Sáng ngày 23/12/2019, tại 136 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Toạ đàm khoa học “Tiếng Việt hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế” với sự tham gia của diễn giả - giáo sư Ngô Như Bình đến từ Đại học Harvard, Hoa Kì.
Giáo sư Ngô Như Bình (trái) nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội
Giáo sư Ngô Như Bình là một học giả quốc tế có uy tín. Ông đã từng có một thời gian dài làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại Đại học Tổng hợp Quốc gia Moskva mang tên M.V.Lomonosov, Nga. Nhiều năm trở lại đây, ông là giáo sư chuyên sâu về ngôn ngữ và giáo dục ngôn ngữ tại Đại học Harvard. Ngoài công bố nhiều chuyên luận, giáo trình, giáo khoa tại Nga và Mĩ, ông đồng thời công bố nhiều công trình khoa học có giá trị về Đông Nam Á học, Việt Nam học và Việt ngữ học trên các tạp chí khoa học quốc tế. Tại nhiều diễn đàn học thuật ở cả phương Đông và Phương Tây, ông cũng là một diễn giả quen thuộc với nhiều chủ đề quan trọng.
Tiếng Việt với tư cách là hiện thân của văn hoá Việt Nam đồng thời là một công cụ quan trọng nhất để giao tiếp - đối thoại văn hoá để từ đó đi vào chiều sâu của văn hoá Việt, là vấn đề được giáo sư Ngô Như Bình đặc biệt quan tâm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hôm nay, vấn đề này càng trở nên có ý nghĩa thời sự quan trọng và đang đặt ra nhiều thách thức. Từ kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giảng dạy và học thuật đa ngữ - đa văn hoá của một nhà khoa học yêu quê hương bản xứ, yêu tiếng Việt, tại buổi Toạ đàm, giáo sư Ngô Như Bình có những chia sẻ thú vị về tiếng Việt, lịch sử tiếng Việt, đặc biệt là tiếng Việt hiện đại trong bối cảnh hội nhập quốc tế, gợi mở nhiều khía cạnh học thuật bổ ích.
Theo giáo sư thì trước kia tiếng Việt không có thanh điệu, về sau nhờ tiếp xúc với các ngôn ngữ Tai-kadai và Hán Tạng… nên tiếng Việt mới có thanh điệu. Tiếp xúc ngôn ngữ là một hiện tượng phổ biến, và hệ quả của nó là hiện tượng vay mượn. Tiếng Việt trước hết vay mượn từ ngữ hệ Tày Thái và sau đó là tiếng Hán. Thế kỉ thứ 2 trước Công nguyên, Triệu Đà chiếm Âu Lạc, khu vực Bách Việt (khu vực phía Nam sông Dương Tử) đã xảy ra tiếp xúc ngôn ngữ chủ yếu qua con đường khẩu ngữ. Bây giờ vẫn chưa xác định được tiếng Hoa mà đội quân của Triệu Đà sử dụng là tiếng Hoa gì.
Từ tiếng Hán đa nghĩa có thể được phát âm khác nhau, ví dụ chữ 好 có thể đọc là “hăo” (hảo) cũng có thể đọc là “hào” (hiếu). Giai đoạn Bắc thuộc (ảnh hưởng văn hoá Đường). Giai đoạn độc lập (khoảng 70% vay mượn từ gốc Hán), nhưng ngữ pháp thì lại tương đối khác nhau. Thời Minh sụp đổ, nhiều quan lại nhà Minh chạy sang Đại Việt lánh nạn. Lúc này đồng bằng sông Cửu Long mới bắt đầu khai khẩn, do đó, các chúa Nguyễn để đoàn quân phản Thanh phục Minh đến vùng này khai khẩn. Có một bộ phận đến từ Triều Châu cùng với người Khơme khai khẩn vùng đất này, do đó, lại xảy ra một đợt vay mượn nữa, và lần này vay mượn khá nhiều từ của ngôn ngữ Quảng Đông.
Chữ Nôm có thể đã manh nha xuất hiện từ thời nhà Lý. Còn chữ Quốc ngữ là do giáo sĩ dòng Tên cùng với một số người Việt tạo ra vào nửa đầu thế kỉ XVII, mục đích tạo ra để truyền giáo. Francisco de Pina là người đầu tiên sử dụng tiếng Việt thành thạo. Tạo ra tiếng Việt còn có công của một số giáo sĩ người Nhật. Thống đốc Nam Kì ra lệnh các công văn chính thức phải dùng chữ quốc ngữ; Huỳnh Tịnh Của gửi điều trần cho vua Tự Đức yêu cầu dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán; lệnh của toàn quyền Pháp ở Đông Dương yêu cầu dùng chữ quốc ngữ thay cho chữ Hán (1910). Báo chí chữ quốc ngữ cũng tham gia vào quá trình phát triển chữ quốc ngữ: Nguyễn Văn Vĩnh với Đông Dương tạp chí, Phạm Quỳnh với Nam Phong tạp chí). Các trào lưu văn học nghệ thuật đầu thế kỉ XX, đặc biệt là Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, văn xuôi hiện thực phê phán, nhạc tiền chiến… đã đưa tiếng Việt hiện đại lên một tầm cao mới. Ngữ pháp tiếng Việt bắt đầu được biên soạn bởi các học giả như Trần Trọng Kim, Bùi Kỉ, Phạm Duy Khiêm (1941). Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên biên soạn ngữ pháp tiếng Việt dưới góc nhìn của tiếng Pháp, cũng là người đầu tiên dùng tiếng Pháp để viết lịch sử Việt Nam giới thiệu cho học giả phương Tây. Chính phủ của Trần Trọng Kim chỉ tồn tại 4 tháng, nhưng đã ý thức được việc phải dùng tiếng Việt trong nhà trường (giao cho Hoàng Xuân Hãn thực hiện).
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày nay, câu chuyện giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt càng được đặt ra cấp thiết. Người Việt trước hết phải sử dụng tiếng Việt đúng, sau đó tiến tới sử dụng hay. Có những cách diễn đạt sai, từ ngữ không đúng nghĩa nhưng vẫn được mặc nhiên sử dụng: “Chiến thắng trước indonesia”; “đóng góp ý nghĩa vào sự phát triển”; “sở hữu chiều cao gần 1,7m”… Hay như có nhà báo còn dùng lẫn lộn từ “lợn” và từ “heo” trong một bài viết phản ánh về việc nuôi lợn ở một địa phương cụ thể… Có nhiều từ gốc Hán từ lâu đã không dùng nữa, bây giờ không hiểu sao lại quay trở lại (người dùng muốn khoe chữ chăng?). Có nhiều từ tiếng Anh cứ được dùng độn vào giữa câu tiếng Việt trông rất xộc xệch… Sau khi chỉ ra những hiện tượng dùng sai ngữ pháp, từ vựng, cách diễn đạt…, giáo sư Ngô Như Bình đã kiến nghị một số giải pháp nhằm giữ gìn phát huy sự trong sáng của tiếng Việt, trong đó ông đặc biệt chú ý đến sự cần thiết của việc dạy chuẩn ngữ pháp tiếng Việt trong nhà trường, phát triển ngôn ngữ thông qua các giờ dạy văn học.
Sau khi thuyết trình, giáo sư Ngô Như Bình đã dành một khoảng thời gian để trao đổi với cự toạ, cùng suy ngẫm về câu nói của Johann Gottfried Von Herder: “Một dân tộc còn có gì có thể quý giá hơn là ngôn ngữ mà ông cha để lại?”. Trước các vấn đề mà cử toạ đưa ra như “Thế nào là tiếng Việt chuẩn?”, “Nên hay không nên sử dụng phương ngữ?”, “Làm thế nào để có thể phát triển tiếng Việt ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam?”, “Tình hình dạy học tiếng Việt ở Mĩ như thế nào?”..., giáo sư đều có những kiến giải thuyết phục. Về vấn đề ngôn ngữ chuẩn và ngôn ngữ địa phương, giáo sư cho rằng viết thì cần viết thống nhất, còn nói thì quan trọng là mục đích sử dụng, chẳng hạn, không thể nói tiếng Anh Anh mới là tiếng Anh chuẩn, còn tiếng Anh Úc không phải là tiếng Anh chuẩn.
GIA HOÀNG
VNQD