Nhà văn Lê Lựu - Người thầy của nhiều cây viết trẻ

Thứ Năm, 28/11/2024 00:31

. LÊ NGỌC MINH

1.

Lê Lựu là nhà văn trưởng thành trong quân ngũ, ông từng viết văn khi còn là một binh nhì. Sinh thời, ông thường kể với tôi về các “tác phẩm” đầu tay của mình, có “tác phẩm” mà vừa nghe xong tôi liền phá lên cười, rồi không thể nào quên. Đó là bài kí ông viết về phong trào bộ đội trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn dài hơn 4.000 từ. Khi gửi đăng báo Quân khu, người biên tập rút lại chỉ còn 48 từ và mấy con số, nội dung như một cái tin ngắn, rằng đại đội X trồng được bao nhiêu m2 rau xanh, thu hoạch mỗi m2 là bao nhiêu kí lô, thêm vào bữa ăn cải thiện như thế nào. Nhuận bút của bài kí từ 4.000 từ rút gọn lại thành cái tin 48 từ ấy được 5 đồng (thời giá năm 1966). Có thế thôi mà ông sướng run cả người đến mấy tháng, rồi cắt cái tin đăng báo ấy giữ suốt cả cuộc đời.

Sau này trở thành nhà văn nổi tiếng, trong các buổi đi giảng bài ở trại viết cho lính trẻ hoặc “lên lớp” cho các học viên ở những cơ sở đào tạo văn chương khác, ông cũng thường tự giới thiệu trích ngang văn chương của mình về “tác phẩm” đầu tay 48 từ rồi kết luận: Ở đời làm được cái gì có kết quả, dù chỉ như hạt bụi cái tăm thôi, đều quý cả, nó không “bổ” ngang thì cũng “bổ” dọc.

Học trò của Lê Lựu vừa là những người được ông thụ giáo trên lớp vừa là ở các buổi “hóng” chuyện. Nếu lại có thêm nhà văn Nguyễn Khải và nhà thơ Trần Đăng Khoa “hiện diện” nữa thì coi như bữa đó “cháy giáo án” từ trưa sang chiều…

Có thể chưa thật đầy đủ nhưng những nhà văn tên tuổi như: Hồ Anh Thái, Phạm Ngọc Tiến, Phạm Hoa, Tô Nhuần, Bùi Thanh Minh, Hữu Ước, Lương Hiền, Nguyễn Anh Nông và nhiều cây bút trẻ khác đã được nhà văn Lê Lựu truyền cảm hứng sáng tạo văn chương hết sức lôi cuốn, trong đó không ít người đã coi ông là bậc thầy, cũng như ông luôn tôn vinh hai ông thầy lớn nhất trong đời văn của mình là nhà văn Nguyên Hồng và nhà văn Nguyễn Khải…

2.

Hồi chiến tranh, một lần nhà văn Lê Lựu ra đảo Mê công tác, nơi đơn vị tôi đang chiến đấu bảo vệ vùng biển Nam Thanh - Bắc Nghệ để viết bài. Là trợ lí câu lạc bộ chiến sĩ, tôi được chỉ huy giao việc “tháp tùng” nhà văn Lê Lựu đến từng khẩu đội trên đảo gặp gỡ lính chiến. Nhìn ông trung úy trẻ, râu quai nón, tóc rễ tre rậm và đen, giọng khỏe, nói năng thân thiện hoạt ngôn như nước chảy, lại có truyện ngắn Người về đồng cói mới được dựng thành phim, suốt buổi hôm ấy, tôi luôn kính cẩn một điều “thủ trưởng”, hai điều “thủ trưởng” với ông. Lê Lựu cười, bảo: “Ở đây chú em chỉ cần gọi đảo trưởng của chú là thủ trưởng thôi. Còn lại, chúng ta đều là lính tráng, chỉ hơn nhau tí chút thâm niên, gọi thủ trưởng, anh ngượng lắm! Nhớ nhé!”. Đến các khẩu đội, Lê Lựu kể chuyện phim mê li như diễn viên thượng thặng, ông có trí nhớ tuyệt vời, kể chuyện mà như đang dựng phim bằng lời. Những ngày Lê Lựu ở đảo là những ngày hội của cánh lính trẻ chúng tôi.

Năm 1974 tôi được dự trại viết của Quân khu 3 ở tiểu đoàn công binh 27 do đại úy Lương Hiền làm tiểu đoàn trưởng. Trong số các thầy về “đứng lớp” có nhà văn Lê Lựu (lúc này đã về tạp chí Văn nghệ Quân đội). Nhà văn Lê Lựu ở lại cùng các thầy Mai Vui, Vũ Sắc giúp chúng tôi hoàn thiện bản thảo. Khi đến lượt tôi được thầy Lựu góp ý bản thảo, ông rủ rỉ khuyên: Nhà thơ Duy Khán nói rất đúng, khi cảm xúc trào ra thì hãy viết nhưng đó là sáng tác thơ; viết văn thì cứ phải hùng hục mà viết, phải vừa viết vừa khóc như cụ Nguyên Hồng ấy. Chúng mình còn trẻ, mới vào nghề thì càng phải cần cù hơn; ngòi bút trang giấy và ngồi lì, viết đến vã mồ hôi, đến mờ mắt là người thầy vĩ đại nhất trong nghề viết văn.

Kết thúc trại viết không lâu, truyện ngắn Chị dâu của tôi được đăng trên Báo Quân đội Nhân dân số kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22.12.1944 - 22.12.1974). Hôm ra Quân khu ở Hà Đông công tác, tôi đến báo nhận nhuận bút, là 30 đồng, bằng hơn hai tháng phụ cấp quân hàm trung sĩ của tôi lúc đó. Từ số 7 Phan Đình Phùng tôi đi tắt sang số 4 Lý Nam Đế mời nhà văn Lê Lựu đi ăn miến ngan Bà Béo - Quán Thánh. Ông từ chối và bảo dành tiền ra chợ Đồng Xuân mua cho mẹ một cái áo bông còn lại thì mang về đơn vị liên hoan với anh em. Năn nỉ cách mấy, ông cũng không đi ăn, đã thế còn đèo tôi đi mua áo rồi đèo tiếp ra ga. Lúc qua chợ Hàng Da, ông mua cân chè gửi tôi mang về cho phân đội trực chiến ở mõm núi đông nam đảo Mê.

3.

Do công việc, mãi đến năm 1998, tôi mới có cơ hội được gần gũi nhà văn Lê Lựu để viết kịch bản phim truyền hình nhiều tập từ tiểu thuyết Sóng ở đáy sông của ông. Lê Lựu vui lắm. Tôi và một nhà biên tập có chức sắc đến xin sự chỉ đạo của ông về cấu trúc chủ đề như chữ dùng của nhà biên tập. Lê Lựu cởi mở: “Cấu trúc chủ đề nghe hoành tráng vĩ mô quá, chú mày cứ cho anh mỗi tập phim một tí ti ý tưởng là được, có cái tí ti ý tưởng ấy, khi xem nó thú, giống như dư vị của chè ngon”. Vâng theo ông, tôi đặt cho mỗi tập phim một cái tên và chỉ gói vào ý tưởng đặt ra ban đầu. Nhờ thế mà tôi viết tương đối nhanh, cứ viết xong tập nào tôi lại đưa ông đọc tập ấy, chỗ nào tôi viết tốt, ông viết liền chữ “khá” có dấu chấm than khẳng định; chỗ nào tôi viết vụng, ông chỉ đặt dấu hỏi chứ tuyệt nhiên không sửa không phê gì.

Tôi nhớ, khi viết đến nhân vật Minh Vũ, một trí thức bị lừa đảo mà rơi vào vòng lao lí. Trong tù, Minh Vũ đã kiên trì nuôi dạy khai tâm đứa con gái của Núi, bé Yển. Tôi hỏi Lê Lựu về nguyên mẫu, ông đưa tôi đến. Người phụ nữ lúc ấy đã được tự do, chị không mấy ân hận bị kẻ xấu giáng họa mà khẳng định, trong tai nạn chị đã may mắn được thổ lộ hết nông nỗi với một nhà văn biết chia sẻ, biết gợi mở động viên chị bằng câu nói để đời: “Cái gì dù phức tạp đến mấy rồi cũng qua đi, cô phải biết giữ sức khỏe và niềm tin để làm lại, khởi lại từ đầu”. Nghe động viên của Lê Lựu, chị đã làm thơ tự răn mình: “Bắt đầu từ những ban mai/ Trong khô khát bức có vài giọt sương…”. Lê Lựu mềm mại thủ thỉ là thế nhưng có lúc ông cũng rất quyết liệt. Đó là trong tập kịch bản thứ 7 - Sóng ở đáy sông, tôi lấy hai câu ca dao dân gian đương thời nhét vào miệng một nhân vật phụ có tính hay lí sự trước thời cuộc: “Tình hình thế giới có gì đâu/ Nước Nga, nước Mĩ đứng đầu hai phe”. Ông Lựu bút phê: “Tếu không phải lúc!” và gạch hai câu ấy đi.

Khi thực hiện bộ phim Sóng ở đáy sông, Lê Lựu gắn bó với đoàn làm phim từ ngày khai máy đến tận ngày họp báo giới thiệu tác phẩm. Chỗ nào khó khăn về bối cảnh như ga tàu thời bao cấp, như phố cổ Hà Nội, Hải Phòng…, nơi nào phải huy động lực lượng diễn viên quần chúng đông đến hàng trăm người…, ông Lựu xuất hiện là “trôi” hết. Đạo diễn, NSƯT Lê Đức Tiến phong ông là đại sứ thiện cảm, còn phó đạo diễn Nguyễn Trung Thực ngưỡng mộ ông bằng câu: “Thầy Lựu mà nói thì kiến trong lỗ cũng bò ra nghe”. Vậy mà khi họp báo, khi mang phim đi hội thảo…, biên kịch tri ân ông, đoàn làm phim tri ân ông, ông chỉ một mực xúc động nói, nhờ có nghệ thuật điện ảnh, nhờ có các thành phần trong đoàn làm phim mà Sóng ở đáy sông của ông có thêm một số phận mới, nó như một bài thơ được phổ nhạc thành công.

4.

Sau khi hồi phục do một cơn tai biến, đôi chân thiên lí vạn lí của Lê Lựu đã không còn khỏe nữa. Bởi thế, mỗi ngày sau giờ làm việc, ông được nhà báo Trần Thị Hoài và một cô gái trong Trung tâm Văn hóa doanh nhân thân thiết “hộ vệ” đi bộ thể dục khoảng hơn một giờ. Mỗi lần tôi đến thăm ông đều thấy ba bác cháu thong thả đi trên con phố hẻm khuất đầy bóng mát. Khi có công việc văn chương, điện ảnh cần nhờ ông, tôi cũng đi theo họ và xin ý kiến ông luôn.

Tôi tò mò hỏi nhà báo Trần Thị Hoài, Chánh Văn phòng Trung tâm Văn hóa doanh nhân (nay là Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa doanh nhân), người đã kính trọng yêu thương ông Lựu như cha đẻ, thường ngày đi như thế, ông Lựu hay rủ rỉ những gì? Hoài kể lại với tôi, ông Lựu nói nhiều chuyện lắm, chuyện tình yêu, lập nghiệp, chuyện may mắn, nhỡ nhàng… cứ tràng giang đại hải như Một nghìn một đêm lẻ mà chuyện nào cũng mới mẻ, khi thì bật cười, lúc thì ngậm ngùi đến rơi nước mắt. Tôi tò mò hỏi tiếp, động cơ nào Hoài có nhiều năm chăm sóc ông Lựu như tình phụ tử, nhất là thời gian ông bạo bệnh? “Ân nghĩa chú ạ!”, Hoài đáp rồi kể tiếp, ngày chị mới ra trường, đi kiếm việc khó quá. Đọc báo, biết Tạp chí Văn hóa doanh nhân tuyển người. Chị đến ứng thí trong nỗi lo, vì người xét tuyển là nhà văn Lê Lựu nổi tiếng. Lo nhưng vẫn đến, đến trong hồi hộp cầu may. Ông Lựu ra đề miệng cho thí sinh: “Cháu viết cho chú một câu chuyện mà cháu thấy xúc động! Viết luôn được không?”. Chị Hoài vâng lời và ngồi tại văn phòng Trung tâm viết trong hơn một tiếng thì xong truyện ngắn Ngoại tôi. Ông đọc rất kĩ rồi phán, cháu viết có văn, có chuyện, có tình người, thay mặt Trung tâm Văn hóa doanh nhân, chú nhận cháu! Ngày mai cháu đến làm việc chính thức. Đến nay chị Trần Thị Hoài là một nhà báo, nhà biên tập chững chạc của tạp chí với vị trí Tổng biên tập và là Giám đốc Trung tâm Văn hóa doanh nhân.

Nhân trò chuyện với chị Hoài, tôi bỗng nhớ lại ngày cùng ông Lựu đi phố Quán Thánh mua hoa cúc về thắp hương ngày tuần. Bữa ấy cuối thu, trời se lạnh, một thiếu nữ dừng xe mua hoa, hương con gái và màu áo khoác trang nhã của cô khiến Lê Lựu nhìn theo và nhận xét: “Nét thu đấy!”. Tôi đã mượn ý đó viết bốn câu tặng ông: “Vẫn bóng chuồn búng mặt ao/ Vẫn cúc vàng với hanh hao nắng vàng/ Sáng nay mấy lẻ sương giăng/ Áo em làm mới cũ càng nét thu”. Nghe xong, Lê Lựu cười tóa: “Chú mày chỉ được cái giỏi ảo mộng giấc Nam Kha!”.

Nhà văn Lê Lựu có đông học trò. Ông đi đến địa phương nào cũng có học trò tìm đến gặp, phần đông trong số họ là quân nhân cầm bút. Đó là tình cảm rất lớn mà chỉ trong cõi văn chương, trong đạo thầy trò mới đầy đặn sự chân thành và ân nghĩa đến thế…

L.N.M

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất