Những ngày tháng bảy, thời tiết oi nồng; nóng từ nghị trường Quốc hội với những chuyện trọng đại liên quan đến đất nước, nhân dân; nóng từ giá điện, giá xăng lên xuống thất thường; nóng trong các kì thi toàn quốc còn nhiều bất cập; nóng khi thời bình người chiến sĩ vẫn hi sinh trong huấn luyện, trong đấu tranh với tội phạm ma túy bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân... Giữa nhiều cái “nóng” ấy, phóng viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội lại có được một không khí mát lành, thơm thảo với những câu chuyện nhân văn nơi mảnh đất Đồng Nai nắng gió - cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Văn Hòa, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2. Bài trò chuyện mở đầu Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 922.
Phần Văn xuôi là chùm truyện ngắn dự thi Từ bờ bên kia của Lê Vũ Trường Giang, Ba tao bay ra ngoài cửa sổ của Trần Nhã Thụy, Dưới hiên Văn Miếu của Triều La Vỹ; bút kí Dọc đường chiến chinh của Sương Nguyệt Minh, tản văn Nói như người Hà Nội của Y Phương.
Từ bờ bên kia là kí ức đầy ám ảnh, day dứt của một phóng viên chiến trường Mĩ từng đến Việt Nam tham chiến và chứng kiến cuộc thảm sát của lính Mĩ ở Sơn Mỹ năm 1968. Kí ức quá sức chịu đựng của Job thậm chí đã khiến anh tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng cậu bé người Việt Nam trong những giấc mơ và viên bi ve màu đỏ thôi thúc Job làm một điều khác có ý nghĩa hơn, để anh tìm thấy ánh sáng sau những ngày tăm tối.
Ba tao bay ra ngoài cửa sổ đưa người đọc trở về với sự “phá cách” hồn nhiên, cá tính của tuổi học trò đúng nghĩa. Tuy nhiên, truyện cũng đồng thời đặt ra những vấn đề khác khi mà câu chuyện giáo dục ngày nay đã có quá nhiều thay đổi do tư duy, quan niệm của con người. Truyện ấn tượng với giọng văn hóm hỉnh và sâu sắc.
Dưới hiên Văn Miếu lại là câu chuyện lịch sử về Ngô Thì Nhậm với những lựa chọn, ứng xử của ông dưới thời hậu Lê và Tây Sơn, sau đó cái chết ở Văn Miếu dưới thời vua Gia Long. Cuộc đời nhiều công lao nhưng cũng đầy dằn vặt, cật vấn của Ngô Thì Nhậm đã được tái hiện như thế nào? Lịch sử có những khoảng mờ, nhà văn đưa bút vào đó để làm sáng tỏ chúng theo cách của mình.
“Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” giới thiệu tác phẩm Ngủ giữa hoa sen của nhà văn Nguyễn Anh Vũ.
Phần Thơ mở ra những không gian của lịch sử, văn hóa, cùng với đó là tình yêu quê hương, đất nước - một giá trị vĩnh hằng bất biến qua thời gian. Đời sống đương đại hôm nay với những vui buồn, trăn trở về tình yêu, thế sự, con người cũng được các tác giả đi sâu khai thác, khám phá để tìm ra những giá trị của đời sống và nghệ thuật qua các tác phẩm.
Mục “VNQĐ giới thiệu” là chân dung tác giả Lữ Thị Mai và chùm thơ của chị.
Phần Bình luận văn nghệ có sự góp mặt của các nhà văn, nhà nghiên cứu: Phan Tuấn Anh, Hồ Anh Thái, Hoài Nam, Lee Sung-Hyuk, Trần Minh Ngọc. Diện mạo của những giai đoạn văn học hay diện mạo của những tác giả, tác phẩm sẽ được phác dựng qua các bài viết công phu, hứng khởi. Bên cạnh đó là những góc nhìn đầy sinh động, khám phá về các lĩnh vực khác nhau của văn học nghệ thuật.
Tạp chí VNQĐ số 922 dày 120 trang dự kiến sẽ phát hành ngày 5/8/2019. Thân mời các bạn đón đọc!
Văn
P.V
Trường Sĩ quan Lục quân 2 - Những câu chuyện nhân văn
Lê Vũ Trường Giang
Từ bờ bên kia
Sương Nguyệt Minh
Dọc đường chiến chinh
Nguyễn Anh Vũ
Ngủ giữa hoa sen
Y Phương
Nói như người Hà Nội
Trần Nhã Thụy
Ba tao bay ra ngoài cửa sổ
Triều La Vỹ
Dưới hiên Văn miếu
Thơ
Phạm Trọng Thanh
Hành hương Cao Bằng; Cây cói trong nhà
Phạm Vân Anh
Lá bàng lại rụng; Máu người năm ấy;
Biên cương gửi nhớ
Lê Nguyễn Yên Phong
Chong chóng quay là gió; Giấc mơ về con đường tắt
Vi Thùy Linh
Bàn chân con; Ăn hoa để đi xa
Đinh Thị Hường
Với biển; Đối thoại
Đỗ Thượng Thế
Một dòng sông; Vô đề
VNQĐ giới thiệu thơ Lữ Thị Mai
Mơ lạ; Những hồi chuông cỏ dại; Đêm Bảo Yên
Bình Nguyên Trang
Trăng; Cánh đồng; Chân trời mùa hạ
Võ Mạnh Hảo
Tháng bảy; Đá Biên
Lê Nguyệt Minh
Viết khi mưa; Dẫn dụ
Phạm Thùy Vinh
Bỗng nhoài ra biển; Em đến
Tạ Bá Hương
Cấp sắc
Trần Văn Lợi
Gió biền biệt triền sông
Bình luận văn nghệ
Phan Tuấn Anh
Thơ Việt đầu thế kỉ XXI và những hướng cách tân
Hồ Anh Thái
Văn tha hương
Hoài Nam
Văn Chinh và sự khác biệt từ những thiên truyện ngắn
Lee Sung-Hyuk
Sự hồi sinh thế giới và hoan hỉ hợp lưu
Trần Minh Ngọc
Tháng 5 để dành: nhạt nhòa giữa khát vọng bứt phá và thực lực
Mĩ thuật, ảnh
Bìa 1: Vườn gốm Tranh: Trịnh Quế Anh
Tranh, ảnh, minh họa: Nguyễn Vân Chung, Đỗ Dũng,
Trương Đình Dung, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi,
Lê Anh Vân, PV, Internet.
VNQD