Dòng chảy  Văn nghệ

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á”

Thứ Sáu, 08/11/2019 17:27

Ngày 8/11/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh, Khoa Văn học và Trung tâm Nghiên cứu tôn giáo Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp tiến hành phiên toàn thể Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á”. Hội thảo quy tụ đông đảo nhà nghiên cứu đến từ những trường đại học, những viện nghiên cứu trong và ngoài nước. Tiến sĩ Phan Thanh Định, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã dự và đọc diễn văn khai mạc Hội thảo.

Kỉ yếu tóm tắt Hội thảo

Dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam nằm trong cơ tầng văn hóa Đông Nam Á bản địa, và về mặt vị trí địa lí, Việt Nam thuộc khu vực Đông Nam Á, nhưng lại nằm giữa bán đảo Trung - Ấn, nơi tồn tại hai nền văn hóa văn minh vĩ đại thời cổ trung đại là Ấn Độ và Trung Quốc. Vì thế, ngay từ thời cổ đại, bên cạnh giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam còn có sự giao lưu và chịu ảnh hưởng văn hóa tư tưởng Ấn Độ, tiếp theo là giao lưu và chịu ảnh hưởng văn hóa tư tưởng Trung Hoa. Sang thời cận hiện đại, việc giao lưu văn hoá trong khu vực Đông Á càng được mở rộng trên nhiều bình diện khác nhau và ngày càng gắn bó, nhất là trong thời kì hội nhập toàn cầu hoá. Quá trình giao lưu văn hóa tư tưởng giữa Việt Nam với các quốc gia Đông Á diễn ra với những mức độ khác nhau, trong những thời điểm, điều kiện lịch sử đặc thù.

PGS.TS Đoàn Lê Giang báo cáo đề dẫn Hội thảo

Hội thảo khoa học quốc tế “Việt Nam - giao lưu văn hoá tư tưởng Đông Á” do Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hướng đến làm rõ các phương diện lí thuyết và thực tiễn của mối quan hệ, giao lưu tư tưởng văn hoá giữa Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Á, đồng thời cũng là dịp để tạo diễn đàn giao lưu nghiên cứu học thuật giữa Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và các trung tâm, trường đại học trong khu vực và trên thế giới.

GS Trần Ích Nguyên (ĐH Kim Môn, Đài Loan) phát biểu tại Hội thảo

Gần 100 tham luận chất lượng của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được Ban tổ chức tuyển chọn và tập hợp thành Kỉ yếu Hội thảo. Tại Hội thảo, các cử toạ được dịp lắng nghe và thảo luận về các chủ điểm chính như: văn học Việt Nam giao lưu với văn học Đông Á; văn hoá tư tưởng Việt Nam giao lưu với văn hoá tư tưởng Đông Á; Phật giáo Việt Nam giao lưu với Phật giáo Đông Á... Những tiếng nói chuyên sâu này góp phần đẩy mạnh sự hiểu biết về văn học, văn hoá tư tưởng của Việt Nam và các nước Đông Á, tạo tiền đề cho sự giao lưu hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, văn hoá hiện tại và tương lai.

GS Huỳnh Như Phương phát biểu tại Hội thảo

Trong khuôn khổ Hội thảo, bản Việt ngữ Tuyển tập truyện ngắn của nhà văn Đài Loan Trần Trường Khánh đã được ra mắt, giới thiệu đến bạn đọc Việt Nam. Đây là ấn phẩm do Khoa Văn học Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Xã hội nhân văn - Đại học Quốc gia Kim Môn, Đài Loan hợp tác thực hiện, được Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.

Nhà văn Trần Trường Khánh sinh năm 1946 tại Bích Sơn, Kim Môn, Đài Loan

Giáo sư Huỳnh Như Phương nhận định: Những biến động lịch sử và cuộc đấu tranh ý thức hệ nửa cuối thế kỉ XX đã đẩy Đài Loan vào những tình thế hiểm nghèo. Vùng biển Kim Môn trở thành chảo lửa của chiến tranh. Nhà văn Trần Trường Khánh đã chứng kiến hai lần khủng hoảng ở eo biển Đài Loan với những cuộc pháo kích, những trận hải chiến giữa hai bờ mà người dân Kim Môn phải chịu đựng. Nhưng cả 6 truyện ngắn trong tập này không nhằm miêu tả trực tiếp những biến cố ấy mà thể hiện những di chứng của thời kì thiết quân luật đã đè nặng lên đời sống của khoảng 10 vạn dân Kim Môn trong hơn 36 năm ròng. Tác phẩm của Trần Trường Khánh cho thấy văn học ở một địa phương có thể vươn ra khỏi các bức tường để tìm thấy sự đồng cảm của người đọc qua sự hiệp thông với chủ nghĩa nhân đạo. Tập truyện này không chỉ mở ra cánh cửa nhận thức về một xứ sở lắm trầm luân như Việt Nam, mà còn đem lại kinh nghiệm mĩ cảm về sức lôi cuốn của nghệ thuật ngôn từ, như cách nói của Chu Quang Tiềm, nhà mĩ học hiện đại Trung Hoa được tiếp nhận ở cả Đài Loan và Việt Nam.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm sau ngày làm việc phiên toàn thể Hội thảo

Ngày mai, 9/11/2019, các học giả sẽ làm việc tại các khoa của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và bế mạc Hội thảo.

MINH NGUYỄN

 

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Đồng đội là nguyên mẫu trong các sáng tác của tôi

Có nhân vật chỉ là dáng dấp của nguyên mẫu, có nhân vật là nguyên mẫu đã sống và chiến đấu cùng tôi, suốt những năm tháng ở rừng... (VŨ NGỌC THƯ)