Tính phi nhân một hướng tiếp cận hiện thực và con người trong một số tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Thứ Tư, 11/10/2017 00:20
. NGUYỄN ĐỨC TOÀN

Hiện thực cuộc sống và thân phận con người là mối quan tâm thường trực của văn học. Trong văn xuôi đương đại Việt Nam, nhiều nỗ lực cách tân lối viết đã mang đến hiệu quả thẩm mĩ bằng việc cung cấp cho người đọc góc nhìn mới về những gì tưởng như quen thuộc. Phi nhân là một khái niệm của lí luận phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX. Tiếp thu tư tưởng hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa, dân chủ hóa, một số cây bút tiểu thuyết Việt Nam những năm gần đây đã bước đầu thể nghiệm và biểu hiện tính phi nhân. Bản đồ mĩ học của tiểu thuyết từ đó trở nên đa diện, đa thanh với khả năng đối thoại mạnh mẽ.

Thuật ngữ tính phi nhân với nội hàm không phủ nhận sự tồn tại của con người mà chủ yếu đề cập đến những yếu tố, đặc điểm đi xa bản chất người. Theo đó, cái phi nhân chính là những giới hạn hợp lí của tính cổ điển, đưa con người “không ngừng vượt qua con người”. Có một nghịch lí là tính phi nhân nằm trong cái nhân, thuộc về bản chất con người. Sự xuất hiện của cái phi nhân đã khiến hình ảnh truyền thống của con người bị tác động và trở nên phi giới hạn.
 
Từ những tiền đề xã hội - văn hóa…

Thời kì hậu công nghiệp đã giáng một đòn mạnh mẽ vào não bộ của con người, làm ý thức đại chúng trở nên mê muội. Đây là mảnh đất màu mỡ nảy sinh nhiều ảo tưởng và huyền thoại khoa học khiến văn hóa bị biến dạng. Chủ nghĩa hiện đại đã bộc lộ những hạn chế khi nỗ lực tái hiện cuộc sống một cách trung thực trong tính toàn thể của kinh nghiệm sống. Các nhà văn hiện đại tham vọng xây dựng những đại tự sự bao trùm tất cả như để chính thức hóa những dự án chính trị, xã hội, đạo đức của họ.

Các lí luận gia hậu hiện đại quan niệm chủ thể như chiếc kính vạn hoa lấp lánh “vô số mảnh đồng nhất” gắn với hoàn cảnh văn hóa và lịch sử mang tính cục bộ. Trong mối quan hệ với chính mình, chủ thể trở nên mất ổn định, vận động và biến đổi không ngừng. Cảm quan hậu hiện đại đã xóa bỏ tận gốc truyền thống lí thuyết và quan niệm hiện đại. Đây là cơ sở xuất hiện tính phi nhân trong bản chất con người.

Con người vốn là loài động vật cao cấp không chấp nhận cái hữu hạn. Để sinh tồn, con người phải luôn đột phá bản năng, tìm cách khắc phục hạn chế, vượt mọi giới hạn. Kết quả tất yếu là, tính chưa hoàn thành, không xác định, khả năng vô hạn, tính mở, tính sáng tạo… trở thành các thuộc tính quan trọng của con người. Thực tế, trong “hình thái biến dạng mới” của mình, bản chất người lại được nhìn nhận rõ nét, sâu sắc và toàn diện hơn bao giờ hết.

Sigmund Freud đã tuyên bố, ngoài ý thức ra, trong tâm lí con người còn có vương quốc của tiềm thức. Cõi vô thức mà Freud đề cập chính là một trong những điều kiện làm xuất hiện cái phi nhân. Con người có những hành động, những yếu tố bộc phát từ vô thức mang đặc điểm của bản năng thú tính mà họ không thể kiểm soát được. Như vậy, cái vô thức mà phân tâm học khám phá ra đã phục vụ đắc lực cho việc tập trung phá vỡ chủ thể. Nó tạo nên sức mạnh của một kẻ khác ở trong “tôi”, sức mạnh ấy làm biến dạng khiến “tôi” phải vận động và ngăn không cho “tôi” cố định như một bản thể. Con người chấp nhận một chân lí rằng, dù có cố gắng đến đâu, họ cũng sẽ mãi mãi không loại trừ được phần “con” trong bản chất của mình. Chúng ta không có quyền chối bỏ mà phải ý thức được nó, dành cho nó một sự quan tâm đúng mức. Một chủ nghĩa nhân đạo thực sự sâu sắc phải hướng đến cái bản chất, đón nhận cả những yếu tố phi nhân. Nhờ đó mà chúng ta có thể thăm dò chính bản thân, nhận thức sâu sắc hơn về bản chất của mình.
 
…đến những dấu hiệu của tính phi nhân trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại

Dấu hiệu nhận biết văn xuôi Việt Nam thời kì Đổi mới chính là sự biến chuyển quan niệm về đời sống và con người. Những gì liên quan đến con người dù là thuộc tính tự nhiên hay xã hội đều nằm trong phạm vi phản ánh của nhà văn.

Cũng giống như thể loại tiểu thuyết, con người (trong cuộc sống đương đại phồn tạp) là một sinh thể đang biến chuyển và chưa định hình. Yếu tố vô thức có một khả năng vô hạn trong việc biểu đạt tính phi nhân. Trong kết cấu tâm lí con người, vô thức có sức mạnh ghê gớm trong việc phá vỡ chủ thể. Khi đó, con người bị bản năng chi phối, lí trí bị đẩy vào điểm mù. Thoạt kì thủy (Nguyễn Bình Phương) dẫn người đọc thăm dò cái giếng vô thức mênh mông của nhân vật Tính từ khi sinh ra đến lúc chết. Nhân vật được khai thác chủ yếu ở bản năng xâm hại. Sống trong một môi trường đầy bạo lực, trong đầu óc Tính thường trực hai từ “chọc tiết”. Trong cõi vô thức mông lung, vô định, Tính dường như bị trôi dạt giữa hai bờ điên và mộng. Trạng thái tồn tại chênh vênh, mơ hồ, u tối này được nuôi dưỡng bởi một môi trường sống tha hóa. Kết quả tất yếu là con người Tính bùng nổ về bản năng, không thể làm chủ được mình và có những hành động phi lí, phi nhân tính: đốt nhà ông Điện trong lúc ông ta say rượu khiến ông ta bị chết cháy; tự đâm vào hình mình dưới nước; đâm chết một thằng điên; cầm dao đi khắp làng tìm lợn chọc tiết; đâm chết ông Khoa... Bản năng trong Tính được phát triển theo con đường: từ bị xâm hại đến đi xâm hại và cuối cùng là tự xâm hại. Hình hài nghịch dị và bản năng tàn sát của Tính đã nói lên một điều, rằng anh ta đã rời xa phẩm chất người, về gần với đặc điểm thú vật. Bên cạnh đó, nhân vật Hưng trở về từ chiến tranh (đào ngũ) nên bom đạn đã nuôi dưỡng bản năng xâm hại trong anh. Coi mọi người xung quanh như kẻ thù, anh hằn học, sẵn sàng gây sự với bất cứ ai và cổ vũ người khác làm việc xấu. Hành động giết ông Phùng và cái chết của Hưng cũng là kết quả tất yếu của bản năng bạo lực cộng với ảo giác chiến trường vây bủa. Người đọc còn thấy hiện lên trong tác phẩm một đám đông ô hợp, xô bồ đang sa lầy trong u mê, tăm tối. Nhà văn khắc họa trong cuốn tiểu thuyết hai tập thể nhân vật đám đông: từ một đám đông người dân ở Linh Sơn đến một đám đông người điên không rõ nguồn gốc. Từ vô thức của một cá nhân tiếp cận vô thức tập thể, Thoạt kì thủy khẳng định vô thức phi nhân nằm trong mỗi chủ thể người và có thể làm biến dạng, tha hóa bất kì ai.

 
20503681 images795318 tieuthuyet
Một số tiểu thuyết đương đại Việt Nam

Nhiều tiểu thuyết đương đại Việt Nam diễn tả quá trình tha hóa của con người theo hai hướng: con người bị vật hóa, mô hình hóa và kiểu nhân vật không chân dung. Nếu nhân vật trong tiểu thuyết truyền thống là một tập hợp các đặc điểm về tên tuổi, ngoại hình, tính cách sắc nét, khu biệt lẫn nhau thì tiểu thuyết đương đại lại có xu hướng xóa nhòa những “đặc điểm nhận dạng” đó.

Xuất hiện trong Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh) là những con người sống trong xã hội đầy cạnh tranh và thực dụng, họ tự phơi bày sự thấp hèn, cái bản tính phi nhân, thú dữ của mình. Rất nhiều hành động tội ác gây ra do mù quáng, bị cám dỗ và yếu đuối. Trong thế giới khốc liệt và tàn ác, họ sống với nhau bằng lừa lọc, vụ lợi, tàn nhẫn và ích kỉ. Nhịp sống hiện đại xô bồ đã vắt kiệt tâm hồn, tình cảm của con người, biến họ trở thành những mô hình, những cỗ máy khô cứng.

Đọc Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), ta thấy một số mô hình nhân vật sau: nhân vật Quang lùn hiện lên như một rôbốt được lập trình sẵn, ngay cả trong tình yêu; nhân vật Hai Hùng, anh trai thứ hai của cô bé Hoài chọn cách sống trung lập, lập trình cho cuộc sống để phấn đấu thành mô hình chuẩn của thanh niên trí thức, nhưng mối tình với cô vũ nữ lẳng lơ đã khơi dậy khát khao nhân bản mà anh chưa từng biết đến, cô là tiếng gọi nguyên thủy của thân xác đòi thỏa mãn, đó là phần bản năng mà từ trước đến giờ anh đã dùng lí trí để chế ngự, nhưng khi khám phá được nó rồi, anh lại ra sức chạy trốn bởi lo sợ sự bùng nổ và sức mạnh hủy diệt của nó. Cuối cùng người trí thức lại trở về sống với mô hình: làm nô lệ của vật chất - kĩ thuật. Để rồi, trong suốt phần đời còn lại, họ sống trong nỗi lo sợ một lần nữa vong thân nhưng tận sâu trong đáy lòng lại khao khát sự vong thân ấy.

Nhiều nhân vật trong các tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương không có tên (“ông” trong Những đứa trẻ chết già, “em” trong Trí nhớ suy tàn hoặc những cái tên phiếm chỉ như hai mươi bảy vết thương, ô hay nhỉ, con bướm, thằng trí thức, chủ hiệu cầm đồ…). Đọc Ngồi, ta dễ nhận thấy hàng loạt nhân vật vô hình, bí ẩn (người gõ mõ, kẻ liên tục gọi điện cho Thúy, kẻ lén mang tấm vải vào nhà Minh hay kẻ gửi tấm ảnh đen trắng đến bàn làm việc của Khẩn…). Đặc biệt, chính Khẩn nhận ra, trong thời đại công nghệ, mỗi con người đều có khả năng trở thành vô hình, bí ẩn bởi họ đã được mã hóa, anh hình dung sự tồn tại của con người qua những số điện thoại vô hồn. Cảm giác chìm lấp của nhân vật còn được gợi ra bởi cuộc sống tẻ nhạt, những sinh thể đặt cạnh nhau vô nghĩa, không bản sắc, từ những con người có danh tính mà vô nhân thân, nhân vật hồn ma trong Người đi vắng đến cuộc sống đầy hoang mang, không điểm tựa của cô gái trong Trí nhớ suy tàn hay những người đàn ông trên chiếc xe trâu trong Những đứa trẻ chết già, đám người điên hoặc con cú trong Thoạt kì thủy… Những nhân vật “hắn” (Chinatown - Thuận), cô gái điên và “hắn” (Đi tìm nhân vật - Tạ Duy Anh)… cũng cùng xu hướng “tẩy trắng” nhân vật như thế.

Trong Thiên sứ, ta cũng gặp mô hình liên quan đến sự vô hạn định và chưa hoàn tất của con người: người không mặt. Được gọi bằng đại từ nhân xưng ngôi thứ ba số ít - “hắn”, không tên tuổi, nghề nghiệp, gia đình nhưng tồn tại khắp nơi. Khuôn mặt vô hình càng đẩy hình ảnh của con người vào cõi vô tận, khó nắm bắt. Mỗi hình thái người chỉ là kết tinh tạm thời chứa đựng các vùng chuyển tiếp và tương đồng xóa nhòa các giới hạn của tính cá nhân. Người không mặt chính là sự trống rỗng được thể hiện với ý nghĩa sâu xa. Tác giả thừa nhận một thực tế rằng, việc trở thành người không mặt là nguy cơ của tất cả chúng ta. Và hơn thế, trong tác phẩm, loài người như một biển phân tử chuyển động hỗn độn và chúng rẽ thành những sóng A và sóng Z. Tất cả các hình thức đều là ảo tưởng, vật lí hiện đại gợi ý như vậy. Con người tiến triển giữa vô số các nguyên tử không ngừng chuyển động. Họ tồn tại như những con rối, những hình nộm, những khuôn hình được lắp ráp. Hàng loạt nhân vật không có khuôn mặt, vô tăm tích khác có thể kể là Quân (Ngồi ), Tuấn (Trí nhớ suy tàn) - Nguyễn Bình Phương, T (T mất tích), Thụy (Chinatown) - Thuận…

Bé Hon trong Thiên sứ ra đời kì lạ như những nhân vật cổ tích dân gian. Bé hào phóng ban phát nụ cười cho muôn vật và trao nụ hôn cho mọi người. Nhưng càng ngày nụ cười và nụ hôn càng trở nên xa xỉ, lạc lõng trong gia đình. Ta nhận thấy nhân vật bé Hon chính là sự vượt thoát khỏi con người đời thường bởi bé mang trong mình một nguồn yêu thương dạt dào, vô tận. Cô bé Hoài trong tác phẩm cũng ẩn chứa những đặc điểm khác thường, kì lạ khi phải trải qua bốn mươi năm đầu đời của mình trong sự câm lặng, tẻ nhạt và bằng phẳng. Nhân vật bào thai trong Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh) lại thu hút sự tò mò của độc giả theo cách khác. Đây là nhân vật không có tiểu sử, không tính cách, chỉ tồn tại như một biểu tượng. Bào thai ấy có sự vượt thoát, bứt phá khả năng của bản thân, biết cảm xúc, suy nghĩ và thấu hiểu. Nó chính thức chào đời sau một quá trình đấu tranh đầy giằng xé và day dứt trong bụng mẹ để đương đầu và chấp nhận cuộc sống hiện tồn. Đức Phật trong Đức Phật, nàng Sivitri và tôi (Hồ Anh Thái) là nhân vật huyền thoại được trần thế hóa với hình ảnh một con-người-thánh giữa cuộc đời trầm luân, khổ ải. Tiểu thuyết gửi đến ta một thông điệp: Phật tính nằm trong mỗi con người, ai cũng có khả năng vượt qua những giới hạn để mang những đặc điểm của đấng siêu nhiên. Nhân vật nàng Sivitri đồng hiện hai cuộc đời: tiền kiếp và hậu kiếp. Nơi tiền kiếp, nàng là một công chúa Ấn Độ cổ đại; ở hiện kiếp, nàng là một Kumari (tức Nữ thần Đồng trinh). Nhân vật này cũng là sự vượt thoát khỏi một kiếp sống bình thường bằng cách phân thân thành hai kiếp sống: kiếp sống của một cô công chúa ham mê nhục dục, chìm trong vô minh và kiếp sống của một vị Nữ thần Đồng trinh đã đốn ngộ.

Trong quá trình vận động, biến đổi giữa cái nhân và phi nhân, các nhà văn chấp nhận sự biến dạng và ý thức về nó như là một phần tất yếu trong bản chất của con người. Sự ý thức ấy được thể hiện ở phản ứng đầu tiên của họ khi đối diện với cái biến dạng: sợ hãi, lo âu. Bà Liên và Hiền trong Thoạt kì thủy của Nguyễn Bình Phương luôn thường trực một cảm giác lo lắng, bất an trước những hành động khác thường của Tính. Nhân vật người mẹ trong Thiên thần sám hối (Tạ Duy Anh) mỗi khi nghe xong một câu chuyện trong bệnh viện đều có những phản ứng sợ hãi. Theo lời kể của bào thai thì câu chuyện của sản phụ có đứa con chết lưu khiến người mẹ vô cùng buồn phiền. Trong Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), cô bé Hoài phải đối diện với nỗi sợ hãi trở thành người không mặt. Nỗi sợ hãi còn ám ảnh trong những giấc mơ của cô bé. So với bà Liên, Hiền, người mẹ bào thai thì nỗi sợ hãi của cô bé Hoài ám ảnh và day dứt hơn cả bởi cô đã nhìn ra khả năng biến dạng ở chính bản thân mình. Cô bé Hoài, người đã kiên quyết không gia nhập một thế hệ nào, khước từ mọi sự quy đồng nay lại có nguy cơ phải khoác bộ đồng phục của người không mặt.

Để nhân vật đối diện với sự biến dạng trong nỗi sợ hãi nhưng cuối cùng các nhà văn không hề bi quan mà luôn đặt niềm tin vào sự tái sinh nhân tính. Hoài (Thiên sứ) đặt niềm tin tuyệt đối vào tuổi thơ bình lặng của mình và tình yêu thương. Với cô, đó là lí do chính đáng nhất chứng minh sự tồn tại của mình trên đời. Sự thức tỉnh muộn màng của Tính và sự phát triển tươi tốt của cỏ ở phần cuối Thoạt kì thủy đã thắp lên niềm tin, hi vọng vào sự đổi thay. Còn theo Tạ Duy Anh, sự sám hối của tất cả các nhân vật chính là chiếc cầu kết nối với phần nhân tính trong con người. Họ đã biến dạng, mang trong mình những yếu tố phi nhân nhưng điều quan trọng nhất là họ không lẩn tránh mà dám đương đầu với sự biến dạng, thừa nhận và trả giá cho sự tồn tại ấy. Một khi con người dám nhìn thẳng vào cái xấu, cái ác mà mình là bị can thì ước vọng và niềm tin vào những gì tốt đẹp sẽ giúp họ vượt thoát lên chính mình.

Vượt qua “tồn dư ngoan cố của lối viết cũ”, thể hiện tính phi nhân của con người, tiểu thuyết Việt Nam đương đại đã tạo nên những chiều kích và hiệu ứng mới của tinh thần nhân văn, nhân bản. Trên hành trình cách tân thể loại, những mô hình phản ánh hiện thực khác nhau sẽ giúp người đọc thời hiện tại tin vào sức sống của tiểu thuyết cũng như tài năng của nhà văn trong bối cảnh hội nhập văn hóa.
 
N.Đ.T

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)