Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 917 (cuối tháng 5/2019)

Thứ Năm, 16/05/2019 14:00

“Bìa sách của Kim Duẩn vừa có cái thanh thoát sang trọng của hai bậc đàn anh, lại vừa có cái chất của riêng mình: hiện đại và mộc, gần gũi hơn với đời sống. Bìa sách văn học của Duẩn nhiều hình nhiều nét nhiều màu, nhiều tính trang trí, dễ gây ấn tượng với người mua sách. Đấy là một trong các lí do khiến các nhà xuất bản và cả các công ti sách tư nhân đều muốn Duẩn làm bìa cho sách của họ. Nhiều bìa sách đạt đến độ như những bức tranh hoàn chỉnh, có thể tác riêng ra và sống cuộc đời độc lập của những bức tranh”.

Trên đây là những lời của nhà văn Hồ Anh Thái nói về họa sĩ Kim Duẩn. Là một họa sĩ thiết kế báo, vẽ hàng trăm bìa sách và vẽ minh họa, họa sĩ Kim Duẩn có nhiều chia sẻ xung quanh công việc của mình. Tôi thích công việc này vì nó không ồn ào là nhan đề cuộc trò chuyện giữa nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và họa sĩ Kim Duẩn. Bài viết sẽ mở đầu Tạp chí VNQĐ số 917.

Phần Văn xuôi ấn tượng với chùm truyện ngắn dự thi: Tiếng rền của đá của Trần Thị Tú Ngọc, Bướm trắng hoàng cung của An Thư, Gà trên đỉnh Cơi Pòn của Kiều Duy Khánh; Bút kí Mênh mang sông Mang của Phạm Học; Kí ức người lính Nỗi nhớ K’ro Lapia của Trần Ngọc Phương.

Tiếng rền của đá là sự hi sinh thầm lặng của một người lính trong thời bình ở nơi mảnh đất còn mang đầy những dư chấn của chiến tranh. Qua đó truyện cũng tái hiện những nỗi đau, mất mát và ám ảnh mà chiến tranh còn để lại cho những vùng đất, những mái nhà, những thân phận. Chiến tranh đã kết thúc nhưng hệ lụy của nó thì chưa dừng lại. Truyện cuốn hút bạn đọc bởi những câu văn đẹp, giàu hình ảnh và những tình tiết hấp dẫn.

Bướm trắng hoàng cung viết về cuộc đời số phận của Thượng Dương hoàng hậu, chính thất của vua Lý Thánh Tông. Truyện tái hiện lại lịch sử thời nhà Lý và đi sâu vào khai thác chuyện hậu cung. Không sa đà vào những khái quát lớn lao, truyện như một cách nhìn của tác giả về nhân tình thế thái, đạo đức và ứng xử của người xưa. Đó cũng là một cách nhìn lại của hậu thế hôm nay với các vấn đề còn nhiều khuất khúc trong lịch sử.

Gà trên đỉnh Cơi Pòn mang đậm không khí miền núi với những quan niệm, hủ tục lạc hậu. Đó là mảnh đất màu mỡ cho cái ác dung thân và lấn át. Biến cố của mỗi con người có thể xảy ra ngay bởi những điều bình thường nhất từ chính những người thân của mình. Hủ tục như vòng vây với mỗi số phận, chỉ có sự hiểu biết, tình yêu mới giúp con người vượt thoát ra khỏi sự kiềm tỏa ấy.

Phần Thơ có sự hiện diện của những cây bút đã gắn bó nhiều năm với VNQĐ như Phan Vũ, Trương Đăng Dung, Lê Huy Quang, Du An, Đinh Công Thủy... Và những cây bút trẻ đang sung sức như Đỗ Tấn Đạt, Bùi Việt Phương... Thơ là những tự sự về thế giới bên trong của người nghệ sĩ, thế giới ấy soi chiếu, phản ánh thế giới bên ngoài bằng những cảm quan của người viết. Phần thơ số này cho chúng ta thấy ngoài đề tài, thể loại, phong cách... thì điều quan trọng là các nhà thơ phản ánh, gửi gắm điều gì và cảm nhận “thế giới” như thế nào.

Văn học nước ngoài giới thiệu truyện ngắn Những chiếc lá xanh của nữ nhà văn nổi tiếng người Kenya - Grace Ogot. Bà là một trong những phụ nữ Kenya đầu tiên viết tác phẩm bằng tiếng Anh và được xuất bản.

Phần Bình luận văn nghệ là sự góp mặt của các nhà nghiên cứu, nhà văn: Trần Thị Minh Tâm, Uông Triều, Đỗ Văn Hiểu, Phùng Kiên, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Trần Bé. Khái quát và cụ thể; đặt ra câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời; khơi gợi và lí giải... Đó là những điều mà các bài nghiên cứu, bình luận luôn đem lại hứng thú cho giới chuyên môn cũng như bạn đọc, nhằm đáp ứng một sự kiếm tìm hay một thông hiểu thấu suốt về một lĩnh vực nào đó của văn học nghệ thuật.

Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 917 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 20/5/2019. Thân mời các bạn đón đọc!

Văn

Nguyễn Xuân Thủy

Họa sĩ Kim Duẩn: Tôi thích công việc này vì nó không ồn ào

Trần Thị Tú Ngọc

Tiếng rền của đá

Phạm Học

Mênh mang sông Mang

Trần Ngọc Phương

Nỗi nhớ K’ro Lapia

An Thư

Bướm trắng hoàng cung

Kiều Duy Khánh

Gà trên đỉnh Cơi Pòn

 

Thơ

Phan Vũ

Lời chào sau cuối; Mùa xuân ra đi

Trương Đăng Dung

Như thể; Giấc mơ của con; Trong quán cà phê piano

Lê Huy Quang

Khoảng cách; Bâng khuâng

Vũ Hùng

Trăng bỗng sáng hơn; Biển mặn

Võ Văn Luyến

Tuổi thơ gió đồng

Phạm Duy Nghĩa

Tiếng biển

Nguyễn Thị Kiều Trang

Bóng quê

Đinh Công Thủy

Ngày vắng cha; Nhớ Nậm Trang

Đỗ Tấn Đạt

Về; Đậu dưới nhành quê hương

Phạm Xuân Nguyên

Thi sĩ viết thơ trên cát

(Đọc tập thơ Một mình với cỏ thi của Văn Đắc)

Du An

Đám ma người chết trẻ; Cái gương tối

Hà Phi Phượng

Sớm nay; Giấc mơ

Bùi Việt Phương

Sẽ...; Những người đi câu từ rừng xuống

Nguyễn Việt Khoa

Thuận đời

Khaly Chàm

Mùa đông và hồi ức quê xa

 

Văn học nước ngoài

Grace Ogot

Những chiếc lá xanh

(Trần Ngọc Hồ Trường dịch từ African Short Stories, Heinemann, 1987)

 

Bình luận văn nghệ

Trần Thị Minh Tâm

Diện mạo thơ Việt đầu thế kỉ XXI

Uông Triều

Ngôn ngữ ưu thế

Phùng Kiên

Dịch có là những sự vi phạm

Đỗ Văn Hiểu

Mĩ học sinh thái trong Có một kẻ rời bỏ thành phố

Nguyễn Thanh Tâm

Lữ Mai - Đêm nhiệt đới mơ qua ngày trống rỗng

Nguyễn Trần Bé

Nhân vật Sùng Chứ Đa - tư truyền thuyết đến tiểu thuyết

 

Mĩ thuật, ảnh

Bìa 1: Oi bức Tranh: Vũ Bích Thủy

Tranh, ảnh, minh họa: Lê Anh, Bùi Trọng Dư,

Lê Trí Dũng, Nguyễn Văn Đức,

Bùi Quang Đức, Ngô Xuân Khôi, PV, Internet.

VNQD
Thống kê