Dòng chảy  Văn nghệ

Hoài niệm Hà Nội

Thứ Bảy, 05/10/2019 01:18

Ngày 10/10/1954 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử xây dựng và phát triển của Thủ đô và đất nước, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa to lớn, mở ra một thời kì mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội.

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động của Ban Quản lí phố cổ Hà Nội kỉ niệm 65 năm Giải phóng Thủ đô và 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, chiều tối ngày 4/10/2019, tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã diễn ra lễ khai mạc Triển lãm ảnh “Hoài niệm” của nhà nhiếp ảnh Lê Bích.

Nhà nhiếp ảnh Lê Bích (giữa) tại khai mạc Triển lãm (ảnh: Trung Pham Chinh)

Triển lãm trưng bày gần 40 tác phẩm nhiếp ảnh của nghệ sĩ Lê Bích, tập trung thể hiện vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội - một Hà Nội vừa bảng lảng lắng sâu, vừa xù xì bừa bộn.

Sinh ra ở Hà Nội, hẳn nhiên nhiếp ảnh gia Lê Bích sở hữu cái “vô thức tập thể” về một mảnh đất kinh kì nghìn năm văn vật. Thuộc thế hệ 7x, Lê Bích lại có cơ hội chứng kiến, nếm trải những gian khó của đất nước thời kì hậu chiến, tiếp đến là những chuyển mình của đất nước khi bắt đầu đổi mới và hội nhập… Tất cả trở thành nguồn chất liệu dồi dào để Lê Bích sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh.

Nhà nhiếp ảnh Lê Bích chia sẻ: “Hà Nội đã đổi thay rất nhiều nhưng tôi không cho phép mình quên đi những những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. Tôi sẽ không bao giờ quên những cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ lặng lẽ đứng bên phố xưa nhà cổ, ngói cũ thâm nâu. Quên làm sao được mùi hoàng lan, mùi hoa sữa hoà cùng tiếng chuông nhà thờ lúc chiều buông. Tôi vẫn luôn nao lòng mỗi khi đi qua đường Cổ Ngư xưa trong chiều Hồ Tây gió lộng và thả mình trong men say của trời cao ven hồ thơm mùi hoa sữa. Tôi giữ mãi trong tim mình một Hà Nội của hình người em gái nhỏ đạp xe trên phố, của bóng Tháp Rùa in trên mặt Hồ Gươm cổ tích, của tiếng leng keng xe điện đầu ô, của lung linh sắc màu trong đêm pháo hoa mừng ngày chiến thắng. Và tôi xót xa khi những vẻ đẹp của Hà Nội đã và đang dần mai một, đang vô tình bị lãng quên. Sự lãng mạn của hội hoạ, âm nhạc, thi ca… là cách để níu giữ, kháng cự lại sự phôi pha của những vẻ đẹp đó”.

Tiếp mạch những nhà nhiếp ảnh lão thành của Hà Nội, đặc biệt là nghệ sĩ Nguyễn Hữu Bảo, những tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh của Lê Bích là nỗ lực chộp bắt và lưu giữ vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Chúng như một nốt nhạc trầm trong bài ca ngợi ca Hà Nội, như một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, như một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào thu... để mọi người thêm yêu Hà Nội.

Lê Bích hiện là phóng viên ảnh tại Hà Nội. Anh đã nhiều lần tổ chức triển lãm chung và riêng. Giải thưởng gồm: giải Nhì cuộc thi “Tôi gìn giữ vẻ đẹp” do Davines Việt Nam phối hợp cùng Tạp chí Đẹp thực hiện năm 2015; giải Khuyến khích Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại lĩnh vực báo chí lần thứ 2 năm 2015; giải Nhất cuộc thi tháng “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân dân tổ chức năm 2016; giải Nhì cuộc thi tháng “Vẻ đẹp Việt Nam” do Truyền hình Nhân dân tổ chức năm 2018; giải Nhất cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh” của Báo Hà Nội mới phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức năm 2018…

Triển lãm ảnh “Hoài niệm” của nhà nhiếp ảnh Lê Bích kéo dài cho đến ngày 15/10/2019 tại Đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Dưới đây là một số tác phẩm nhiếp ảnh của Lê Bích trưng bày tại Triển lãm “Hoài niệm”.

Giao mùa
Phố đêm đèn vàng
Nắng ấm mùa xuân
Mùa thu
Hoài niệm
Phá dỡ Nhà tập thể D6 Giảng Võ
Nhà thờ Lớn
Hà Nội mùa đông
Hồ Gươm một chiều như mọi chiều
Mưa phùn
Giếng khơi trong lòng phố cổ
Đi chúc Tết
Chiều về trên công trường xây cầu Thanh Trì 2006

PHƯỚC LỘC

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)