Dòng chảy  Văn nghệ

Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”

Thứ Bảy, 07/12/2019 15:47

Ngày 6/12/2019, tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội, Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga) phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa”.

Việt Nam và Liên bang Nga có mối quan hệ hữu nghị lâu đời, hợp tác toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị và văn hóa, xã hội. Năm 2019 là năm kỉ niệm 220 năm ngày sinh đại thi hào A.S. Pushkin, năm tôn vinh “Việt Nam trong lòng nước Nga và nước Nga trong lòng Việt Nam". Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa” diễn ra trong khuôn khổ chương trình này và là sự kiện tiếp sau thành công của Hội thảo “Việt Nam, châu Âu giao lưu văn hóa, văn học” đã tổ chức tại Nga vào tháng 6/2019.

Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa” nhận được hơn 50 tham luận của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giảng dạy trong nước và nước ngoài. Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận sôi nổi xung quanh các chủ đề chính như: Việt Nam học và Nga học qua các chặng đường lịch sử; Tiếp nhận sáng tác và lí luận phê bình văn học Nga ở Việt Nam; Văn học Việt Nam ở Liên bang Nga…

PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phấn khởi phát biểu: “Ở Việt Nam từ sau 1986, văn học Âu - Mĩ và Trung Hoa ngày càng lấn lướt, chiếm thị phần lớn trong văn học đương đại. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Việt Nam năm 2012 của Tổng thống Nga Dimitry Medvedev, mối giao lưu văn học Việt - Nga bắt đầu bước qua thời trầm lắng. Dù không thể trở lại thời hoàng kim như đã từng có, nhưng chủ trương tăng cường mối giao lưu văn học giữa hai nước là hết sức cần thiết trong kỉ nguyên toàn cầu hóa. Trong mấy năm gần đây, giao lưu văn học đã được xúc tiến hiệu quả với sự ra đời của Quỹ hỗ trợ Quảng bá văn học Việt Nam - văn học Nga và sự đóng góp tích cực của các dịch giả, các nhà nghiên cứu đến từ phía Liên bang Nga và Việt Nam. Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Nó đem đến cho chúng ta niềm hi vọng mới về một tương lai tốt đẹp hơn của văn học Việt Nam và văn học Liên bang Nga trong bối cảnh lịch sử mới”.

Hội thảo quốc tế “Việt Nam - Liên bang Nga: giao lưu, đối thoại văn học và văn hóa” là diễn đàn đánh giá, tổng kết những thành tựu đã đạt được trong giao lưu, hợp tác văn hóa nghệ thuật giữa Việt Nam và Nga, đồng thời tập trung chỉ ra triển vọng hợp tác, trao đổi khoa học, đào tạo giữa Viện Văn học (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Viện Văn học thế giới mang tên M. Gorki (thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga).

PHONG NHÃ

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)