Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 836 (đầu tháng 1/2016)

Chủ Nhật, 03/01/2016 00:42
chu phoong arial moi copy - Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 836 (đầu tháng 1/2016) được mở đầu bằng bài đối thoại giữa phóng viên tạp chí với Trung tướng, PGS.TS Phạm Quốc Trung - Hiệu trưởng và Trung tướng Nguyễn Văn Đủ - Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị về mái trường vẫn được gọi thân thương là cái nôi đào tạo cán bộ chính trị cấp phân đội cho toàn quân suốt chặng đường 40 năm qua.   
 
Phần Văn xuôi giới thiệu bút kí Phìn Hồ mùa thay lá của Vũ Minh Nguyệt, tản văn Hoa có chân hoa đi của Y Phương và các truyện ngắn Bóng đổ bờ sông của Hoàng Giá, Người trả giá của Thy Lệ, Nàng hương của Nguyễn Văn Toan.
 
Phìn Hồ mùa thay lá đưa người đọc làm chuyến “thực địa” đến với  Phìn Hồ xa ngái, xã nằm trên dải đá cao nguyên thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, để thông hiểu, sẻ chia với cuộc sống của bà con dân bản, để thấm thía tình đất tình người nơi đây, để cùng được sưởi ấm bởi những trái tim thiện nguyện mang hình ngọn lửa, lửa của sức trẻ, của khát vọng cống hiến.
 
Hoa có chân hoa đi là một khúc hoan ca về hoa, một lễ hội hoa Cao Bằng bằng ngôn từ. Dưới nhãn quan phồn thực, thông qua “bút pháp của ham muốn” của nhà thơ dân tộc Tày vừa phong tình lãng mạn, vừa gân guốc “tự đục đá kê cao quê hương”, hoa được quy chiếu về vẻ đẹp, phẩm tính người đang độ căng mở, rạo rực, si đắm trong mùa tình.
 
Bóng đổ bờ sông như một câu chuyện cổ tích không có hậu, khắc chạm một cách chân thực, sống động, truyền cảm về những di họa, dư chấn của chiến tranh.
 
Người trả giá, với những mảnh ghép câu chuyện của lão giám đốc, của nữ công chức, của bà ve chai, của hiện tại, của mười năm sau, là một diễn ngôn giàu tính đối thoại về tính chất hiếm hoi đến xa xỉ của sự tử tế, về các phạm trù thật - giả, được - mất, về luật vay - trả ở đời.
 
Nàng hương là câu chuyện buồn đau quen mà lạ của một cô gái dân tộc mà bản thân và gia đình bị cho là ma cà rồng, và một chàng trai thân thiện, ấm áp, với tư duy, tâm thế độc lập, đã tách khỏi dân bản để đến với cô gái bằng tất cả tấm chân tình của mình. Chỉ có tình yêu mới đủ sức hóa giải, vượt lên, chiến thắng bi kịch.  
 
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” kì này là Thung Lam của Hồ Thị Ngọc Hoài, tác phẩm từng đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn Báo Văn nghệ năm 2006 - 2007.
 
Phần Thơ số này là những thi phẩm suy tư về cương vực, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, về người lính, về Xuân, Tết, về những không gian lịch sử - văn hóa cùng muôn mặt đời thường, chủ yếu là của các tác giả tham dự cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2015 - 2016.
 
Gương mặt “Văn nghệ Quân đội giới thiệu” kì này là Nguyễn Lãm Thắng, tác giả của những thi tập giàu hàm lượng chất suy tư với những thi ảnh phi truyền thống ít nhiều gây chú ý những năm gần đây.   
 
Phần Bình luận số này có sự góp mặt của nhiều tác giả với những bài viết ấn tượng.
 
Văn học Việt Nam đương đại trải qua bốn thập kỉ ghi dấu nhiều đổi thay, trong đó sự thay đổi ý thức của nhà văn về cách tiếp cận hiện thực, về mối quan hệ tương tác giữa chủ thể sáng tạo và chủ thể tiếp nhận, có thể xem là những căn tố tạo nên những dịch chuyển trong tư duy nghệ thuật và đời sống văn học. Bài viết Nhà văn Việt Nam hiện đại - những tương tác của TS. Lê Hương Thủy sẽ đi sâu bàn về câu chuyện này.
 
Liệu Nguyễn Huy Thiệp có khớp với nhãn hậu hiện đại? là tiêu đề do dịch giả Mai Anh Tuấn đặt cho bài viết lược trích từ tiểu luận Declassifying Nguyen Huy Thiep (Giải mật Nguyễn Huy Thiệp) của Peter Zinoman. Trong tiểu luận này, bằng những “giải mật”, khám phá của riêng mình, Peter Zinoman đề xuất một cách đọc lại Nguyễn Huy Thiệp, khác với cách đọc cho rằng văn chương Nguyễn Huy Thiệp là biểu hiện của chủ nghĩa hậu hiện đại. Bạn đọc sẽ được trải nghiệm những bất ngờ thú vị từ một - tiếng - nói - khác về văn chương Nguyễn Huy Thiệp nơi tiểu luận này.
 
Trên thực tế, sau khi được vinh danh là di sản, nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền của dân tộc đã nhận được sự đầu tư của các cơ quan chức năng, song quá trình truyền dạy cổ nhạc hiện vẫn chưa thật sự được coi trọng, chủ yếu đang diễn ra dưới hình thức tự phát. Bài viết Cho tiếng tơ xưa dìu dặt của Phạm Vân Anh là những trăn trở, suy tư tìm lời giải khả dĩ cho bài toán làm thế nào để di sản cổ nhạc thực sự được sống dậy trong đời sống âm nhạc hôm nay.
 
Tác giả Nỗi buồn chiến tranh, sau gần 30 năm, đọc lại các tác phẩm của Trần Quốc Huấn, quán quân cuộc thi truyện ngắn Văn nghệ Quân đội năm 1987, đã không khỏi bồi hồi xao xuyến, “bởi tình cố tri thuở nào, và bởi nỗi những tác phẩm này khiến tôi xúc cảm sâu xa còn hơn cả khi xưa vừa đọc lần đầu”. Độ lùi thời gian là bài viết nhiều hứng khởi của nhà văn Bảo Ninh về Người lính kèn về làng, tập truyện ngắn của Trần Quốc Huấn, Nxb Trẻ, 2015.
 
Bài viết Giá chi còn anh Châu của nhà thơ Ý Nhi bồi thêm những điểm nhấn sinh động vào chân dung Nguyễn Minh Châu, nhà văn mà theo tác giả bài viết là “khuôn mặt đẹp nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại”, là người đã bắt mạch và kê đơn một cách tinh anh cho thực tại văn chương trước Đổi mới, là tác giả của những truyện ngắn mà cho đến nay còn rất nhiều điều có thể nói, cần nói, phải nói…
 
Nhà nghiên cứu Cao Việt Dũng, với bài viết Khu vườn của Nhượng Tống dẫn dụ người đọc đi vào tiểu thuyết Lan Hữu - khu vườn ngôn từ của nhà nghệ sĩ Nhượng Tống, đã hai phần ba thế kỉ trôi qua (1940 - 2015) vẫn mới mẻ đến bất ngờ. Đó là một khu vườn hoa, được kiến tạo bởi đôi mắt hồi cố của một chủ thể đã trải đời nhìn lại tuổi hoa niên, nơi in dấu hạnh phúc và cũng chứa đựng bao nhiêu thương xót.  

Đặc biệt, trong số này, BBT tạp chí sẽ công bố danh sách các tác giả, tác phẩm được trao tặng thưởng năm 2015. Đây là hoạt động thường niên được bạn viết, bạn đọc đón đợi 
 
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 836 (đầu tháng 1/2016) dày 120 trang với nhiều tranh, minh họa đẹp, dự kiến sẽ ra mắt bạn đọc cả nước ngày 5/1/2016. Mời quý vị đón đọc.

 
bia 836 chon convert(1)
 
Văn
Nguyễn Xuân Thủy
Trường Sĩ quan Chính trị: Từ thực tiễn chiến trường đến thực tiễn hôm nay
Hoàng Giá
Bóng đổ bờ sông
Vũ Minh Nguyệt
Phìn Hồ mùa thay lá 
Thy Lệ
Người trả giá
Hồ Thị Ngọc Hoài
Thung Lam
Nguyễn Văn Toan
Nàng hương
Y Phương
Hoa có chân hoa đi
 

Thơ
Nguyễn Khắc Huyền
Điệu báo ân; Đi
Phan Tùng Sơn
Cột mốc
Ngô Kim Đỉnh
Lại cạn chén này; Đất mẹ ru thầm; Làng mình
Nguyễn Thánh Ngã
Người lính rừng tràm; Tản mạn dọc đường biên
Phan Trung Thành
Gặp bạn ở phương Nam; Nhân sinh nhật con gái
Lê Quang Trạng
Hóa khói những hôm qua; Lối đi
Trần Huy Minh Phương
Bên sông cọng cỏ buồn; Gió muối
Vũ Thị Huyền Trang
Bão biển
Nông Quang Khiêm
Tiếng chim Pò ơi!
Nguyễn Lãm Thắng
Chiều ngó xa xăm; Những chiếc móc trên dây phơi; Tôi về giữa phố đêm nay
Thanh Thảo
Mưa rào; Về quê, nghe bìm bịp kêu
Lê Thành Nghị
Nửa đêm tỉnh giấc; Cây trong vườn
Trần Thị Huyền Trang
Phiêu du; Chuyển mùa
Nông Thị Hưng
Đêm qua phòng tôi sáng điện
Nguyễn Thị Năm
Nhớ chiều ba mươi Tết
Phạm Văn Đoan
Bâng quơ; Đợi xuân
 

Bình luận văn nghệ
Lê Hương Thủy
Nhà văn Việt Nam đương đại - những tương tác
Peter Zinoman
Liệu Nguyễn Huy Thiệp có khớp với nhãn hậu hiện đại? (Mai Anh Tuấn dịch)
Phạm Vân Anh
Cho tiếng tơ xưa dìu dặt
Bảo Ninh
Độ lùi thời gian
Ý Nhi
Giá chi còn anh Châu
Cao Việt Dũng
Khu vườn của Nhượng Tống 
VNQD
Thống kê