. NGUYỄN THANH TÂM
Tôi gặp Hải Thanh đúng một lần, vào dịp Trại sáng tác Lí luận phê bình của Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức tại Đại Lải - Vĩnh Phúc, tháng 5/2017. Người đâu mà, dáng thì gầy guộc, giọng thì lào phào, uống với nhau chưa được dăm vò đã lè phè, nghiêng ngả. Trưa Vĩnh Yên đâm chênh chao, hẫng một cái đến hụt cả người. Rượu cứ chiêu mãi vào, lão mà say kềnh ra, với cái tạng ăn nói ấy không khéo thất thố với anh em văn nghệ sĩ. Ấy là tôi cứ lo xa vậy!
Hải Thanh sinh năm 1970, nghĩa là mới 45, tuổi còn trẻ mà dáng hình nom cứ như gần sáu chục. Lão ề à đủ thứ chuyện, nhưng nhận thấy rõ nhất vẫn là “Bầm tôi”. Ừ, bầm tôi nói! Thì đúng rồi, đó là cách gọi mẹ thân thuộc của miền trung du rừng cọ đồi chè. Xem chừng, bầm luôn là một kho tự sự, là cảm hứng của chuyện, của đời sống, và của thơ Hải Thanh. Rồi ta sẽ gặp lại những tâm sự, những nỗi niềm về mẹ mà đứa con gầy guộc ấy hằng nhắc nhớ trong thơ mình.
Đến Tự thanh 3 (Nxb Quân đội nhân dân, 2017), Hải Thanh đã có 7 tập thơ. Thế cũng là nhiều về mặt số lượng. Nhưng nhiều mà làm gì, khi thơ đang trong kì mạt vận. Thơ phú bây giờ, tìm được bài hay, câu thú, tìm được cái tứ, cái tình, cái điệu, cái nhịp, cái đầy vơi thổn thức kể cũng khó như đãi cát tìm vàng. Nhưng, đã dan díu thì cũng đành đi sớm về trưa, rồi may ra trong những hư hao, hoang phế, có khi gặp được chút men để mà mê mải. Thì đây, Tự thanh 3, cũng là một lần may mắn như thế.
Tôi ấn tượng với cái tên Tự thanh! Hoá ra, lão này cũng trăn trở, cũng “thôi xao” ra trò khi đặt tên cho thi phẩm của mình. Nhớ lại, thuở xưa, Phạm Văn Hạnh, một thành viên của Xuân Thu nhã tập, trong tập thơ Giọt sương hoa (Nxb Lượm lúa vàng, 1944) đã có hẳn một phần “Tự tự” (Nên nhớ rằng, Giọt sương hoa chứa đựng tinh thần chủ đạo của tư tưởng nghệ thuật Xuân Thu với các tên tuổi: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh, cùng các cộng tác viên: Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc). Tự tự, theo cách mà Phạm Văn Hạnh đã viết, là một lời giới thiệu, một tự ngôn. Chữ của tôi, viết về tôi, tôi viết, chữ và tôi, ở trong ấy cả. Thế nên, khi gặp Tự thanh của Hải Thanh, tôi cứ mí mẩn gật gù: lão này được. Tự thanh, với hàm ý ấy là chữ của Hải Thanh, viết về Hải Thanh, là âm thanh của chữ, là những con chữ còn xanh, còn trẻ,… Vì không có một dạng Hán tự cụ thể, thế nên âm Hán Việt đã tha hồ mà vẫy gọi các ý nghĩa. Hải Thanh hẳn đã dụng tâm để làm việc đó. Ba tập thơ đều mang tên Tự thanh, đánh số 1 - 2 - 3, là hiện diện của một ý tưởng tâm đắc mà Hải Thanh đã tìm thấy cho những ấn phẩm thi ca của mình. Trong tâm trạng đã no ứ đến chán chường trước các thực đơn kiểu: Mây - Gió - Trăng - Hoa - Tuyết - Núi - Sông, Tự thanh là một món lạ, ít nhất chứa đựng được công phu uẩn nhưỡng, sự dồn nén chữ nghĩa của người viết. Cái thú của việc đọc gợi lên từ đó.
Như đã nói, trong thơ Hải Thanh, mẹ là một nguồn cảm hứng bất tận. Gã có nhiều bài thơ về mẹ, không phải tất cả đều hay, dẫu cảm xúc về mẹ khi nào cũng đong đầy, sâu lắng. Cứ như cách mà gã nhắc đi nhắc lại lời “bầm” trong một trưa Vĩnh Yên nghiêng ngả, người đọc nhận ra điểm tựa từ bầm, những đúc kết cô đọng mà minh triết sau một đời lam lũ của bầm, để từ đó, những đứa con vững chân bước tiếp. Không khó lí giải khi trong 52 bài thơ của Tự thanh 3, có tới hơn 10 bài viết về mẹ. Vẫn hiện lên ở đó, một cuộc đời tảo tần, lam lũ, thương yêu, che chở và hi vọng. Từ lời ru đến lời dặn, lời nhắc, từ những bảo ban giản dị của mẹ, đứa con nhận ra bài học của một đời đã sống: Mẹ những kể về đồng chua ruộng mặn/ Sự chân thành, không kể đến thời gian/ - Trong thất bát người ta cho hạt giống/ Cũng là gieo hi vọng mùa màng (Dẫn mẹ thăm nhà hát). Dường như, con người khi phải sống trong cảnh lam lũ, bần hàn, họ thường trực một thái độ ứng phó với cuộc đời, để tồn tại, để đi qua “giáp hạt” của đời. Đó là kinh nghiệm, là thứ hành trang có tính kế truyền làm nên tục quán, văn hoá: Mẹ rằng: - Thất bát triền miên/ Nói to ấm áp để quên lạnh lùng (Sau bão). Có thể là một phép thắng lợi tinh thần, nhưng rõ ràng, thái độ ấy đã vực dậy con người sau những thất bát, tan hoang, sau những rủi ro của kiếp sống. Viết về mẹ, Hải Thanh có những tứ thơ hay, đến mức đau đớn. Nhưng, chính trong đau đớn, người ta nhận ra một cách thấm thía sự lớn lao, vĩ đại của mẹ, sự bé nhỏ côi cút của đứa con: Có mộ mẹ nên cánh đồng bớt tủi/ Những thân cò thân vạc đỡ cô đơn (Cánh đồng có mẹ). Thơ ca nói riêng và nghệ thuật nói chung, thể hiện hình tượng mẹ đã nhiều, và hẳn là còn chưa đạt, chưa đến. Thế nhưng, với đôi dòng thơ vừa nêu, Hải Thanh làm người ta phải nhớ, và hơn cả là run lên trước phận mình côi cút.
Như bao thi sĩ khác, Hải Thanh cũng viết về tình yêu, về quê hương bản quán. Đây là những đề tài lớn, có tính phổ quát. Dù nhân loại đã ca tụng ngàn đời về ái tình và xứ sở, thì nguồn cảm hứng này vẫn chưa bao giờ vơi cạn. Cũng khó mà nói rằng, trong những bài thơ của mình Hải Thanh không có những tương đồng với các thi sĩ khác. Điểm làm nên nét riêng của mỗi người chính là sự nông sâu của xúc cảm, cái mới lạ của ý tình và cách thức biểu đạt. Nghệ thuật, từ trong cơ chế nguyên thuỷ, từ trong bản chất, khác biệt thực ra cũng trên những điểm ấy mà thôi. Trong thơ, viết về ái tình, Hải Thanh bị ám ảnh khá thường xuyên về sự dang dở, cái bất thành của duyên phận: Tưởng rằng tay đã cầm tay/ Bến sông lại nỗi chân mây cuối trời (Day dứt làng quê); Con tằm rút ruột nhả tơ/ Những giấc mơ vàng hoá bướm/ Người xa mãi sau bóng trăng thề hẹn/ Lại đêm suông/ Quan họ chẳng yên nằm (Góc khuất); Thực ra, với chừng ấy những điều Hải Thanh đã gắng vun vén để bày tỏ, ái tình cũng không mới mẻ, là lẫm gì. Thiên hạ người ta nói cả rồi. Điều đáng quan tâm ở đây chính là tại sao Hải Thanh lại bị ám ảnh bởi sự không trọn vẹn của ái tình? Có lẽ, luận đề tình chỉ đẹp khi còn dang dở vẫn đúng, một phần nào đó. Lẽ thường, người ta tiếc nuối, hoài vọng những gì đẹp đẽ đã không thành hiện thực. Tuy nhiên, trong thăm thẳm của một gã trai quê, nguyên do của dang dở phần nhiều nằm ở phận người túng khó, nổi nênh, cái hữu hạn của đời sống, cái vênh lệch của số kiếp, cái bất trắc mong manh của những gì đang hiện diện. Thấp thỏm yêu giữa hai bờ hi vọng và tuyệt vọng, với mặc cảm thiếu vắng tự phận mình, không giấu được cả một chút tự ti, ái tình trong Tự thanh 3 hiện lên vừa thiết tha lại vừa tội nghiệp. Chẳng phải thế ư, khi đọc thơ Hải Thanh người ta cứ thấy gã đáng thương. Dường như, ái tình đã phang cho gã mấy cú cay đắng, khiến trái tim dù vẫn khát yêu mà âu lo đành đoạn. Thành ra, cứ hiện lên trên lời thơ những nhịp đập tủi phận: Là những tiếng thở dài trong câm lặng/ Cả bầu trời thấp thỏm những lo toan/ Người như đã buộc nhau vào xa vắng/ Tiếng chim hoang khản giọng gọi đàn (Thì em cứ nói).
Như đôi chim gọi nhau giữa cách chia, tiếng hót là tiếng khóc. Nhưng, liệu rồi khi gặp được nhau, xoá tan khoảng cách, đôi chim kia còn có cất lời. Thế nên, thơ về ái tình dang dở, dẫu thật xót đau, nhưng cứ đẹp, cứ thê thiết não nùng và quyến rũ vào bậc nhất. Hải Thanh không mới trong cảm thức này, nhưng có những tứ thơ rất đáng ngâm ngợi. Chẳng hạn: Đi qua thời gian/ Ai người vuốt tóc/ Một trăm năm là bao nhiêu sợi bạc/ Có sợi xanh nào mãi thăm thẳm vì nhau ? (Giấc ngủ). Hoá ra, trăm năm đâu đã là không dang dở và thiên thu chưa hẳn đã là một cuộc đoàn viên. Thế nên, bao nhiêu thời gian là trường cửu, cách chia mà có khi không dang dở, kề bên chắc gì đã “thăm thẳm vì nhau”. Cảm thức dang dở, bất thành trong Tự thanh, như đã thấy, có một cấp độ mới trong những suy tưởng này. Giá như, Hải Thanh xoáy sâu hơn nữa để khám phá ra bản chất quyến rũ của ái tình chính là niềm tuyệt vọng trước khả năng sở hữu cái đẹp, thì thơ sẽ mang một chiều kích khác về tư tưởng.
Đã tủi phận mình côi cút, đã hoang mang trong định mệnh dang dở, Hải Thanh dường như còn mặc cảm về sự thất bại. Gã nhận ra quê hương, bản quán của mình, dù thân thương, gắn bó bao nhiêu cũng đang lâm vào một cơn bĩ cực. Đất lo sợ những mùa cây vắng quả (Làng quê hoài niệm); Những chiêm mùa vươn mãi chẳng thành tên (Đất quê tôi),… Hẳn nhiên, người đọc sẽ nhận ra ý niệm ẩn giấu phía sau những biểu tượng: đất, mùa, cây trái, tuổi tên,… Trên bình diện này, Tự thanh 3 có được những suy tư gợi lên những luận đề xã hội. Nhưng, giới hạn của dạng thơ này khá rõ, người đọc ít tìm thấy những câu thơ hay trong Tự thanh 3. Cũng phải thôi, bởi tạng thơ Hải Thanh không phù hợp với các luận đề xã hội. Gã phù hợp hơn với những thấp thỏm phía quê làng, những đầy vơi hi vọng - tuyệt vọng trên phận mình bé mọn. Thế nên, dẫu nhận ra những mùa màng thất bát của đất đai, gã vẫn nhủ lòng: Tê tái những triền đê gió dại/ Cỏ xanh về thắm lại Giêng, Hai (Vọng bến).
Tự thanh 3, trên tất cả những bình diện có thể truy xuất của nó, hiện lên một vẻ hiền lành, đến mức như đã nói: tội nghiệp. Dường như, chẳng thấy có mối liên hệ nào từ một gã gầy guộc, lào phào, ham tụ bạ, trà dư tửu hậu với những ý thơ, câu thơ đầy âu lo, thấp thỏm như thế. Nhưng không, Hải Thanh là một ca khá điển hình về bản chất nghịch dị giữa chân tướng và hình tướng. Vẻ bề ngoài sôi nổi, đôi khi bốc đồng chỉ là hình tướng, che giấu đi những phức cảm côi cút, lẻ loi, tuyệt vọng, thất bại là chân tướng trong thăm thẳm tâm can. Tự thanh, do đó là căn cứ, là tín hiệu để kiếm tìm và khai mở một thế giới đóng kín. Dừng lại và gặp gỡ, ấy là cơ hội xoá tan nỗi đìu hiu của cảnh đời: thuyền đi đâu biết mình sông vơi đầy?
NTT