Nhà số 4: Nhớ gì viết nấy

Thứ Sáu, 09/12/2016 00:09
12968046 762814823856033 2447474417798049441 o

. HOÀI NAM

   Năm 2017, Nhà số 4 - tức Tạp chí Văn nghệ Quân đội - tròn sáu mươi tuổi. Một hoa giáp. Với nhiều người, một hoa giáp có khi đã là cả một đời. Nhưng với một tờ tạp chí văn nghệ - và không chỉ dừng lại là một tạp chí văn nghệ - quan trọng như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, thì đó mới chỉ là chặng khởi đầu mà thôi. Để nói về Nhà số 4 của một hoa giáp này, về những diễn biến của nó, về tác động nhiều tầng và nhiều chiều của nó đối với lịch sử văn chương Việt Nam hiện đại, về cả những câu chuyện sinh động có thể phác dựng chân dung những nhà văn đã từng hoặc đang là người của Nhà số 4, tôi không đủ thẩm quyền cũng như không đủ tri kiến. Nhưng nói như thế không có nghĩa là… không có gì để nói. Hai mươi năm cộng tác với Nhà số 4 trong lĩnh vực văn chương, chẳng ra nghề mà cũng không thành nghiệp, với tôi, cũng đọng lại mấy điều đáng nhớ. Thôi thì cứ nhớ gì viết nấy vậy.

     Nói hai mươi năm, vì cái mốc khởi điểm là năm 1997, năm tôi tốt nghiệp khoa Văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Cuối năm ấy, chẳng rõ tình cờ thế nào mà tôi lại được bám đuôi thầy tôi (GS.TS. Trần Ngọc Vương) đáo lai mấy chốn quen của thầy: Viện Văn học, Nhà sách Đông Tây, và cuối cùng là Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi ông bạn cờ tướng Vương Trọng đang nóng ruột đợi thầy đến để phân tài cao hạ. Cờ quạt xong thì chuyển sang màn uống trà luận thế sự, có cả nhà thơ Lê Thành Nghị (khi ấy là Phó Tổng biên tập Tạp chí) cùng tham dự. Cao hứng lên, thầy tôi kể vài chuyện về lối ứng xử “chẳng giống ai” của mấy ông vua đầu thời Trần. Nhà thơ Lê Thành Nghị nghe thấy khoái quá, lập tức đề nghị thầy biến đề tài ấy thành một bài báo để tạp chí dùng cho số Tết. Thầy tôi ậm ừ, khi về đến nhà thì bảo: “Nam viết đi”. Đương nhiên là tôi không từ chối, lập tức ngồi vào bàn viết liền trong hai ngày. Bài báo có tên Các vua Trần nhìn từ cuối thiên niên kỉ đăng trên số Tết năm ấy đã đánh dấu lần cộng tác đầu tiên của tôi với Nhà số 4. Lần đầu tiên, mà lại được đăng nguyên vẹn, mà lại trên một tờ tạp chí danh giá, vậy là nhất với một thằng sinh viên vừa mới ra trường rồi còn gì. Sự gắn bó khởi sinh từ đấy. Thế rồi nước chảy chân cầu, nay thì cũng đã hai mươi năm trôi qua.

       Trong hai mươi năm ấy tôi làm báo, mà là báo hình, tức là cái công việc cho người ta rất ít điều kiện để đi đến cùng đích niềm đam mê văn chương chữ nghĩa, nhưng lại cho rất nhiều cơ hội để tiếp xúc với những người-văn, biết được khối chuyện hậu trường, chuyện bên lề đời sống văn chương. Thời đại của truyền thông bằng hình ảnh động. Truyền hình đi đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, ngốn nuốt tất cả vào ống kính máy quay để rồi nhả ra trên màn hình tivi. Cứ lấy Nhà số 4 ra mà nói, tôi dám quả quyết rằng trong hai mươi năm qua gần như tất cả những người của Nhà số 4 ở thời tôi đang sống đều đã lọt vào khuôn hình của tôi. (Chính xác thì là khuôn hình của người quay phim, nhưng do tôi chỉ đạo, nên cứ gọi là “khuôn hình của tôi” cho tiện). Hoặc là trả lời phỏng vấn chớp nhoáng ở một nơi nào đó bất kì. Hoặc đường hoàng ngồi trong trường quay với tư cách khách mời của chương trình “Diễn đàn văn học nghệ thuật” mà tôi đóng vai người dẫn suốt tám năm liên tục, từ 2005 đến 2012. Có người một lần. Có người vài lần. Có người thì nhiều lần đến nỗi đã trở thành khách mời “ruột” của chương trình. (Nhà thơ Anh Ngọc chẳng hạn. Riêng với nhà thơ Anh Ngọc, tôi còn cùng ông đi về Nghệ An để làm phim chân dung thân phụ của ông, dịch giả Nguyễn Đức Vân. Một chuyến đi để lại thật nhiều kỉ niệm). Từ những lần ấy, dẫu sao thì cung cách nói năng của người đối thoại - người của Nhà số 4, đương nhiên rồi - cũng cho tôi hiểu thêm về một phần con người của họ, cả người-đời và người-văn. Nhà văn Chu Lai: một kịch sĩ - diễn giả, người có thể làm mê đắm khán giả từ chính việc tự mê đắm trong những lớp sóng ngôn từ của mình. Nhà văn Khuất Quang Thụy: một người lính dã chiến thứ thiệt, không phải thứ lính cậu ẽo uột, kiểu người viết được tôi luyện bằng rất nhiều bùn và máu của chiến trường. Nhà thơ Anh Ngọc: người dù thế nào đi chăng nữa cũng chỉ nguyện được là thi sĩ, đắm đuối với thơ đến mức nhiều lúc trở thành một tồn tại nhẹ bẫng. Nhà thơ Trần Đăng Khoa: thông minh, dí dỏm, tinh tế đến mức tinh quái, luôn có thể khiến người đối thoại phải bất ngờ bằng một cái vẻ “le nhaque” rất vô tội v.v... Tôi còn có thể lẩy ra nhiều trường hợp nữa, từ những tiền bối như Nguyễn Chí Trung, Xuân Thiều, Hồ Phương, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Lê Thành Nghị, Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn Hòa, Sương Nguyệt Minh… đến lớp cùng trang lứa với tôi, như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Phùng Văn Khai, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng… Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây không chỉ dừng lại ở câu chuyện về công việc giữa một phóng viên truyền hình với một tập thể những người làm văn chương mặc áo lính, mà tôi muốn nói đến cái khoảng cách đã bị vượt qua, nói đến sự thân thuộc đối với một nơi vốn không phải “nhà” của mình. Diễn đạt cho dễ hiểu, với tôi, ở Nhà số 4 dường như chất “văn nghệ” luôn vượt trội hơn chất “quân đội”, cho dẫu không ít lần tôi gặp người của Nhà số 4 trong đĩnh đạc quân hàm quân hiệu. Họ là “úy” là “tá” cả đấy, thậm chí “tướng” cũng có, nhưng tôi vẫn quen gọi họ là “bác” là “chú” là “anh” (nếu hơn tuổi; mà lạ, tuyệt không hề có “chị”), là “ông” là “bà” (nếu cùng trang lứa). Sự thân thuộc ấy khiến cho từng khoảng không gian, từng chi tiết vật chất, cụ thể của Nhà số 4 cũng trở nên khá gần gũi với tôi: mảnh sân gạch phía trước lên rêu ấy, cây hoa đại cổ thụ ấy, cái sàn gỗ lim sẫm màu tới mức gần như đen ấy, những phòng làm việc có cánh cửa gỗ nặng nề và lò sưởi bị bít kín ấy… Nhớ có lần, lâu lắm rồi, tôi mang máy đến phỏng vấn nhà thơ Lê Thành Nghị ngay tại phòng làm việc của ông. Ấy là lần đầu tiên tôi bước chân vào căn phòng này. Tôi thấy trên bệ lò sưởi có đặt bát hương và di ảnh của nhà thơ Thanh Tịnh. Một que hương đang cháy, khói bốc lên mảnh, mùi trầm thoảng nhẹ. Thì ra, đây là nơi Thanh Tịnh đã sống trong một khoảng thời gian khá dài lúc cuối đời, là nơi ông cám cảnh mà nên câu Ăn cơm tập thể nằm giường cá nhân. Chi tiết nhỏ đến mức vặt vãnh, nhưng nó đủ khiến cho tôi cảm nhận: ở Nhà số 4 này, chữ “nhà” được mọi người hiểu như chữ “gia đình”. Đây không chỉ là một cơ quan, mà còn là một gia đình, nơi các thành viên chung sống, nơi các thế hệ nối tiếp nhau để làm nên một truyền thống gia phong.

     Đấy là chuyện làm truyền hình với Nhà số 4. Giờ mới đến mấy cái nhớ được về chuyện viết lách cho Nhà số 4.

     Sau bài viết được in lần đầu tiên trên tạp chí Văn nghệ Quân đội chừng vài ba năm, tôi bỗng nổi hứng viết, và viết liên tục, mặc dù cái công việc truyền hình “nặc nô” - chữ của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi nói với nhà văn Kim Lân về điện ảnh - nó đã chiếm gần hết quỹ thời gian vật chất của tôi. Viết xong thì gửi in lung tung nhặng xị ở khắp nơi, trong đó có tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi mà tôi vẫn tâm niệm rằng có bài được in ở đấy là một điều rất đáng kể. Thế mà rất ít khi bài tôi gửi đến bị từ chối, và hình như cũng rất ít khi bị người biên tập thay đổi hay cắt xén. Thậm chí có năm Văn nghệ Quân đội còn ưu ái dành cho tôi in trên hai số liên tiếp: một bài về tác phẩm của nhà văn Nhật Bản đình đám Murakami, một bài về tính dân tộc trong văn chương Việt Nam đương đại nhân đọc Murakami. (Tôi vẫn còn nhớ câu của “bà bạn” Đỗ Bích Thúy: Trường hợp không mấy khi có ở Văn nghệ Quân đội đâu đấy ông nhé! Nghe mà sướng râm ran trong bụng). Chẳng phải vì những bài viết ấy hay ho ghê gớm gì đâu, mà có lẽ, đấy là cách Nhà số 4 khuyến khích những “thằng trẻ” viết phê bình, cố gắng đánh thức ở chúng cái sức trẻ, sự táo bạo trong cách nghĩ, cách nhìn nhận những vấn đề văn chương mà thôi. Giả định này đã trở thành khẳng định khi, trong thực tế, có những bài “gờn gợn” tôi viết không đâu dám in, gửi đến Văn nghệ Quân đội thì lập tức lên trang trót lọt, không một ý kiến. Điều đó cho thấy, ít nhất, về mặt văn chương, Văn nghệ Quân đội là tờ tạp chí “chịu chơi” đến mức bình thản chấp nhận những quan điểm có thể đi ra ngoài cái khung nghĩ thông thường, phổ biến, những quan điểm có thể gây sốc. (Cho đến bây giờ vẫn vậy thôi. Trong tư cách người đọc, tôi vẫn thích thú đọc trang phê bình của Văn nghệ Quân đội. Vì ở đó thường có bài của Trần Đình Sử, của Lã Nguyên, của Phan Tuấn Anh, của Đoàn Ánh Dương, của Mai Anh Tuấn… - những bài viết vừa đậm chất học thuật vừa không thiếu khả năng “gây hấn”). Với một người viết, lẽ nào đó lại không phải là điều đáng để cho ta nhớ?

     Trí nhớ, theo quy luật, ắt sẽ đến lúc phải suy tàn. Nhưng Tạp chí Văn nghệ Quân đội - Nhà số 4 - tôi nghĩ, như một sinh thể khỏe khoắn, sẽ cứ vận hành trong đời sống văn chương theo cách của nó, mặc kệ sự suy tàn của những trí nhớ. Giống như cây hoa đại cổ thụ trước sân Nhà số 4 vậy, năm nào cũng rụng những cánh hoa trắng muốt, nằm khẽ khàng trên nền gạch đã lên rêu. 
 
 H.N
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)