- Lùng Tám nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, Lùng Tám từ lâu đã nổi tiếng với nghề dệt lanh truyền thống của đồng bào người Mông. Lanh Lùng Tám mang nhiều nét độc đáo với chất liệu tự nhiên, bền, đẹp, hoa văn tinh xảo mà theo người dân nơi đây "Chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên".
Nghề dệt lanh truyền thống ở Lùng Tám đã và đang được truyền cho thế hệ trẻ.
Theo phong tục của người Mông, những phụ nữ trưởng thành đều có những mảnh nương riêng để trồng lanh,
và phải tự tay dệt được cho mình một bộ váy cô dâu trong ngày về nhà chồng.
Do vậy các thiếu nữ Mông sớm được bà, mẹ truyền nghề, sớm thành thạo việc se lanh, dệt lanh, thuộc lòng các công đoạn nhuộm sợi bằng màu từ cây cỏ trong thiên nhiên, vẽ, thêu với nhiều hoạ tiết vô cùng phong phú.
Cây lanh sau khi thu hoạch được phơi khô, tước vỏ xé nhỏ.
Khi tách lấy vỏ lanh, đôi tay người phụ nữ phải hết sức khéo léo cho sợi lanh có độ mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng.
Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi lanh trắng dần và mềm mại, là lúc phụ nữ Mông ngồi vào khung dệt.
Quá trình dệt đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ.
Vải dệt xong được đem giặt nhiều lần cho trắng, sau đó đặt lên khuôn gỗ tròn, dùng phiến đá quét mật ong lăn đi lăn lại cho tới khi vải mềm, mịn.
Vải lanh sau khi dệt được nhuộm màu.
Các màu nhuộm đều được lấy từ tự nhiên như: Chàm, nâu, sáp ong, cây cỏ...
Những sản phẩm lanh Lùng Tám luôn cho màu sắc tươi tắn, tự nhiên.
Hoa văn làm mẫu thêu được vẽ hoàn toàn thủ công.
Hoạ tiết trên trang phục có thể được vẽ hoặc thêu. Vẽ sáp ong là một kĩ thuật khá thú vị. Người ta dùng sáp ong đung nóng, vẽ trên vải. Rồi sau đó đem luộc tấm vải đó, sáp bong ra sẽ để lại trên mặt vải những hoạ tiết rất sinh động và không bị phai màu.
Trước kia dệt lanh chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, nên có thời gian nghề thủ công này đã bị mai một do hàng may sẵn giá rẻ tràn ngập trên thị trường
Trước nhu cầu phải bảo tồn nét văn hóa truyền thống làng nghề, năm 2001 hợp tác xã lanh Lùng Tám ra đời đã phát triển được tiềm năng, thế mạnh của làng nghề. Sản phẩm lanh Lùng Tám giờ đã mặt ở khắp các địa phương trong nước và 20 bạn hàng Châu Âu, tạo công ăn việc làm cho bà con giữ lại sức sống cho làng nghề truyền thống mang nhiều nét độc đáo vùng núi đá Hà Giang.
Tổ chức trang: Vũ Thành Duy
Thực hiện: Giang Phương