Dòng chảy  Văn nghệ

Hướng đến thay đổi hệ hình diễn ngôn xã hội về giới

Chủ Nhật, 27/10/2019 11:57

Ngày 26/10/2019, tại thành phố Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế, Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế và Tạp chí Nghiên cứu văn học - Viện Văn học Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Văn học & giới”.

Thông hiểu và hòa hợp về giới là khát vọng mang tầm vĩ mô của nhân loại. Bản khảo tả về giới chính là bản mặt của lịch sử nhân loại. Lịch sử về giới vì vậy không chỉ là câu chuyện của đàn ông và đàn bà, mà còn là sự phản chiếu những thay đổi các nấc thang giá trị của loài người. Sở dĩ giới đóng một vai trò quan trọng như vậy trong mỗi thiết chế của xã hội là vì nó can hệ sâu sắc đến các phương diện trọng yếu của bất kì nền văn hóa nào trên thế giới.

Giới/giới tính là phạm trù không ngừng được các nhà khoa học, nhất là các nhà xã hội học, nhà nữ quyền thuộc các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn trên thế giới quan tâm. Vấn đề giới/giới tính trở thành một nội dung trọng yếu của các lĩnh vực khoa học khác nhau. Hàm nghĩa của khái niệm giới luôn được mở rộng biên độ: từ dị tính đến đồng tính, song tính, vô tính, chuyển giới... Dù đề cập đến bất kì vấn đề gì, thông điệp chung vẫn là khát vọng hướng đến một xã hội bình đẳng giới.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu về giới/giới tính còn hạn hẹp, nhất là xét trong mối quan hệ với văn học. Giới/giới tính chưa thật sự được đặt ra trong hệ thống nghiên cứu, giảng dạy văn học với tư cachlà một bộ môn chính thức như ở nhiều nước trên thế giới. Hội thảo khoa học quốc gia “Văn học & giới” do Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế phối hợp với Tạp chí Nghiên cứu văn học - Viện Văn học Việt Nam tổ chức nhằm góp phần lấp đầy khoảng trống trong nghiên cứu và giảng dạy về văn học và giới nói trên.

Kỉ yếu Hội thảo dày 1024 trang, gồm 99 tham luận được tuyển chọn từ 150 tham luận

Báo cáo Đề dẫn Hội thảo, PGS.TS. Trần Huyền Sâm nhấn mạnh: “Hội thảo lần này không chỉ giải quyết những vấn đề trọng yếu về giới/giới tính trong mối quan hệ với văn học, mà còn mở ra những vấn đề gay cấn để tiếp tục bàn cãi, tranh biện. Thiết nghĩ, một thái độ không thấu hiểu về giới và giới tính là một thái độ cao ngạo và thiếu thận trọng trong nghiên cứu văn học. Những khoảng trống trong nghiên cứu về giới/giới tính ở Việt Nam là sự thách thức đối với chúng ta về một khát vọng bình đẳng giới. Chúng tôi xem Hội thảo này chỉ là nỗ lực khiêm tốn bước đầu trong việc nhận diện về giới/giới tính - từ lĩnh vực văn học”.

PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM trình bày tham luận tại Hội thảo

Từ gợi dẫn/tham chiếu của các lí thuyết phê bình như: nữ quyền luận, hậu cấu trúc luận, phân tâm học, văn hóa học, xã hội học..., 150 tham luận chất lượng của các học giả, nhà nghiên cứu trên cả nước gửi về Hội thảo đã bước đầu đặt ra và giải quyết các vấn đề về giới trong văn học và không chỉ văn học như: giới và diễn ngôn định giới trong văn học/văn hóa; biểu đạt giới và kiến tạo bản sắc giới trong quan hệ với các phạm trù tính dục, chủng tộc, giai cấp, lứa tuổi, nhóm phái; phái tính và “mặt nạ tác giả” trong các thể loại văn học, giai đoạn, thời kỳ văn học; vấn đề giới với quá trình sáng tác, tiếp nhận văn học… Các phiên toàn thể và phiên bộ phận của Hội thảo đã tập trung thảo luận những câu chuyện nổi cộm nhất mà đa phần đại biểu quan tâm.

PGS.TS. Trần Văn Toàn, Trường ĐHSP Hà Nội thảo luận tại Hội thảo

Bế mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Văn Thuấn, Trưởng khoa Ngữ văn - Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế phát biểu: “Văn học là một thực tiễn diễn ngôn văn hóa có thẩm quyền. Biểu đạt của/về giới trong văn học là một phương diện quan trọng của diễn ngôn văn hóa. Văn học là sản phẩm kiến tạo xã hội/văn hóa. Sự khác biệt giới không chỉ do các yếu tố sinh học quy định, mà còn do cấu trúc văn hóa xã hội xác lập. Không có sự khác biệt bất di bất dịch giữa giới nam và giới nữ cũng như các giới khác. Những bàn thảo giàu tinh thần trách nhiệm, học thuật tại diễn đàn hôm nay càng cho thấy sự kiến tạo giới và giới tính ở mỗi thời kì văn học, ở các bối cảnh xã hội và các nền văn hóa là khác nhau. Do vậy, các nỗ lực bình đẳng giới cần phải được giải quyết sâu xa và căn cơ từ các chuyển biến văn hóa, trong đó có việc biến đổi hệ hình diễn ngôn xã hội hiện hành”.

VIỆT HÙNG

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)