Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 929 (cuối tháng 11/2019)

Thứ Ba, 12/11/2019 12:40

Có lẽ, với những người con được sinh ra và nuôi lớn từ mảnh đất này, hay những người đã chọn đây là nơi gắn bó đều cảm nhận không chỉ có một Hà Nội hiện đại, ồn ào, náo nhiệt cuốn chúng ta vào guồng xoay của nó, mà còn có một Hà Nội yên ả, dịu dàng, âm thầm gợi nên mùi hương của quá khứ, của những kí ức huyền thoại. Những kí ức này có ý nghĩa gì, có tái sinh trong đời sống thực tại hay không và thái độ của con người trước các tạo dựng hồi cố như thế nào? Bài đối thoại cuối tháng 11 có tựa đề Hà Nội và những kí ức lên màu huyền thoại giữa tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm với tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu và đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sẽ đưa đến những hình dung rõ ràng và sinh động hơn về vấn đề ấy.

Mỗi truyện ngắn dự thi trong phần Văn xuôi mang những gương mặt, giọng điệu riêng, khai thác các đề tài khác nhau. Đó là Hiệp khách cuối cùng của Phạm Đình Hải, Phía bên kia triền núi của Thu Trân, Hội xì gà của Trần Nhã Thụy. Ngoài ra, phần này còn có bút kí Đêm nghe tiếng còi tàu ở Pursat của Anh Ngọc và Hậu cứ - một ghi chép chiến trường của Trần Ngọc Phương.

Chẳng ai nghĩ trên đời này có loại người gọi là “hiệp khách” còn tồn tại. Bởi người ta không muốn tin trên đời vẫn còn kiểu sống cao thượng, hơn người. Ấy vậy mà nhà văn Phạm Đình Hải lại kể cho chúng ta câu chuyện đầy hài hước mà xót xa về người Hiệp khách cuối cùng. Hắn tên là Hoàng đại hiệp. Y như tên gọi, hắn không sợ trời, chẳng sợ đất hay kẻ địch mạnh, gặp chuyện bất bình giữa đường liền ra tay cứu giúp nhưng chẳng may bị mất mạng. Từ đó, linh hồn của hắn trở nên vất vưởng, phiêu du khắp nơi, nghe những điều thiên hạ thêu dệt về con người và cái chết của mình, nghe đủ chuyện nhân tình thế thái, thấu tỏ những vui buồn, đắng cay của phận người...

Nhà văn Thu Trân đem đến cho người đọc truyện ngắn có đề tài gia đình, những ước vọng trong tình yêu và số phận con người. Phía bên kia triền núi - nơi có những đồng cỏ xanh ngắt ngút ngàn, nơi mà bầy cừu hàng triệu con ăn ngàn mùa không hết, chính là phía thắp lên hi vọng cho những kẻ cô đơn, lạc loài tìm thấy nhau, mong chờ những điều tốt đẹp về tình yêu và hạnh phúc. Liệu rằng tình yêu, hạnh phúc của họ có được khơi thắp hay họ sẽ chìm mãi trong thất vọng, cô đơn, chúng ta hãy cùng chờ đón tạp chí số mới để khám phá câu chuyện còn dang dở.

Hội xì gà là truyện ngắn đề tài đương đại. Với giọng văn “tưng tửng” đầy dí dỏm, nhà văn Trần Nhã Thụy đã kể những câu chuyện về các nhân vật có tính cách, công việc và đời sống riêng nhưng họ có mối liên hệ với nhau bởi cùng thuộc hội xì gà – một hội nhóm dành cho số ít người trong xã hội thể hiện những thú vui, sức mạnh, đẳng cấp của sự giàu có và thượng lưu...

Phần Thơ, bên cạnh sự góp mặt đều đặn của những tác giả như: Trần Văn Lợi, Huỳnh Minh Tâm, Kiều Duy Khánh, Nguyễn Chí Ngoan, Khaly Chàm…, Tạp chí VNQĐ số này còn đánh dấu sự quay trở lại của các nhà thơ đã tạo được những ấn tượng sâu sắc với bạn đọc như Nguyễn Thị Thùy Linh, Trần Mai Hương, Huyền Thư… Mỗi tác giả với những rung cảm và góc nhìn riêng sẽ góp phần làm nên sự hấp dẫn cho trang thơ tạp chí.

“Thơ trong những tập thơ” là Bay trong mơ của Trần Quang Đạo do Phạm Xuân Nguyên tuyển chọn và giới thiệu.

Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận Tôi trở thành nhà văn như thế nào của nhà văn người Colombia đoạt giải Nobel Văn học năm 1982 và là một trong những cây bút quan trọng nhất của thế giới thế kỉ XX. Bài viết do Nguyễn Huy Hoàng chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Edith Grossman.

Phần Bình luận văn nghệ là những bài nghiên cứu công phu, học thuật mà lôi cuốn của các tác giả: Nguyễn Văn Thuấn, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Lê Bá Thự, Thu Huyền và Nguyễn Kiến Thọ. Vấn đề giới và quyền lực trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp biểu hiện như thế nào? Bài viết của dịch giả từng học tập, sinh sống và gắn bó với đất nước, con người, văn hóa và văn học Ba Lan đã có những cảm nghĩ, phát hiện gì về con đường sáng tạo của nhà văn Ba Lan Olga Tokarczuk đoạt giải Nobel Văn học 2018? Thơ của dân tộc Mường có những đặc sắc gì so với thơ của các dân tộc thiểu số khác và những gương mặt tiêu biểu của thơ dân tộc Mường? Bài viết về Vũ Kim Thoa – người “phiên dịch” cho những bức ảnh nghệ thuật và nhiều bài viết luận bàn, giới thiệu lí thú khác, sẽ có trong số này.

Tạp chí VNQĐ số 929 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/11/2019. Thân mời độc giả đón đọc!

Văn

Nguyễn Thanh Tâm

Hà Nội và những kí ức lên màu huyền thoại

Phạm Đình Hải

Hiệp khách cuối cùng

Anh Ngọc

Đêm nghe tiếng còi tàu ở Pursat

Trần Ngọc Phương

Hậu cứ

Thu Trân

Phía bên kia triền núi

Trần Nhã Thụy

Hội xì gà

 

Thơ

Nguyễn Thị Thùy Linh

Vẻ đẹp không chuyển động; Nốt nhạc trôi lăn; Bậc thang

Trần Văn Lợi

Giờ học trên làng biển; Bức tường đá ong

Huỳnh Minh Tâm

Quê ngoại mùa nước lớn; Vu Gia tháng tám; Khoảnh khắc

Phạm Xuân Nguyên

Bay trong mơ - bay trong thơ (Đọc Bay trong mơ - Trần Quang Đạo)

Trần Mai Hương

Tiếng xa quay chiều; Con sông không bờ; Gái phố

Kiều Duy Khánh

Lạc tiếng đàn môi; Những công nhân cầu đường

Nguyễn Chí Ngoan

Khúc đồng bằng; Kí họa Rạch Giá

Ngô Gia Thiên An

Đồng cảm; Thành phố của ước mơ

Bùi Văn Trọng Cường

Hoa lau dọc biên thùy

Nguyễn Hưng Hải

Nhớ thầy

Huyền Thư

Hay là

Nguyễn Cường

Nét kỷ hà

Khaly Chàm

Ánh nhìn trong ý tưởng

Lê Hòa

Đứt ruột sợi dây

 

Văn học nước ngoài

Gabriel García Márquez

Tôi trở thành nhà văn như thế nào (Nguyễn Huy Hoàng dịch từ bản tiếng Anh của Edith Grossman)

 

Bình luận văn nghệ

Nguyễn Văn Thuấn

Giới và quyền lực trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp

Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

Khoái cảm của phán xét

Lê Bá Thự

Nhà văn đoạt giải Nobel (2018) Olga Tokarczuk: Văn học là phương cách an toàn để vượt qua mọi ranh giới

Thu Huyền

Vài nét về thơ dân tộc Mường hiện đại

Nguyễn Kiến Thọ

Vũ Kim Khoa, người “phiên dịch” cho những bức ảnh nghệ thuật

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Trees Tranh: Soichiro Tomioka
Tranh, ảnh, minh họa: Thành Chương, Trương Đình Dung, Phạm Hà Hải, Lê Anh Vân, PV, TL

 

 

 

VNQD
Thống kê