn đốn vì lao động hay sao mà chị ta xử sự bằng cách nhẫn tâm thế?

Đúng, lao động là một biến chuyển lớn, một biến chuyển đột ngột trong con người em. Nó đã làm cho thân hình em có một thay đổi kinh khủng. Em tự biết lắm chứ. Nhiều lần em nhìn bóng em dưới nước, em thấy khuôn mặt em đã hóp lại. Hàng ngày em gỡ tóc, em biết trước đây tóc nhánh mượt, nay qua những trận nắng xối lửa, mái tóc em đã khô cứng và đã đổi sang mầu đỏ hung. Em nào có phàn nàn, thương tiếc những cái đã mất kia đâu. Trái lại mỗi lần nhìn bóng, nhìn mớ tóc trên tay, em còn thấy thích những nét “dầu dãi phong sương” ấy như một đứa trẻ vừa được manh áo mới là đằng khác nữa anh ạ.

Họ nhìn bề ngoài, họ đã vội đoán em đang run khiếp trước lao động. Họ dò đón xem em còn thói “sõng lưng ăn sẵn”, xem em còn quyện mùi “vào giầy ra dép” nữa chứ gì? Thật em sợ cho cái bụng dạ chị Tá này! Em lặng thinh, quay đi cho khỏi thấy bộ dạng con người “thị đời” ấy.

Nhưng không, chị Tá có lẽ tưởng em nghe chưa rõ, chị ấy nói lại cho em rõ hơn. Thì ra chị ấy nói thật.

Làm thế nào hả anh? Em đi học nữa chăng? Em phân vân quá! Cuộc đời nữ sinh ngày trước em đã cố chôn vùi nó vào dĩ vãng rồi, nay còn khơi nó lên làm gì? Em sợ nó lắm! Nó đã để lại cho em muôn nghìn cay đắng, hiểm nghèo khi bước vào con đường thực tế này rồi! Em đi học nữa chăng? Lúa của em sắp lên đòng. Thử thách lao động đầu tiên của em dù sao cũng gọi là thu được một phần kết quả. Bước đi của em hình như đã rẻo rẻo đôi chân. Nay em ngừng lại, quay sang hướng mới, liệu có yên ổn đến bờ đến bến không? Hay là nửa chừng dang dở khác nào như kẻ “bắt bóng thả mồi”? Lại còn bố em, em đang hy vọng đôi tay của em sẽ đỡ đần được một chút ít tiền nong hay manh quần tấm áo khi mùa đông tới... Rồi mai đây bố em hết hạn trở về, em đã quen công, thuộc việc bố con cùng tần tảo nuôi nhau... Giờ em đi học còn giữ sao được những ý định đó nữa!

Em không dám nghe lời chị Tá.

Hình như chị ấy sửng sốt trước sự chối từ của em. Chị ấy nhìn chằm chằm vào mặt em và hỏi gặng em một lần nữa. Em vẫn giữ nguyên ý kiến. Chị ấy không hỏi gì thêm. Nhưng sao mắt chị ấy không chịu rời em? Có vẻ chị ấy theo dõi từng lời, từng chữ, từng cái chớp mắt, từng cái lắc đầu của em hay sao ấy anh ạ. Mà trong sự theo dõi nọ, hình như còn kèm theo một xét đoán nào khác về em nữa đấy. Em chưa kịp kết luận ra sao thì chị ấy đã về mất. Tự nhiên em bối rồi hẳn lên!

Anh Khang, trước đây anh đã nói nhiều chuyện với em, nhưng có bao giờ anh nói đến chuyện học hành này đâu khiến em khó xử trí quá! Lại còn cái nhìn “chằm chằm” kia! Cái nhìn ấy “thông cảm” với em, hay nghi vấn em là “phản ứng giai cấp”, “chê bai chính sách”?

“Thông cảm”? Kể ra chị ấy cũng khó thông cảm với em được. Đã bao ngày em sống âm thầm, lặng lẽ với tâm sự riêng tư của mình rồi! Thông cảm sao được.

“Nghi vấn”? Kể cũng dễ nghi vấn thật. Chị ấy nghi cũng có lý của chị ấy chứ. Nhưng nghi em à? Khổ lắm! Em biết nói gì, làm gì cho người ta khỏi nghi em bây giờ.

Chị Tá đặt vấn đề đi học cho em, vấn đề ấy đã là một bài toán khó đối với em rồi. Cái nhìn của chị ấy lại là một bài toán lạ, một bài toán em chưa hề học tới công thức đặc biệt của nó. Tất cả đồ dồn lại, em không còn biết đường nào mà tìm được đáp số nữa...

...

Thế nhưng đến đêm, thao thức, trằn trọc mãi em cũng tìm ra được lời giải của con toán lắt léo ấy. Em vội đi gặp ngay chị Tá, xin nhận nộp đơn thi. Thi đỗ hay trượt em không cần nghĩ tới vội. Em cứ thi đã. Cứ thi để cái nhìn “chằm chằm” kia bớt đi phần nghi vẫn nào chăng... Lời giải đó đã giúp em yên lòng chợp mắt qua nối được cái đêm đầy mung lung, lo lắng.

Công việc chỉ có thế thôi ư? Nếu vậy em có thể yên lòng lâu lâu một chút thật. Nhưng qua việc làm đơn thi, lại một lần em phải chóng váng như bị một đòn nặng vào đầu. Đòn nặng ấy là những dòng chữ trong tờ mẫu kê khai lý lịch của chị Tá đưa cho em ngay buổi sớm hôm sau.

Chao ôi! Những dòng chữ “... thành phần và hoạt động xã hội của gia đình...” sao nó làm cho em đau đớn đến như vậy. Lần đầu tiên em phải hạ bút viết những câu trả lời nhục nhã của một không hai trong đời em. Miệng thế chưa đủ làm tan mặt, nát mày em nữa sao, mà nay còn bắt em phải dùng giấy trắng mực đen! Em không chịu nổi thương đau này! Em uất ức, thẳng tay đập vụn cái ngòi bút lá mía vô tội của chị Tá cho em mượn. Và liền sau đó em gục xuống chõng khóc - khóc cho đến lúc em thiếp đi lúc nào em cũng chẳng hay. Nếu em không bị những tiếng thét ở đấu trường hôm 25 làm em giật mình có lẽ không biết lúc nào em mới tỉnh được. Em muốn xé tan bản lý lịch ra làm muôn ngàn mảnh. Thi cử mà làm gì! Mở đầu cuộc đời cầm bút lần thứ hai này bằng những dòng chữ đắng cay, chua xót, em còn cầm bút làm gì cho thêm cực. Em quyết định đến gọi chị Tá để từ chối. Nhưng từ chối bằng cách nào? Từ chối nữa sao tránh khỏi người ta khinh em là tuồng con nít. Rốt cuộc em cũng đành nuốt bồ hòn làm ngọt vượt qua giai đoạn này. Và em đã cố đẩy ngòi bút qua được những dòng chữ ố bẩn trên trang “tiểu sư” của em. Em đẩy ngòi bút trong tình trạng ruột gan như bị xát muối.

Thôi em chả nhắc tới đoạn này nữa.

Em chuyển sang chuyện khác. Em sang chuyện hiện tại để anh vui cùng em nhé.

Anh Khang ạ. Hôm em dự thi, em chả hy vọng gì đỗ. Đỗ sao được mà đỗ. Em e lâu ngày quên bài vớ. Em e (điềm này cũng thú thực với anh), em e đối với những người như em, trên giấy tờ, trên lời nói của cán bộ có vẻ rõ ràng, minh bạch, rộng rãi, bao dung, nhưng biết đâu thực tế lúc tiến hành lại chả có những điều bí mật nào khác. Em đã trót nộp đơn, đã trót cầm bút mực lên trường, em phải thi. Cứ thử thi xem sao. Thi xong, em biết bài vở em làm không một chút sai lệch, em cũng không tin đến lượt em đỗ.

Nhưng kết quả đã trái với ý nghĩ của em. Em được trúng tuyển. Trúng tuyển vào loại khá có lạ không anh!

Hôm nhận được tin báo vào trường ăn học, những băn khoăn về cảnh sống của bố em trong trại cải tạo xa xôi, những lo sợ nhỡ vấp phải chuyện “thả mồi bắt bóng” lại rầy vò đầu óc em. Em trù trừ nửa muốn lui, nửa muốn học. Mấy đứa bạn cũ cùng thì đỗ với em, em ngỏ qua đôi chút với chúng. Chúng nghe, có đứa vung tay, ầm ĩ bảo em: “Gác chuyện cũ lại... gác chuyện cũ lại...”. Nó tưởng em đỗ cũng như nó đỗ mà. Nó nghĩ đến hay anh nhỉ. Có đứa lặng nghe, thở dài, chép miệng, ái ngại: “... biết thế nào cho cùng, cứ đi học với chúng tao cho vui, sức mày thế mà bỏ cũng phí”...

Lắm ý kiến lắm!

Và qua vài ngày bàn bạc với chúng, em đã nghe lời chúng. Thế là em lại bước vào cuộc đời nữa sinh, cuộc đời của lứa tuổi em.

Cuộc đời nữ sinh lần thứ hai này quả có khác với cuộc đời nữ sinh lần thứ nhất của em nhiều. Em chả cần nói nó khác ở chỗ nào - tại sao nó khác, chắc anh cũng đã quá rõ lắm rồi. Em có viết ra đây, anh đọc, anh lại cho rằng em khoe lý luận chính trị với anh, em bẽ lắm. Em đâu dám “múa rìu qua mắt thợ”.

Em sống nơi đây, thực tế xung quanh đã tạo nhiều điều kiện tốt để em tiếp tục cải tạo và phát triển khả năng theo đường hướng học tập mới của nhà trường. Sức lực của em dạo này mạnh hẳn lên. Tâm hồn em đôi lúc bị day dứt nhưng chưa đến độ chúi xuống, em đã vội vàng chỗi lên để kịp bám lấy nếp sống đang réo chạy cuồn cuộn trước mắt em.

Rồi bỗng hôm nay, nhiều điều tốt lành ngoài sự mơ ước đã đến với em.

- Buổi sáng, em được biểu dương trước toàn trường về thành tích học tập, lao động trong kỳ đầu sơ kết!

- Buổi trưa, em nhận được một món tiền rất quý! Đó là món tiền thu hoạch hoa lợi trên thửa ruộng thân yêu của em do Nông hội xã gửi tới!

- Buổi chiều, em đang tính chuyện ngày mai ra chợ mua vải, mua bông về may áo cho bố em, thì có thông báo của nhà trường cho biết em được hưởng học bổng loại cao nhất trong số những học sinh được học bổng!

Đời em sao lại được một ngày vui sướng thế này!

Em thấy đời em như mọc thêm cánh! Suốt cả buổi chiều em ngứa chân, ngứa tay lạ! Em gặp cái cây em cũng muốn leo tót lên ngọn! Em đứng trên gác cao, em cũng muốn nhẩy bổ xuống đất! Em phải cố ghìm em lại kẻo nhỡ xảy ra những lời nói hoặc những hành động lố bịch đối với các bạn em.

Em viết lá thư đầu tiên cho anh cũng trong giờ phút vui sướng này đây. Em viết để anh chia vui với em, nhưng cũng đồng thời cám ơn anh đã tận tình giúp đỡ em để em có được đôi chút nghị lực vượt qua những ngày đen tối nhất rồi mới có ngày hôm nay.

Anh mừng cho đứa em nhỏ của anh nhé.

Và anh nhận lời cám ơn của đứa em nhỏ này nhé.

Thôi, em dứt khoát dừng bút.

Em gửi lời kính chúc bác, anh, chị và các cháu được vui, mạnh, tiến!

Kính thư

Em: Trần Thị Cúc.

Tái bút: Tên em chỉ là Cúc thôi. Em xóa chữ “Kim” đệm đi rồi. Kim với kiếc làm gì nữa hả anh. à, cuốn “Thép đã tôi” anh cho em, em vẫn giữ được đây. “Dạo ấy” em giữ nó khá vất vả anh ạ. Nó phải nằm ở hốc cây những 39 ngày nên bị mối xông nát mất một số trang. Nhưng em đã chép lại đầy đủ cả rồi.



II

Ngày...

Anh Khang,

Em căm phẫn em quá lắm! Em phải viết ngay lá thư này để anh rõ nỗi căm phẫn của em!’Em nói thật, em đã dối anh từ lâu rồi! Hôm nay em không thể dối anh được nữa!

Em còn nhớ trong lá thư đầu gửi cho em, có đoạn anh viết: “... Nhưng dù sao Cúc vẫn luôn luôn đề cao cảnh giác với con người cũ của mình. Giờ em đang có nhiều thuận lợi, nó còn tạm nằm yên đấy. Nó chưa chết đâu. Nó sẽ lừa dịp em chủ quan, sơ hở, nó sẽ chỗi dậy, quật lại em những trận ác liệt không lường được đâu...”. Rồi cuối thư anh vẫn còn nhắc đi nhắc lại “Cúc phải đề cao cảnh giác - Cúc phải đề cao cảnh giác...”.

Em đã biên thư hứa sẽ hết sức chú ý theo lời anh dặn. Thế mà ngoảnh đi, chưa kịp ngoảnh lại, em đã không giữ đúng lời hứa với anh rồi!

Giờ em nhớ lại, ngay trong khi viết lên những câu hứa đó, em đã dối anh rồi. Lúc đó em vừa đưa bút vừa thầm cười, bảo anh là nhà quân sự có khác, lúc nào cũng “đề cao cảnh giác - cảnh giác đề cao...”. Nay chính vì cái “thầm cười” nó đã đưa đến em một kết quả đúng là ác liệt mà đến giờ phút này em mới thấy.

Anh Khang ạ, từ ngày vào trường, nhờ được trình độ văn hóa sẵn có của em, nhờ ở chỗ “biết thân biết phận” của em và nhờ ở cả sự an ủi, khuyến khích xung quanh nên em đã đạt được một số thành tích tốt. Đáng lẽ em phải thấy những điềm đó ngày một kỹ hơn mới đúng. Nhưng em đã mắc sai lầm rồi! Em không hiểu sao sau khi được biểu dương lần thứ ba em lại có một ý nghĩ điên rồ đến thế được. Em đã nghĩ: “Con nhà địa chủ thua kém ở chỗ nào không biết, chứ việc học hành, công, nông, bộ đội chuyển ngành khó lòng mà vượt nổi...”.

Thực ra câu này cũng không phải do em nẩy ra trước tiên. Nó do một số bạn cùng học với em, trong đó có cả công, nông và bộ đội chuyển ngành đã nói với nhau như thế. Tất nhiên trước mặt em không bao giờ các bạn nói vậy. Nhưng câu đó tự nhiên nó cứ lọt vào tai em.

Trước đây em đâu có dám “phổng mũi” vì câu đó. Nhưng dần dần, em không còn biết từ ngày giờ nào nữa, em đang nói ít, học nhiều làm nhiều, em chuyển sang nói nhiều, học ít làm ít. Hồi đầu mới vào học em có cãi lộn với bạn nào đâu. Gần đây em đã gây xích mích với bạn để bạn nói nặng, nói mát em. Em trêu chọc cả giảng viên... Cuộc nói chuyện về đợt kết nạp Thanh niên lao động vừa qua em có giật mình, sực nhớ tới lời anh, em đã tự kiểm điểm, nhưng không hiểu sao em chỉ gìn giữ được một vài ngày lại đâu hoàn đấy.

Rồi trong mục phê bình và tự phê bình của buổi họp tổ hôm nay, giữa lúc em đang thản nhiên coi mình như không có chuyện gì đáng nói thì các bạn đã nói em rất lâu.

Trời ơi! Khổ quá! Các bạn đã đưa nhiều dẫn chứng cụ thể, đã phân tích tội tự kiêu, tự mãn em quá rõ ràng, sao bấy giờ em lại tức run người lên và bây bây cãi bứa không nhận”.

Em tồi, em hèn lắm rồi! Em đã hứa láo với anh rồi!

Em viết thư này để anh rõ tội của em và để em cũng sẽ kiên quyết trừ bỏ cái bệnh độc địa này.

Thôi, việc gì phải “cũng sẽ kiên quyết” nữa? “Cũng sẽ” là đến bao giờ hả anh?

Em ngừng bút.

Khuya rồi, nhưng mặc, em phải sang đánh thức ngay tổ trưởng em dậy để nghe em nói hết, nói kỹ, nói tất cả, nói từ gốc đến ngọn những cái tồi, cái hèn của em mới được.

Em chờ đợi những lời trách mắng của anh.

Thôi, em đi đây.

Em: Cúc



III.

Mồng một Tết...

Anh Khang mến!



Đáng lẽ em viết lá thư này sau đêm giao thừa và nó đã đến tay anh từ sớm nay rồi. Nhưng em không dám viết. Đến giờ em không thể đừng được, em phải viết và mong anh cố đọc cho em.

Anh Khang ơi! Thế là những lời động viên, khuyến khích, an ủi của anh trong mấy lá thư anh gửi cho em, mấy hôm nay em hầu như buông trôi hết mất rồi!

Em không giữ được cả những nguồn vui vì kết quả sửa chữa khuyết điểm của em nữa rồi!

Mấy bữa nay em khóc nhiều quá! Em cố dằn lòng nhưng càng dằn lòng bao nhiêu càng đổ nước mắt ra bấy nhiêu. Em không giấu anh nữa. Thú thực với anh, em đã khóc vì cái Tết đấy anh ạ.

Thế có khổ em không hả anh?

Những ngày đầu, chữ “Tết” mới thấp thoáng bên tai em, em chỉ thấy trong lòng xôn xao một chút rồi em trấn tĩnh được ngay. Em tin ở nghị lực của em có thể vững vàng ở lại ăn Tết trong trường được lắm. Có riêng mình em đâu mà em lo. Nhưng càng ngày chữ “Tết” một to, một lớn ra, to lớn như trái núi, và không biết nó lấy thêm sức mạnh ở đâu, nó xô vào người em, nghị lực của em phút chốc bị rã rời. Nhất là buổi toàn trường bắt đầu phân tán.

Buổi đó, các bạn em, người tận Khu Bốn, người tận Lạng Sơn cũng thu dọn đồ đạc để về. Còn em, quê hương cách đây không quá một chục cây số lại chìa tay tiếp nhận những thứ các bạn gửi lại. Các bạn tranh nhau đi ăn cơm sớm, em đi đâu mà phải làm như các bạn, nhưng em vẫn bị co kéo vào ăn, ăn cho các bạn... đủ mâm!

Đến giờ các bạn về. Ngoài cổng trường bao nhiêu người chờ đón họ. Cha có, mẹ có, chồng có, vợ có, anh em, bạn bè thân thiết có, lại cả người yêu cũng có... Riêng em đứng dưới mái hiên nhìn ra thì có ai đâu! Mấy cây thông hú gió đập vào tai vào mắt em! Nghị lực của em từ giờ phút ấy hoàn toàn tiêu tan... Em chạy vội vào giường trùm chăn để che giấu xúc cảm của em kẻo những người ở lại hoặc chê cười em, hoặc ảnh hưởng vì em. Những chiều thứ bẩy khác cũng có nhiều cảnh tương tự, em đâu có bị sa vào cái hố sâu thẳm này.

Thật chua xót cho em quá! Tết đối với ai thì vui, Tết đối với em nó trở thành một thứ gợi đống tro tàn về. Họ về vui với gia đình, vui với quê hương đầm ấm. Em về vui với đâu? Vui với cái nhà “mới” mà nông dân vừa đưa em đến ở ư? Cái nhà “mới” ấy lúc em chưa đi học em nghĩ khác, giờ đây sao em cảm thấy nó như cái quán hoang bên đường. Với ý nghĩ ấy em về quê hương sao được hả anh!

Em tiếc cái Tết “dĩ vãng” và oán cái Tết hiện tại chăng? Em cố nén tâm để tự tìm hiểu mình, em thấy không đúng. Em chỉ thấy lòng em trống trải thôi. Em vẫn còn nghi em. Em tự xét thêm một lần nữa. Nhưng anh Khang ạ, lòng trống trải, tự nhiên bắt em bật lên tiếng khóc. Hình ảnh cha em, mẹ em, rồi câu chuyện yêu đương ngày trước, tất cả hiện lên trước mắt em... Em khóc lâu quá anh ạ! Khóc đến nỗi em sợ cả tiếng khóc của em! Em vội vàng phá vòng vây bằng cách lau sạch nước mắt rồi lăn vào công cuộc chuẩn bị đón xuân cùng với mọi người. Em vừa làm vừa hát, hát thật to để áp nỗi buồn kinh khủng kia. Trước nó còn gượng ép, sau em cứ làm, cứ hát mãi và cũng có lúc trong tiếng hát của em, em cũng nghe rõ tiếng xuân về trong tâm hồn em. Và tự dưng cái náo nức của tuổi trẻ lại đưa em đến lẽ sống của cuộc đời.

Nhưng chỉ đến lúc tiếng pháo giao thừa nổ, rối ren lại đến ám ảnh em. “Náo nức” và “lẽ sống của cuộc đời” lại như chìm nghỉm hết. Đống tro tàn lúc này lại ngùn ngụt thiêu đốt ruột gan em. Em trốn đâu cho thoát bây giờ? Về nhà bà cô, ông bác ư? Về có ích gì hơn? Bà cô hễ động trông thấy em là nước mắt ngắn nước mắt dài! Ông bác hễ động trông thấy em là lại nói này nói nọ, ý thức, luận điệu của ông ta chỉ gây thêm khổ thêm bực cho em thôi.

Lối thoát của em bế tắc cả rồi anh Khang ơi! Em đến chỗ bố em ư? Đến giờ em mới đề ra thì đâu còn thời gian nữa. Thời gian cứng nhắc quá! Sao cuộc đời giữa lúc đang lên, giữa lúc mọi người đang vui với hoa, với pháo, mà em, tuy không có bàn tay ai giúi xuống, em vẫn cứ thấy nặng trĩu thế này! Nặng trĩu suốt từ dạo nọ đến giờ chưa cất được người lên!

Mọi người đã và đang tìm mọi cách sưởi ấm cho em, sao em thấy vẫn giá lạnh quá chừng! Đến lúc này em nghĩ kỹ lại, thì anh ạ, theo ý em, người ta ai cũng có hai gia đình, một lớn, một nhỏ, còn em, em thấy hình như thiếu thốn một thứ thì phải. Dứt khoát là thiếu rồi còn “hình như” gì nữa. Em thiếu mất tình cha mẹ. Em thiếu mất tình yêu thương của tuổi trẻ. Thiếu nhiều, nhiều lắm! Em chỉ muốn thét lên cho vợi khổ!...

Thôi, em không viết nữa, mặc dầu em còn muốn viết nhiều. Mảnh giấy này sao chứa hết được lời em. Chữ em viết hỏng quá, anh cố đọc cho em.

Chúc bác, anh chị và các cháu một năm vui mạnh.

Em: Trần Thị Cúc

*
* *

Sớm mồng hai Tết.

Khang sắp sửa đi thăm bà con ở xóm trên thì một nữ sinh miền Nam tới gặp và trao phong thư của Cúc cho Khang. Cô nữ sinh này chỉ kịp dặn với lại Khang: “Thư cần đáy, anh xem ngay cho nó”. Cô ta nói xong vội vàng đi dự cuộc họp mặt với các bạn đồng hương.

Khang đọc xong đứng lặng hàng giờ lâu. Rồi anh xuống bếp nói chuyện với mẹ và vợ một lát. Đoạn anh chạy sang ông bác mượn xe đạp và bộ thường phục, đi liền.

Tới phòng thường trực trường Kỹ thuật, Khang ngồi chờ độ dăm phút thì cửa phòng từ từ mở. Một cô gái tóc xén ngang vai, bận áo xanh công nhân, nghiêng nửa người vào. Cô ta giương to cặp mắt tròn, đen, sửng sốt nhìn Khang. Khang vẫn ngồi yên trên ghế. Anh nghiêng đầu, nheo mắt nhìn lại cô gái, và khi đã rõ, anh đứng phắt dậy, tiến nhanh ra cửa, anh nói như reo lên:

- A, em Cúc, vào đây, trông em anh không nhận ngay được đấy.

Cúc có nhiều thay đổi thật. Người Cúc trước kia lùn lùn, bù bù, nay gọn lại và có vẻ cao hơn. Khuôn mặt Cúc trước kia tròn tròn, nay hơi trái xoan.

Cúc nhè nhẹ bước vào, mắt vẫn không rời Khang. Ngập ngừng mãi Cúc mới nói khẽ:

- Anh! Anh lên thăm em!

Rồi Cúc đứng yên trước Khang, đầu dần dần cúi xuống. Khang cũng yên lặng nhìn Cúc và bỗng nhiên Cúc chạy tới một góc tường, ôm mặt, khóc nghẹn ngào.

Khang biết Cúc lúc này đang như thế nào rồi. Anh không can ngăn, trái lại, anh trầm ngâm tiến gần bên Cúc và một lúc lâu anh mới nói nhỏ:

- ừ, em cần khóc lắm. Cứ khóc đi em ạ.

Khang đợi đến lúc Cúc lau nước mắt, Khang mới giục:

- Thôi, em vào báo cáo nhà trường rồi về với anh.

Cúc chả nói câu gì. Một phút sau Cúc lững thững đi ra.

Khang nhìn theo. Cho đến khi Cúc đã khuất sau dãy găng, Khang mới trở vào lấy gói thuốc lá rồi bước ra chỗ dựng xe.

*
* *

Mấy hôm sau Khang đưa Cúc lên trường.

Lúc đó là buổi chiều, nắng nhạt. Gió đầu mùa man mát. Khang đạp xe đi thong thả trên đê. Dòng sông lấp lánh, uốn khúc, hiền lành.

Cúc ngồi sau Khang lặng ngắm cảnh vật lướt từ từ trước mắt.

Một tốp nam nữ thanh niên chờ đò để sang làng bên dự hội. Họ ngồi giải trên bờ ruộng xanh và cùng hát bài “Xuân trên đất nước”.

Xe đi đã xa, lời ca vẫn bay theo, bay theo.

Giọng nữ sao vương vẫn mãi không thôi? Khang lắng nghe, thì ra Cúc đang khẽ khẽ hát lại đoạn điệp khúc.

Khang vẫn cho xa đi chầm chậm. Bỗng Khang nhớ tới lá thư Cúc viết cho Khang đêm mồng một. Trong đó có đoạn Cúc kể: “... Lúc này em cũng nghe rõ tiếng xuân về trong tâm hồn em. Tự dưng cái náo nức của tuổi trẻ lại đưa em đến lẽ sống của cuộc đời...”.

Tiếng hát của Cúc vẫn trong trẻo ngân nhẹ bên Khang.

Khang mỉm cười.

Tháng 6.1957

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)