Nông thôn là đề tài quá đỗi thân thuộc thuận tay đối với đa phần nhà văn Việt Nam, làm nên thành tựu bản sắc của văn học Việt Nam. Tuy nhiên và tất nhiên, đề tài này vẫn còn nhiều vỉa tầng chưa được khai thông, đặc biệt là ở phạm vi làng Việt thời hội nhập. Nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả của những truyện ngắn đặc sắc về nông thôn như Xưa kia chị đẹp nhất làng, Lũ vịt giời, Bước qua lời nguyền... đã có những chia sẻ thẳng và sâu với VNQĐ một vài câu chuyện xung quanh nông thôn Việt Nam và văn học Việt Nam. Trước tác của ông, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết đến bình luận xã hội, đều giàu hàm lượng tính cảnh tỉnh và dự báo. Và ông “vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy”...
Bài trò chuyện cuối tháng 9 cùng nhà văn Tạ Duy Anh do Hoàng Đăng Khoa thực hiện mang tên Tôi vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy... sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 925.
Phần Văn xuôi là sự xuất hiện của ba cây bút nữ trong chùm truyện ngắn dự thi với những tác phẩm ấn tượng: Đoạn trường thảo kiêu hãnh của Võ Thị Xuân Hà, Người đàn bà tìm nước của Võ Diệu Thanh, Chị đi lấy chồng của Thu Trân; ghi chép Bến Tre - đất và người của Đỗ Viết Nghiệm; kí ức lính Cao Văn Không Dám của Hồ Bá Thược.
Đoạn trường thảo kiêu hãnh không nhằm lí giải về một loài thảo mộc mang độc tính có thực trong đời sống, mà đi tìm loài cây có cái tên “đẹp chết người” ấy như đi tìm căn nguyên cội rễ của nỗi sầu, nỗi khổ trong cõi người. Loài cây cho con người nhìn thấy những giấc mơ xa xưa, êm ái và đẹp đẽ. Có phải khi đã chọn ra đi bằng đoạn trường thảo là khi con người nhận ra mình còn nuối tiếc, vấn vương?
Người đàn bà tìm nước là những biến cố trong đời sống tâm lí của những người phụ nữ nhiều đa đoan. Nước có giúp Tím tìm được người xưa hay xoa tan đi u ẩn của hiện tại? Nước như một cứu rỗi, như một khỏa lấp. Viết về những biến cố của nội tâm, Võ Diệu Thanh cho thấy những trải nghiệm và sự đồng cảm sâu sắc với những người phụ nữ luôn mang nặng hai phần đời: quá khứ và hôm nay.
Chị đi lấy chồng lại đưa đến số phận khác của người phụ nữ. Bước ra từ chiến tranh, dường như đó đã là một “rào cản” để người phụ nữ có thể tìm kiếm những khát khao đời thường. Và khi cảm thấy cuộc đời mình đã trôi lăng lắc tự cõi xa xăm nào là khi họ đã mất mát quá nhiều. Và cái mất của người phụ nữ nhiều khi không được định giá bằng thời gian và tiền bạc mà là niềm tin và cảm giác.
Phần Thơ là những giọng điệu, những phong cách khác nhau được bung trổ từ những suy tư về thơ. Bạn đọc sẽ gặp lại những tác giả quen thuộc đã gắn bó với VNQĐ như Nguyễn Hữu Qúy, Hoàng Vũ Thuật, Lê Thanh My, Bạch Diệp, Hữu Vi, Nguyễn Khánh Duy... Những suy tư về Tổ quốc, xứ sở vùng miền hay những suy tư mang tính bản thể cá nhân đều góp phần làm nên tiếng nói đa thanh của thơ.
“Thơ trong những tập thơ” là thi tập Đơn Sa của Mai Thế Hùng do Lý Hữu Lương chọn và giới thiệu.
Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Bức thư bị mất của nhà văn đa tài người Séc đầu thế kỉ XX, Karel Capek; truyện do Phạm Công Tú dịch từ nguyên bản tiếng Séc.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các tác giả: Thu Nguyệt, Thái Hà, Lê Si Na, Nguyên Chương, Tâm Anh, Mai Văn Phấn, Trần Quang Đạo. Những vấn đề của văn học, cùng với các tác giả - tác phẩm ấn tượng sẽ được giới nghiên cứu mổ xẻ, bình luận, khám phá những tầng sâu nhằm đem đến cho bạn đọc những phát hiện mới, những kiến giải thú vị.
Tạp chí VNQĐ số 925 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/9/2019. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Hoàng Đăng Khoa
Nhà văn Tạ Duy Anh: Tôi vẫn đang viết bằng cái nghĩa vụ ấy...
Võ Thị Xuân Hà
Đoạn trường thảo kiêu hãnh
Đỗ Viết Nghiệm
Bến Tre - đất và người
Hồ Bá Thược
Cao Văn Không Dám
Võ Diệu Thanh
Người đàn bà tìm nước
Thu Trân
Chị đi lấy chồng
Thơ
Nguyễn Hữu Quý
Trạng Trình ở Trường Sa; Trường Sa tuổi hai mươi;
Viết trên tàu Trường Sa 571
Lê Thanh My
Con đường quanh co; Là khi ta đã;
Khu vườn cô đơn
Hoàng Vũ Thuật
Thời gian; Rơi; Bản hòa tấu Sơn Đoòng không tên
Bùi Việt Phương
Hồ Tây; Tự thức
Bạch Diệp
Cánh cửa mùa thu; Chiếc giày của Cinderella;
Mưa Hà Nội
Hữu Vi
Trong căn nhà chưa quen
Nguyễn Đức Sơn
Biển quê
Nguyễn Khánh Duy
Khúc nhớ; Mùa tàn; Đâu đó
Đào An Duyên
Trên tầng sâu ý nghĩ; Chiều trung du
Muồng Hoàng Yến
Với bài vị của cha; Mùa dã quỳ vàng nụ
Kỳ Phương
Câu quan họ trên Mường Lò
Thanh Tâm
Tự thú; Trước tấm gương trong suốt
Lý Hữu Lương
Sự tĩnh lặng của cát (đọc Đơn Sa của Mai Thế Hùng)
Văn học nước ngoài
Karel Capek
Bức thư bị mất
(Phạm Công Tú dịch từ nguyên bản tiếng Séc)
Bình luận văn nghệ
Thu Nguyệt
Tào Mạt - người nghệ sĩ quân đội chính trực, tài hoa
Thái Hà
Trốn chạy đô thị - khả năng và bi kịch
Lê Si Na
Trên dấu chim di thê - trên vết thương phận người
Nguyên Chương
Khi nhà lãnh đạo cũng là nghệ sĩ
Tâm Anh
Đời người - đời văn
Mai Văn Phấn
Căn tính dân tộc và toàn cầu hóa trong sáng tạo văn học
Trần Quang Đạo
Chim bay không giới tuyến
Minh họa, ảnh
Bìa 1: Phố Tranh: Nguyễn Anh Minh
Tranh, ảnh, minh họa: Phạm Hà Hải,
Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi, Đặng Tiến,
Nguyễn Đăng Phú, PV, Internet.
VNQD