Chữ từ mộng kiến rơi ra

Thứ Hai, 21/08/2017 00:20
(Đọc tiểu thuyết Đêm núm sen của Trần Dần, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

. NGUYỄN ĐÌNH MINH KHUÊ
Hơn một giờ sáng, lúc tôi lần giở những trang cuối cùng của Đêm núm sen thì trời gầm gừ vần vũ, trút những “ki lô mét” mưa dài như cái đêm đội quân kiến Người tổng tiến công bọn kiến Đầu Beo trên chiến lũy làng Mận. Mưa lúc rơi thẳng đứng, lộp độp, bốp chát trên mái tole, lúc bay xiên xiên vì gió thốc, lúc ầm ào trút hàng triệu gallon nước như đời chưa từng được mưa từ thuở hồng thủy tràn về. Nhã Nam cũng biết chọn thời điểm để ra mắt Đêm núm sen lắm, cái thời điểm mà người ta đã phát ngấy với mấy tháng hạn nóng đến phờ người và chờ mong một trận mưa lành có thể cuốn trôi mình đi giữa những ngả ngang dọc. Đọc Trần Dần giờ này, nhất là Đêm núm sen nữa, thật thú không gì bằng, bởi những cơn mưa trời đất và những cơn mưa rơi trên đại lộ Mùa Thu, biệt thự Đá Đỏ, quảng trường Sáng Trăng, Tháp Đồng, những chiến lũy, hầm hào, những thành trì rầm rập hành quân cứ khiến người ta như bị quăng, bị cuốn, bị trộn hòa vào cơn lũ của những giấc mơ kiến và những giấc mơ người nhập nhoạng. Những cơn chiêm bao biến dạng. Những cơn chiêm bao chập chờn xác kiến - hồn người, chập chờn kẻ thù, chập chờn tay búa, lưỡi cưa, chập chờn yêu, chập chờn say, chập chờn trăng… Tôi cứ nghĩ mãi, rằng không biết khi những dòng chữ đầu tiên của quyển tiểu thuyết này bắt đầu khô mực trên trang bản thảo mà giờ đây, sau 56 năm nằm đâu đó trong một hộc tủ vô danh, đã mục nát, ố vàng, bị chuột bọ và thời gian gặm nhấm, có phải Trần Dần cũng đang bắt đầu bước vào cuộc lãng du trong một giấc mơ hóa kiến, và chữ thì cứ từ mộng ấy mà rơi ra, cặm cụi, rả rích, dung dị, hóm hỉnh mà góp dồn mọi nỗi bi ai của phận kiến - phận người?

Thật ra, lúc mới bắt đầu dõi theo cuộc đời của kiến Gầy - nhân vật chính xưng “tôi” trong Đêm núm sen - từ lúc anh còn là một cậu kiến bé tẹo, gầy nhom mà cứng đầu, khoái đánh đấm và kết giao, tôi cứ nghĩ đây là một câu chuyện đồng thoại không hơn không kém, tuy có vẻ đúng với tư thế của một quyển tiểu thuyết đầu tay, song dường như lại lạ lẫm quá so với phong cách Trần Dần mà tôi biết từ thuở cùng Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu, Đinh Hùng chấp bút Bản tuyên ngôn tượng trưng, sáng tạo nên những câu thơ có thể “góp thâu được sức rung động của vô biên”(1) kiểu như “Đời bỏ ta nằm dưới thủy cung/ Mờ đi ơi ánh nguyệt vô cùng” trong Về nẻo thanh tuyền đăng trên tờ báo đoản mệnh Dạ Đài gần hai mươi năm trước đó. Tuy nhiên, thật ra, Đêm núm sen là một kiểu cách có nét gì giống mà cũng rất khác so với câu chuyện về những loài vật được nhân cách hóa thường thấy: vẫn là cuộc đời, là lời ăn tiếng nói, là những chuyến phiêu lưu của những kiếp vật nhỏ nhoi, nhưng câu chuyện của Trần Dần bàng bạc những màu mơ mộng. Giấc mơ khiến mọi tiềm thức xáo trộn, làm mọi thực tại trở nên tưng tửng, lẫn lộn, hòa điệu với cái diễm ảo, bất thường. Chỉ cần đọc vào những tên riêng trong Đêm núm sen là rõ ngay: những kiến Gầy, kiến Bướng, kiến Lùng Tùng Xòe, kiến Choắt, bà Bệu, cô Nũm Lả, đại tướng Húc… xuất hiện đầy rẫy, xuyên suốt cuốn tiểu thuyết; vả lại, có loài kiến nào lại mang tên là kiến Người, kiến Đầu Beo, kiến Hỏa, rồi lại gọi tên phố, tên quán xá,… là La Tinh, Hi Lạp, Mào Gà… Dường như khi viết Đêm núm sen, Trần Dần đã chuẩn bị sẵn một kho tên gọi to sụ, đầy ắp mà cứ hễ nằm chiêm bao kiến thì tiện tay mà cào bới, mà bốc ra rồi gắn ghép một cách ngẫu nhiên vào những nhân vật của mình, không do dự, không đắn đo, để “CHỮ tự tạo NGHĨA”, chữ chơi với nghĩa như chính ông từng quan niệm về nghề cầm bút.

 
img 3839 1494241807
Sách Đêm núm sen - Ảnh: Nho Quân
Nhưng hình như chỉ cợt đùa, chơi trò mộng du một chút với mấy cái tên thôi thì chưa đủ “đô” với Trần Dần: ông muốn mình phải là vị hóa công mơ mộng trong thế giới của lũ kiến Người. Cách Trần Dần miêu tả những phố, những đèn, những nhà, những quảng trường, quán xá… trong khu vực làng Mận của anh kiến Gầy, thật tình, đúng y với cái cách người ta nằm mơ và cố gắng kể về một giấc mơ đã nhớ nhớ quên quên, thật mà không thật. Kiến Gầy tả đại lộ Mùa Thu ở làng mình: “Bằng những kiến trúc phức tạp, các nhà kĩ sư kiến người đã bắt các tia sao, rọi xuống thành phố ngầm ở đại lộ Mùa Thu, thật là một giao hưởng thần kì của các tia sao, tùy theo các giờ, các thời tiết, các mùa… Khi nó ngả sang vàng, một màu vàng gió may, với những bụi sáng nhờ nhờ đỏ, tím, lác đác lòng đại lộ. Khi khác nó lộng lẫy, lấm tấm các màu rực rỡ. Hệt một bức tranh Tết, với những màu vui vang lừng”(2). Ở một đoạn khác, Trần Dần tả cảnh phố lúc kiến Gầy và Sứa cùng nhau đi đón một vầng trăng mười sáu sau khi ăn tối thật vui ở quán Tóc Tiên Vàng: “Chúng tôi sóng bước trong không khí hồi hộp sắp-trăng-lên. Quảng trường pha một màu sữa. Trắng nhờ nhơ. Đẹp quá!... Cái gì đẹp? Trăng mọc!... Chúng tôi nhìn sự huyền ảo về mạn Cổng Đông. Một nạm ngũ sắc, thiên về trắng. Một thứ trắng nuốt, nuột, trinh tuyết, mát… Bất cứ cái gì mọc cũng đẹp. Trăng mọc. Mặt trời mọc. Cây mọc. Kiến mọc…”(3). Mà, những ảo tượng đẫm chất thơ kiểu như thế xuất hiện nhiều không đếm xuể trong Đêm núm sen, cứ như tử tế và nhẹ nhàng đưa đón khứ hồi người ta từ mặt đất lên quỹ đạo trăng sao để ngắm nhìn những đường đi của mơ mộng.

Nhưng trên hết, giấc mơ kiến trong Đêm núm sen cuốn hút người ta bởi những mối dây chằng chịt, vướng vít của nó với hàng lô lốc những nỗi niềm của giấc mơ người. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của Trần Dần tưởng chừng chỉ là một câu chuyện ẩn mình trong cơn chiêm bao đồng thoại, tinh khôi kể lại một lịch sử bi tráng và hào hùng của một loài giống bé tí ti mà đôi lúc, sự tồn hiện của chúng có vẻ không mấy can dự đến đời sống của những kẻ to xác chúng ta. Thế nhưng, nhìn từ một giác độ khác, có vẻ Đêm núm sen thật ra là cái cách mà Trần Dần đã chọn, trong hàng ngàn những cách thức, để thử đo đếm xem liệu sức ám ảnh, cái bóng ma của những nỗi khắc khoải đời người đã lớn mạnh đến chừng nào mà lại có đủ khả năng dây dưa, thậm chí là bước vào tận những lúc người ta đã tìm cách ngủ và mơ về một thế giới khác. Nói như thế là bởi, trong Đêm núm sen, không như người ta mường tượng, thế giới của loài kiến be bé không hề yên bình, đơn điệu, mà cũng phải đối mặt với hàng vạn những thứ để nghĩ và để lo. Những chàng kiến Gầy, kiến Bướng, kiến Cồ Bồ Xồ cứ nghĩ mãi về những cô Sứa, cô Xinh, cô Nũm Lả, những mối tình đẹp đến trong vắt. Hay những đêm lúc Sứa trút bỏ lớp y phục để lộ cái núm sen, nằm rút vào chăn bên bếp lửa, rồi Gầy cũng rút vào chung và mơ tưởng về một ngày bình yên nào đó, hai kẻ tình nhân sẽ cứ để trần truồng, ra nhà vào bếp mà trông nhìn nhau, mà khát khao nhau, mà hôn hít nhau đến tan ra cho bằng được. Bọn kiến, với Trần Dần, cũng như con người ta thôi, cũng yêu, cũng đánh nhau, cũng nhậu nhẹt, cũng khao khát, cũng làm tình. Và, cũng như con người, bọn kiến không thoát khỏi những cuộc chiến tranh, những trận trinh sát và càn quét đẫm máu, những ngày hành quân nhằn nhọc, những trận địa, những lũy chiến hầm hào cuốn qua đời như những trận mưa lũ thuở hồng hoang, nhấn chìm, trôi dạt, hay thậm chí là nghiền nát những cuộc đời be bé, những xác thân be bé, cả những niềm đau be bé mà tất nhiên là, trong dòng lũ lịch sử ấy, nỗi bất hạnh của phận kiến, cũng như phận người, rồi cũng chìm trôi phía sau những chiến công hiển hách của đội quân như đoạt lại các cổng thành, khiến bảy vạn địch vòng trong quy hàng hay tiêu diệt bảy vạn địch vòng ngoài còn lại: “Cố nhiên bộ sử chính biên không chép về các số phận be bé. Không ai trao cho nó nhiệm vụ ấy. Vả lại, có trao, nó cũng không thể! Ai có thể? Không ai! Chiến tranh đã kết thúc. Có cần kể gì thêm không? Vết thương phố xá đã băng bó lại. Có phố đã lên da non. Có phố đã thành sẹo đời. Có cần kể gì thêm?”(4)

Hơn hai ngàn năm trước, Trang Châu một đêm nằm mộng thấy mình nhẹ lâng rồi hóa bướm, không biết mình hóa bướm hay bướm đã hóa thành hình hài hiện hữu này. Hai ngàn năm sau, một bản thảo chép lại giấc mơ người hóa kiến, kiến hóa người của một nhà văn lắm truân chuyên của văn đàn Việt Nam ra đời và bị cất lại trong một hộc tủ ẩm mốc, cô độc và lắm nước mắt. Rất may là 56 năm sau, giấc mơ hóa kiến ấy cuối cùng đã tìm được đường về, trong tiếng cười và cả tiếng khóc của những kẻ biết và dám biết rất rõ rằng mình là ai, biết mình cần đọc giấc mơ ấy như một niềm vui hời hợt, nông gần hay như đang đọc một quyển tự thuật về chính bản thân mình, về thế hệ mình và dân tộc mình.

N.Đ.M.K
———
    1. Vũ Hoàng Địch, Trần Dần, Trần Mai Châu, Đinh Hùng (1946), Bản tuyên ngôn tượng trưng, báo Dạ đài số 1.
    2. Trần Dần (2017), Đêm núm sen, Nxb Hội Nhà văn, tr. 18.
    3. Trần Dần (2017), sđd, tr. 103.
    4. Trần Dần (2017), sđd, tr. 352.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)