Dòng chảy  Chính trị - xã hội

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai: Vì một Đồng Nai phát triển, ổn định và hội nhập

Thứ Năm, 21/06/2018 08:05
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Phú Cường
Bí thư Nguyễn Phú Cường
Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về. Câu ca dao quen thuộc cứ ngân nga trong tâm trí chúng tôi khi đến với xứ sở phương Nam từ ngàn xưa mở cõi. Chuyện tích cảm động nơi ngã ba sông ấy như mời gọi những ai muốn đến, muốn về. Đồng Nai nằm ở cửa ngõ miền Đông Nam Bộ - vùng đất cách mạng, trung dũng, kiên cường, “đi trước về sau” nhưng luôn là “thành đồng, vách sắt” trong các cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc. Ngày nay, Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai đang ra sức phấn đấu đưa tỉnh nhà ngày càng phát triển vượt bậc hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực. Để độc giả có một cái nhìn đầy đủ hơn về mảnh đất này, Phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Phú Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai xoay quanh những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh.
 

PV: Trong những năm gần đây, Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế rất đáng phấn khởi, với tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao. Thành quả ấy có được là những nỗ lực toàn diện của Đảng bộ và nhân dân tỉnh, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong việc khai thác hiệu quả tiềm năng phát huy lợi thế vì sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng, tỉnh Đồng Nai nói chung. Xin đồng chí Bí thư chia sẻ về vấn đề này?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Trong những năm qua, mặc dù trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức song Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Đồng Nai đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực vượt bậc để vượt qua đã thực hiện và đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện; trong đó có vai trò rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, của các nhà đầu tư vào Đồng Nai. Đến nay, toàn tỉnh có trên 30 ngàn doanh nghiệp, trong đó có 1.778 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 32 tỉ USD  (các dự án đầu tư FDI của các nhà đầu tư đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, 3 quốc gia dẫn đầu theo thứ tự là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản), thu hút gần 1 triệu lao động làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính họ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bổ sung cho tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần quan trọng vào xuất khẩu, đặc biệt đóng góp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó còn góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm thay đổi nhanh cơ cấu lao động xã hội theo hướng tăng nhanh cơ cấu lao động công nghiệp, giảm cơ cấu lao động nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Đặc biệt, đầu tư nước ngoài còn là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế, nâng cao năng lực quản lí kinh tế, quản trị doanh nghiệp và góp phần quan trọng vào hội nhập quốc tế. Và để thu hút kêu gọi đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian qua đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, về chính sách thuế, hạ tầng giao thông, cải thiện môi trường đầu tư, nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và luôn lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm tạo thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh ở Đồng Nai.

PV: Với hàng chục khu công nghiệp và hàng vạn công nhân khắp mọi miền đất nước về đây làm việc, có lẽ cũng là bài toán nan giải với Đảng bộ, chính quyền tỉnh trong các vấn đề an sinh xã hội, quốc phòng an ninh thưa đồng chí Bí thư?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Mục đích cuối cùng của tăng trưởng kinh tế là cải thiện điều kiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 1 triệu công nhân đang làm việc tại 32 khu công nghiệp. Đây là lực lượng lao động chủ lực làm nên mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng hàng năm của địa phương. Tuy nhiên, trước áp lực phát triển công nghiệp, dịch chuyển lao động từ các địa phương khác đến cũng đã và đang đặt ra nhiều bài toán cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác chăm lo đội ngũ công nhân lao động. Nhất là chăm lo về nhà ở, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí. Có thể nói, trong thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức công đoàn và chủ doanh nghiệp ở Đồng Nai luôn coi công nhân là tài sản, vốn quý của tỉnh cũng như của doanh nghiệp, đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, để họ thật sự yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với địa phương, với doanh nghiệp. Để công nhân thật sự “an cư, lạc nghiệp”, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực quyết tâm hoàn thành 45 công trình nhà ở xã hội với 20 nghìn căn hộ dành cho công nhân trong giai đoạn 2016 - 2020. Đến thời điểm này, tỉnh đã giới thiệu 39 dự án nhà ở xã hội, với quy mô hơn 166 ha, có khả năng bố trí chỗ ở cho 100 nghìn người. Các dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng là hơn 2.700 căn hộ, giải quyết chỗ ở cho hơn 10 nghìn người. Địa phương cũng đã chuẩn bị quỹ đất công khoảng 237 ha và nếu đưa vào sử dụng hiệu quả để xây dựng nhà ở xã hội thì đến năm 2025 có thể đáp ứng được khoảng 300 nghìn chỗ ở. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn xây dựng kí túc xá khang trang cho công nhân như Công ti Đông Phương, Công ti VPIC; có nơi đầu tư trường mẫu giáo phục vụ con em công nhân  như Tập đoàn Phong Thái, Công ti cổ phần Tae Kwang Vina; có nơi xây dựng phòng khám đa khoa đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, giường lưu trú phục vụ chăm sóc sức khỏe cho công nhân như Công ti cổ phần Tae Kwang Vina… Nhiều doanh nghiệp ngày càng đẩy mạnh chính sách chăm lo người lao động thông qua những việc làm thiết thực như: hỗ trợ xăng xe, tiền thuê nhà trọ... Các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dành riêng cho công nhân được các cấp công đoàn phối hợp với chủ doanh nghiệp tổ chức thường xuyên, nhất là vào các dịp lễ, tết, giúp những lao động xa quê có cơ hội thư giãn, giao lưu sau giờ lao động vất vả. Nhìn nhận tình hình thực tế hiện nay, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực chăm lo công nhân về mọi mặt, nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế, đặc biệt đời sống của đông đảo lao động ngoại tỉnh còn khó khăn, lãnh đạo địa phương cũng như các cấp công đoàn hết sức trăn trở và trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đề ra những chủ trương, giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn để không ngừng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp thu hút một lượng lớn lao động từ các địa phương khác đến cũng dễ phát sinh các tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm và nhiều vấn đề liên quan đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đây cũng là thách thức đặt ra trong quá trình phát triển của tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, trong thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nên tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự an toàn giao thông từng bước được kiềm chế. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản giữ vững ổn định. Kết quả trên cũng chính là góp phần tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư và người lao động yên tâm đầu tư sản xuất, lao động, học tập, gắn bó với Đồng Nai.

PV: Theo chúng tôi được biết, Đồng Nai là nơi có rất nhiều di tích lịch sử trong chiến tranh cách mạng và cả những di chỉ văn hóa mang đậm bản sắc Nam Bộ cổ xưa. Bên cạnh đó danh lam thắng cảnh cũng rất đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, có vẻ như ngành kinh tế du lịch chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng của tỉnh, thưa đồng chí Bí thư?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Như các đồng chí đã biết, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai có lịch sử hình thành và phát triển đến nay tròn 320 năm, trải qua nhiều biến đổi thăng trầm đã tạo nên một “Hào khí Đồng Nai”, một xứ sở hấp dẫn, từ xa xưa đến nay luôn lôi cuốn lớp lớp người mang tinh hoa từ bốn phương trời về hội tụ. Chính vì thế, vốn di sản văn hóa ở Đồng Nai cũng hết sức đa dạng, phong phú và độc đáo, là vùng đất có bề dày truyền thống cách mạng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 55 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh được xếp hạng (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích cấp quốc gia và 24 di tích cấp tỉnh); là địa phương trong 21 tỉnh thành có nghệ thuật Đờn ca tài tử được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Song song với việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa, di tích lịch sử, Đồng Nai cũng rất quan tâm đến phát triển du lịch. Năm 2007, tỉnh đã thành lập Hiệp hội Du lịch Đồng Nai nhằm tập trung các nguồn lực để xây dựng du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời quy hoạch mạng lưới du lịch và đầu tư phát triển du lịch, điều chỉnh bổ sung, đầu tư và kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng du lịch với tổng vốn lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng. Vì vậy, khi nhắc đến du lịch Đồng Nai là nhắc đến các địa điểm du lịch lí tưởng như: hệ thống cáp treo núi Chứa Chan, khu du lịch Làng Tre Việt, resort Cat Tiên Jungle Logde, công viên Suối Mơ, khu du lịch Vườn Xoài, khu du lịch núi Bửu Long, khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường… Ngoài ra, tỉnh đã lựa chọn một số dự án du lịch trọng điểm để lập quy hoạch phát triển như: khu du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai; mở rộng khu du lịch Bửu Long. Bên cạnh đó tỉnh cũng đang mời gọi nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch đường sông đoạn Biên Hòa - Vĩnh Cửu; khu du lịch sinh thái hồ Đa Tôn… Hiện nay các dự án đang được triển khai. Để phát triển du lịch Đồng Nai xứng tầm với tiềm năng hiện có, ngoài việc đầu tư vào các địa điểm du lịch như đã nêu ở trên, tỉnh tập trung mở rộng giao lưu hợp tác với các tỉnh, thành trong cả nước để trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các chương trình trao đổi khách du lịch; đối thoại, gặp gỡ với các nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển du lịch tại Đồng Nai.
Tuy nhiên, trên thực tế du lịch ở Đồng Nai cũng chưa thật sự phát triển tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Sản phẩm du lịch, loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, chất lượng dịch vụ du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, hoạt động lữ hành, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch... còn hạn chế.

PV: Vậy tỉnh đã có chủ trương gì để đẩy mạnh phát triển du lịch Đồng Nai ở mức cao và hiệu quả hơn?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Để đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới, Đồng Nai đã có chủ trương và xác định nhiều giải pháp quan trọng, đó là: Tiếp tục phát huy những tiềm năng, lợi thế về tài nguyên du lịch; đẩy mạnh các hoạt động du lịch, đưa du lịch Đồng Nai trở thành ngành kinh tế quan trọng tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đầu tư xây dựng các cơ sở vật chất kĩ thuật du lịch, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương, có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao, hướng đến đối tượng khách có chi trả cao. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường hợp tác với các địa phương trong và ngoài nước trong đó chú trọng liên kết với các địa phương trong khu vực để phát triển du lịch. Chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo, nâng cao chất lượng các điểm tham quan, trong đó chú trọng các điểm tham quan thuộc Khu Bảo tồn Thiên nhiên và Văn hóa Đồng Nai, Vườn Quốc gia Cát Tiên, Bảo tàng Đồng Nai, danh thắng quốc gia núi Chứa Chan - chùa Gia Lào, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh. Tạo điều kiện cho các dự án du lịch có quy mô lớn đẩy nhanh tiến độ triển khai. Phát triển mạnh loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, loại hình du lịch văn hóa - lịch sử nhằm khai thác tốt hơn các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách. Đồng thời phát triển du lịch đường sông, loại hình du lịch vui chơi, giải trí, mua sắm. Khai thác văn hóa ẩm thực, nâng cao chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực quản lí Nhà nước về du lịch... Hi vọng trong thời gian tới với những chủ trương và giải pháp đúng đắn, kinh tế du lịch ở Đồng Nai sẽ ngày càng lớn mạnh và có nhiều khởi sắc hơn nữa.

 
aaaa
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy động viên thanh niên lên đường nhập ngũ - Ảnh: Văn Toàn

PV: Thưa đồng chí Bí thư! Cùng với các tỉnh thành phố trên cả nước, Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai luôn phát huy nguồn lực con người bảo đảm kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Để thực hiện vấn đề này, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai đã làm gì?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Như chúng ta biết, có nhiều nguồn lực để xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội như tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lí, nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ… Mỗi địa phương đều có những nguồn lực, thế mạnh riêng của mình, nhưng quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực. Do vậy, cần thiết phải có sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đối với một tỉnh có kinh tế công nghiệp phát triển như ở Đồng Nai. Nhận thức được điều này, từ năm 2005, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 51/2005/NQ-HĐND về “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2006 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020”; Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực bao gồm 6 chương trình: Chương trình đào tạo lao động kĩ thuật cao; chương trình đào tạo sau đại học nhằm bổ sung nguồn nhân lực trẻ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chương trình đào tạo cán bộ nữ nhằm đào tạo nguồn cán bộ nữ có trình độ và điều kiện để tham gia công tác lãnh đạo, quản lí, nghiên cứu khoa học kĩ thuật; chương trình đào tạo bổ sung nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị với mục tiêu đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức trẻ, có đủ điều kiện, đạt tiêu chuẩn, tập trung cho cấp xã, phường, thị trấn; chương trình đào tạo, bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt và đào tạo phiên dịch… đã đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Mặc dù còn những khó khăn, nhưng đã thể hiện tầm nhìn, sự nỗ lực rất lớn của tỉnh nhà. Từ những kết quả trên, trong thời gian tới Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp thu, ứng dụng và sáng tạo, phát minh những tri thức khoa học mới, đáp ứng tốt, đảm nhiệm xuất sắc yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trên các lĩnh vực; chủ động đào tạo nguồn nhân lực gắn với yêu cầu của thực tiễn cho trước mắt và lâu dài của địa phương. Tiếp tục nghiên cứu rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp tăng cường thu hút nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.

PV: Đồng Nai là vùng đất trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, là một tỉnh có địa bàn chiến lược quan trọng. Việc phát triển kinh tế xã hội gắn với xây dựng quốc phòng - an ninh được tỉnh chú trọng như thế nào, thưa đồng chí Bí thư?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ của Quân khu 7. Trong thời gian qua thực hiện Nghị quyết số 28 -NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc phối hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh; khai thác hiệu quả các nguồn lực và các thành phần kinh tế để thúc đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương nhằm tạo nguồn tích lũy, đầu tư cho quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải gắn với phương án xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ. Xây dựng, phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế gắn với việc tạo nguồn lực cho quốc phòng, an ninh trong tương lai, sẵn sàng chuyển sang phục vụ yêu cầu quốc phòng, an ninh khi cần thiết. Trong đó, chú trọng phát triển một số công trình lưỡng dụng, vừa đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ quốc phòng, an ninh. Phát triển công nghiệp dân sinh trong thời bình kết hợp với nghiên cứu và chuẩn bị các dự án sẵn sàng tiếp nhận công nghệ, chuyển sang sản xuất các mặt hàng phục vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống. Xây dựng các cơ sở hạ tầng kinh tế - kĩ thuật cần ưu tiên đầu tư hạ tầng ở các khu vực căn cứ chiến đấu, khu vực phòng thủ then chốt, căn cứ hậu cần, kĩ thuật và sử dụng, khai thác hiệu quả, hợp lí tài nguyên thiên nhiên vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng thế trận của khu vực phòng thủ của địa phương.

PV: Vâng! Đồng Nai với lịch sử hình thành và phát triển đã tạo nên những nét đặc trưng riêng của mình trong khu vực miền Đông Nam Bộ từ kinh tế, chính trị, đến văn hóa xã hội. Trong thời đại hội nhập và phát triển hôm nay, với những thuận lợi và khó khăn riêng, Đảng bộ Tỉnh đã vận dụng giữa truyền thống và hiện tại để xây dựng một Đồng Nai hội nhập và phát triển như thế nào?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế, Đồng Nai tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân, Tỉnh uỷ và Đảng bộ tỉnh luôn tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năng động, sáng tạo lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều thành tựu to lớn. Liên tục trong hơn 15 năm qua, từ năm 2001 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai khá cao và ổn định; bình quân giai đoạn 2001 - 2005 là 12,9%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 13,2%/năm, giai đoạn 2010 - 2015 là 13,2%; riêng năm 2017, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao đạt 8%. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 32 khu công nghiệp được cấp phép đầu tư đi vào hoạt động; thu hút vốn đầu tư nước ngoài lũy kế đến nay đạt trên 32 tỉ đô la Mĩ. Tổng thu ngân sách Nhà nước hàng năm đều đạt dự toán Trung ương giao. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực và đúng hướng theo hướng công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp, đưa Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao so với cả nước, ngày càng thực sự trở thành một địa bàn năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN. Là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đến cuối năm 2017, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm xuống còn dưới 1%, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 4 nghìn đô la Mĩ. Về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh đã có 128/133 xã (chiếm 96,24%) đạt chuẩn nông thôn mới, 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới, với 08/11 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ quyết định đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm tỉ lệ 72%). Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông chuyển biến tích cực, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên huyện, liên xã… đã được xây dựng, nâng cấp cải tạo kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại và phục vụ sản xuất của người dân. Hệ thống cấp điện, cấp nước, viễn thông đã phủ kín 100% xã, phường trên địa bàn tỉnh.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Đồng Nai đã giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đối ngoại được mở rộng (đã thiết lập hợp tác song phương với 17 đối tác thuộc 9 quốc gia: Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ucraina, Pháp, Hoa Kì). Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có sự đổi mới và tiến bộ; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững chắc. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân. Kết quả đó khẳng định, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai đã và đang kế thừa và phát huy các giá trị lịch sử, truyền thống đấu tranh cách mạng hào hùng của nhân dân ta, của Đảng ta và tin tưởng rằng trong thời gian tới với tinh thần đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp, Đồng Nai sẽ tiếp tục vượt qua mọi khó khăn, thử thách để thực hiện thắng lợi toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đã xác định.

PV: Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai thật đáng tự hào. Tuy nhiên, với tiềm năng và thế mạnh như vậy, đồng chí Bí thư có thể chia sẻ mục tiêu sâu hơn, dài hơn trong công cuộc xây dựng và kiến thiết Đồng Nai trong thời gian tới?
Bí thư Nguyễn Phú Cường: Mục tiêu trong thời gian tới của tỉnh là tiếp tục tập trung tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xây dựng và phát triển con người toàn diện. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh; xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh. Đồng thời, Đồng Nai cũng xác định trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện có hiệu quả bốn lĩnh vực đột phá, đó là: Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hiệu quả các công trình hạ tầng xã hội và dịch vụ nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; trong đó ưu tiên đầu tư các công trình cung cấp nước sạch vụ vụ dân sinh và các thiết chế văn hóa phục vụ người lao động. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các ngành nghề chủ lực, mũi nhọn của tỉnh. Đầu tư phát triển giáo dục mầm non hướng về vùng nông thôn và các khu vực tập trung công nhân khu công nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính hiện đại, đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực, hệ thống các cơ quan nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững của tỉnh. Nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo  đức, lối sống và trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Phấn đấu đến cuối nhiệm kì, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng bình quân từ 8 - 9%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt từ 5.300 - 5.800 USD. Tiếp tục giảm tỉ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều còn dưới 1% và nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng và quốc phòng - an ninh để thực hiện thắng lợi mục tiêu chung đó là xây dựng Đồng Nai giàu mạnh, văn minh.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Bí thư!
 
PV

 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)