Bức ảnh này trên El Tiempo en Espana chụp một miệng lửa nhân tạo tại Turkmenistan. Gọi là miệng lửa nhân tạo là vì nó được tạo ra bởi con người.
Đúng 50 năm trước, trong quá trình kiếm tìm các mỏ dầu lửa, các nhà khoa học Liên Xô trước đây đã kéo máy khoan đến sa mạc Karakum, nơi họ cho là có nguồn dầu mỏ dồi dào. Nhưng thay vì tìm ra dầu mỏ, dàn máy khoan khổng lồ lại vô tình chạm vào một túi khí tự nhiên. Tuy không để lại thương vong về người, nhưng toàn bộ phần mặt đất dưới mũi khoan nhanh chóng đổ sụp xuống và tạo thành một hố có đường kính khoảng 70 mét và chiều sâu khoảng 30 mét. Cùng với đó, khí từ túi khí bị rò rỉ bốc lên miệng hố.
Để khắc phục sự cố đó, các nhà khoa học đã đi đến một quyết định mà họ cho rằng sẽ giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng của khí methane bị rò rỉ đến đời sống của người dân trong khu vực, đó là họ sẽ châm lửa đốt với dự kiến lượng khí sẽ bốc cháy hết trong vòng một tuần.
Thế nhưng, vượt xa sự tính toán đó, "một tuần" của các nhà khoa học vẫn cháy suốt từ năm 1971 đến nay và chưa có dấu hiệu dừng lại. 50 năm sau, những chuyên gia vẫn không biết được thời điểm ngọn lửa trong miệng hố sẽ tắt. Hố lửa có thể ngừng cháy vào ngày mai hoặc thêm 100 năm nữa, chưa nhà khoa học nào dám khẳng định.
Nằm giữa sa mạc Karakum, Turkmenistan, Trung Á, miệng lửa Darvaza được biết đến với cái tên Gates To Hell hay còn gọi là “cánh cổng tới địa ngục”, theo cách gọi của dân địa phương.
Chính phủ Turkmenistan đã nhiều lần đau đầu với sự cố này, do lo ngại sự xuất hiện của miệng lửa Darvaza sẽ làm giảm danh tiếng của địa phương. Thủ tướng nước này từng có lần ra quyết định lấp cổng địa ngục, nhưng không hiểu sao quyết định đó lại không được thi hành.
Có điều, trái ngược với những lo lắng từ phía Chính phủ Turkmenistan, Gates To Hell không những không làm cho Turkmenistan bị mang tiếng mà nó còn trở thành điểm du lịch nổi tiếng nhất khu vực. Hàng năm miệng lửa thu hút khoảng 50 nghìn lượt khách đến tham quan và tìm hiểu về “cổng địa ngục” do con người tạo ra này.
Phương Linh dịch tổng hợp
VNQD