. ĐINH XUÂN NGỌC
Không khí sôi nổi những ngày đầu ra quân huấn luyện năm 2023 từ miền biên giới đến hải đảo xa xôi lại làm trỗi dậy trong tôi kí ức về chuyến đi Trường Sa năm nào. Không chỉ cơ duyên với Trường Sa mà còn cơ duyên với những người lính đang làm nhiệm vụ canh trời ở Sư đoàn 377, Quân chủng Phòng không - Không quân.
Đại đội pháo phòng không huấn luyện trên trận địa. Ảnh Hoàng Phi
Đó là một sáng cuối năm mưa giăng trắng trời. Vừa từ Trường Sa trở về sau chuyến chuyển quà Tết tặng lính đảo, đang ở khu vực lễ tân khách sạn Trường Sa, tôi giật mình bởi tiếng gọi:
“Anh Ngọc! Anh Ngọc khóa CT20 phải không?”
Ngoảnh lại, tôi nhận ra cậu em học sau mình hai khóa:
“Ai như là chú Đồng?”
Nhìn kĩ tôi mới phát hiện ra, đó là người em Phạm Như Đồng, quê ở Thạch Hà, Hà Tĩnh, học chuyên ngành pháo phòng không, sau chuyển loại cán bộ chính trị, giờ đang làm Chính trị viên đại đội trực thuộc Sư đoàn, đóng quân ngay phía sau khách sạn Trường Sa, hồi học ở Sơn Tây hai anh em khá thân thiết. Trước chuyến đi tôi biết Đồng và nhiều bạn bè, đồng hương cũng đang công tác ở Cam Ranh nhưng không có số điện thoại đành chịu.
“Hôm nay em sẽ dẫn anh đi thăm lại “cố nhân” đang công tác ở đây. Tuy là lính pháo nhưng nay chuyển loại chính trị nên rađa hay tên lửa gì em cũng kinh qua hết.”
Chúng tôi rời Sở chỉ huy Sư đoàn để lên trạm rađa trên đồi rađa. Xe chạy đến chân đồi, bắt đầu rồ máy để leo lên dốc, bỗng một chiến sĩ mặc áo mưa ngồi trong lùm cây ven đường đột ngột đứng dậy, giơ tay lên vành mũ chào. Thấy lạ, tôi quay sang Đồng hỏi trạm rađa cũng có vọng gác dưới chân đồi à. Gác sách gì mà chả có súng ống thế hả chú? Đồng mỉm cười bảo rồi anh sẽ biết thôi. Đây không có trạm gác đâu. Đồng chí ấy là “trợ lí tiếp phẩm” của trạm đấy! Tôi tròn xoe mắt. Lại còn thế nữa! Trong Quân đội ta có rất nhiều chức danh trợ lí, nhưng cái chức trợ lí tiếp phẩm thì từ khi vinh dự được đội mũ có sao tôi chưa thấy bao giờ! Nghĩ thế, nhưng tôi không tiện hỏi. Thôi thì hẵng để thế xem sao!
*
* *
Chiếc Wave của Đồng còn mới mà phải ì ạch lắm mới leo được lên con đường trải bê tông phẳng lì. Trung tá Trần Xuân Cường, Chính trị viên trạm quê ở Kỳ Anh dẫn chúng tôi vào nhà chỉ huy. Căn nhà được xây dựng khang trang, nhưng nơi làm việc lại chìm sâu vào lòng đất như những căn hầm của sở chỉ huy thời chiến tranh.
Gặp Trạm trưởng tôi nhận ra ông bạn cùng khóa nhưng học rađa, quê ngoài Bắc, nhìn biển tên mới nhớ là Lê Minh. Sau phút ôn lại kỉ niệm cũ, nói về đơn vị, Minh tâm sự nơi đây gọi là trạm nhưng quân số đơn vị lên đến hơn một đại đội. Cán bộ, chiến sĩ hầu hết còn rất trẻ, đang ở tuổi thanh niên. Quê quán anh em từ Bắc đến Nam đủ cả, nhưng nhiều nhất là người hai tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An. Thật lòng thì chiến sĩ hai tỉnh này vừa thông minh, vừa cần cù, chịu khó. Là một đơn vị kĩ thuật, tiếp xúc với khí tài hiện đại để quản lí bầu trời, nên càng cần những phẩm chất đó của người lính.
Theo chân Minh, chúng tôi vào đài 12 đang phát sóng. Giữa cái lạnh cuối đông trên đỉnh trời Cam Ranh này mà trong buồng máy hơi nóng phả ra hầm hập, cứ như đang ngồi giữa rốn gió Lào mùa hè nơi quê nhà. Trong buồng máy tối om, hai chiến sĩ, một thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp, một trung sĩ, quân phục chỉnh tề, mồ hôi ướt cả lưng áo đang dán mắt vào màn hình tròn xoay. Tiếng máy nổ chát chúa, đinh tai, nhức óc. Tôi phải hét vào tai người lính mang quân hàm trung sĩ: “Mỗi phiên các đồng chí trực mấy giờ?” “Báo cáo: “Hai giờ ạ!” Cậu chiên sĩ cũng nói như hét vào tai tôi. “Vất vả thế này, có thêm đồng phụ cấp nào không?” “Báo cáo có ạ!” Tôi định lấy máy tác nghiệp thì sực nhớ tấm biển “cấm quay phim, chụp ảnh” ngay lối vào nên đành thôi.
Câu chuyện trao đổi của chúng tôi liên tục bị cắt vụn bởi tiếng chuông điện thoại trong buồng máy réo rắt, thông báo mục tiêu. Chỉ mấy phút trong buồng máy chật chội, tối đen, nóng hầm hập, mắt dán vào màn hình tròn xoay cùng vệt quét màu đỏ và tiếng máy nổ chẳng khác gì lấy búa sắt nện liên hồi vào chiếc kẻng đặt ngay sát lỗ tai, ra khỏi buồng máy, ai cũng như say sóng, người chống chếnh, đi chân nam đá chân chiêu.
Phải mất mấy phút đứng yên, tôi mới lấy lại được thăng bằng. Biết tôi là đồng hương, Trung úy Hoàng Tâm An, Đài trưởng vừa ra khỏi buồng máy 13 đã chạy đến, cầm chặt tay tôi, rối rít hỏi có phải người Nghệ An không. Gặp được đồng hương bằng da bằng thịt từ quê vào là khác hẳn gặp trên điện thoại. Khi hỏi cuộc sống, sinh hoạt ra sao thì An bảo ngày trước, cái khoản chở nước, gùi nước dưới chân đồi lên sinh hoạt là nỗi lo canh cánh của cán bộ, chỉ huy đơn vị. Ngày ấy nước ngọt trên trạm chẳng khác gì ngoài đảo. Mà với lính trạm, ngoài việc tắm, giặt còn phải lau chùi máy móc, nên nước đã thiếu càng thiếu. Một lần đồng chí Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng đến thăm trạm. Ông hết sức bất ngờ thấy anh em chiến sĩ lúc đi ngủ không có nước rửa chân, phải lấy bao ni lông bọc hai bàn chân lại kẻo đất hay cái “mùi tất” lan sang cả chăn chiếu. Thấy thế, thương anh em quá, đồng chí Chủ nhiệm bật khóc. Giờ thì khác rồi! Trạm đã có nước sạch lên tận nơi cho anh em thoải mái dùng.
Đang vui chuyện với An thì Thiếu úy Hồ Văn Ngọc, Quản lí trạm đi đến. An nháy mắt cho tôi: “Tay này quê mình đấy anh. Làm quản lí nhưng cái cách trồng trỉa rau ria hắn lấy kinh nghiệm ở quê hắn mang vô, nên tươi tốt lắm. Rau của trạm chúng em mấy năm nay không những ăn thoải mái mà còn cấp cho Trạm 11 ngoài Trường Sa nữa. Anh cứ tra hắn là ra vấn đề đấy!”
Được lời như cởi tấm lòng, tôi quay ngay sang Ngọc. Cậu ta cười rung rinh: “Chuyện đâu có đó anh đồng hương ơi! Để em dẫn đồng hương ra vườn rau tăng gia của trạm “mục sở thị”. Rồi em kể đồng hương nghe!” Ra tới vườn rau, Ngọc khoát một vòng tay kể đất đồi này toàn đất cát hạt to. Loại cát hạt to này mưa xuống không giữ được nước đâu, hết mưa là khô như… cát! Nên đất trồng rau phải tổ chức cho bộ đội tranh thủ ngày chủ nhật phát động anh em gùi từ các chân ruộng tít dưới chân đồi lên đấy. Chưa tính xúc đất, chỉ tính việc đi xuống rồi trèo lên đã mất đứt 30 phút. Lại phải rào cho kĩ bằng lưới sắt, cành cây, bao bì xác rắn để chống lũ thỏ rừng vào phá rau. Thỏ rừng, gà rừng, kì nhông ở đây nhiều vô kể, thi thoảng anh em vẫn bẫy để cải thiện.
*
* *
Đến giờ nghỉ trưa, anh em trạm đến cả, tôi hỏi chuyện chức danh trợ lí tiếp phẩm. Trung tá Trần Xuân Cường cười lớn: “Ở đây anh em họ gọi vui thế thôi. Là thế này anh, trạm chúng tôi ở trên cao, đường lên trạm dốc đứng. Chiến sĩ tiếp phẩm thì ngày nào cũng phải đi… tiếp phẩm. Mà xe tiếp phẩm thường chỉ là không phanh, không chuông, không gác đờ bu. Vậy nên khi xuống dốc phải có một người đi đằng sau kéo xe lại cho khỏi trôi. Xuống hết dốc ở lại chờ để khi tiếp phẩm về, phụ đẩy xe lên, chứ lúc đó xe đầy hàng, một mình tiếp phẩm đẩy lên sao nổi. Trợ-lí-tiếp-phẩm là thế đấy!”
Anh em ồ lên cười mà lòng tôi thì rưng rưng. Thì ra đến cái chức danh người lính tếu táo đặt cho nhau cũng gợi cho người nghe một niềm vui rất lính, để cho vơi đi sự gian khó. Sẵn đà, tôi hỏi vui, vậy chứ tết nhất năm nay anh em mình có ai nhớ nhà, nhớ người yêu mà khóc nhè hay sao nhãng nhiệm vụ không. Một chiến sĩ mang quân hàm hạ sĩ, nói giọng đặc sệt Hương Sơn, tự giới thiệu mình tên là Lê Đức Tùng trả lời rất nghiêm túc:
“Báo cáo anh, khóc thì có đấy, nhưng sao nhãng thì tuyệt đối không. Đối với người lính rađa chúng em, tối kị cái anh “lơ tơ mơ”, bởi chỉ một tích tắc sơ hở thôi là để lọt mục tiêu, là bị kẻ thù làm vấy bẩn, thậm chí giết chết mùa xuân. Với lại, chúng em là lính phòng không nên ở gần ông trời, khác chi lính nhà trời. Gần gũi thế, Ngọc Hoàng Thượng đế mà thấy mình say, sai Thiên Lôi đến đánh, thì chết cả lũ!”
Tiếng cười ấm cả làn mây trên đỉnh đồi. Tự nhiên một “sàn diễn” được hình thành ngay dưới hàng cây trứng cá, trúc anh đào đang đơm hoa, do Trung tá Trần Xuân Cường trực tiếp làm “em xi”. Có ai đó nhanh chân chạy vào phòng Hồ Chí Minh lấy ra cây đàn ghi ta trao tận tay cho Xuân Cường. Thôi thì những bài hát nào hay nhất của ví dặm Nghệ Tĩnh được anh em đơn ca, song ca, tốp ca, đồng ca hết sức say sưa, nhộn nhịp. Khi nghe Xuân Cường “chát xình” dạo khúc đầu, mọi người đồng thanh ưỡn ngực hát vang: Xa quê lâu lắm rồi mà sao vẫn nhớ hoài/ Ngày đi người em gái gửi hồn theo ước mơ/ Hẹn thề cùng non biển ra đi tôi sẽ về… Rồi chẳng ai bảo ai, thấy tôi mớm lời một đoạn “rađa ca”: Chúng tôi kéo máy lên đây giữa dầm dề mưa lạnh…, tất cả cùng hòa ca: Chúng tôi kéo máy lên đây, như năm nào kéo pháo vào Điện Biên/ Qua Trường Sơn vào giải phóng miền Nam/ Ở nơi này bốn phía là trời cao/ Ăngten đó đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi là chúng tôi lính trẻ/ Chiến sĩ rađa trên điểm chốt biên thùy…
Tiếng hát vút cao, bồng bềnh rồi hòa vào gió mây…
Đ.X.N
VNQD