Văn xuôi  Sáng tác

Chuyện ở bến Bà Lụa

Thứ Năm, 01/11/2018 00:39
Truyện ngắn dự thi. PHAN ĐỨC NAM

nguyen van duc 1Sau giải phóng, tôi và Na nhiều lần tới bến Bà Lụa. Đã hơn hai chục năm rồi, cảnh cũ không còn, nền cũ của hai căn lều cũng không thể tìm ra vì một con đường lớn đã băng ngang, hai bên đường mới tráng nhựa đó có nhiều nhà tôn nhà gạch, lác đác vài biệt thự vườn.

Vợ chồng tôi vào những nhà đó hỏi thăm, nhiều người không biết. Có đôi ba người biết, thì họ cũng không biết nhiều bằng tôi với Na.

Chỉ có bờ sông là cũ. Nước sông vẫn trôi.

Na bày trái cây ra dĩa, nước mắt rưng rưng. Tôi thành kính thắp nhang rồi cắm bên bờ sông, hai chúng tôi im lặng, nhìn về kỉ niệm đau xót. Tuy cả hai không nói ra, nhưng có lúc nghĩ, thôi mình tránh về nơi này, vì mỗi lần về, nhìn cảnh mới nhớ cảnh cũ, nhìn sông rồi lại khóc. Nhưng nghĩ là nghĩ vậy, hai vợ chồng lâu lâu vẫn rủ nhau về, để được nhớ, được đau buồn. Chúng tôi muốn quên nhưng không được…

Cho tới một sáng, Na đánh thức tôi dậy, nói: “Đêm qua em mơ thấy anh Huân về, gương mặt sáng rỡ, vui lắm anh à!”. Tôi ngước nhìn tờ lịch, gật đầu: “Ờ… ảnh về nhắc đó. Mốt giỗ ảnh rồi. Em chuẩn bị, mai gia đình mình đi”.

Sớm hôm sau, tôi chở Na bằng xe Honda, hai đứa con gái sinh đôi của chúng tôi cũng chở con nhỏ của chúng theo. Mới hơn sáu giờ gia đình chúng tôi đã có mặt ở bến Bà Lụa. Từ xa, chúng tôi thấy một chiếc xe hơi bóng lộn đậu sát đường bờ sông, có ba bốn người đang lúi húi thắp hương phía dưới.

Gió sông thổi cuộn lên làm tôi chợt rùng mình! Có gì đó trùng hợp? Linh tính mách bảo, tôi dừng xe bước lại gần phía họ.

Một thanh niên trên dưới ba mươi đang đốt nhang, một ông tóc bạc và một cô gái vận đầm chắp tay đứng bên. Tôi giật mình khi thấy người thanh niên cúi xuống để lộ vết chàm sau cổ phía trái. Tôi bước nhanh lại, trời ơi, gương mặt giống hệt Huân ngày xưa. Đúng khuôn mặt của Huân rồi…
*
*   *
Tôi sinh ra, lớn lên và sống ở đây đã lâu mà cũng không biết bà Lụa là ai và có từ bao giờ. Nghe nhiều người già kể thì ngày xưa, không xa lắm, ở cửa con rạch lớn chảy ra khúc Sông Bé đó, thuở còn sấu lội cọp đua, có một bà tên Lụa (tôi nghĩ cô Lụa thì đúng hơn) làm nghề chèo đò chở khách qua sông. Nghe nói cô thôn nữ tên Lụa đó đẹp lắm, có mái tóc dài đen mun phủ quá eo thon. Những đêm chèo đò chở khách, mái tóc dài của cô bay bay theo gió như dải lụa mềm óng ả dưới trăng, những lọn tóc người đẹp quất vào tim óc đám đàn ông con trai làm họ khó ngủ.

Một chàng trai sau những đêm không ngủ đã nhiều lần qua sông, anh trở thành chồng cô Lụa, họ có một đứa con trai kháu khỉnh, gia đình sống hạnh phúc dưới túp lều tranh.

Một ngày, người chồng đi theo tiếng gọi bên kia sông, mãi không thấy trở về. Đứa trẻ tên Lực nhờ tình thương của mẹ lớn lên khỏe mạnh gan dạ, bắt sấu bẫy cọp không hề sợ. Lực thường hỏi mẹ về cha mình, không ít lần anh bơi qua sông tìm tin tức ông. Những cuộc đi ngày một dài thêm. Đến một ngày, Lực đi tìm cha rồi không thấy về. Bên kia sông bom đạn vẫn đì đùng, bà Lụa lo sợ mỏi mòn chờ đợi.

Năm tháng qua đi, sức khỏe bà Lụa ngày càng yếu dần, không chèo đò được nữa mà mò cua bắt ốc sống qua ngày, vẫn kiên trì chờ đợi ở bến sông.

Bẵng đi một thời gian dài bến ấy vắng bóng bà, nhiều người nghĩ chắc bà đi tìm chồng con, có người nghĩ bà mất rồi. Nhưng sau lại thấy bà xuất hiện, và thật bất ngờ, nhiều người hoang mang ngơ ngác khi thấy bà Lụa lúc thì già, lúc thì trẻ, cứ như cải lão hoàn đồng. Sau họ mới biết cô gái trẻ thay bà Lụa chèo đò là con nuôi mà bà đem về. Cô đó cũng để tóc dài. Người ta không biết cô tên gì nhưng cứ gọi là cô Lụa, cô chỉ mỉm cười. Bến xưa lại rộn ràng, nhiều chàng trai lại tìm cách qua sông để có dịp ướm lời với người đẹp, người đẹp khéo léo chối từ: “Tui mồ côi. Má nuôi tui, thương tui. Sau này con trai má về, tui sẽ là con dâu má...”

Đó, chuyện kể về bà Lụa hay cô Lụa cứ mông lung bảng lảng như vậy. Hỏi cô Lụa sau này ra sao? Có gặp được chàng trai tên Lực để thành chồng vợ không? Người kể chỉ lắc đầu: Thì… cô Lụa sau già thành bà Lụa đó. Thời chiến tranh, bến sông nào mà chẳng có phụ nữ chờ chồng chờ con…

Sau nữa, tôi được nghe một vài người, hình như cha ông họ trước có làm việc cho Pháp - họ ra vẻ sành sỏi, suy luận giải thích rằng tên Lụa xuất phát từ Lucie, do phát âm tiếng Việt mà thành. Lucie là tên vợ hai của quan ba Pháp trước đây cai trị vùng này. Bà Lucie đẹp nhưng tham ác gớm ghê. Bọn lâu la dưới tay bà cực kì hung dữ. Những ai chống cự lại chúng dễ bị làm mồi cho sấu ăn. Mụ Lucie lại có vẻ thích cảnh dã man đó mới quái! Nhiều người che miệng gọi mụ là Lucifer - tên một chúa quỷ cực kì hung ác.

Vợ chồng mụ Lucie có hàng chục đồn điền cao su, trải dài từ những cánh rừng Sông Bé đến giáp Đồng Nai. Những đồn điền bạt ngàn đó được phân cho tay chân của quan ba trông coi, hàng năm thu về không biết bao nhiêu mà kể những tấn mủ cao su, sau đó nấu ép thành từng bánh cao su lớn để chở về Pháp.

Thấy mực nước ở ngã ba rạch Bà Lụa sâu, khi nước lên thuyền lớn có thể cập sát bờ, vợ chồng quan ba cho xây dãy kho lớn ở bến sông đó để tập kết bánh mủ cao su, từ kho sẽ đóng kiện chuyển lên thuyền lớn xuôi con nước về cảng Sài Gòn. Và bà Lucie cho làm thêm một biệt thự nhỏ toàn bằng gỗ quý để có chỗ nghỉ dưỡng, luôn tiện trông coi kho bãi.

Thời đó, quan ba Pháp đã lên kế hoạch nạo vét khúc sông này, xây dựng thành cảng sông lớn của đất Thủ, bỏ tên Bà Lụa đi mà lấy ngay tên vợ là cảng Bà Lucie. Mặc kệ Pháp muốn đặt cảng sông mới là gì, dân ở đó vẫn gọi là rạch Bà Lụa, bến Bà Lụa. Bà Lụa nghe dân dã dịu dàng, thuần Việt, dễ đọc hơn là Lucie hay Lucifer.

Dự tính xây cảng của quan Pháp không thành vì ông ta bị quân của Huỳnh Văn Cù phục bắn chết. Sau đó du kích đốt tiêu luôn dãy kho cao su và căn biệt thự gỗ ở bến Bà Lụa. Trận cháy đó ba bốn ngày đêm không ai tới cứu. Sức cháy nóng tới nỗi những viên gạch thẻ to dày xây tường cũng nứt toác, bể tung.

Không biết những chuyện về bà Lụa người Việt hay bà Lucie người Pháp có thực hay không, và thực tới cỡ nào. Dẫu sao thì những câu chuyện quá khứ đan xen đó đã làm phong phú thêm vùng đất quê hương...

Khi tôi tới ở rạch Bà Lụa thì nơi đó chỉ có hai túp lều tranh nằm gần nhau. Túp lều cũ là của vợ chồng già không con cháu. Ông Bảy đã gần bảy mươi là lao động chính, có khách gọi thì ông chèo đò kiếm tiền mua gạo. Bà vợ bị lòa đã lâu, thơ thẩn làm lụng quanh nhà. Túp lều kế bên rộng hơn, của đôi uyên ương trẻ từ miền Tây trốn nhà tới nơi xa xôi này để được sống với nhau. Cô vợ hay hát vọng cổ, rảnh là chạy qua phụ bà Bảy nấu cơm. Anh chồng thua vợ một tuổi, khỏe mạnh nhanh nhẹn, hồ hởi nói với người mới tới là tôi: “Ờ, tới đây ở cho vui. Nhậu được không?”. Tôi gật, nghĩ: “Gặp bợm rồi”. Nhưng anh Tý biết nhậu chớ không bợm, có gì ngon hay vui hai người cưa đôi một xị, và anh ăn sáu bảy tô cơm, nhiều gấp hai tôi.

“Nói thiệt đi? Tới đây trốn lính phải không em?” - Anh Tý hỏi. Tôi gật. Anh cười: “Anh em mình cùng cảnh ngộ. Còn trẻ mà chui vô đây buồn muốn chết!”. Anh nói vậy nhưng không buồn, nhờ cô vợ trẻ hay hát. Hứng lên anh Tý cũng hát ồm ồm: May mà có em, đời còn dễ thương… Lâu lâu anh thay chữ em bằng Mai, Mai là tên vợ anh.

Anh Tý tính phụ tôi đốn cây về dựng lều, ông Bảy bàn: “Làm thêm cái chái bên nhà tao thôi, tao còn dư cái chõng tre. Nó có một mình ở với vợ chồng tao cho vui, chớ làm thêm lều, lỡ tụi xã kéo lính tới hỏi người thì sao?”. Anh Tý và tôi ngẩn ra. Ông Bảy nói tiếp: “Hai đứa đào thêm cái hầm nữa ngoài vườn, có gì mày và nó có chỗ trốn, chỗ thoát”.

Chị Mai vợ anh Tý nuôi một đàn vịt bầu, năm sáu con ngỗng, thêm hai con chó giữ nhà. Hễ có bóng người từ xa, có tiếng máy cô-le xình xịch tấp vô, là chó sủa ngỗng la, dư thời gian cho tôi và anh Tý chui xuống hầm, nếu có bị phát giác miệng hầm, thì từ trong hầm đó vẫn có đường thông để thoát ra ruộng. Tụi tui đã tính kĩ rồi.

Năm sau, vợ chồng anh Tý có con gái. Bé mới được ba tháng tuổi thì một sáng, anh biểu vợ làm mâm cơm đáp tạ trời đất, rồi mời vợ chồng ông Bảy và tôi qua. Anh nói với ông Bảy: “Vợ chồng con phải đi hai bác à. Ở đây mát mẻ, làm ăn cũng được, nhưng trốn chui trốn nhủi hoài con tức quá! Vì thương vợ thương con thôi, chớ không phát triển được. Tụi con về quê để cháu nhỏ lớn lên có chỗ học hành. Ba má con chắc cũng nguôi nguôi rồi. Còn con thì sợ gì. Về đó rồi tính sau”. Xong anh quay qua tôi: “Mày ở lại phụ giúp hai bác nghe. Phải hết sức cẩn thận. Cùng lắm thì dông”.

Ông Bảy ngồi im không nói gì, bà Bảy quờ quạng run run giơ hai tay: “Tụi bây đi thiệt hả? Cho tao ẵm hun con nhỏ một chút…”.

Anh Tý về quê nhưng đã nói giùm suy nghĩ bức bách của tôi.

Tôi cũng đang tính đường của mình.

Tôi yêu cô lái đò, cô tên Na - người bên đất Củ Chi.

Tôi gặp Na trong một đêm cô chèo đò đưa du kích sang sông. Tôi xin họ được theo, một anh lớn tuổi suy nghĩ rồi nói: “Em chưa bị lộ, nên trụ đây phụ giúp ông Bảy. Anh sẽ nói với anh Tứ xã đội trưởng bên này, ảnh sẽ liên lạc với em”.

Vậy là tôi vô du kích, coi như đồng đội với Na, tôi sẽ có dịp được gặp và nói chuyện với cô.

Lạ thiệt! Mỗi khi nhìn Na chèo đò tôi lại nghĩ Na chính là hiện thân của cô Lụa ngày xưa. Khi quen thân tôi nói với Na vậy, Na tròn mắt vặn: “Lụa nào? Người yêu anh tên Lụa phải không?”. Tôi lắc đầu. Na không tin.

 
nguyen van duc 2
Minh họa: Nguyễn Văn Đức

Tôi kể cho Na nghe chuyện về bà Lụa, cô Lụa - toàn những chuyện người ta kể lại. Cố gắng rề rà để được ngồi gần Na lâu hơn. Na thích thú ngồi nghe, rồi nói: “Hổng được ví em với cô Lụa ngày xưa nghe. Sợ sau này em cứ phải chờ chồng chờ con. Buồn lắm!”. Tôi cười: “Anh chờ em thì có”. Na đỏ mặt cúi đầu, tôi mạnh dạn nói nhanh: “Anh sửa lại căn lều. Em về sống với anh nghe?”. Na phát vào vai tôi một cái thiệt đau, rồi đỏ mặt quay đi.

Chuyện tình tôi ở bến Bà Lụa này cũng đẹp chớ.

Khi tôi nghĩ mình sắp cưới được Na thì cô bỗng bặt tin.

Tôi chờ đợi ngơ ngẩn mấy tháng trời. Quá sốt ruột và thắc mắc, tôi mượn ghe ông Bảy qua sông. Mấy lần qua hỏi thăm, tôi mới được một bạn du kích cho biết là cô Na con bà Tư ở chợ Bình Mỹ đã lấy chồng, đám cưới tổ chức trong bưng nên bà con làng xóm ở địa phương ít ai biết.
Tôi sụp xuống đau đớn!

Tôi trách Na, hận Na. Dẫu Na chưa hứa nhưng sao cô không chối từ những lời ướm hỏi cầu hôn của tôi? Để tôi khỏi phải hi vọng, để tôi khỏi phải lên rừng đốn cây, ra đồng cắt tranh, về sửa sang lại căn lều. Để tôi có lúc đau buồn quá muốn cắm đầu xuống sông. Để… rồi tôi nghĩ Na có yêu thương gì mình đâu! Na chỉ thương hại mình nên không nỡ chối từ.

Nửa năm sau, khi vết thương lòng tạm nguôi, thì một đêm bên kia sông có hai cán bộ về hoạt động - anh Tứ xã đội trưởng đã báo trước để tôi chuẩn bị.

Anh Huân tổ trưởng đặc công chuyên về chất nổ là người nhanh nhẹn tháo vát. Chiến sĩ theo anh Huân hiền lành ít nói, coi bộ lì lắm. Ban ngày họ núp dưới hầm bí mật ngoài vườn. Tôi lẫn trong rẫy bắp cao quá đầu người, vừa xạc cỏ vừa để ý canh chừng. Bảy tám giờ tối không có động tĩnh gì, hai người mới lên khỏi hầm để tắm rửa, ăn cơm và nghỉ ngơi. Anh Huân bày tôi cách ráp mìn, nối dây điện, kĩ thuật đặc công… Và dẫu có hai con chó và đàn ngỗng tinh khôn, ông Bảy vẫn mắc võng sau chái bếp nằm đu đưa.

Anh Huân ngắm căn lều tôi ở, có ngăn buồng… tân hôn, mỉm cười hỏi: “Tính rủ em nào về sống chung phải không?”. Tôi thực tình nói rủ rồi nhưng cổ không ưng. Huân toét miệng cười: “Thiệt hông?”. Tôi gật. Huân gật gù: “Trước đây tui cũng rủ vài cô nhưng thất bại. Vậy mà vợ tui không rủ lại tới, đúng là duyên số. Tui đâu có quen cổ trước, mà cưới thiệt nhanh ở trong bưng, điều này cả hai đứa tui cũng không nghĩ tới”.

Tôi nghi nghi, tìm cách hỏi tới, Huân hồn nhiên kể:
- Một sáng, tui rảo rảo vô chợ Bình Mỹ tìm người liên lạc, thì thấy cô bán trái cây ngoắc lại, tưởng người đẹp mời mua hàng, tui tấp vô, ai ngờ cổ níu tui, hấp tấp nói: “Anh làm ơn cứu tui”. Tui giựt mình: “Cứu gì?”. Cô ấy nói: “Lúc nãy tụi lính tới giả bộ mua hàng để chọc ghẹo tui. Một thằng say xỉn lải nhải hoài! Tụi lính kéo hắn đi. Tên xỉn bỏ quên cây súng dựa góc sạp. Tui ghét quá đem giấu dưới này… Không ngờ tụi nó đang quay lại tìm kìa! Đó đó!… Anh làm ơn giấu cây súng dưới gầm giùm tui. Mau mau anh ơi!...”. Tui nghe xong cũng bối rối, đám lính chỉ còn cách tui và cô gái chừng mươi mét, lấy súng ra là chúng thấy liền. Chúng tới xét thì cô gái nguy, tui cũng nguy. Tui phản xạ lẹ, cúi xuống chụp súng lên đạn và lia luôn nửa tràng, rồi kéo cô gái chạy. Nhờ thuộc địa bàn và bà con phụ che giấu, tụi tui thoát được. Cô gái sau đó không dám về nhà, đành theo tui vô rừng luôn”.

Tôi ngơ ngẩn hỏi: “Vợ anh tên gì?”. Huân trả lời: “Tên Na. Vô đó tui mới biết cổ là con gái bà Tư ở chợ Bình Mỹ, cơ sở mà tui đang muốn liên lạc”.

Tôi nghe mà phân vân… Huân kể tiếp: “Cô Na nói: Em tính chôm súng địch về đưa má, để má chuyển cho mấy anh”. Vậy là đồng đội rồi, duyên trời rồi, anh em đơn vị thúc vô, tụi tui cưới nhau luôn. Giờ vợ tui có bầu, tui tính đưa vợ về sanh, sợ trong rừng không đủ điều kiện. Nhưng vợ tui chưa dám về. Chắc chắn tụi lính còn canh, vụ đó ba thằng chết hai, một thằng bị thương lận. Mẹ vợ tui sau đó bị tụi nó bắt lên bắt xuống nhiều lần”.

Tôi buột miệng nói: “Hổng nên về Củ Chi. Nếu anh không chê… anh và vợ có thể qua đây tá túc ở căn lều này. Từ đây về chợ Thủ cũng không xa, có nhà bảo sanh…”.

Anh Huân mừng rỡ nhìn tôi, nhưng còn ngần ngại, tôi nói tiếp: “Tui cũng như anh đi về thất thường. Căn lều này không phải của tui đâu. Tui một mình ở đâu cũng được. Nếu anh chị tới đây ở thì tui qua bên ông Bảy, lúc trước tui cũng ở bên đó mà”.

Thấy tôi thực sự muốn giúp, khi về căn cứ, anh bàn với vợ, nói đã tìm được chỗ tá túc, vừa xa vừa kín đáo. Qua câu chuyện Na đoán là căn lều tôi đang ở nên cô ngại, không nói cho chồng biết lí do mà tìm cách chần chừ. Tới tháng cuối sắp sanh, thấy bụng mình lớn quá, thêm nhiều người khuyên, Na mới chịu lên ghe theo chồng qua bến Bà Lụa.

Khi hiểu chuyện, tôi không còn buồn giận Na mà thực sự muốn giúp vợ chồng cô. Gặp lại Na tôi mừng lắm. Na cảm động nói em xin lỗi anh, em đã nghĩ tới việc sống chung với anh. Nhưng vợ chồng là duyên số phải không anh. Trước sau gì mình cũng phải gặp nhau để nói về chuyện này. Giờ vợ chồng em rất đội ơn anh.

Chính ông Bảy đưa Na tới nhà bảo sanh gần chợ Thủ, ông nói với bà đỡ: “Nhờ mấy chị giúp con gái tui, chồng nó đi lính xa…”.

Bên ngoài, Huân và một đồng đội bí mật theo bảo vệ. Cũng đêm đó tôi chèo thuyền sang Củ Chi, bí mật tới nhà mẹ Na để rước bà qua chăm sóc con gái. Bà Tư nói chỉ ở lại đôi ba ngày, sợ vắng mặt lâu tụi địch để ý.

Tối đó Na sinh bé trai nặng bốn kí rưỡi, thằng bé bụ bẫm, có vết chàm sau cổ giống hệt Huân.

Huân hoạt động bí mật nên anh thường vắng nhà. Từ khi vợ chồng Na tới ở tôi ít về hơn. Có đêm tôi lặng lẽ chui vô chái nhà ông Bảy nằm. Ông Bảy tỉnh ngủ, nghe động hỏi: “Mày về đó hả Hai?”. Tôi dạ rồi trùm chăn, sáng tranh thủ đi sớm.

Na nghe ông Bảy nói mới biết tôi về. Tới khi gặp tôi, cô trách: “Sao anh về không cho em hay để em nấu cái gì cho anh ăn? Bữa trước má em qua, có mang chút đồ khô chờ mấy anh về”.

Khi con trai Na được bốn tháng tuổi thì bến sông xảy ra biến cố lớn. Khi ấy, Huân về phối hợp với vợ và tôi nghiên cứu đánh đồn Cây Dầu - cách bến Bà Lụa hơn cây số. Na là gái một con trông mòn con mắt, dưới lớp vỏ bị chồng bỏ về sống với cha mẹ nuôi là ông bà Bảy, cô bị đám lính trong đồn đó bám theo ve vãn. Na cũng lợi dụng chúng để nắm nội tình địch. Buổi sáng, Na giao con cho ông bà Bảy rồi ra chợ Thủ mua rau củ trái cây gánh bán dạo, vừa nắm tình hình vừa có thêm tiền nuôi con, trưa cô về lo việc nhà.

Gã trung úy đồn trưởng Cây Dầu mê mệt Na, hắn chạy xe Jeep tới tận nhà, mua sữa cho em bé, ẵm bồng nó gọi là “cục cưng”. Hắn mua dầu thơm Mĩ tặng Na, mua sâm Cao Li biếu ông bà Bảy. Dần dà, hắn dẫn Na vào trong đồn chơi, ý muốn khoe “người đẹp của tao”. Na vào đó hai lần, về nhà vẽ lại sơ đồ trong đồn địch. Nhờ vậy, một tháng sau, tổ đặc công của Huân phối hợp với du kích bên tôi đánh sập đồn Cây Dầu. Gã trung úy đồn trưởng bữa đó đi phép nên may mắn thoát nạn. Sau vụ đánh đồn, phòng Nhì địch nghi ngờ, theo dõi Na. Đến một đêm, chiếc ghe chở Huân và hai cán bộ qua sông bị địch đón bắt ở bến Bà Lụa.

Na đang ôm con ngủ, nghe tiếng súng nổ liền chạy ra. Tôi nằm bên chái lều ông Bảy cũng vùng chạy theo, thấy Na nhảy xuống ghe hối hả chèo ra cửa sông. Tôi và cô đều linh tính có Huân ngoài đó.

Địch phát hiện có thêm ghe nhỏ liền soi đèn bắn đuổi, Na ngã ùm xuống sông. Không kịp nghĩ và không sợ gì nữa, tôi lao mình xuống rạch bơi lẹ tới cứu Na. Tôi hụp lặn khá sâu để tránh những lằn đạn của địch bắn sát rạt, cắm líu chíu xuống mặt nước. Trong ánh đèn thấp thoáng, tôi thấy Na chới với, liền nín thở lặn một hơi tới gần, thấy máu và nước chan bờ vai Na, cô còn tỉnh táo nhận ra tôi.

Chợt sườn tôi đau xé! Mặc kệ! Tôi nhịn đau quơ lấy cây chèo nổi gần đó. Tôi và Na không dám leo lên ghe mà bơi tránh xa, địch đang soi đèn bắn xối xả vào chiếc ghe.

Tôi bơi giỏi, Na cũng biết bơi, dù cả hai bị thương nhưng may không nặng, nhờ cây chèo nổi lình phình, tôi và Na bám vào, bình tĩnh xuôi theo dòng nước bơi qua bên kia Củ Chi.

Gần tới bờ, tôi quay lại, hốt hoảng thấy bên kia bến Bà Lụa, một đám cháy bốc cao rừng rực! Na ôm ngực khóc nấc: “Trời ơi! Con ơi!”. Địch đã đốt hai căn lều của chúng tôi.

Tôi và Na không dám về nhà, cũng không dám về chợ Bình Mỹ. Nhờ cơ sở bên đó, chúng tôi được sơ cứu, rồi được chuyển vào trạm quân y trong chiến khu.

Một tuần sau, chúng tôi liên tiếp nhận được những tin đau xót. Tôi biết chính xác ba xác vici gộc bị địch phơi ở bến Bà Lụa có Huân. Hôm sau, người ta vớt được một xác phụ nữ bị trúng hai viên đạn, đó là bà Tư mẹ Na. Tội nghiệp, hóa ra đêm đó bà theo ghe qua thăm con thăm cháu. Cùng với đó, trong đám tro tàn của hai căn lều ở bến Bà Lụa, người ta tìm thấy xác bà Bảy bị cháy nám cả phần lưng, gục ngay miệng hầm công khai mà người dân vẫn đào tránh pháo. Còn xác ông Tư cháy còng queo gần cửa. Bà con tìm mãi không thấy xác đứa trẻ bốn tháng tuổi, chắc cháy tiêu rồi.

Nhận được những tin dữ đó Na không khóc nổi…
*
*    *
Hóa ra đứa bé bốn tháng tuổi đêm đó không chết, nó được cứu sống một cách thần kì. Khi đang bắn giết viên trung úy bỗng nghe tiếng trẻ nít khóc ré liền lao vào. Trong khói lửa mù mịt, anh ta thấy một bà già nằm gục trên miệng hầm, phía trên là tấm phản đang cháy, có tiếng trẻ khóc thét bên dưới. Vội vàng, anh bế đứa trẻ ra, mặc cơn say máu của ông đại úy và đám lính. “Nó nhỏ biết gì… Tội nghiệp…”. Đứa nhỏ có vết chàm sau cổ đó là chàng thanh niên bây giờ. Cha nuôi anh là trung úy An ngày xưa. Sau giải phóng bảy nhăm, trung úy An đi học tập cải tạo, năm năm sau ra, được sang Mĩ theo diện HO.

Viên trung úy xưa giờ tóc bạc trắng, hơn tôi vài tuổi, ông ta tiến tới bắt tay tôi, nhìn vợ tôi đăm đăm.
“Na… Có phải bà Na không?”.
Vợ tôi run run gật.

“Trời ơi! Tôi tưởng bà mất rồi! Suốt bao năm nay tôi cứ áy náy, cắn rứt. Tôi đã cố giấu nhưng cuối cùng cũng phải kể lại sự thật. Tôi thương nó còn hơn con ruột. Nó tên… tên… Tuấn… Giờ… giờ… tôi trả lại con cho ông bà”.

Sau cuộc gặp gỡ định mệnh, trong cuộc rượu tại nhà vợ chồng tôi, khi đã ngà ngà say ông An kéo riêng tôi ra tâm sự. Vì thoát chết nhờ đi phép nên phòng Nhì nghi ngờ ông móc nối với Na. Họ âm thầm điều tra thử thách, phân công ông phục kích Huân. Đêm đó, khi thấy chiếc ghe nhỏ nhô ra, nhìn dáng phụ nữ trên ghe ông đoán là Na. Tay đại úy hô bắn, ông bắn, nhưng chếch mũi súng xuống sông hoặc hướng lên trời. Rồi ông cứu thằng nhỏ cũng vì tình người, vì từng ôm hun nó. Nhưng ông vẫn còn băn khoăn, cái băn khoăn của người say, nếu bữa đó ông không đi phép thì ai cứu đứa nhỏ tội nghiệp sau này? Xong ông đổ cho số mệnh. Số mệnh cho ông sống, nuôi đứa bé, gặp vợ chồng tôi và thắp nhang trước vong linh Huân. Số mệnh mãi cho tới bây giờ mới cho lòng ông được chút thanh thản.

Trước khi say gục cùng ông tôi vẫn cố nghĩ về những câu hỏi mông lung của ông mà không tìm ra đáp án trả lời. Chỉ biết từ trường hợp tôi, trường hợp ông, và nhiều người khác nữa, tôi nghiệm ra rằng con người ta không thể đoạn tuyệt với quá khứ của mình, dù quá khứ có đen tối hay đau đớn. Chính điều đó thúc giục vợ chồng tôi, thúc giục ông phải về đây mà cúi lạy mảnh đất này… 
 
P.Đ.N
 

 
VNQD
Tin tức khác
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)