Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Trị Thiên là một chiến trường đầy ác liệt, gian khổ hy sinh nhưng chói lọi vinh quang. Do những điều kiện về lịch sử, địa lý, chiến trường Trị Thiên là nơi đọ sức quyết liệt, dai dẳng giữa các đơn vị chủ lực của ta với lực lượng thiện chiến nhất của quân đội Mỹ cùng quân đội Sài Gòn và đồng minh của chúng. Trải qua thời gian chiến đấu lâu dài, gian khổ, quyết liệt với quân thù, dải đất Trị Thiên đã hun đúc, đào luyện nên nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc. Trong đó, Sư đoàn 324 là một đơn vị chủ lực - một tập thể anh hùng của Quân khu Trị Thiên.
Mùa Xuân năm 1968, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, với cương vị Chính ủy Trung đoàn, rồi Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 thuộc Quân khu Trị Thiên; tiếp đó, từ năm 1970 đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, đảm nhiệm cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu Trị Thiên rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 2, tôi đã trực tiếp chứng kiến nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, lập công xuất sắc trên chiến trường.
Trong chiến công chung của Trung đoàn 1 và Sư đoàn 324, có sự đóng góp của đồng chí Lê Huy Mai. Là một trong những người tham gia trực tiếp chiến đấu rất sớm trên chiến trường Trị Thiên, liên tục ngót mười năm - từ tháng 3 năm 1966 đến tháng 4 năm 1975 - từ một chiến sĩ trinh sát, trở thành Trung đội trưởng, Đại đội trưởng, Trợ lý Trinh sát trung đoàn, sư đoàn tiếp đến là Trưởng ban Trinh sát - Đặc công Sư đoàn 324, đồng chí Lê Huy Mai đã dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu và phục vụ chiến đấu, lập công xuất sắc.
Trong nhiều chiến công của đồng chí Lê Huy Mai, phải kể đến những thành tích tiêu biểu, đó là: Dũng cảm điều tra nghiên cứu, hiến kế phương án tác chiến vây lấn, tiến công cứ điểm Cồn Tiên - một chiến lũy thép vững chắc trên tuyến hàng rào điện tử Mác Na-ma-ra của Mỹ ở nam sông Bến Hải. Trực tiếp chỉ huy đội mở cửa đánh lấn cứ điểm Cồn Tiên và đã cùng tổ trinh sát bốn người kiên cường dũng cảm giữ chốt Cồn Hụ - cạnh cứ điểm Cồn Tiên - đánh tan nhiều đợt tiến công của một đại đội thủy quân lục chiến Mỹ trong điều kiện phi pháo oanh kích vô cùng ác liệt, giữ vững được thế trận bao vây của ta. Tiếp đó là, trận chiến đấu bảo vệ trên 50 thương binh đang điều trị tại Bệnh xá của Trung đoàn 1 ở làng An Hưng (xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), bảo vệ Sở chỉ huy Trung đoàn 1 ở làng Sơn Tùng (xã Phong Nhiêu, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) và tham gia phá vây ở làng Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đặc biệt, sau Tết Mậu Thân, đồng chí được giao nhiệm vụ chỉ huy Phân đội Trinh sát bí mật quay lại đồng bằng Thừa Thiên, nhiều tháng trời hoạt động trong vùng địch, để tìm kiếm số anh em thương binh còn kẹt lại sau chiến đấu. Đồng chí đã chỉ huy Phân đội Trinh sát phối hợp với cán bộ cơ sở và du kích địa phương vừa dũng cảm chiến đấu vừa kiên trì tìm kiếm thương binh, với biết bao hiểm nguy gian khó. Kết quả là đã đưa được hàng trăm thương binh vượt vòng vây của địch, trở về vùng giải phóng.
Mùa mưa năm 1968, trong thời điểm đồng bằng Thừa Thiên khó khăn nhất, Phân đội Trinh sát do đồng chí Lê Huy Mai chỉ huy đã đưa được nhiều du kích và cán bộ địa phương lên vùng rừng núi phía tây an toàn.
Sau ngày giải phóng miền Nam cho đến lúc nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí Lê Huy Mai đã được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm nhiều cương vị quan trọng: Phó Sư đoàn trưởng - Tham mưu trưởng Sư đoàn 431, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 327, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 1, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân đoàn 2 và Phó Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng. Với trí thông minh, tính quyết đoán và tác phong gương mẫu ở mọi cương vị, đồng chí Lê Huy Mai đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng đồng đội.
Thông qua những trang viết được rút ra từ ký ức nguyên vẹn, chân thực, có chiều sâu với nhiều tư liệu quý, cuốn hồi ký của đồng chí Lê Huy Mai đã tái hiện sinh động về những năm tháng chiến đấu vô cùng cam go, quyết liệt của bộ đội và nhân dân ta trên chiến trường Trị Thiên. Bằng tình cảm sâu nặng và nhận thức của mình, trên từng trang hồi ký đều thấm đẫm tính nhân văn. Đồng chí Lê Huy Mai trân trọng nâng niu những chiến công, những kỷ niệm đẹp của một thời oanh liệt hào hùng; đồng thời, đây là tiếng lòng tri ân đấng sinh thành dưỡng dục và hết thảy đồng đội của một thời máu lửa.
Người đọc nói chung - nhất là thế hệ trẻ - có dịp hiểu thêm một thời kỳ lịch sử hào hùng, bi tráng của Quân đội và nhân dân ta. Với tất cả ý nghĩa đó, tôi giới thiệu cùng bạn đọc cuốn hồi ký "Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế" của đồng chí Thiếu tướng Lê Huy Mai.
Hà Nội, ngày 24 tháng 10 năm 2017
Thượng tướng Lê Khả Phiêu
Nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương
Đảng Cộng sản Việt Nam
Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
Quân đội nhân dân Việt Nam
Từ châu thổ sông Hồng đến sông Hương - xứ Huế - Hồi ký
Tác giả: Lê Huy Mai
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, 2018