Cửa sổ văn nghệ

"Người xa quê nhớ" - một dự án âm nhạc nhiều tâm huyết

Chủ Nhật, 10/09/2017 08:35
logochuan - Tôi với Thu Dung Phạm Thị là bạn bè thân thiết trên facebook nhiều hơn ở ngoài đời. Bởi vì trên facebook chúng tôi còn thường xuyên gặp nhau qua status, qua comment, qua like chứ ngoài đời họa hoằn lắm mới nhìn thấy nhau. Mà nhìn nhau lần nào cũng vội. Chỉ kịp chào nhau một câu rồi đường ai nấy đi. Thi thoảng rảnh rỗi lướt "phây" vào trang của chị, cũng biết mang máng rằng chị có cậu con trai là ca sỹ. Cũng đoán là cháu hoạt động nghề nghiệp ở Việt Nam. Chứ cộng đồng bên này rất hiếm ca sỹ, càng hiếm những ca sỹ chuyên nghiệp, nhất là ca sỹ trẻ. Bao nhiêu sự kiện cộng đồng dù lớn, dù nhỏ quanh đi quẩn lại cũng từng ấy khuôn mặt ca sỹ xuất hiện trên sân khấu. Giá như có cháu bên này thì chắc chắn sẽ đắt show và sinh hoạt văn nghệ cộng đồng vì thế cũng màu sắc, sôi động, trẻ trung hơn. 
 
xaque
Hai tác giả dự án và mẹ của ca sỹ Vũ Bình Minh trong buổi họp báo ra mắt dự án âm nhạc "Người xa quê nhớ".

Tuần trước chị gọi điện mời tôi tới dự cuộc họp báo ra mắt sản phẩm âm nhạc của cậu con trai. Tôi cũng đoán là một ca khúc nhạc trẻ viết về tình yêu, tình báo gì đó. Tuổi trẻ mà, chẳng gì mê đắm hơn ba chuyện tình cảm sướt mướt. Tới nơi mới giật mình khi nhìn trên phông mấy chữ "Người xa quê nhớ". Càng giật mình hơn khi nhìn cậu con trai ca sỹ của chị - cháu Vũ Bình Minh. Trẻ trung, đương nhiên rồi, vì cậu ta đâu mới ngoài hai mươi  Đẹp trai, cũng đương nhiên rồi, vì mẹ cậu ta tuy không thuộc hàng sắc nước, gương trời nhưng cũng chẳng thua kém ai về sự duyên dáng, độ mặn mà. Nhưng tôi đặc biệt bị thu hút bởi đôi mắt của cậu ta. Đôi mắt sáng, thông minh mà vẫn ẩn chứa nhiều cảm xúc, nhiều nỗi niềm. 
Thì ra đây chưa phải là buổi ra mắt sản phẩm mà chỉ là buổi giới thiệu dự án. Một dự án to tát của mấy chàng trai trẻ, thuộc thế hệ thứ hai của người Việt tại Đức Vũ Bình Minh phụ trách phần âm nhạc và Phan Nhật Minh phụ trách phần hình ảnh. Cả hai là bạn bè của nhau, vóc dáng cùng nhỏ nhắn, thư sinh, đều đang sống ở Đức. Cả hai cùng có một tâm nguyện muốn qua âm nhạc, qua ca từ, qua những hình ảnh trong video clips chuyển tải tới người nghe, người xem hiểu về cuộc sống cơ cực, vất vả có phần lam lũ của người xa xứ nói chung, của người Việt ở Đức nói riêng trong cuộc mưu sinh nơi đất khách. Qua đó còn muốn bày tỏ lòng biết ơn của lớp người Việt sinh sau đối với thế hệ người Việt đi trước. Những người bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình tạo điều kiện thuận lợi hơn, tạo con đường bằng phẳng hơn cho thế hệ người Việt đến sau, sinh sau hội nhập vào xã hội nước sở tại dễ dàng hơn. Cũng qua đó còn như một thông điệp gửi đến bà con trong nước, những thân nhân của Việt kiều để họ hiểu hơn, thông cảm hơn với những hy sinh, thiệt thòi của người Việt khi kiếm được đồng tiền nơi đất khách, chắt chiu gửi về giúp người thân trong nước. Đồng thời đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho những người giàu ảo tưởng, cứ nghĩ nước ngoài như một thiên đường, chỉ toàn cảnh an nhàn, sung sướng như những hình ảnh mà ít nhiều vì sỹ diện những người xa quê thường chưng lên, không giống những gì họ thật sự đang sống, đang trải qua. 

Thực ra để nói về những góc khuất trong cuộc sống của người Việt xa xứ, đây hiển nhiên không phải lần đầu. Phim ảnh, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ ca ... nói đến cũng đã nhiều. Nhưng thông qua âm nhạc với sự minh họa bằng những video clips chân thực về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại Đức như một dự án dài hơi thì chắc đây là lần đầu tiên. Hơn nữa, nó được thực hiện bởi những người trẻ tuổi lại càng đáng quý và càng hiếm. Khách được mời đến dự đa phần là dân làm truyền thông, báo chí và đa phần là bậc cha, chú. Khi nghe các cháu trình bày về dự án, đặc biệt là khi nghe ca khúc đầu tiên của dự án "Người xa quê nhớ", dù chưa hoàn thiện, ai nấy đều bùi ngùi xúc động vì như thấy một phần cuộc sống của mình, một phần thân phận mình gửi gắm trong đó. Trong phần phát biểu của mình, ai cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục trước thành quả mà nhóm dự án đã làm được và kỳ vọng vào những phần tiếp theo của dự án sẽ thành công như mong đợi mặc dù biết còn vô vàn khó khăn trước mắt. 

Hôm đấy tôi cùng lúc còn có lời mời tham dự hai sự kiện khác tiếp theo của cộng đồng nên sau khi nghe các cháu trình bày dự án, tôi vội góp những ý kiến mà mình chợt nghĩ ra và ra đi. Trong lòng vừa khâm phục, vừa thắc mắc. Khâm phục thì rõ rồi. Còn thắc mắc vì không hiểu từ đâu các cháu có thể nghĩ ra một dự án vượt tầm mình như thế? Phải là người trong cuộc, phải từng trải mới thấu hiểu được đến như vậy. Giai điệu của ca khúc không có những cao trào, không có những quãng xuống tạo sự bất ngờ mà cứ đều đều, khắc khoải như nhịp sống đơn điệu đến tẻ nhạt của những mảnh đời tha hương. Chưa kể ca từ như lời tự sự được buột ra từ tâm can, chứa đựng bao nỗi niềm của người xa quê nghĩ về thân phận mình. 

Cho đến hôm vô tình lướt "phây", tôi chợt đọc được những dòng tâm sự của Vũ Bình Minh mới giải tỏa cho những thắc mắc của mình. Hoá ra cậu ca sỹ trẻ trung, hào hoa và trông thư sinh đó cũng có quãng thời gian cơ cực như bất cứ cứ người Việt xa xứ nào trong bước đầu khởi nghiệp. Cậu ta cũng có thời làm nghề hoa. Phải dậy từ 3 - 4 giờ sáng để chen hàng lấy hoa. Phải chịu cảnh bó hoa bị gai đâm đến chai sần đôi bàn tay học trò. Phải chịu cảnh giá buốt của nước Đức tới mức không xoè nổi bàn tay co cứng vì lạnh ra để nhận những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình từ tay khách. Rồi cậu từ bỏ nghề hoa, chấp nhận nghề rửa bát với 12 - 13 tiếng làm việc mỗi ngày chỉ để được ấm đôi tay. Trong cái lối kể khổ của cậu ta vẫn có nét hồn nhiên, có cái tếu táo của sự lạc quan chứ hoàn toàn không bi lụy. Có thể vì tuổi còn trẻ, năng lượng còn dồi dào, cũng có thể niềm đam mê với âm nhạc từ thuở niên thiếu đã khiến tâm hồn cậu luôn yêu đời ngay cả khi phải chịu những đắng cay, cơ cực. Chỉ duy có một điều làm cậu không thể chịu đựng  được đấy là thấy mình đã lớn, đã trưởng thành, sức dài, vai rộng mà không giúp được bao nhiêu cho mẹ. Hàng ngày, hàng đêm mẹ cậu vẫn phải vất vả, tảo tần làm lụng, chắt chiu từng đồng, từng cắc bao bọc, lo lắng cho con. Hai mẹ con dù ở cùng nhà nhưng do bận bịu việc kiếm sống chẳng mấy khi gặp mặt nhau được trọn ngày. Từ thương mẹ, cậu ta đã sớm lăn lộn làm tất cả để mẹ đỡ khổ. Cả cái dự án âm nhạc này cũng lấy niềm cảm hứng từ mẹ, từ những vất vả, gian truân của cuộc đời mẹ mà cậu chứng kiến. Đó cũng là món quà, là tấm lòng hiếu thảo của cậu con trai muốn đền ơn, đáp nghĩa mẹ. Thảo nào trong buổi giới thiệu dự án, từ lúc mở đầu cho đến khi kết thúc, tôi thấy mẹ cậu ta gần như im lặng. Chỉ ngồi nhìn con và nhìn mọi người. Đôi mắt người mẹ lúc ánh lên niềm tự hào, lúc rưng rưng nước mắt vì hạnh phúc

Khi tôi hỏi hai tác giả trẻ: "Tại sao gọi đây là dự án?" Phan Nhật Minh có vẻ bẽn lẽn, Vũ Bình Minh - đôi mắt sáng như sáng hơn - tự tin trả lời thay bạn: "Chúng cháu gọi đây là dự án vì ngoài việc hoàn tất ca khúc này ekip còn tiếp tục làm thêm những ca khúc khác cả về âm nhạc, ca từ, cả về tìm tòi, quay, dựng những hình ảnh sống động, chân thực nhất về những góc khuất ít được phơi bày trong cuộc mưu sinh vất vả của người Việt ở Đức. Gọi đây là dự án còn vì nó cần cả sự chung tay ủng hộ của cả cộng đồng trong việc cung cấp những tư liệu về hình ảnh, những lời góp ý, động viên cho nhóm dự án, đặc biệt trong việc phổ biến và lan tỏa những ca khúc đã được hoàn tất trong cộng đồng". 

Nghĩ cũng phải, một dự án âm nhạc với nhiều ấp ủ, nhiều hoài bão, nhiều nỗi niềm như thế không thể là công việc của hai, ba cá thể trai trẻ dù tài năng và nhiệt huyết đến đâu. Nó vẫn cần, thậm chí rất cần sự chung tay đóng góp, ủng hộ đầy hảo tâm của bà con cộng đồng để dự án sớm được hoàn thành như tâm nguyện của lớp trẻ, cũng là món quà đầy ân nghĩa của thế hệ thứ hai dành cho thế hệ những người Việt đi trước tại nước Đức.

Hùng Lý từ Berlin, Đức.

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)