- Nhà thơ Hàn Thủy Giang tên thật là Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1965 tại Hà Nội. Hiện đang sống và công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hàn Thủy Giang đã xuất bản hai tập thơ là “Con đường đất” và “Đêm trên núi”.
P.V: Tôi không biết phải bắt đầu như thế nào. Cái cảm giác lần đầu đọc thơ anh, lâu lắm rồi, tôi thấy dường như có một nghi lễ đang bắt đầu. Thơ anh bắt tôi phải nín thở và tưởng tượng. Bằng cách nào, anh đã tạo ra được cảm giác ấy với người đọc nhỉ?
Hàn Thủy Giang: Trước tiên xin được chào chị. Trân trọng chào tất cả độc giả của Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Tôi xin cảm ơn những ấn tượng tốt đẹp mà cá nhân chị, cũng là một người làm thơ, đã dành cho thơ của tôi. Chắc chị đang nói tới những bài thơ trong hai tập thơ đầu tay của tôi là tập “Con đường đất” và tập “Đêm trên núi”. Có lẽ bản chất của thơ ca là vậy. Các bài thơ, ngắn hay dài, khi tập hợp lại cùng nhau trong một cuốn sách hay một tuyển tập, thường tạo ra một không gian riêng. Không gian đó có câu chuyện, có thiên nhiên, đôi khi có con người của nó… và nếu một nhà thơ có tài năng càng lớn, nhạy cảm lớn, trí tưởng tượng lớn, nhân cách lớn… thì không gian đó càng có nét quyến rũ lớn, với một số lượng bạn đọc nhiều hơn. Nhưng không bao giờ là tất cả. Không một không gian thơ nào quyến rũ được tất cả bạn đọc. Một không gian thơ quyến rũ, hay thu hút người đọc, theo tôi nghĩ, phải có ngôn ngữ và hình ảnh biểu tượng hết sức xác thực. Nếu bạn tả một ngọn núi chìm lấp trong sương mù một cách thực sự xác thực, bạn sẽ khiến người đọc phải nín thở để tưởng tượng xem dưới lớp sương mù kia có gì, có một lối mòn đẫm sương, hay một rừng hoa mai trắng đang được mây phủ cất giấu. Đây không phải câu chuyện của thủ pháp làm thơ, tôi nghĩ nó là một nguyên lý của thi pháp, bạn viết bằng cảm xúc chân thành, bằng lựa chọn góc nhìn tinh tế, độc đáo, thậm chí là chưa ai nhìn thế trước đây, thì bạn sẽ “tả’’ được trong thế giới thơ của bạn những hình ảnh biểu tượng xác thực, bằng một ngôn ngữ xác thực.
Tôi nói những điều tôi quan niệm khi viết thôi. Còn trong thực tế, mọi sự tự diễn ra, và tôi không biết không gian thơ của tôi có đạt được sự xác thực như tôi mong muốn hay không. Thêm nữa, bài thơ phải như một khung cửa mở ra ngoài thiên nhiên hay cuộc đời. Chỉ là một khung cửa để nhìn qua thôi, còn nhìn qua khung cửa đó, thấy gì, cảm xúc ra sao, phải dành quyền đó cho người đọc. Người đọc phải được tự do trong cảm nhận, trong tưởng tượng, giống như thi sĩ lúc viết.
P.V: Người ta vẫn nói thơ ca như một tôn giáo. Dĩ nhiên tôi không nói về sự rao giảng hay lí thuyết, mà tôi muốn nói đến sức mạnh nội tại của nó và sự lây lan trong cảm thức. Tôi đã thấy điều này trong thơ anh, những bài thơ cùng những câu thơ tự do, vạm vỡ.
Hàn Thủy Giang: Cảm ơn chị. Khi chúng ta yêu thương một điều gì đó, chúng ta thường dùng những danh từ đẹp và ý nghĩa nhất theo cách hiểu của chúng ta để gọi điều chúng ta yêu. Chúng ta yêu nghệ thuật thơ, chúng ta gọi thơ là tôn giáo, là thánh đường nghệ thuật, là cung đàn muôn điệu…. Đó chỉ là cách nói, thể hiện tình yêu của chúng ta.
Nhưng ở cách nói thơ ca như một tôn giáo, tôi lại có một liên tưởng như thế này. Dĩ nhiên thơ ca không rao giảng như một nhà tu hành, thơ ca không giữ giới luật, không đề ra những biện pháp điều chỉnh hành vi sống như tôn giáo. Thơ ca không lên án ai, không kết tội ai. Nhưng nếu đọc lại lịch sử văn học thế giới cũng như trong nước, tất nhiên mỗi người chúng ta chỉ đọc được một phần nhỏ của kho tàng khổng lồ vô biên đó mà thôi, chúng ta phát hiện ra, các nhà thơ thường được trưởng thành trong một môi trường văn hóa hoặc là đẫm đặc tôn giáo, hoặc là có dấu vết tôn giáo. Thử xem lại thơ của Dante (như trong Divine Comedy), Goethe, Holderline, Rilke… hay vùng Lưỡng Hà như Kahlil Gibran… hay Đường Thi của văn minh Trung Hoa, thơ haiku Nhật Bản… hay như thơ văn Lý Trần của chúng ta. Trong tác phẩm của các nhà thơ lớn như thế, đẫm đặc các biểu tượng, điển tích điển cố, góc nhìn… ảnh hưởng sâu sắc của các tôn giáo lớn như Hồi giáo, Do Thái giáo, Hindu giáo, Phật giáo, Thiên Chúa giáo, cho tới Đa thần giáo, Đạo Mẫu, Đạo Tiên…
Trong một vùng văn hóa rộng lớn, những tác phẩm nghệ thuật ảnh hưởng của tôn giáo đương nhiên có một sức mạnh nội tại và lây lan trong cảm thức - như ngôn từ của chị đã nhận xét. Bởi vì sao? Bởi trước tiên, thi ca cũng như tôn giáo, đều nói, đều diễn tả, đều chỉ cho con người cách nhìn lên, hướng tới điều cao cả. Hướng tới điều cao cả, dù bằng ngôn ngữ thơ trữ tình, hay ngôn ngữ anh hùng ca, chính là một tiêu chuẩn cao nhất để phân biệt thơ và “cái na ná’’ như thơ.
Nhà thơ Hàn Thủy Giang
P.V: Sau hai tập thơ “Con đường đất” và “Đêm trên núi” đã xuất bản khá lâu, tôi thấy anh chưa trở lại bằng một tập thơ nào đó, nhưng trên trang cá nhân Facebook tôi thấy anh vẫn viết. Im lặng mà sôi nổi, âm thầm mà dữ dội đó có phải cá tính của nhà thơ Hàn Thủy Giang?
Hàn Thủy Giang: Tôi vẫn viết. Viết thì bao giờ cũng âm thầm. Ngày xưa thì người ta bảo trong đêm khuya có tiếng bút sột soạt trên giấy. Nay thì là tiếng lách cách gõ bàn phím. Phương tiện xã hội thay đổi, con người và xã hội cũng thay đổi theo, nhưng chỉ thay đổi về phương thức. Còn không gian của thơ ca tôi nghĩ không thay đổi đâu.
Cái không gian thơ của tôi, nếu quả thực có một không gian như thế, thường vắng lặng, ít người tìm tới chia sẻ. Bởi thế, việc công bố thơ qua hình thức xuất bản dường như không hợp lí nữa. Tôi cũng như nhiều nhà văn khác, chọn hình thức công bố trên mạng xã hội nhiều hơn. Bởi mạng xã hội có nhiều tính năng mang tới sự tự do, tự do trong công bố, trong hồi đáp và thảo luận… rất dễ truyền cảm hứng và được truyền cảm hứng. Thêm nữa mạng xã hội rất rẻ, không quá tốn kém như in sách. Có lẽ xã hội sẽ thay đổi, sách báo in sẽ dần bị thay thế.
Dù viết ở đâu, thì không gian thơ trong tôi vẫn thế. Tôi thường gắng “miêu tả’’ xác thực thiên nhiên nhất bằng cách “lọc’’ chính thiên nhiên qua ô cửa của mình. Bởi phải tập trung qua một ô cửa, chúng ta mới có thể tạo một bố cục, làm rõ ý cái mênh mông nằm ngoài rất xa chính cái ô cửa đó. Bởi thế mà dường như các sắc thái đối lập như im lặng mà sôi nổi, âm thầm mà dữ dội - như ngôn ngữ chị dùng, mới đan xen vào nhau, bởi chúng được đặt cạnh nhau chỉ trong một ô cửa, trong khi vốn dĩ chúng có thể ở rất xa nhau khi nằm ngoài ô cửa.
P.V: Thật bất ngờ khi tôi thấy anh đang xuất hiện cùng với thơ lục bát, sau khi đã để lại ấn tượng với thơ tự do. Là anh đang tìm về lục bát hay anh đang hướng đến lục bát để cách tân?
Hàn Thủy Giang: Cách đây chừng 4 năm, tôi có chuyển vào Nam sống và công tác. Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong một không gian luôn trầm mặc với khói hương trầm, hoành phi câu đối, mảnh vườn rộng có ao sen, mái nhà cổ kính đã ngót 200 năm tuổi, những hàng chữ Nho như khói hương trầm uốn lượn. Lớn lên với những quy tắc rèn giũa cổ xưa của ông bà cha mẹ… Phải nói khi còn ở Hà Nội, cái không gian sống mà tôi lớn lên đó, hầu như biến mất. Nhưng đến khi vào Nam, xa nhà, tự dưng cái không gian đó trở lại. Cái không gian cổ điển đó trở lại sống động. Tôi như còn nhớ cả cái mùi hương trầm, mùi ao sen, mùi vị có chút ẩm mốc của ngôi nhà cổ, mùi bà nội ăn trầu, nhớ cả cây gậy trúc bà dùng để rèn dạy cháu con. Tôi nhớ bập bõm những câu thơ Đường được học từ ngày bé, kiểu như Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa, hay Độc thướng giang lâu tứ tiễu nhiên/Nguyệt quang như thủy thủy như thiên hay Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại… Cũng tự dưng tôi cảm nghiệm một vẻ đẹp mới lạ từ những vần thơ Đường như thế, sự âm vang của ngôn ngữ, những từ Hán Việt. Tôi tự nhủ, hay mình cố gắng làm những bài thơ âm vang như thế, những bài thơ mà tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ của tôi sẽ được vang lên bằng những ngôn ngữ thơ đẹp nhất. Ngôn ngữ thơ đó, như tôi hình dung, sẽ là một thử nghiệm của những từ Hán Việt và những từ Thuần Việt, chúng sẽ lấp lánh nhờ đứng cạnh nhau trong cấu trúc một câu thơ.
Bên cạnh đó, thơ Haiku của Nhật cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng. Thơ haiku là những công án thiền, nên nó cũng không hẳn là thơ, tôi nghĩ vậy. Vì sinh ra trong gia đình theo đạo Phật, cái không gian mà haiku mở ra rất thân quen với tôi. Những ý thơ như Đêm qua/Dòng suối cạn/Còn vương mảnh trăng rất tự nhiên vương lại trong tôi. Bởi thế, từ cái không gian mà haiku mở ra, tôi cũng muốn đưa không gian đó vào tiếng Việt, trong những bài thơ tôi dự định viết.
Về thể loại tôi suy nghĩ khá lâu. Các thể cổ điển như song thất lục bát, thất ngôn tứ tuyệt hay thất ngôn bát cú… đã được nhiều thi sĩ dùng, viết nhiều bài thơ danh tiếng, sâu sắc và đẹp đẽ. Ví như bản dịch “Chinh phụ ngâm” với thể song thất lục bát, hay cụ Vạn Hạnh thiền sư với bài thơ theo thể thất ngôn tứ tuyệt: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Và đúng lúc ấy tôi nghĩ tới thể thơ 6-8, hay gọi theo cách thường là thơ lục bát.
P.V: Anh có ngại sẽ bị che khuất không, khi nhắc đến lục bát nước ta đã có những Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Bùi Giáng...
Hàn Thủy Giang: Nhắc tới thể lục bát, theo tôi có ba dòng chảy lớn, ba thành tựu vĩ đại. Thứ nhất là tính kể chuyện của thể thơ này. Tất cả các thể thơ có niêm luật chặt chẽ thường có tính kể chuyện, do thơ niêm luật chặt thường dễ thuộc. Người ta thuộc ba ngàn câu trong Truyện Kiều là do vậy. Và Truyện Kiều là một thành tựu vĩ đại của thể thơ 6-8.
Thành tựu thứ hai là toàn bộ những câu ca dao, tục ngữ, những câu hát trong các vở kịch hát dân tộc… với các thủ pháp so sánh ví von, tạo ra một không gian nôm na và hồn nhiên. Điều đó thực sự vô cùng vĩ đại.
Thứ ba là cái không gian thơ lục bát của thi sĩ Bùi Giáng, với cách nói siêu hình như trong thơ tượng trưng Pháp, truyền tải hay mang tới một không gian thơ riêng biệt, cuồng hứng mà mơ hồ, từ trước tới nay, cũng chưa có ai viết như ông.
Nhưng tôi có cảm giác, thơ theo thể lục bát trước đây hình như bị các nhà nho “bỏ quên”. Có thể do nhiều vị sáng tác bằng chữ Hán, nên không dùng, mà dùng thể phú hay từ, hay thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú. Và tôi muốn đi theo hướng đó. Nhưng để tránh vấp phải ba thành tựu vĩ đại đã kể ở trên, tôi sẽ không đưa vào tính kể chuyện, do đó chỉ viết những khổ ngắn 4 câu hoặc 6 câu, và giữa các khổ không có những câu dẫn nối, kể chuyện, hay miêu tả tình tiết. Để tránh ảnh hưởng của ca dao, tôi cũng không dùng các thủ pháp như ví von so sánh, cách nói dân gian… Và không dùng lối nói siêu hình, tượng trưng… của cụ Bùi Giáng. Tránh ba điều đó và đưa vào không gian thơ lục bát của riêng tôi vẻ đẹp mà không gian Đường Thi, hay không gian thơ haiku từng gợi ý, nhưng điều quan trọng nhất, vẻ đẹp này được vang lên trong tiếng Việt.
P.V: Anh thấy lục bát có chật chội quá không khi mà đời sống thực tại quá ngồn ngộn, vô thường?
Hàn Thủy Giang: Cái ẩn sau câu hỏi của chị là thể thơ lục bát có bị hạn chế trong đời sống hiện đại hôm nay hay không. Nếu hiểu thể thơ như một phương cách diễn đạt, thì thể thơ nào cũng có điểm mạnh và điểm hạn chế. Ngay thơ tự do cũng vậy. Trong thế giới tinh thần của chúng ta, nhu cầu thưởng thức đa dạng. Chúng ta có thể đọc thơ nhiều thể loại, đọc tiểu thuyết, đọc kịch, đi xem phim, xem sân khấu… Chúng ta không có phong cho lục bát là thể thơ vĩ đại nhất của tiếng Việt. Cái âm điệu của nó, có thể người này thích, người kia không thích, chuyện đó là bình thường.
Như tôi nói ở bên trên. Sáng tạo như là tạo ra một ô cửa. Chúng ta lọc cuộc đời ngồn ngộn, vô thường - như ngôn từ chị dùng, qua cái ô cửa đó. Ô cửa đó giúp hình thành một bố cục, đặt những điều ở rất xa nhau ngoài đời, lại gần nhau trong cái bố cục đó. Theo âm điệu của thể lục bát, thể thất ngôn, thể tự do… cái cuộc đời ngồn ngộn vô thường như chị nói, sẽ nằm trọn trong những ô cửa đó dưới dạng những biểu tượng của thơ. Vậy thì chật chội ở chỗ nào?
P.V: Đề tài cho thơ lục bát có phải là một thách thức với anh không? Anh muốn nhờ lục bát để kể chuyện đời hay anh muốn mang những nỗi niềm đời để làm nên lục bát Hàn Thủy Giang?
Hàn Thủy Giang: Đề tài chưa bao giờ là thách thức cho bất cứ thi sĩ nào. Ai cũng có một không gian sống, một không gian trưởng thành và nhận thức. Và họ không thể viết khác cái không gian sống đã hình thành nên chính họ. Ví dụ những ai lớn lên bên bờ đê đồng ruộng, cảnh chợ quê… thì sẽ viết về không gian đó, hoặc mang nét duyên quê, hoặc tình tứ ví von, kể chuyện trong làng ngoài xóm… Cá nhân tôi lớn lên và trưởng thành trong một không gian cổ điển, như tôi kể ở trên, thì tôi viết về cái không gian đó. Tôi tin khi chị đọc những bài thơ còn dưới dạng bản thảo của tôi, dù có hay hay chưa hay, chị sẽ cảm nhận được “một lời mời” tha thiết của tôi, mời chị vào dạo chơi khu vườn và ngôi nhà thời thơ ấu của tôi, làm quen với anh chị em của tôi, những người ấy nay li tán cả, người còn người mất…
P.V: Người đọc bây giờ khá khó tính. Lục bát dân gian hay cổ điển đều rất hay nhưng có vẻ như đã không còn thỏa mãn được trình độ đọc của họ. Anh có nghĩ rằng lục bát bây giờ cũng cần phải có thi pháp và sáng tạo mới?
Hàn Thủy Giang: Có chứ. Tôi đã nói thể thơ 6-8 từng có ba thành tựu vĩ đại, là truyện thơ, cao dao dân ca và cách nói tượng trưng. Ai viết thơ lục bát cũng sẽ gắng tránh những gì mà người khác đã làm trước đây, bởi sáng tạo là tạo ra một thứ gì đó chưa từng có trước đây. Nói chung, thể thơ nào cũng vậy, không riêng gì thơ lục bát, những tác phẩm viết theo các thể đó, bao giờ cũng cần một thi pháp mới. Sáng tạo có tính cách tuyệt đối là thế.
P.V: Nghe anh chia sẻ rất nhiều về lục bát như vậy, tôi thực sự muốn biết điều gì hay nguyên cớ sâu xa nào khiến anh tâm huyết với thể thơ này đến vậy?
Hàn Thủy Giang: Tôi chỉ là một con người bé nhỏ như tất cả mọi người. Và cũng như mọi người, tôi cũng có ước mong. Ước mong thứ nhất, tôi mong viết được những bài thơ mà tiếng Việt được vang lên đẹp nhất, âm vang nhất, thể hiện được lịch sử của chính tiếng Việt qua sự sắp xếp những từ Hán Việt và Thuần Việt đứng bổ sung cho nhau.
Ước mong thứ hai riêng tư hơn, tôi muốn viết về những vẻ đẹp xưa cũ của gia đình tôi, cùng nhiều gia đình khác, nay đã phôi pha, hoặc không còn nữa. Tôi quan niệm, có những vẻ đẹp thực sự là mối rường cột quốc gia, giúp lưu giữ một truyền thống, một khuôn mặt của một dân tộc, chứ không phải chuyện hoài niệm hão huyền. Ví dụ như bài “Người gái xưa” trong tập bản thảo gồm 52 khúc ẩn chứa ước mong này của tôi.
P.V: Và trong tương lai không xa người đọc sẽ được đón nhận một tập thơ mới của anh, tập thơ lục bát mang tên Hàn Thủy Giang chứ?
Hàn Thủy Giang: Tập ấy đến nay đã có một cái tên, bình dị, là “Ngày xưa”. Tôi vẫn đang tiếp tục viết, chưa hoàn thành. Chuyện in ấn dường như còn xa lắm, nhưng tôi vẫn để hết trên mạng xã hội. Từ mạng xã hội có nhiều người vào đọc và khen hay, tôi cũng thấy vui, vì mình làm được việc có ích, tạo niềm vui cho người khác. Nhưng cũng có người chê, không thích… Chẳng hạn như khi tôi viết xong bài “Người gái xưa”, có một bạn viết tôi một “lá thư” đại ý, thơ của ông viết về người gái xưa với lễ giáo, tôi đọc hết nhưng tôi đau đớn. Sao ông không viết những bài về những cô gái chân lấm tay bùn giống như tôi… Hay cũng có người chê khéo rằng có bài hay, nhưng đề phòng hay giống nhau. Đưa thơ lên mạng xã hội có phản hồi rất quý báu như thế đấy.
P.V: Cô đơn là thuộc tính của nhà thơ nhưng phải chăng anh thấy mình đơn độc trên con đường kiến tạo nên một không gian mới cho thơ lục bát, như thơ anh cảm thán: Đêm thu vắng bạn không trăng/ Gió lay niềm nhớ bóng hằng chân mây/ Chợt khen trời đất đủ đầy/ Bài thơ câu cuối bóng này tri âm...
Hàn Thủy Giang: Cô đơn là thuộc tính của cái đẹp chứ không phải của nhà thơ. Một cái cây chơ vơ trên cánh đồng trong sương sớm. Một tiếng đàn cùng âm hưởng của nó trong đêm vắng… đẹp và đơn độc. Nhà thơ thì thường có “mối tình tri kỷ” mới đúng. Mối tình tri kỷ có thể là một người bạn tri kỷ, một cuốn sách tri kỷ, một tiếng đàn tri kỷ. Tôi có không gian sống ngày thơ ấu là tri kỷ. Và tôi viết thơ lục bát để tâm sự với tất cả những vẻ đẹp xưa cũ mà giờ đã phôi pha.
Khổ thơ mà chị trích, hai câu đầu có vẻ cô đơn. Nhưng hai câu sau: Chợt khen trời đất đủ đầy/Bài thơ câu cuối bóng này tri âm lại diễn tả nỗi hân hoan khi nhận ra sự đầy đủ, viên thành của chính mình, với mối tình tri kỷ của mình đó chứ? Chị cũng làm thơ, chị có chia sẻ điều này với tôi không?
P.V: Vâng, những chia sẻ của anh về thơ đặc biệt là về thơ lục bát chắc hẳn sẽ gợi mở ra nhiều suy nghĩ, cảm nhận với bạn đọc. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ý nghĩa này.
KIM NHUNG (thực hiện)