Với một tạp chí văn học uy tín như Văn nghệ quân đội thì đội ngũ cộng tác viên rất hùng hậu và đa dạng trong đó có rất nhiều nhà văn, nhà thơ, những cây đa cây đề trong làng văn. Còn tôi lại chỉ là anh lính quèn ở đơn vị. Nhưng việc tôi trở thành cộng tác viên của Văn nghệ quân đội cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ.
Tôi nhập ngũ tháng 3 năm 1996. Sau khi học về nghiệp vụ thông tin tôi được điều vào một đơn vị phòng không ở Khánh Hòa. Đến năm 1998, tôi được trên cho đi ôn văn hóa để dự thi đại học. Tôi đăng kí dự thi vào Học viện chính trị Quân sự nhưng vì hết chỉ tiêu nên được chuyển sang thi Học viện Phòng không – Không quân, đồng nghĩa với việc phải chuyển từ khối C sang thi khối A.
Ngày ấy khối C trong quân đội rất ít, ngoài Học viện Chính trị Quân sự ra không có trường nào tuyển sinh khối C, mà những môn xã hội mới là thế mạnh của tôi từ hồi đi học và tôi cũng chỉ chuẩn bị để thi khối C. Ngày còn đi học ở quê (Trường THPT Hạ Hòa – Phú Thọ) trường tôi có mấy lần tổ chức thi sáng tác thơ văn, tôi đã ngo ngoe làm một số bài thơ và… được giải. Nhưng chỉ có vậy, nhập ngũ rồi mọi thứ cũng dừng lại ở đó.
Vậy là khi được tập trung ở Đông Anh – Hà Nội để ôn thi, bị vỡ kế hoạch, nghĩ mình khó có thể thi đỗ khối A được nên tôi đâm chán, thành thử lại ngứa nghề văn chương. Thế là trong thời gian ôn thi tôi mày mò… viết truyện ngắn. Sau khi dự thi đại học tôi trở về đơn vị, truyện ngắn này tôi đặt tên là Hoa biển. Tôi đưa bản viết tay nhờ anh nhân viên cơ yếu đánh máy sạch sẽ rồi…để đó. Công việc ở đơn vị cuốn đi, tôi cũng chả để tâm đến truyện ngắn ấy mà chỉ thi thoảng cộng tác với báo Quân đội nhân dân và Báo Phòng không – Không quân.
Đến năm 2000, tôi xin đi công tác tại quần đảo Trường Sa. Nguyện vọng được đáp ứng. Trước khi lên đường tôi thu xếp đồ đạc, loại bớt một số thứ không cần thiết cho gọn nhẹ. Thu dọn đến đống giấy tờ, truyện ngắn có tên là Hoa biển lộ ra tôi mới nhớ đến nó, ngồi nghĩ tiếc rẻ, lại phân vân chẳng biết nó có là truyện ngắn hay không? Cuối cùng, trước khi lên tàu ra đảo tôi đã gửi nó cho báo Văn nghệ quân đội kèm theo một lá thư. Trong thư tôi có tâm sự một số điều về mình và cũng nhờ các biên tập viên của Tạp chí đọc hộ.
Ở Trường Sa mọi thông tin đều chậm trễ. Từ lúc gửi truyện đi tôi cũng vẫn cứ thấp thỏm nghĩ không biết kết quả thế nào? Rồi một ngày, đồng chí trạm trưởng trạm Rada nói với tôi rằng, không biết đứa nào viết truyện ngắn về thằng Ý ở trạm mình trước đây mà tao thấy đài đọc trong trương trình phát thanh Quân đội? Tôi ngờ ngợ bởi truyện ngắn của mình nhân vật chính tôi cũng lấy nguyên nhân là một trung đội trưởng có tên Ý ở trạm ra đa đóng trên đảo Trường Sa lớn này.
Tên nhân vật thì đúng nhưng tôi không dám nhận mình viết vì truyện đó tôi gửi cho tạp chí Văn nghệ quân đội cơ mà, đây lại là đọc truyện đài? Tôi hỏi trạm trưởng nội dung câu truyện, anh cũng không nghe được trọn vẹn nhưng qua những gì anh kể tôi phấp phỏng mừng thầm, tôi đoán chắc đó là truyện của mình nhưng không khỏi thắc mắc trong lòng.
Một tuần sau, buổi tối tôi xuống bộ phận công binh đang xây dựng trên đảo chơi với một anh bạn mới tên là Toản. Ngồi nói chuyện một lúc Toản hỏi tôi họ tên đầy đủ là gì, sau đó hỏi có phải tôi viết truyện ngắn Hoa biển in trên Văn nghệ quân đội không? Tôi mừng rỡ reo lên, anh đọc thấy nó ở đâu, lâu chưa?
Thú thực trước đó tôi cũng đã có một số bài báo được in, cảm giác khi được in báo cũng rất vui nhưng khi nghe tin truyện của mình được in trên tạp chí Văn nghệ quân đội cảm giác khác hẳn. Tôi thấy tự tin vào khả năng của mình hơn. Cuốn tạp chí có truyện của tôi anh Toản đọc xong đã chu du các bộ phận khác trên đảo. Tôi nối với anh cố gắng tìm lại giúp, Toản hứa sẽ đi tìm về cho tôi.
Hôm sau Toản đích thân đem cuốn tạp chí sang cho tôi, cuốn tạp chí đã qua tay không biết bao nhiêu người lính trên đảo, bìa đã hơi bị nhàu nhưng với tôi, nó vô cùng quan trọng. Tôi ngắm nghía từ trang bìa in bức tranh phong cảnh Tháp Chàm với mấy cô thiếu nữ Chăm đến trang cuối in mấy hình quảng cáo.
Đó là tạp chí tháng 6 năm 2000, tên một số tác giả lại được đưa hẳn ra ngoài bìa một, có cả tên tôi cùng một số tác giả mới xuất hiện và đã quen thuộc như Xuân Ba, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Bích Thúy… khiến tôi mừng vui khôn tả. Tôi lật trang tìm đến truyện ngắn của mình, lật qua lật lại rồi đọc lại xem truyện đã được biên tập như thế nào. Biên tập viên gần như giữ nguyên, chỉ sửa một số từ tôi dùng khó hiểu hoặc chưa chuẩn. Tôi mừng quá cất luôn cuốn tạp chí ấy đi.
Sau này tôi mới biết rằng, thi thoảng chương trình phát thanh Quân đội vẫn chọn một số tác phẩm đã in trên tạp chí Văn nghệ quân đội và Báo Quân đội nhân dân để đọc trên song, và truyện của tôi ngày ấy đã được đọc. Sau đó có tàu ra đảo, anh em trong bờ đã chuyển cho tôi cuốn tạp chí mới tinh, bìa làng bong của tạp chí gửi tặng cộng tác viên. Được tiếp sức, tôi tiếp tục viết liên tiếp mấy truyện ngắn nữa gửi tòa soạn nhưng tất cả… rơi vào im lặng. Tôi lại xoay qua viết một bài dưới dạng nhật ký đi biển và được giới thiệu trên Phụ san của Văn nghệ quân đội. Tòa soạn gửi báo biếu ra tận Trường Sa cho tôi.
Một may mắn nữa là thời gian sau khi có đoàn nhà văn nhà báo ra Trường Sa tôi đã hân hạnh được gặp người của tạp chí. Ngày đó tôi ở trạm ra đa trên đảo Trường Sa lớn, khi các nhà văn nhà báo đến thăm đảo tôi cũng chỉ nghe trạm trưởng giới thiệu là các nhà báo của Báo Quân đội nhân dân. Khi trò truyện với một người mang quân hàm thượng tá rất cao và gầy, tôi có nói: cháu thi thoảng cũng có bài in trên Báo Quân đội nhân dân và tạp chí Văn nghệ quân đội.
Đồng chí thượng tá ấy bảo: Tôi ở tạp chí Văn nghệ quân đội đây. Thì ra đó là nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Chú Trung hỏi tôi còn giữ những bài ấy không, tôi lấy đưa chú xem. Đoàn nhà văn ở lại đảo hai ngày, chú mời tôi tối lên phòng chơi. Vậy là suốt hôm đó tôi đã được trò chuyện với nhà văn Nguyễn Quốc Trung của tạp chí Văn nghệ quân đội và nhà văn Trần Chiến của Báo Hà Nội mới ở cùng phòng với chú Quốc Trung.
Tôi đưa mấy thứ mới viết nhờ các chú xem qua và nhận xét giúp. Các chú đóng góp và động viên tôi rất nhiều khiến tôi cảm thấy như được tiếp thêm sinh lực. Hôm sau chú Trần Chiến còn xuống tận nơi tặng tôi một cuốn sổ của Báo Hà Nội mới và mấy quả chanh khiến tôi rất cảm động. Còn chú Nguyễn Quốc Trung thì hỏi tôi đã nhận nhuận bút chưa, chú đã hỏi tôi và ghi lại địa chỉ gia đình tôi ở Phú Thọ, bảo rằng để khi vào bờ sẽ nói tòa soạn gửi nhuận bút về.
Mấy tháng sau gia đình tôi viết thư ra nói có nhận được mấy trăm ngàn tiền nhuận bút của tạp chí Văn nghệ quân đội gửi qua bưu điện làm bao nhiêu người biết tôi biết viết truyện khen nức nở khiến mẹ tôi được một bữa nở mũi. Mẹ tôi bảo sẽ giữ tiền cho tới khi nào tôi vào bờ. Tôi viết thư về bảo đó là tiền hương hoa, tốt nhất bố mẹ nên mua lấy một thứ gì đó làm kỉ niệm, nghĩ đến mùa đông miền Bắc giá lạnh tôi bảo bố mẹ mua lấy một chiếc đệm nằm cho ấm.
Chuyện những đồng nhuận bút đầu tiên của tôi ở Văn nghệ quân đội cũng khá buồn cười. Sau này về đất liền, đi phép thăm gia đình, không thấy bố mẹ mua đệm tôi có thắc mắc thì bố tôi nói tỉnh bơ: Đệm gì, tao mua pro–xi măng lợp chuồng lợn rồi!!!
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Trường Sa trở về đất liền tôi lại tiếp tục công việc cũ làm nhân viên ở Ban Chính trị một trung đoàn ra đa đóng ở Cam Ranh chuyên lo việc cờ đèn kèn trống. Một hôm, đang phụ trách tăng âm loa đài cho đơn vị tập đội ngũ thì bỗng đồng chí tham mưu phó báo tôi có điện thoại. Tôi chạy sang nghe điện, một người tự giới thiệu là Sơn ở tạp chí Văn nghệ quân đội. Anh trò chuyện, hỏi han tôi xong thì nói, sắp tới tạp chí mở trại viết truyện ngắn và sẽ mời tôi tham dự.
Lại một lần nữa tôi cảm động vì vẫn được quan tâm, được nhớ đến vì sau truyện Hoa biển tôi cũng chưa in được cái nào nữa. Cùng thời gian đó, Phòng văn hóa văn nghệ Cục tư tưởng – Văn hóa phối hợp với Quân chủng Phòng không Không quân cũng mở trại viết Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội và tôi cũng lại được gọi đi. Vậy là tôi lên đường ra Hà Nội dự một lúc hai trại viết, một trại của Phòng Văn hóa Văn nghệ ở Đầm Vạc – Vĩnh Phúc.
Tại trại viết tôi đã được gặp các nhà văn, nhà thơ tên tuổi của tạp chí, những người viết trong và ngoài Quân đội, những người mà tôi mới chỉ biết trên mặt báo và truyền hình. Lúc đó tôi mới biết anh Sơn – người đã nói chuyện với tôi qua điện thoại – chính là nhà văn Sương Nguyệt Minh, lúc đó mới biết nhà văn Chu Lai, Lê Lựu, Dương Duy Ngữ, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Khuất Quang Thụy; các nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê Thành Nghị, Nguyễn Hữu Quý…
Đó quả là những ngày tháng ý nghĩa đã cho tôi cơ hội tiếp cận với làng văn. Tôi đã được các chú các anh truyền đạt cho những kinh nghiệm nghề nghiệp, cách viết qua các cuộc trò chuyện. Tôi cảm nhận là mọi người trong tạp chí, đặc biệt là ban văn xuôi rất quan tâm chu đáo tới cộng tác viên. Truyện của tôi có lần không dùng được ở tạp chí có lần các anh còn đưa sang báo khác phù hợp hơn.
Tôi đã rất ngạc nhiên khi truyện của mình lại xuất hiện trên Nhân dân cuối tháng trong khi tôi gửi cho Văn nghệ quân đội. Hỏi ra mới biết nhà văn Sương Nguyệt Minh đã chuyển sang bên đó để in hộ cho tôi. Kết thúc trại viết tôi về Hà Nội thăm trụ sở tòa soạn. Anh Nguyễn Đình Tú lấy xe máy chở tôi sang Báo Nhân dân lấy nhuận bút rôi lại chở ra tận bến xe để về Cam Ranh.
Giữa năm 2002, tôi được chuyển về làm việc ở báo Phòng không – Không quân tại Hà Nội. Lúc này điều kiện để viết thuận lợi hơn nhiều. Nhưng vì công việc bận rộn tôi lại chưa học nghiệp vụ nên phải vừa học vừa làm rất vất vả. Báo thì do yêu cầu nhiệm vụ phải viết thường xuyên còn văn thì bẵng đi một thời gian tôi không viết.
Dần dần công việc rảnh rang hơn tôi viết truyện trở lại nhưng cũng viết không nhiều, và cũng chỉ gửi cho Văn nghệ quân đội, nếu không in được thì để đấy chứ chẳng gửi đi đâu. Trong quá trình đi làm báo, khi gặp một đề tài hay tôi vẫn luôn có ý khai thác để viết bút ký cho tạp chí. Cũng có lúc tôi chủ động, cũng có lúc các anh chị ở tòa soạn gọi điện đặt hàng. Tôi đã trở thành cộng tác viên của tạp chí như thế. Ngôi nhà số 4 cùng những con người ở đó với tôi từ lúc nào đã trở nên thân thuộc.
Bây giờ có điều kiện qua lại trụ sở tòa soạn nhiều nhưng tôi không bao giờ quên những ngày đầu tiên ấy. Điều làm tôi cảm động và trân trọng nhất đó là tạp chí đã không quên những người viết ở đơn vị vùng sâu vùng xa, những người viết trẻ với những trang văn có thể còn vụng dại như tôi.
NGUYỄN XUÂN THỦY
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn