Ngày 16/10, Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam tổ chức hội thảo “Xây dựng Đề án biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam”.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về Đề án biên soạn “Bách khoa toàn thư Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội Việt Nam phác thảo.
Theo đó, các đại biểu đều cho rằng việc xây dựng bộ "Bách khoa Toàn thư Việt Nam" để giới thiệu những tri thức cơ bản nhất về đất nước, con người, lịch sử, xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ Việt Nam xưa và nay; tán thành việc cho ra đời cuốn “Bách khoa toàn thư Việt Nam”.
|
Toàn cảnh hội thảo |
PGS.TS Phạm Hùng Việt, Viện trưởng Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam nhấn mạnh, "Bách khoa Toàn thư Việt Nam" phản ánh sự phát triển của đất nước. Để có thể phát huy một cách tối ưu nội lực, xác định được con đường phát triển hợp lý nhất cho mỗi quốc gia, trước hết cần phải hiểu thật rõ, đầy đủ và toàn diện về chính đất nước của mình. Qua Bách khoa toàn thư nói chung, trình độ phát triển của mỗi quốc gia sẽ được phản ánh một cách khá chân thực, đầy đủ.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam khẳng định: Các tham luận, ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để Viện Khoa học xã hội Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ trì làm tờ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng đề án như thế nào. Đây không phải cuộc nghiệm thu để đánh giá một công trình có đạt yêu cầu hay không. Mà chúng tôi kỳ vọng lắng nghe ý kiến của các chuyên gia. Đồng thời, trên cơ sở kinh nghiệm của những người đã tổ chức thực hiện, hoạch định, cũng như tham chiếu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng đề án biên soạn "Bách khoa toàn thư Việt Nam”.
Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đã thống nhất, để đảm bảo thực hiện biên soạn bộ "Bách khoa Toàn thư Việt Nam" thành công, Đề án cần được bổ sung, chỉnh sửa một số điều để phù hợp với thực tiễn như: Nội dung, hình thức, phân loại, các lĩnh vực được đề cập, quy mô cuốn sách, thời gian thực hiện, nguồn lực…
Nguồn: CPV