Khép lại năm 2018, số VNQĐ 908 mở ra năm 2019 đầu tiên với bài đối thoại với vị Chính ủy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình - Đại tá Lê Văn Tiến. Bài đối thoại cho bạn đọc một cái nhìn toàn cảnh về những người lính quân hàm xanh đứng chân nơi “eo lưng” của đất mẹ Việt, vừa hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ phên dậu quốc gia, vừa đồng hành cùng nhân dân vùng biên xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Những bà mẹ Việt sinh ra những đứa con mang dòng máu Việt, chẳng may đứa con ấy mất đi thì mẹ nào cũng như mất đi một phần thân thể, nhưng đôi khi hai bà mẹ mất con lại ở hai hoàn cảnh khác biệt để dẫn đến những tình huống xót lòng về thân phận những bộ hài cốt sau chiến tranh. Tình huống giả định éo le ấy đã được nhân vật chính - một người đi tìm mộ đồng đội giải quyết thế nào? Truyện ngắn dự thi Chiêm bao đất của Lê Quang Trạng mở đầu cho phần Văn xuôi cùng các truyện ngắn Buồn vặt của Vũ Thanh Lịch và Nguyệt cầm của Phạm Hữu Hoàng.
Chuyện triều chính trong các truyện ngắn đề tài lịch sử thường khốc liệt và khắc nghiệt gắn với những phận người, nhưng ở Nguyệt cầm bạn đọc lại bắt gặp một sự ấm áp, nhân từ trên tinh thần cảm thụ cái đẹp từ Chính cung Bùi Thị Nhạn dành cho Bắc cung Lê Ngọc Hân dưới triều đại Vua Quang Trung.
Buồn có cần phải có lí do chính đáng không? Đôi khi chẳng có lí do nào người ta vẫn cứ buồn. Thực ra là những nỗi buồn không dễ gọi tên, những nỗi buồn nhân tình thế thái, chung riêng, trong nhà, ngoài phố. Và những nỗi buồn này rất phụ nữ, và cũng chỉ phụ nữ mới dễ cảm thấu. Một cái gì như là tiền bi kịch, một cái gì mong manh sắp vỡ, phập phồng xoay trở ở cô gái tên Dạm kia với không chỉ người chồng từng đầu gối tay ấp nay trở nên hờ hững, không chỉ gia đình bé nhỏ của mình trong câu chuyện Buồn vặt.
Nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, nhiều người không khỏi liên tưởng đến những cảnh chết chóc và hủy diệt, tàn sát, hành hạ man rợ, chỉ nghĩ đến thôi đã sởn da gà. 40 năm đã qua đi, nhưng những kí ức về cuộc chiến vẫn còn đọng lại như một vết hằn đau xót. VNQĐ số này dành một phần dung lượng bài vở nói về cuộc chiến trên các thể loại. Bạn đọc sẽ bắt gặp những vần thơ hậu chiến xa xót mà ấm áp như của tác giả Phạm Nguyên Thạch: Ở đây tiếp tiếp nhà không mái/ Nghìn cột cháy đen chỏi mái trời/ Gió quật chuốt mài mòn đá núi/ Tây Nam bây giờ biên giới ơi… Rồi đây cuộc chiến ấy sẽ đi từ kí ức của thế hệ trước sang kí ức của thế hệ sau, từ lời kể của nội sang người cháu như trong bài thơ của Trương Trọng Nghĩa: Nội kể những năm bình định quê mình bám đất, giữ làng/ Nội kể có lần Pol Pot tràn sang tàn sát bà con/ Nội kể những người đồng đội xác còn gửi lại chiến trường/ Nội kể và nội khóc/ Tuổi già mắt lệ như sương… Cũng về vùng đất góc trời biên giới Tây Nam, An Giang, nhưng bạn đọc lại bắt gặp hình ảnh những người lính hôm nay, có người còn trẻ, có người đã được nhúng qua cuộc chiến, chứng kiến những mất mát đau thương từ những năm tháng cũ vẫn khát khao sống đẹp, góp nhặt kiến tạo một đời sống tinh thần giàu có và nhân văn nơi vùng đất được tác giả Đinh Phương gọi là “bìa trời” trong bút kí của mình.
Văn học Việt Nam, cụ thể là tiểu thuyết đã viết về đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam thế nào? Các nhà văn Việt đã dốc toàn tâm toàn lực với đề tài này hay chưa? Bạn đọc sẽ có cái nhìn khá toàn cảnh qua bài viết mà nhà phê bình Phan Tuấn Anh đã dày công khảo cứu: Các diễn ngôn trong tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới Tây Nam.
Cùng với đó, ở phần Bình luận văn nghệ, bạn đọc sẽ bắt gặp một chân dung quen mà lạ, quen tên nhưng lại ít được đọc các bài chân dung về anh: nhà văn Nguyễn Việt Hà. Bạn đọc cũng biết thêm về hành trình di cảo của nhà văn, nhà báo Phan Khôi đã được con trai ông gìn giữ và di dời theo mình suốt mấy chục năm như thế nào...
Có những truyện ngắn gắn liền với một giai đoạn của một đất nước mà tác giả như là một chứng nhân, đã làm “thư kí văn học” ghi lại giai đoạn ấy bằng một tác phẩm. Cây cải Tashkent của Thụy Anh là một truyện như thế với những chính biến xảy ra dồn dập ở nước Nga đẩy số phận của những người nông dân đến đường cùng khiến họ vì sinh tồn phải làm những việc tự bản thân thấy hổ thẹn. Đây cũng chính là lí do khiến Thụy Anh nặng lòng với truyện ngắn viết khi tác giả mới về nước, được chị gọi là “vụng về” này.
Một năm khép lại, như thông lệ, VNQĐ sẽ trao tặng thưởng cho các cộng tác viên có tác phẩm nổi trội trong năm. Năm 2018 bạn còn nhớ bài viết nào, tác phẩm văn học nào trên VNQĐ giấy và điện tử? Liệu bài viết, tác phẩm ấy có nằm trong danh sách trao tặng thưởng của chúng tôi hay không, mời bạn đón đọc trên số tạp chí 907 sẽ phát hành vào 5/1/2019!
Văn
P.V
Bộ đội Biên phòng Quảng Bình: “Bức tường lửa” vững chắc nơi biên cương
Lê Quang Trạng
Chiêm bao đất
Đinh Phương
Những con chữ gieo nơi bìa trời
Thụy Anh
Cây cải Tashkent
Đỗ Phấn
Áo ấm ngày xưa
Vũ Thanh Lịch
Buồn vặt
Phạm Hữu Hoàng
Nguyệt cầm
Thơ
Phạm Nguyên Thạch
Làng biên giới
Trương Trọng Nghĩa
Kí ức nội tôi; Với khúc sông nho nhỏ
Trần Văn Lợi
Quê hương; Ngọn lửa; Hương tám xoan
Trần Thắng
Tết của mẹ; Sang đò
Nguyễn Thị Hạnh Loan
Đi qua những màn đêm; Chạy trốn
Đức Anh
Của một người vội vàng; Và cành hoa màu cam
Lê Thành Văn
Những bức tường hoang liêu Tam Đảo; Em đã thành ánh sáng
VNQĐ giới thiệu thơ Kai Hoàng
Mạch xuân; Ở đó; Đôi khi
Đỗ Tấn Đạt
Lửa của người đi trong đêm; Nghi lễ của núi
Nguyễn Anh Vũ
Tự khúc 8; Tự khúc 14
Trang Thanh
Người đàn bà đi trên con đường tóc; Lặng; Gửi lại vàng hoa
Trần Quốc Toàn
Trong rừng cây du thủ; Giấc mơ giao mùa
Chung Tiến Lực
Mã Pí Lèng
Bình luận văn nghệ
Phan Tuấn Anh
Các diễn ngôn trong tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới Tây Nam
P.V
Những sắc màu truyện ngắn
Phan Nam Sinh
Di cảo của cha tôi - hành trình và kỉ niệm
Lê Minh Hà
Nguyễn Việt Hà - “một người Hà Nội”
Nguyễn Đình Minh Khuê
Tự sự của im lặng
Mĩ thuật, ảnh
Bìa 1: Xuân sớm Ảnh: Vũ Thành Duy
Tranh, ảnh, minh họa: Đỗ Dũng, Phạm Minh Hải, Tào Linh, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Đăng Phú, Lê Huy Quang, PV, Internet.
VNQD