Dòng chảy  Văn nghệ

Những giấc mơ hoang tưởng

Thứ Hai, 25/11/2019 10:27

Vào lúc 17h ngày Chủ nhật 24/11/2019, Cuci Art Studio đã khai mạc triển lãm mĩ thuật “Những giấc mơ hoang tưởng” của nghệ sĩ Nguyễn Hồng Phương.

Khai mạc Triển lãm diễn ra tại tầng 2, 25 Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội

Triển lãm trưng bày 20 tác phẩm trên giấy và 1 tác phẩm sắp đặt, là nỗ lực của Nguyễn Hồng Phương trong việc sắp xếp lại những mảnh ghép kí ức của mình.

Là một nghệ sĩ thử nghiệm, Nguyễn Hồng Phương đã cho ra đời các tác phẩm với rất nhiều phương tiện/chất liệu/cách thức khác nhau như: ghép đồ vật cũ (sắp đặt), sơn mài, sơn dầu, in độc bản (hội hoạ)... Trong loạt tác phẩm mới này, chất liệu giấy được anh sử dụng như toan, và đây có lẽ là nền tranh mỏng manh nhất của anh từ trước tới nay. Sự mỏng manh của giấy lại có thể dung chứa được nhiều kí ức nhất.

Tác phẩm Giấc mơ

Triển lãm “Những giấc mơ hoang tưởng” được cấu trúc thành bốn giai đoạn của những giấc mơ.

Giai đoạn đầu là “Bản tin” - một sắp đặt dẫn người xem đến với các thành phố, thị trấn và làng quê Việt Nam. “Bản tin” được đặt tại các khu trung tâm của dân cư, là phương tiện hữu hiệu cho việc tuyên truyền thông tin đại chúng. Nguyễn Hồng Phương cho mọi người thấy những gì đã xảy ra ở lưng chừng: Tại sao những vần thơ cháy bỏng trở thành sáo rỗng khi chúng đứng cạnh các bảng quảng cáo trên khắp Hà Nội và trên các vùng khác của đất nước?

Tác phẩm Bản tin

Giai đoạn hai là “Sự cắt ghép” - một bắt chước/mô phỏng màu sắc của tranh cổ động. Nguyễn Hồng Phương thiết tạo lại những tranh cổ động gốc với những thông điệp chuẩn/chính xác. Anh lấy những hình ảnh quen thuộc của tranh cổ động làm nền cho các bức tranh, để lộ ra những mâu thuẫn đằng sau sự chính xác của các khẩu hiệu. Hình ảnh những cảnh sát chống lại công chúa Disney; cửa sổ của các tòa nhà chọc trời được cắt ra từ một tạp chí quảng cáo và có hình dạng như những con dao găm rơi xuống đất; dòng sông bùn và dấu in tay của một đứa trẻ, khuôn mặt của Ai Wei Wei trong Nghệ sĩ có đôi tai thỏ tương phản với Khổng Tử trong Chân dung Khổng Tử.

Tác phẩm Nghệ sĩ có đôi tai thỏ
Tác phẩm Chân dung Khổng Tử

Giai đoạn thứ ba là “Nỗi nhớ và mất mát” - một tìm về và nhắc nhở về dân tộc thiểu số, về thời kì tiền cổ động. Những người phụ nữ H’mông trong tác phẩm Một góc bản thẳmChợ chiều đã ám ảnh Phương. Những dự án phát triển bất cập có xu hướng làm cho dân tộc thiểu số bị lãng quên, nhưng những đồng bào vẫn ở lại với chúng ta dưới hình thức lương tâm và ám ảnh.

Tác phẩm Một góc bản thẳm
Tác phẩm Chợ chiều

Giai đoạn thứ tư là “Những giấc mơ tình ái” - một tìm về/đến tự do, tự do phi ranh giới. Người xem không thể minh định hình ảnh mèo hay hổ khi thưởng lãm tác phẩm Đen và trắng. Thực tại là sự đồng nhất của những mặt đối lập. Thế giới không có hình ảnh cố định, chỉ là những mảnh vụn của khả thể.

Tác phẩm Đen và trắng (trái)

Nguyễn Hồng Phương là một nghệ sĩ đa phương tiện có năng lượng sáng tạo dồi dào, ham muốn thể nghiệm và không ngần ngại phá vỡ các ranh giới. Bên cạnh các dự án cá nhân, Nguyễn Hồng Phương cũng tích cực tham gia nhiều sự kiện nghệ thuật trong và ngoài nước.

Triển lãm “Những giấc mơ hoang tưởng” của Nguyễn Hồng Phương sẽ khép lại vào ngày 15/12/2019 tại Cuci Art Studio (tầng 2, 25 Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội).

VIỆT PHƯƠNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)