Sáng ngày 23/10/2019, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế “Franconomics” được tổ chức tại L’Espace, ngài Nicolas Warnery, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Pháp tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật cho ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ và Huân chương Hiệp sĩ cành cọ hàn lâm cho phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Văn Minh, giảng viên cao cấp, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông Ngô Tự Lập (thứ hai từ trái sang) và PGS, TS Trịnh Văn Minh (thứ ba từ trái sang)
Huân chương Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật là một trong bốn huân chương cấp Bộ của Pháp, bắt đầu được trao tặng từ năm 1957 cho các cá nhân có thành tích nổi bật hoặc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật tại Pháp và trên thế giới.
Là cựu sĩ quan hải quân, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Baku tại Liên Xô cũ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Fontenay-St Cloud (thạc sĩ) và Đại học bang Illinois (tiến sĩ), ông Ngô Tự Lập đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 tập truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh. Ông giành được nhiều giải thưởng, được đề cử giải thưởng PEN cho hạng mục Thơ dịch với tập thơ Black Star. Một số tập thơ, truyện và tiểu luận của ông được xuất bản tại Pháp.
Từ năm 2016, ông Ngô Tự Lập trở thành Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), tổ chức được hình thành trên cơ sở sáp nhập Viện Tin học Pháp ngữ (thành lập năm 1993) và Trung tâm đại học Pháp tại Hà Nội (thành lập năm 2006). Với sự lãnh đạo của ông, Viện Quốc tế Pháp ngữ đã có sự phát triển ngoạn mục, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu đại học đa ngành, có mối liên hệ chặt chẽ với các tổ chức đại học Pháp, có trình độ quốc tế hóa cao nhất Việt Nam, với các học viên đến từ hơn hai chục quốc gia, nơi văn hóa và công nghệ kết hợp hài hòa, nơi văn hóa Pháp và tiếng Pháp ngày càng tỏa sáng. IFI đã trở thành một trung tâm Pháp ngữ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hơn thế nữa.
Theo ngài Nicolas Warnery, ông Ngô Tự Lập đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp, góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Bộ Văn hóa Cộng hòa Pháp quyết định trao tặng Huân chương Hiệp sĩ văn học và nghệ thuật cho Ngô Tự Lập là nhằm ghi nhận sự đóng góp của ông đối với mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp,
Cành cọ hàn lâm là huân chương lâu đời nhất được trao tặng cho công dân, được chính thức công nhận trong nghị định ngày 19/3/1808 về tổ chức Đại học Hoàng gia. Cấp bậc hiện tại được quy định trong sắc lệnh ngày 4/10/1955. Quyết định trao huân chương được thực hiện theo nghị định của Thủ tướng, dựa trên đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Quốc gia.
Từng tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (cử nhân), Đại học Aix-Marseille (cử nhân và thạc sĩ khoa học ngôn ngữ) và Đại học Paris 3 (thạc sĩ và tiến sĩ ngành lí luận giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa), phó giáo sư Trịnh Văn Minh là thành viên của Hội đồng khoa học thuộc Tổ chức hợp tác đại học khối Pháp ngữ (AUF), Chủ tịch Uỷ ban chuyên gia của AUF ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Uỷ ban chuyên gia Quốc gia của chương trình dạy ngoại ngữ tiếng Pháp LV2, nguyên Trưởng khoa Khoa học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội. Trong nhiều năm, từ 2003 - 2015, phó giáo sư Trịnh Văn Minh là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Jean Moulin, Lyon 3 tại Viện Nghiên cứu Pháp ngữ và toàn cầu hóa.
Là chuyên gia thường xuyên được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Trung tâm Pháp ngữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CREFAP) của Tổ chức quốc tế các nước nói tiếng Pháp (OIF), Tổ chức quốc tế Đại học Pháp ngữ (AUF) và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam mời làm việc, phó giáo sư Trịnh Văn Minh đã xuất bản nhiều cuốn sách và bài báo về việc giảng dạy tiếng Pháp, đào tạo giảng viên và vị trí của tiếng Pháp tại Việt Nam và trên thế giới.
Theo ngài Nicolas Warnery, ông Trịnh Văn Minh đã và đang tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị di sản chung của Việt Nam và Pháp, góp phần vào sự phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thủ tướng nước Cộng hòa Pháp quyết định trao tặng Trịnh Văn Minh Huân chương Hiệp sĩ cành cọ hàn lâm là nhằm ghi nhận sự đóng góp của ông đối với mối quan hệ hợp tác Việt - Pháp.
Tại sự kiện, ông Ngô Tự Lập xúc động phát biểu :
"Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được nhận danh hiệu cao quý này trong sự hiện diện của các quý vị tại đây, trong khán phòng của Trung tâm văn hóa Pháp, trong một khu phố đầy tính biểu tượng của thủ đô Hà Nội - kết quả của sự cộng sinh văn hóa giữa Việt Nam và Pháp. Tôi cảm nhận được những ảnh hưởng và màu sắc của văn hóa Pháp trong gia đình từ thời thơ ấu nhờ cha tôi, một cựu học sinh trường Pháp, người sau này trở thành một sĩ quan quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chiến đấu chống Pháp trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, suốt đời là người yêu văn hóa Pháp. Tình yêu dành cho văn hóa Pháp mà tôi nhận được từ cha, tôi đã truyền lại cho con trai tôi.
Tôi yêu văn học Pháp với những người khổng lồ như Hugo, Verlaine, Balzac, Baudelaire và Sartres. Văn học Pháp luôn là một phần quan trọng trong công việc dịch thuật của tôi. Tôi đã dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam những tác giả tiếng Pháp tuyệt vời như Edmond Haraucourt, Paul Verlaine, Pierre Emmanuel, Jean-Michel Maulpoix, André Velter, Blaise Cendrars, Werner Lambersy, Guy de Maupassant, Jean-Luc Outers... Tôi cũng đã dịch ca từ của một số ca khúc tuyệt hay của Pháp. Một trong những giải thưởng đầu tiên của Quỹ Phan Châu Trinh mà tôi là giám đốc đầu tiên đã được trao cho bản dịch Émile hay là về giáo dục của Jean-Jacques Rousseau.
Từ năm 2016, tôi nhận trách nhiệm lãnh đạo Viện Quốc tế Pháp ngữ. Cùng với các đồng nghiệp ở IFI, chúng tôi đã biến IFI thành một trung tâm trí tuệ mang tinh thần quốc tế tuyệt vời, nơi tiếng Pháp không chỉ là ngôn ngữ giảng dạy, mà còn là một tài sản văn hóa chung của các bạn trẻ từ khoảng 20 nước trên thế giới, nơi sự tỏa sáng của văn hóa Pháp cũng tạo ra một không gian độc đáo cho sự đa dạng văn hóa.
Tôi hiểu rất rõ rằng danh hiệu cao quý mà tôi nhận được hôm nay là một vinh dự lớn hơn nhiều so với những đóng góp khiêm tốn của tôi. Tôi cũng hiểu rất rõ rằng những đóng góp khiêm tốn ấy, tôi không bao giờ có thể hoàn thành được nếu không có sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và đồng nghiệp. Đó là lý do tôi tin tưởng sâu sắc rằng danh hiệu này cũng là, nếu không nói trước hết là, dành cho họ hơn là cho tôi."
P.V
VNQD