Táo bạo, bất ngờ bắn rơi máy bay ngay tại sân bay

Thứ Tư, 25/10/2023 00:50

. NGUYỄN ĐÌNH ĐIỂM

 

Tiếng pháo giao thừa vừa nổ rền vang thì cuộc Tổng tiến công trên toàn miền Nam đã đồng loạt diễn ra. Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam liên tục báo tin vui thắng trận trên khắp các chiến trường.

Năm nay, Đại đội 108 ăn Tết ngay trên trận địa, một không khí đón xuân thật náo nhiệt. Trên trận địa các tiểu đội đều có những cành đào, hoa đào, nụ đào được làm bằng những những mảnh dù pháo sáng nhuộm phơn phớt hồng. Hôm mồng một Tết, đồng chí Binh trạm phó đến chúc Tết, thấy hầm pháo nào cũng có cành đào đón xuân, ông nói:

- Chắc chắn phải có người Hà Nội.

Chính trị viên Trần Xuân Mừng báo cáo với thủ trưởng binh trạm:

- Đơn vị có tới hai phần ba là người Hà Nội.

Ông cười nói với anh em:

- Đại đội của các đồng chí đánh rất hay, bom đạn ác liệt như thế mà vẫn có cành đào để đón xuân thì quả là tuyệt vời, phải có những lúc lãng mạn như thế mới đúng với phẩm chất của những người chiến sĩ cách mạng...

Các cựu chiến binh của Đại đội 108 gặp mặt

Mồng năm tháng giêng, trung úy Đông, Trợ lí tác chiến Ban Tham mưu Binh trạm đi cùng một người to béo đến trận địa nam Nậm Kông. Ông là Hoàng Cao, Chính ủy mặt trận A Nam Lào. Một cuộc họp khẩn cấp với Ban Chỉ huy Đại đội 108 đã diễn ra. Chính ủy Hoàng Cao nói:

- Để phối hợp với cuộc Tổng tiến công, nổi dậy, mặt trận A Nam Lào được mở nhằm chặt đứt một số cứ điểm quan trọng trên phạm vi A-tô-pơ để mở rộng vùng giải phóng của bạn Lào, đồng thời củng cố vững chắc tuyến hành lang chiến lược của ta. Được sự đồng ý của Binh trạm 37 (Binh trạm 8 đã đổi tên thành Binh trạm 37), hôm nay tôi thay mặt Bộ Tư lệnh Mặt trận A Nam Lào trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đội 108 được đánh trận mở màn của chiến dịch. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đã đánh phải thắng. Vì vậy, cách đánh phải táo bạo, bất ngờ. Đồng chí Tư lệnh trưởng sẽ giao nhiệm vụ ngay tại trận địa. Các đồng chí chỉ được phép làm công tác chuẩn bị trong ba ngày.

Mệnh lệnh thật ngắn gọn, rõ ràng.

Trong mấy ngày sau, một không khí háo hức, khẩn trương chuẩn bị cho trận chiến đấu bao trùm khắp đơn vị. Ngoài trận địa, bốn khẩu đội đã kiểm tra, bảo dưỡng vũ khí, đạn dược, chuẩn bị đủ cơ số đạn mang theo đúng chỉ lệnh. Ở hậu phương, một tổ hậu cần gấp rút gói bánh chưng, chuẩn bị thức ăn khô.

Chính trị viên đi cùng đồng chí Bính, một người rất giỏi tiếng Lào, gặp gỡ cán bộ địa phương để tìm người dẫn đường vào tập đoàn cứ điểm A-tô-pơ. Ở bãi tăng gia của đơn vị, mấy hôm nay, một con lợn rừng cứ lảng vảng quanh chuồng lợn, nó đang đi tìm lợn cái để “nhảy”. Mấy lần Triệu xách súng định bắn, con lợn lại lẩn đi chỗ khác rất nhanh. Nhân “đen” bảo tôi:

- Ông chuẩn bị một khẩu K44, một băng đạn mới và tìm một cái cây, có thể làm lá chắn. Khi bắn thì ngắm từ ức con lợn, chỉ một viên là hạ gục được. Hãy nhớ, lợn rừng bị bắn luôn có xu thế chạy thẳng về phía tiếng nổ.

Giữa trưa, con lợn rừng lại mò vào chuồng lợn. Tôi xách khẩu K44 đã lên nòng, nhẹ nhàng đi tới vị trí định trước. Vừa tì, áp súng vào thân cây, lấy đường ngắm, con lợn bỗng quay nghiêng về phía sau. Tôi lấy lại đường ngắm thật chính xác và bóp cò. Ở cự li gần, đạn K44 xé mạnh làm con lợn rừng gần một tạ chỉ chạy được một trăm mét đã đổ gục trong một bụi cây. Trước khi lên đường, anh em được ăn một bữa thịt lợn rừng thoải mái. Đây cũng là điềm lành trước ngày xung trận.

Đêm đến, đơn vị hành quân lội qua sông Nậm Kông. Chúng tôi cứ theo đường mòn, thẳng hướng tây mà tiến. Ở Việt Nam, những ngày có gió Lào thổi về thì nóng, bức, oi ả đến khó thở. Thế mà chúng tôi hành quân ngay giữa mùa khô của miền Hạ Lào. Trên vai mang vác nặng: nào vũ khí, nào lương thực dự trữ. Xuyên qua các cánh rừng khộp đầy lá rụng, bước chân đi nặng nề, bàn chân nóng bỏng, miệng lúc nào cũng khô ráp, đoàn quân đi lặng lẽ, âm thầm, giữ bí mật tuyệt đối.

Dẫn đường là một ông già người Lào có thân hình rắn chắc, da đen. Ông mặc một chiếc áo ngắn tay, quần cộc, tay cầm một con dao cán nhẵn bóng. Miệng ông lúc nào cũng ngậm chiếc tẩu thuốc của người Lào Thơng. Đi ròng rã suốt đêm nhưng ông ít khi uống nước.

Cả đại đội đã thấm mệt, khát nước vô cùng nhưng mệnh lệnh đã phát ra:

- Dù khát nước đến đâu cũng chỉ được sử dụng một nửa bi đông, còn để lại cho ngày tiếp theo.

Mặt trời vừa lên, suốt mười tiếng hành quân, chúng tôi được lệnh tạm dừng, nghỉ tại một suối cạn. Bên các bụi le khô, chẳng cần rải ni lông, anh em lăn ra ngủ vì mệt quá.

Đến chín giờ sáng, nắng đã như thiêu, như đốt. Ngồi đâu, nằm đâu cũng thấy nóng. Đến giữa trưa thì nắng nóng như nghẹt thở. Tuyến nói với tôi:

- Đào cát ở giữa lòng suối cũng không có nước.

Khát quá, có người đã phải uống cả nước tiểu. Thôi thì lúc này chẳng nên bỏ phí một giọt nước, dù đó là nước tiểu.

Ông già dẫn đường thuộc đường một cách kì lạ. Chẳng cần bản đồ, địa bàn, ông vẫn đi và xác định phương hướng chính xác. Đêm hôm thứ hai, vẫn phải vượt qua các khu rừng khộp dài dằng dặc. Bốn giờ sáng, chúng tôi đến bìa rừng. Trước mắt là một cái la to tướng (ruộng trồng lúa nước của người Lào). Đại đội hạ lệnh cho dừng chân.

Theo người dẫn đường thì từ đây ra bờ sông Sê Ka Mán chỉ còn hơn một cây số. Bên kia sông là thị xã Mường Mày. Tập đoàn cứ điểm A-tô-pơ cũng nằm trong phạm vi Mường Mày. Đúng lúc này, tổ trinh sát đi cùng Tư lệnh mặt trận đã có mặt:

- Tư lệnh đang chờ các đồng chí, đề nghị Đại đội trưởng, Chính trị viên và một đồng chí cán bộ trung đội ra thực địa nhận nhiệm vụ.

Không kịp nghỉ ngơi một chút, Đại đội trưởng Vũ Viết Tự, Chính trị viên Trần Xuân Mừng, Trung đội phó Nguyễn Hữu Lực lặng lẽ theo sau tổ trinh sát đi nhận nhiệm vụ. Với tư chất của người cầm quân, anh Tự vừa đi vừa quan sát rất kĩ địa hình trên đường. Bắt đầu vào suối cạn, lòng suối to, vách dựng đứng, có chỗ ngoằn ngoèo quanh co, có chỗ lõm vào trong tạo ra những hàm ếch.

Cách vài mét nữa là ra tới bờ sông, ngay bên tay phải có một bãi chuối dài đến trăm mét. Tư lệnh Việt Kỳ dáng cao, to, đẹp trai đang đứng gần một bụi chuối chờ cả đoàn. Với nụ cười cởi mở, cái siết tay rất chặt, ông nói nhỏ nhẹ chỉ đủ để mấy người nghe:

- Mặt trận hoan nghênh Đại đội 108 đã hành quân đến trận địa đúng thời gian quy định. Bây giờ tôi đề nghị ba anh quan sát thật kĩ: bên kia sông là tập đoàn cứ điểm A-tô-pơ. Đường băng của sân bay chạy đến sát bờ sông. Kia là đài chỉ huy không lưu. Các anh đặc biệt chú ý hai khẩu ĐKZ chĩa thẳng nòng sang sông. Các dãy nhà một tầng là của các đơn vị ngụy Lào trong tập đoàn cứ điểm. Ngôi nhà ba tầng là trụ sở Bộ Tư lệnh cứ điểm. Còn tại đây, trên bãi chuối này sẽ là trận địa đặt pháo. Các anh nghiên cứu thật kĩ cách bố trí. Ba mươi phút nữa, các anh phải trình bày phương án tác chiến, tôi sẽ phê duyệt tại chỗ.

Một cách làm việc mạch lạc, rõ ràng và rất quân sự của vị Tư lệnh. Đại đội trưởng Vũ Viết Tự vừa quan sát, vừa nói nhỏ với anh Mừng:

- Ở đây mà đón đánh đường bay lên thì tuyệt.

- Tôi đồng ý.

- Không cần lực lượng tối đa, dễ lộ lắm.

- Tôi đồng ý.

- Khi ta nổ súng, giao cho Lực chỉ huy sử dụng mấy khẩu thượng liên K53 ổ đĩa và tiểu liên AK bịt miệng ngay hai khẩu ĐKZ.

- Tôi đồng ý.

- Hình thành hai lực lượng rõ ràng: Tôi chỉ huy trận đánh, anh Mừng chỉ huy tuyến chi viện và rút lui.

Anh Mừng bổ sung:

- Phương châm đánh là táo bạo, bất ngờ, bắn trúng ngay từ loạt đạn đầu.

Phương án tác chiến được lập ngay trên thực địa, ngay sát nách kẻ thù. Trong tình huống này, đại đội trưởng và chính trị viên là bộ não, là linh hồn, biểu hiện toàn bộ ý chí, quyết tâm của cả đại đội.

Ba người đi sâu vào suối cạn khoảng 150 mét thì thấy Tư lệnh trưởng đã ngồi chờ. Ông trải rộng tấm bản đồ quân sự mang theo:

- Bây giờ đề nghị anh Tự trình bày phương án tác chiến.

Đại đội trưởng Vũ Viết Tự rất tự tin báo cáo gọn gàng, khúc chiết từng nội dung của phương án đánh. Sau khi nghe xong, Tư lệnh mỉm cười. Rất hài lòng, ông nhận xét:

- Ba mươi phút, vừa phải nghiên cứu thực địa vừa phải hoàn thành phương án đánh thế mà mọi cái đâu ra đấy. Trước hết tôi xin cảm ơn các anh. Vậy không dùng lực lượng tối đa? Các anh định sử dụng mấy khẩu?

Anh Tự đáp:

- Thưa đồng chí, tôi xin sử dụng hai khẩu 12 li 7 đặt thành hàng ngang chỉ ngắm và chọn đường bay bay lên, một điểm xạ dài, chắc chắn máy bay sẽ gục.

Trầm ngâm một lúc, Tư lệnh Việt Kỳ trả lời:

- Các anh đã tính toán kĩ lưỡng rồi, thay mặt Bộ Tư lệnh mặt trận, tôi đồng ý. Tôi phê chuẩn phương án tác chiến của Đại đội 108. Tôi xin nhắc nhở các đồng chí mấy việc:

Một là, tuyệt đối giữ bí mật. Đây là sự sống còn của trận đánh vì nếu bị lộ các đồng chí sẽ bị tiêu diệt trước.

Hai là, quyết định đánh lúc nào, thời cơ nào do các đồng chí toàn quyền quyết định.

Ba là về đường rút lui, phải lợi dụng địa hình suối cạn song rất linh hoạt bởi toàn bộ trận địa cối 106,7 li nằm trong cứ điểm ta chưa hề biết tường tận.

Bốn là, Đại đội 108 đã nổ súng là phải chiến thắng.

Chúc các đồng chí lập công!

Trở lại khu vực ém quân trong bìa rừng, Đại đội trưởng và Chính trị viên đã quán triệt rất kĩ phương án tác chiến. Hai khẩu đội được tuyển chọn. Khẩu đội một với số một Nguyễn Hồng Hà, số hai Bách Đồng (HD), số ba Lý Văn Học. Khẩu đội hai với số một Nguyễn Đình Tuyến, số hai Chu Văn Kim và số ba...

Hai bộ phận trực tiếp chiến đấu trên trận địa và bộ phận tuyến hai chi viện lúc rút lui đều thi nhau nói rõ quyết tâm, ai cũng muốn đại đội lập công bắn rơi máy bay tại chỗ.

Đến đêm, đại đội vào chiếm lĩnh trận địa. Trong đêm tối, các chiến binh nhanh nhẹn, lặng lẽ, không một tiếng động mạnh, chuẩn bị cho trận chiến đấu. Đến mười một giờ đêm, mọi việc hoàn tất. Hai khẩu 12 li 7 ẩn mình trong các bụi chuối đã được ngụy trang rất kĩ, đến mức mà sáng hôm sau anh Mừng vào kiểm tra trận địa cũng không nhận ra chúng đang ở vị trí nào.

Cả đại đội từ tuyến một đến tuyến hai, không một tiếng nói to, mọi việc trao đổi đều phải ghé sát tai để nói thầm. Ngoài tuyến hai, lực lượng hỗ trợ rút lui, mỗi tiểu đội một vị trí đúng quy định. Anh em phân tán, rải trên lòng suối cạn, tranh thủ ngủ để lấy sức.

Ngày thứ nhất:

Mặt trời vừa mọc, chiếc L19 đã nhẹ nhàng cất cánh. Tiếng động cơ vừa khởi động, hai khẩu đội đã vào vị trí chiến đấu để ngắm đường bay bay lên. Chiếc L19 lượn trên bầu trời mấy vòng rồi hạ độ cao để xuống đường băng.

Hơn mười giờ sáng, một tốp ba chiếc AD6 thay nhau chạy trên đường băng rồi ưỡn bụng cất cánh. Các pháo thủ số một đã ngắm rất kĩ đường bay của từng chiếc. Tốp AD6 được lệnh di chuyển sang sân bay khác.

Buổi trưa, từ Đại đội trưởng đến các chiến sĩ đều ngả mình vào các gốc chuối để ngủ. Nhưng làm sao mà ngủ được. Gốc chuối ẩm ướt, nhiều kiến, lại có cả dĩn nữa làm mọi người ngứa ngáy, khó chịu...

Buổi chiều, nhìn sang bên kia sông, sát ngay hai khẩu ĐKZ là một bến tắm, lính ngụy Lào thi nhau bơi lội, ngụp lặn, té nước... Bọn chúng còn bế bồng, đùa giỡn mấy ả gái điếm từ thị xã Mường Mày vào phục vụ bọn lính tráng.

Màn đêm phủ xuống lặng lẽ, nhìn sang bên cứ điểm, đèn diện ở các dãy nhà trông như những vì sao. Sau tám giờ tối, đèn pha từ trên các chòi canh chiếu sang bên kia sông, liên tục quét dọc sông để phát hiện, tìm kiếm.

Ngày thứ hai:

Sáng tinh mơ, chiếc L19 rời đường băng cất cánh, lượn một vòng trên bầu trời cứ điểm và bắt đầu hạ thấp độ cao. Hình như nó đang tìm kiếm..., nó bay qua sông, tốc độ bay rất thấp. Thằng phi công hết nghiêng bên nọ lại ngó bên kia. Đến gần trận địa, máy bay bay rất thấp và tăng tốc độ. Cả vườn chuối chuyển động, lá chuối bay phần phật như những lá cờ. Trận địa vẫn im phăng phắc, không một chuyển động.

Trên thượng lưu, cách trận địa khoảng hơn hai trăm mét, Bính và Minh người Hà Tây đã thay nhau canh gác để phòng ngừa tình huống dân bản đến khu vực vườn chuối. Cũng may, mùa này chuối đã thu hoạch xong nên không thấy một người dân nào qua lại.

Trên trận địa, một không khí căng thẳng đến tột độ. Từ chỉ huy đến các chiến sĩ lúc nào cũng thấy nóng và khát nước. Đến bữa cơm, không thể ăn nổi, chỉ nhai trệu trạo vài miếng rồi thôi. Sợ anh em bị mệt, tuyến hai đã chuyển sữa hộp đến trận địa. Nước nóng không có, đành phải húp khan. Có sữa đỡ mệt hơn nhưng càng khát nước. Tuyến và Hồng Hà kể:

- Cổ họng khô rát, căng thẳng, mệt mỏi, nhưng quyết tâm đánh không hề lay chuyển. Chúng tôi không được nói chuyện, chỉ có những nụ cười và ánh mắt trao đổi là nói lên tất cả. Có một điều rất lạ, uống nước như thế nhưng khi mót đi tiểu, đứng đến mươi phút cũng không ra nước.

Buổi trưa và buổi chiều, như thường lệ, chiếc L19 lại bay, lại tiếp tục trinh sát và tìm kiếm...

Hôm nay không có một loại máy bay nào khác tới cứ điểm.

Xế chiều, chi ủy họp khẩn cấp. Anh Mừng khẳng định:

- Mọi sự chuẩn bị cho trận đánh rất tốt, tinh thần và quyết tâm của cả đại đội đều cao.

Anh Tự xác định:

- Chưa có một thời cơ nào tốt để thực hiện trận đánh nhưng không thể kéo dài thời gian phục kích. Bởi chỉ cần một sơ suất rất nhỏ, trận địa sẽ bị lộ, ta sẽ bị địch đánh ngay lập tức.

Anh Tự hạ quyết tâm:

- Sớm, muộn trong ngày mai phải đánh. Động viên anh em đêm nay ngủ một giấc thật ngon để ngày mai nổ súng.

Lệnh được truyền ngay đến từng chiến sĩ.

Ngày thứ ba:

Mặt trời vừa ló trên rừng cây phía sau lưng trận địa, đã nghe thấy tiếng động cơ phát động. Chiếc L19 trườn mình cất cánh nhẹ nhàng. Các khẩu đội đã ở vị trí chiến đấu, đường ngắm đã chính xác. Thôi! Lại kệ cho nó bay, nó lượn.

Chín giờ mười lăm phút, trên bầu trời có tiếng động cơ máy bay vận tải. Một chiếc DC4 lượn một vòng trên bầu trời rồi từ từ hạ thấp độ cao, hạ cánh trên đường băng. Anh Tự hạ lệnh:

- Chuẩn bị tốt, máy bay cất cánh sẽ đánh.

Toàn bộ trận địa mắt đăm đăm nhìn về phía cứ điểm như nói với Đại đội trưởng: “Chúng tôi đã sẵn sàng!”

Hơn mươi phút sau, tiếng động cơ phát động ầm ầm, hai khẩu 12 li 7 đã lên nòng. Chiếc DC4 lăn bánh trên đường băng và cất cánh. Toàn bộ phần đầu và bụng của nó vừa nhô đúng tầm bắn. Một tiếng hô:

- Bắn!

Một điểm xạ dài... Nhìn đường đạn bay lên, trong đó có cả những viên đạn lửa, đã găm đúng vào đầu, vào cái thân to bè của chiếc máy bay vận tải. Như một con thú bị hạ gục, chiếc DC4 không còn sức để bay lên, vôi vàng ngoặt đầu về phía sân bay, đổ rầm xuống ngay trong khu vực cứ điểm.

Hạ tầm âm, quét... Hai khẩu 12 li 7 được Tuyến và Hồng Hà lia trọn vẹn thùng đạn còn lại sang bên kia bờ sông. Tiếng la hét, tiếng kêu cứu, tiếng chân chạy tán loạn.

- Tháo súng!

Trong khi đó Trung đội phó Nguyễn Hữu Lực đã cho hai khẩu thượng liên K53, ba khẩu tiểu liên cứ nhè đúng hai khẩu ĐKZ mà diệt, đến nỗi không thấy một bóng người ở bên ụ súng nữa. Hai khẩu 12 li 7 đã được tháo rất nhanh, nòng súng được lót bẹ chuối để vác. Hai phút sau, Tuyến, Hồng Hà và các pháo thủ đã rút ra suối cạn. Chỉ có vài chục mét nhưng cũng đủ để “đứt hơi”, mệt nhưng vẫn cười.

Tuyến hai đã sẵn sàng cho cuộc rút lui. Đại đội trưởng Vũ Viết Tự và bộ phận yểm trợ của Nguyễn Hữu Lực là những người cuối cùng rời khỏi trận địa. Mười phút sau, trên trận địa cối 106 li 7 trong cứ điểm mới phát hỏa. Quả là ông Tư lệnh Khăm Khòng cũng đã có phương án phản pháo. Các loạt đạn cối cứ theo đường suối cạn và trận địa bãi chuối để dập, để nện. Trong khi đó, toàn Đại đội 108 và đầy đủ phương tiện, vũ khí đã rút ra bìa rừng an toàn.

Ngay buổi chiều, giao liên của mặt trận đã mang bức điện:

“Khen ngợi và hoan nghênh Đại đội 108 đã đánh thắng trận mở màn, các đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Lệnh: Đêm nay rút quân về hậu cứ, cho anh em nghỉ ngơi, bình công để Bộ Tư lệnh khen thưởng kịp thời.

Kí tên: Tư lệnh trưởng Việt Kỳ và Chính ủy Hoàng Cao.”

Ngay ngày hôm sau Đài BBC và các báo ở thủ đô Viên Chăn đã đăng tải, mô tả sự hoảng sợ, hỗn loạn của tập đoàn cứ điểm. Họ gọi tên trận đánh là “cú thọc sườn táo bạo” và “Việt Cộng đã đem súng 12 li 7 đến tận đại bản doanh A-tô-pơ để bắn rơi máy bay làm cho Tư lệnh Khăm Khòng và cố vấn Mĩ một phen hú vía”.

Đêm hôm đó chúng tôi hành quân về hậu cứ. Lại hai đêm hành quân mang vác nặng với nắng, nóng và khát, nhưng chúng tôi vẫn vui. Chúng tôi cười, đùa và kể chuyện về trận đánh.

Binh trạm 37 gửi thông báo: “Đại đội 108 đã bắn rơi máy bay tại sân bay.” Đơn vị đã bình công: Nguyễn Đình Tuyến, Nguyễn Hồng Hà được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Đại đội 108 được đề nghị tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai.

Ba ngày sau, đêm liên hoan mừng thắng lợi, cả đại đội được xem vở hài kịch mô tả sự hoảng loạn, chạy chốn, chui lủi của ông Tư lệnh Khăm Khòng và ngài cố vấn Mĩ tại Mường Mày.

Năm 1971, Tuyến ra Bắc, phục viên rồi cưới vợ. Cùng năm đó anh nhận được Huân chương Chiến công hạng Ba, chiến công của trận đánh. Còn Hồng Hà, bốn mươi mốt năm sau, vẫn chưa thấy huân chương đâu, tôi nói đùa:

- Người có công thật nhưng chẳng bao giờ sờ được cái cuống tấm huân chương.

N.Đ.Đ
Ngày 19 tháng 8 năm 2009

 

VNQD
Thống kê