Lịch sử đương nhiên là quá khứ, nhưng không bao giờ lịch sử ôm trọn quá khứ, mặt khác, những khả năng của diễn giải đã đặt lịch sử vào tình thế bị chất vấn, hoài nghi, đôi khi là cần phải đính chính. Lịch sử là hành trình đi tìm chân lí từ quá khứ, còn văn chương viết về lịch sử lại là hành trình đến với sự thật trong trái tim con người. Trên tinh thần đó, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Hoàng Quốc Hải, GS.TS Trần Đình Sử, PGS.TS Trương Đăng Dung về những vấn đề liên quan đến lịch sử, chân lí lịch sử và văn học viết về lịch sử.
Bài trò chuyện mang tên Văn học viết về lịch sử: Chân lí từ quá khứ hay sự thật trong trái tim con người sẽ mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 919.
Phần Văn xuôi gồm chùm truyện ngắn dự thi: Nhớ mùa của Tống Phú Sa, Ngược nguồn của Trần Hoài, Mắt lửa của Nguyệt Chu; ghi chép Cuốn Nhật kí bên dòng Mê Kông của Hồ Kiên Giang; kí ức người lính Kẻ đội váy của Đỗ Văn Nhâm.
Nhớ mùa là câu chuyện của người nông dân yêu ruộng đồng đến mức trở nên lạc lõng ngay trên chính đồng đất quê mình bởi sự phát triển, tiến bộ của khoa học kĩ thuật cũng như làn sóng đô thị hóa nông thôn. Cả đời ăn sương mặc nắng vẫn không hết nghèo nhưng lão Phục không muốn rời bỏ ruộng đồng để tìm cách làm giàu như những người khác. Với chân lí, nguyên tắc ai đời là nông dân mà không bám chân trong bùn đất, liệu lão Phục có bị khuất phục, thay đổi bởi cơn gió thời cuộc?
Ngược nguồn hấp dẫn bởi phong cách hiện thực xen lẫn huyền ảo. Khe Tiên cất giữ điều gì bí mật để rồi qua năm tháng những dấu chân của lịch sử và con người vẫn cứ dày lên nhưng ngay chính người trong cuộc cũng không thể lí giải được. Cung nữ triều Trần, thị nhân triều Nguyễn, người lính chống Mĩ có phải đã được đánh thức với viên đá ném thia lia vào hang sâu của Hoàng - cậu học trò của thời hiện tại? Khe Tiên và những thứ ở đấy trong nếp gấp khác nhau của kí ức như là nút thắt của thời gian lộng lẫy và bi tráng, chỉ đợi mình Hoàng và viên đá đen màu nhiệm.
Mắt lửa lại là câu chuyện hiện thực trần trụi về số phận của những nghệ sĩ đường phố. Miên, nhân vật chính của truyện, là người mang trong mình giấc mơ hình hài ngọn lửa. Khao khát trở thành nghệ sĩ múa lửa, để rồi những biến cố của số phận, những đánh đổi của hư danh đã thiêu đốt cô bằng ngọn lửa vô hình. Số phận Miên và những nghệ sĩ đường phố như cô sẽ ra sao khi hào quang sân khấu quá xa xôi với họ mà ngọn lửa của đam mê và mưu sinh vẫn không thôi cháy trong lòng?
Phần Thơ là những tự sự đa thanh đa sắc với sự góp mặt của những tác giả đã gắn bó với VNQĐ như Võ Sa Hà, Trần Anh Thái, Nguyễn Quang Hưng, Trang Thanh, Tú Anh, Đồng Chuông Tử..., và nhiều cây bút khác đã góp phần làm cho trang thơ trở nên sinh động, ấn tượng. “Thơ trong những tập thơ” số này là tập thơ Sa hồng của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và chùm bài tiêu biểu do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chọn và giới thiệu.
Trang Văn học nước ngoài giới thiệu chùm thơ của nhà thơ người Áo, Rainer Maria Rilke, một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XX.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu: Đỗ Thị Thu Thủy, Ngô Vĩnh Bình, Minh Quân, Kiều Chinh, Trần Thị Trâm. Các bài viết về hình tượng Bác Hồ trong hội họa hay Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với văn hóa văn nghệ sẽ thêm những khẳng định về cảm hứng cũng như sức ảnh hưởng mà những nhà tư tưởng lớn mang lại cho văn hoá nghệ thuật. Bên cạnh đó là những luận giải về các hiện tượng, trào lưu văn học, các tác giả - tác phẩm được giới nghiên cứu, phê bình quan tâm.
Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 919 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/6/2019. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
Nguyễn Thanh Tâm
Văn học viết về lịch sử: Chân lí từ quá khứ hay sự thật trong
trái tim con người
Tống Phú Sa
Nhớ mùa
Hồ Kiên Giang
Cuốn Nhật kí bên dòng Mê Kông
Đỗ Văn Nhâm
Kẻ đội váy
Trần Hoài
Ngược nguồn
Nguyệt Chu
Mắt lửa
Thơ
Võ Sa Hà
Lìa xa; Mưa cũ
Nguyễn Thanh Hải
Muồng hoàng yến bay lên; Sương như nước mắt
Trần Anh Thái
Trở về; Kí ức; Khu vườn của mẹ
Nguyễn Trọng Văn
Khứ hồi những giấc mơ; Viết ở động Thiên Đường
Tú Anh
Tháng tư đem câu hát sang mùa; Một chuyến đi
Nguyễn Quang Hưng
Từ trong lặng lẽ; Lo ám thị; Giấc mơ dã ngoại
Trang Thanh
Trong cơn khát của mùa thu; Trên con đường đến khu vườn;
Bài thơ em tặng anh như đã hứa
Viễn Hải
Những mùa khô Tây Nguyên; Bình minh của lính tàu ngầm
Đồng Chuông Tử
Bến nước; Ngọng nghịu ngày dài
Văn Triều
Đôi chim cu trên dây điện; Tiếng ếch đêm mưa
Nam Thiên Phú
Đêm cuối cùng của người quét rác
Phạm Quỳnh Loan
Bóng núi
Lê Tuấn Lộc
Người tình của cha tôi
Nguyễn Văn Song
Mẹ giờ thôi cả ăn trầu; Ngõ xưa
Nguyễn Việt Chiến
Sự giải phóng năng lượng cá nhân của một nhà thơ
(Đọc Sa hồng của Nguyễn Linh Khiếu)
Văn học nước ngoài
Rainer Maria Rilke
Từ một đêm bão; Thân mình cổ của Apollo
(Nguyễn Huy Hoàng dịch)
Bình luận văn nghệ
Đỗ Thị Thu Thủy
Hình tượng Bác Hồ trong tranh Lê Huy Tiếp
Ngô Vĩnh Bình
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với văn hóa văn nghệ và ngôi nhà số 4
Kiều Chinh
Tiểu thuyết ngôn tình - “huyền thoại” mới
của những cô gái tuổi hoa
Minh Quân
Thơ Huy Cận - sự khuếch đại và mở rộng không gian ấu thời
Trần Thị Trâm
Ngô Vương từ góc nhìn thể loại
Mĩ thuật, ảnh
Bìa 1: Hoàng hôn trên trận địa Ảnh: Thy Nga
Tranh, ảnh, minh họa: Trương Đình Dung, Nguyễn Văn Đức,
Phạm Minh Hải, Phạm Hà Hải, Tào Linh, PV.
VNQD