. PHƯỚC LỘC
Từ cuối những năm 80 thế kỉ XX, khi một số thi phẩm “lạ” như Ba sáu bài tình (Lê Đạt - Dương Tường), Ngựa biển, Người đi tìm mặt (Hoàng Hưng), Bóng chữ (Lê Đạt), Bến lạ, Ô mai (Đặng Đình Hưng)... được công bố, chúng lập tức gây nhiều tranh cãi, nhiều chiều hướng tiếp nhận. Vô nghĩa, hũ nút và có nghĩa, tạo sinh nghĩa. Phá chữ và phu chữ. Làm bẩn chữ và dân chủ chữ, táo bạo chữ. Vong bản và dân tộc. Nhai lại bã phương Tây và học hỏi cái mới phương Tây. Vác thang hiện thực chạy bộ và vỗ cánh siêu thực bay. Cách tân và giết thơ. Thơ đến tận cùng và phản thơ... Những làn sóng tiếp nhận cứ thế được đẩy về đầu mút của hai thái cực. Đa tâm thế tiếp nhận là một trong nhiều bình diện, góc độ khả dĩ kiến giải hiện tượng đa tiếp nhận này.
Tâm thế định kiến
Khi những tập thơ “lạ” kể trên bắt đầu xuất hiện trên thi đàn, mặc dù đã được hấp phả làn gió “đổi mới”, người đọc trở nên cởi mở hơn với thơ, nhưng một bộ phận vẫn rất cảnh giác với thứ thơ mà họ cho là “trò xiếc chữ”, “phá phách”. Tâm lí người Việt Nam ta nhìn chung ưa sự quen thuộc, ổn định, sự hoà đồng, dị ứng với những cái “không giống ai”, “lố lăng”, “lập dị”. Nhà thơ Trần Hữu Dũng phát biểu: “Quả tình ở Việt Nam còn nhiều bạn đọc dị ứng với các hình thức thể nghiệm, các loại thơ có cách viết, cách nhìn lạ và mới”. Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng là những người mang khát vọng cách tân, như những con tàu muốn bẻ ghi thoát khỏi đường ray cũ. Họ tôn trọng và ngưỡng mộ các thành tựu văn học trong quá khứ, nhưng không xem thi pháp làm nên những thành tựu ấy là những khuôn vàng thước ngọc muôn thuở. Ý thức của họ rất mang tính biện chứng cách mạng, rằng chẳng hạn như Thơ mới 1932 - 1945 là một trong những đỉnh cao nguy nga của lịch sử thơ ca Việt Nam, tuy nhiên, ở vào nửa sau thế kỉ XX mà vẫn tiếp tục sáng tác, cảm thụ trong hệ mĩ học của Thơ mới thì lại là một thất bại. Nhưng công cuộc đổi mới thơ của các nhà thơ này đi kèm những tuyên ngôn như “chôn Thơ mới” đôi khi không được hiểu đầy đủ, bị nhìn như một sự phá bĩnh, gây hấn, phạm thượng, đạp đổ thần tượng… Vì vậy, thơ của họ không kén người đọc mà chính xác hơn là kén tâm thế khi người ta đọc nó. Phạm Nguyễn nhận định: “Những nhà thơ có ý thức làm mới thơ thường bị đặt vào tầm ngắm là “có vấn đề”, đẩy thơ vào thế bị xa lánh nhiều hơn”.
Ngay từ khi mới xuất hiện, thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng không có được sự tiếp nhận thuận lợi của công chúng như trường hợp Về Kinh Bắc của Hoàng Cầm chẳng hạn. Theo nhìn nhận của nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc thì điều này là dễ hiểu. Bởi sự mới lạ vừa phải của Về Kinh Bắc pha lẫn truyền thống lãng mạn đa cảm về tình tự, “biểu tượng hai mặt” về hình tượng, tính kể chuyện về kết cấu, với bút pháp ấn tượng giàu màu sắc, không khí mơ hồ và nhạc tính đầy sức dẫn dụ của chủ nghĩa biểu tượng, đắm chìm trong không khí của vùng văn hoá cổ, cộng với hào quang dai dẳng của một tác phẩm đi vào lòng người từ nửa thế kỉ trước, đã đem đến vinh quang đặc biệt cho Hoàng Cầm. Sự kém may mắn hơn của thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, ngoài sự bạo liệt trong cách tân, trong tìm tòi, thể nghiệm, còn là vì tâm thế định kiến của công chúng đối với cái mà họ cho là thơ “bên lề”, “phụ lưu”, “bàng thống”, là du nhập rác tri thức về, lai căng, nhố nhăng, vong bản...
Bên cạnh định kiến về thẩm mĩ nói trên, cũng cần nói thêm là định kiến về chính trị. Khi mà người ta nghĩ rằng mình đang đọc thơ của “bọn Nhân văn - Giai phẩm”, “bọn có vấn đề” về tư tưởng, lập trường chính trị(1)... thì kết quả tiếp nhận sẽ không mấy tốt đẹp.
Tâm thế định kiến như trên góp phần chi phối cái nhìn của một bộ phận người tiếp nhận đối với thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng. Theo cái nhìn của những người đọc này, đây là thứ thơ “vô nghĩa”, “hũ nút”, “phá chữ”, “làm bẩn chữ”, “vong bản”, “giết thơ”, “phản thơ”…
Xin được trích dẫn những nhận định của nhà thơ, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo về thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng: Đây là “trường phái đưa thơ về phía tâm thần, đưa văn học vào con đường không có lí trí”. Nền nghệ thuật nước nhà đừng vì “ông nọ ông kia ở đẩu ở đâu mà lăn vào công cuộc vô thức hóa, tâm thần hóa”. “Thực ra, mọi hình thức của các trường thơ “cách tân” này đều đã cũ mèm, đã bị thứ siêu nghệ thuật hiện đại phương Tây bài tiết ra trong hành trình táo bón của những nền thi ca tắc tị và nhảm nhí”. Sự cách tân ở đây là “trò đùa của một số đầu óc bệnh hoạn và hợm hĩnh một cách vô lối”, là “rối rắm, hỏa mù, làm xiếc, uốn éo, phi thân, lắm lời”. Một khi “xua đuổi cái lí ra khỏi cái phi, cái thực ra khỏi cái siêu, cái thức ra khỏi cái vô, cái nghĩa ra khỏi cái chữ, có khác gì anh xua đuổi cái hồn ra khỏi cái xác, thì thơ ơi, mi tìm đâu ra địa chỉ để đăng kí cái hộ khẩu vốn rất ma ma phật phật của mình?”. “Sáng tạo nghệ thuật đâu phải là chuyện đùa, càng không phải là nơi để người ta thực hiện ý đồ giả điên, giả ngô giả ngọng”. “Nếu đánh mất cái hồn vía, cái hơi hám, cái không khí làm nên từ trường cảm xúc, thì thơ dù có cách tân đến mụ mị, ngất xỉu đi nữa vẫn chẳng phải là thơ”(2).
Tâm thế đón đợi cái mới
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi lớn của thơ ca nghệ thuật”. Nhà phê bình Nguyễn Văn Hạnh nói: “Nghệ thuật là luôn luôn ngạc nhiên, luôn luôn nhìn thấy cái mới, tạo ra cái mới về nội dung và hình thức”. Ngược với tâm thế định kiến của bộ phận người tiếp nhận được nói đến ở phần trên là tâm thế đón đợi cái mới của những người luôn có nhu cầu “thay đổi thực đơn” cho giác quan đọc, cho khoái cảm thẩm mĩ. Tôi chán cả bạn bè/ Mấy năm rồi họ chẳng nói được câu gì mới (thơ Lưu Quang Vũ). Những câu thơ đã cũ/ Đừng bảo Em đọc nữa (thơ Đoàn Thị Cảnh). Những người mang tâm thế đón đợi cái mới không phủ nhận những thành tựu của nền thơ trong quá khứ, không phủ nhận sạch trơn dòng thơ “chủ lưu” đương đại, nhưng họ muốn được thưởng thức một thứ thơ mới lạ hơn, có khả năng làm đầy lên cảm giác sống của họ, có khả năng thách thức tầm đón nhận của họ. Họ ý thức được “tính đại chúng là kẻ thù của văn học”, họ phân biệt được “sự khai phá và sự theo đuôi, sự sáng tạo và sự nhai lại”, họ đòi hỏi thời đại khác, chất liệu ngôn ngữ thơ cũng phải khác. Nhà phê bình Văn Chinh nhận định: “Tôi thấy thơ giờ đây không dở. Nếu bình tĩnh đọc lẻ từng bài trội của mỗi nhà thơ, dù trẻ dù già, đều có câu hay trên cái nền khá vững chãi của cấu trúc bài; chỉ có điều, đọc xong bạn đọc lơ đãng ngay bởi hình như đã đọc ở đâu đó những gì na ná như vậy, đâu như giai đoạn 1930 - 1942, giai đoạn 1942 - 1964 hoặc 1964 - 1975 và từ đó đến nay. Tôi tạm gọi đó là hiện tượng nhờn thơ”. Với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: “Các chủ thể sáng tạo thơ có tài luôn hướng tới cái mới lạ, không mới lạ thì không thể gọi là sáng tạo, và chỉ làm nản những người đọc anh minh”; “Thơ ta vẫn đang hay, nhưng cái hay có vẻ êm ái, mơn man, rả rích trong mỗi ngõ nhỏ của đời sống tình cảm, mà nó thiếu một “cú hích” mạnh, một tư tưởng lớn tạo ra sự đột biến kinh ngạc trong đời sống văn học”; “Cái mà thơ ta cần hướng tới là một cuộc cách mạng tư duy và ngôn ngữ nghệ thuật. Đấy không phải là cuộc cách mạng chối bỏ di sản thơ, mà tạo ra những di sản mới vừa khác biệt lại vừa mang tính kế thừa”. Với nhà phê bình Bùi Công Thuấn: “Thời hôm nay cần một kiểu tư duy nghệ thuật khác, một kiểu ngôn ngữ khác, một cách thể hiện khác”...
Những người mang tâm thế đón đợi cái mới cổ vũ, bênh vực cho những cái đẹp sẽ là theo quan niệm của họ. Đứng trước thực trạng bạn đọc đã khác như vậy, với tham vọng “phá vây chữ”, Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng tìm đến họ bằng một cách thơ khác, một mĩ cảm mới: Chia xa rồi anh mới thấy em/ Như một thời thơ thiếu nhỏ/ Em về trắng đầy cong khung nhớ/ Mưa mấy mùa mây mấy độ thu/ Vườn thức một mùi hoa đi vắng/ Em vẫn đây mà em ở đâu/ Chiều Âu Lâu bóng chữ động chân cầu (Bóng chữ - Lê Đạt); Anh tìm về địa chỉ tuổi thơ/ Nhà số lẻ phố trò chơi bỏ dở/ Mộng anh hường tìm môi em bói đỏ/ Giàn trầu già/ khua/ những át cơ rơi (Át cơ - Lê Đạt); Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió/ Đùi bãi ngô non/ ngo ngó sông đầy/ Cây gạo già/ lơi tình/ lên hiệu đỏ/ La lả cành/ cởi thắm/ để hoa bay/ Em về nói làm sao với mẹ (Quan họ - Lê Đạt); Một thoáng rợn tên là heo may/ Một hương cây tên là kỉ niệm/ Một góc phố tên là hò hẹn/ Một nỗi nhớ tên là không tên (Chợt thu 1 - Dương Tường); Chiều se sẽ hương/ Vườn se sẽ sương/ Đường se sẽ quạnh/ Trời se sẽ lạnh/ Người se sẽ buồn (Chợt thu 2 - Dương Tường); Những ngón tay mưa/ Dương cầm trên mái/ Những ngón tay mưa/ Kéo dài tai quái/ Một nỗi nhớ siêu hình/ Nhạc nhòe đường xanh/ Đêm lập thể (Serenade 1 - Dương Tường); Gửi lại em/ Chiêm bao 24 chợt hiện tan/ Cung đàn 24 lần đứt nối/ Vũng im đêm 24 mạy sao chìm (Tình khúc 24 - Dương Tường); Đội một viên gạch vỡ/ Chị vừa đi vừa ca/ Chiều tắt dần cuối phố/ Chị vừa đi vừa ca/ Những mảnh vụn của bài ca thanh bình/ Lạo xạo tim tôi/ Ôi nỗi điên gạch ngói/ Cứ hát lên hát lên/ Có bao nhiêu nát tan/ Đội lên đầu mà hát (Người điên 2 - Hoàng Hưng)...
Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, ở những bài mang tính cách tân táo bạo hơn, đã từ chối cái vẻ thật thà, hiền lành, đượm màu cảm xúc của thơ; góp phần mang đến một khoái cảm thẩm mĩ mới, khiêu khích người đọc đi tìm “tính quan niệm”, “tính tất yếu” của những hình thức diễn đạt ấy. Bộ phận người đọc đứng về phía mới can đảm vứt bỏ những hình dung quen thuộc của mình về thơ và đủ hứng thú để tham dự vào cuộc phiêu lưu ngôn từ này, ở đó họ được phát huy tối đa khả năng “đồng sáng tạo”. Với họ, thơ của nhóm nhà thơ này là niềm khoái thú đặc biệt trong giải mã, và do vậy, họ cho đây là “thơ đến tận cùng”.
Dưới đây là hai trong nhiều ví dụ về cách đọc mới này.
Cách đọc Tâm thức (Dương Tường) của nhà phê bình Văn Giá:
“Bài thơ với một chú dẫn rất dài dưới nhan đề, để trong ngoặc đơn (viết sau trận bom B.52 mở đầu đợt tập kích chiến lược vào Hà Nội mùa Giáng sinh 1972). Bài thơ gồm hai câu, mỗi câu gồm hai chữ được bố trí như sau:
trong im
im trong
Với bài thơ này, việc phóng đại chữ cái o như trên, có thể gợi cho chúng ta nghĩ đến hình thù những vòng khói bom, những vòng tang, những quả bom, những cái đầu, những tiếng kêu, những cái miệng, những khoảng trống rợn ngợp… Đây là cách sắp đặt có khả năng gợi nghĩa. Nếu giả dụ đem thu nhỏ chữ o lại như bình thường thì những khả năng nghĩa như trên sẽ bị thu hẹp lại hoặc bị triệt tiêu. Và như vậy, có thể gọi đó là một minh chứng cho cái gọi là hình thức có tính tất yếu, nghĩa là nó duy nhất tương hợp với các khả năng nghĩa mà nó gợi ra”(3).
Cách đọc Phả Lại (Lê Đạt) của nhà phê bình Thụy Khuê:
“Vườn nắng mắt gió bay mùa
hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại
đắng cay
Hai câu 8 chữ, tổng cộng 16 chữ. Trong 16 chữ này không có chữ nào bóng bẩy, mạ kền, không có chữ sang, chữ diện, toàn những chữ tầm thường mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ ngõ ngách nghèo nàn nào trong chợ chữ. Nhưng nếu thử vài động tác chuyển hoán vị trí của chúng trong hai câu:
Vườn nắng mắt gió bay mùa
hoa cải
Bóng lá răm ngày Phả Lại
đắng cay
thành:
- Vườn lá răm gió bay mùa
hoa cải
Bóng ngày phả lại nắng mắt
đắng cay
- Bóng nắng mắt răm gió ngày
phả lại
Vườn lá bay mùa hoa cải
đắng cay
- Vườn mắt bay mùa hoa ngày
phả lại
Nắng bóng răm gió lá cải
đắng cay
(...)
Tính theo toán học 16 chữ này có thể hoán vị giai thừa (factoriel) 16 thành một tổng số khổng lồ những câu thơ khác nhau. Khi ấy sự biến hình của 16 chữ có thể trở thành vô tận và như thế hai câu thơ Phả Lại trên đây cho ta cái cảm tưởng không chỉ ngắm một vườn cải, vườn răm trong ngày nắng Phả Lại, mà dường như ta đứng trước một không gian ảo: thiên nhiên mang tâm cảm và thị giác con người đang phân thân làm nhiều mảnh, rồi tự xếp lại thành những cảnh khác, những tình huống khác, cứ như thế, như thế... Từng mảnh cảnh và tình tự do tung bay như tranh Chagall dưới sự hướng dẫn của một nhà ảo thuật vô hình: tụ hợp, li tan không ngừng trong khoảnh khắc không gian và thời gian lạc mất và tìm lại trong nhau.
Đó là sự cách tân mới nhất trong phép tạo hình thơ Lê Đạt”(4).
*
* *
Lao động trên địa hạt chữ của Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng không thuần tuý là trò chơi, đó thực chất là cuộc đấu tranh để khẳng định sự hiện diện của cái tôi nghệ sĩ trước xu hướng cộng đồng hoá cá nhân và đại chúng hoá thi ca nghệ thuật. Trên địa hạt sáng tạo, tác giả bất kì nào cũng có tác phẩm thành công bên cạnh những sáng tác kém hay thất bại. Các nhà thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng cũng không là ngoại lệ. Thực tế thơ của họ cách tân không đồng bộ (“nghĩa” không theo kịp “chữ”, hình thức không đi liền với nội dung hoặc ngược lại, hay ý chí thể nghiệm hình thức lấn lướt hoặc chênh với cảm xúc tự nhiên...), và không đồng đều (mức độ thành công ở mỗi câu, bài không giống nhau). Những người đọc chỉ quan tâm đến những bài, câu, khía cạnh thành công thì bất ngờ thú vị; ngược lại, những người đọc mang tâm thế định kiến, chỉ chăm chăm nhìn vào những sản phẩm kém, thất bại, cách tân chưa tới thì thường khó chịu...
Đối với thơ Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng cũng thế, đối với ngổn ngang bộn bề thơ cách tân hôm nay cũng vậy, rất cần một bầu sinh quyển văn hóa đọc lành mạnh, nơi đó chỉ dung nạp những tiếng nói điềm tĩnh, lịch lãm, những thái độ nhìn nhận, đánh giá đúng mực, thỏa đáng, khách quan, không có chỗ cho những lớn tiếng cực đoan hoặc “khen nghi ngút”, khen lấy được hoặc phủ nhận sạch trơn. Nói như giáo sư Trần Đình Sử, “làm khoa học nhân văn thì cách tiếp cận cũng phải nhân văn mới tránh khỏi cọc cạch”.
P.L
---------
1. Trong một lần trả lời phỏng vấn, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ: “Đây là Bộ trưởng Văn hoá nói với tôi. Khi có ý kiến đề nghị các anh trong Nhân văn - Giai phẩm được giải thưởng thì có nhiều ý kiến không thuận, chống lại. Có người đòi kiện. Kiện rằng bọn NVGP là bọn phản động chống Đảng, thế thì các anh cho phép họ ngồi cùng chiếu với chúng tôi à. Có những ý kiến rất mạnh mẽ như thế. Ông Bộ trưởng nói với tôi rằng, vì chuyện này mà phải ngồi đọc tài liệu về NVGP. Việc này của ông mất bảy ngày mới xong, để tìm ra những bằng chứng về chuyện phản động hay không phản động. Đọc xong thì ông quyết định ủng hộ việc trao giải thưởng, và chuẩn bị kế hoạch giải trình với Chính phủ. Cuối cùng được sự nhất trí cao. Như vậy việc này cũng không đơn giản về phía những người ủng hộ, kiểu như nói một cái là xong”. Xem Tôi làm khổ chữ hay chữ làm khổ tôi? (nhà thơ Nguyễn Đức Tùng phỏng vấn các nhà thơ Lê Đạt, Nguyễn Trọng Tạo, Du Tử Lê),
http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11021&rb=0101
2. Xem Trần Mạnh Hảo, Thơ phản thơ, Nxb Văn học, 1995.
3. Xem Văn Giá, Để thơ ca có một hình thức mang tính tất yếu,
http://www.thovn.com/luutru/index.php?menu=detail&mid=50&nid=1694
4. Xem Thụy Khuê, Cấu trúc cách li trong Ngó lời của Lê Đạt,
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1n0ntn0n31n343tq83a3 Từ cuối những năm 80 thế kỉ XX,