"Múa đương đại Việt Nam có phần rơi vào tình trạng “quá độ” từ ballet cổ điển lên thẳng múa đương đại, bỏ qua/đốt cháy giai đoạn múa hiện đại. Vì vậy, nền tảng chiều sâu văn hóa của các nghệ sĩ múa đương đại cần được nhìn nhận nghiêm túc và họ cần bổ sung kiến thức để hoàn thiện, biết kế tiếp, gối tiếp quá khứ, khai thác tinh hoa bản sắc dân tộc để vận dụng phù hợp, tương thích vào quá trình sáng tác..."
Trên đây là chia sẻ của tiến sĩ Lê Hải Minh (Học viện Múa Việt Nam) trong bài Múa là một nghề bác học - bài Trò chuyện cuối tháng do Hoàng Đăng Khoa thực hiện, mở đầu Tạp chí VNQĐ số 915.
Truyện ngắn dự thi số này có sự góp mặt của các tác giả Phạm Thanh Khương với Kẻ ở nhờ, Lê Thanh Huệ với Chó robot, Vũ Thanh Lịch với Gió già.
Kẻ ở nhờ không đơn giản là câu chuyện về cuộc sống, số phận của những ngư dân sống đời sông nước, gắn bó, nương mình nơi xóm chài với những câu chuyện buồn vui, được mất. Truyện còn gửi gắm thông điệp về lòng tự hào dân tộc gắn với chủ quyền đất nước.
Chó robot nói về sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và những ứng dụng trong đời sống của con người. Mọi thứ đều có thể được chế tạo theo những mô hình đã được hoạch định sẵn, nhưng niềm tin là thứ mà chỉ có tình yêu thương của con người mới tạo ra được. Truyện nhắc nhở chúng ta coi trọng nhân bản trong thời buổi mà đến “tình cảm” cũng được chế tạo theo một phương thức nào đó.
Gió già là câu chuyện khai thác sâu đời sống tâm lí nhân vật. Một người đức cao vọng trọng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm bỗng một ngày trở lại tuổi thanh xuân với những rung động như thuở mới yêu trước một cô gái. Câu chuyện tuyến tính mang đến sự hấp dẫn cũng như những sẻ chia của tác giả dành cho nhân vật.
Bút kí Những ngày tháng tư của Nguyễn Trọng Luân, kí ức lính Có một ngày như thế của Đỗ Ngọc Huy, tản văn Áo xưa còn nhàu của Nguyễn Trương Quý là những câu chuyện, kí ức góp vào phần Văn xuôi số này.
Trang Văn học nước ngoài giới thiệu tiểu luận “Sự kiện không phải là sự thật” - lịch sử có giống truyện lịch sử của Michael Durrrant do Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Anh.
Phần Thơ dành nhiều trang cho những tác phẩm giàu tình cảm, suy nghiệm về lịch sử và người lính - kỉ niệm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/1975. Bên cạnh đó là những đề tài, những góc nhìn được các nhà thơ đương đại khai thác, đào sâu, mang đến những cảm nhận khác.
"Thơ trong những tập thơ" là thi tập Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi của tác giả Trần Đình Việt do Cao Ngọc Thắng chọn và giới thiệu.
Phần Bình luận văn nghệ với sự góp mặt của các nhà văn, các nhà nghiên cứu Thanh Đô, Hồ Anh Thái, Tôn Phương Lan, Nguyễn Thế Tường, Sơn Khê, Đỗ Tiến Thụy. Những “nhìn lại” về các vấn đề được xã hội và giới chuyên môn quan tâm, những chia sẻ nghề nghiệp, những cảm nhận, phân tích, luận giải về các văn nghệ sĩ, tác phẩm nghệ thuật... hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thú vị, hấp dẫn.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 915 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/4/2019. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Hoàng Đăng Khoa
Múa là một nghề bác học
Phạm Thanh Khương
Kẻ ở nhờ
Nguyễn Trọng Luân
Những ngày tháng tư
Lê Thanh Huệ
Chó robot
Đỗ Ngọc Huy
Có một ngày như thế
Vũ Thanh Lịch
Gió già
Nguyễn Trương Quý
“Áo xưa còn nhàu…”
Thơ
Châu La Việt
Mẹ...; Những tiếng đàn vang suốt tuổi hai mươi
Trần Trí Thông
Kí ức Kôngpông - Thơmo; Khu rừng vàng màu kí ninh
Nguyễn Kiên Thụy
Có một mùa hoa
Bạch Diệp
Trở về; Mở mắt tràn bóng tối
Đỗ Thượng Thế
Mỹ Sơn; Thổ âm
Cao Ngọc Thắng
Tôi ngoái lại và dòng sông ngoái lại
(Đọc Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi của Trần Đình Việt)
Nguyễn Hồng
Viết ở Truông Bồn
Trần Huy Minh Phương
Khúc bảy
Vũ Thanh Hoa
Tĩnh vật; Tay cầm gió thổi
Trần Văn Liêm
Chiều vuông; Những đám mây trên Đại Nội
Hồng Thủy Tiên
Bài thơ cánh chuồn
Nguyễn Phong Việt
Có những chiếc ghế đặt cạnh nhau; 36; Nhà tôi đó
Người Biên Tập
Thư tháng tư
Văn học nước ngoài
Michael Durrant
“Sự kiện không phải là sự thật” - lịch sử có giống truyện lịch sử
(Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Anh)
Bình luận văn nghệ
Thanh Đô
Trí thức và tinh thần công chính
Hồ Anh Thái
Viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai
Tôn Phương Lan
Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý: nhà văn, người mẹ anh hùng
Nguyễn Thế Tường
Máu vẫn chảy trong mắt
Sơn Khê
Chạy trốn thanh xuân hay tìm về thanh xuân?
Đỗ Tiến Thụy
Một Cụ Tướng từ rất nhiều vị tướng
VNQD