Dòng chảy  Văn nghệ

Lần đầu tiên bộ phim “Vở nhạc kịch” được trình chiếu với phụ đề tiếng Việt

Thứ Bảy, 28/09/2019 11:45

Tối 27/9/2019, tại 15B Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Tranquil phối hợp cùng Fansland tổ chức giới thiệu bộ phim “The magic flute” (Cây sáo thần) do đạo diễn Ingmar Bergman thực hiện dựa trên vở nhạc kịch nổi tiếng cùng tên của nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart.

Wolfgang Amadeus Mozart soạn vở nhạc kịch “Cây sáo thần” vào năm 1791. Đây là trứ tác được Mozart yêu chuộng nhất và do chính tác giả chỉ huy dàn nhạc hai tháng trước khi ông từ biệt cõi đời. Kịch bản được khai thác từ một huyền thoại của Vilande (1733 - 1813), với bối cảnh chính là Ai Cập cổ đại vừa lãng mạn, vừa hoang sơ, vừa cổ kính.

Vở nhạc kịch cuối đời của Mozart này còn được học giới coi là cách thể hiện ý tưởng cải cách mạnh hơn nữa. Sau Cách mạng Pháp 1789, tư tưởng "bình đẳng, tự do, bác ái" lan truyền rộng khắp Âu châu. Về mặt âm nhạc, lần đầu tiên Mozart đã tạo được hệ thống chủ đề và âm hình dàn nhạc theo sát những chuyển động nhanh trong phần kịch, mỗi nhân vật được khắc họa rõ tính cách thông qua chủ đề âm nhạc, và toàn bộ dàn nhạc đã được huy động tối đa để nâng đỡ từng giọng ca, tạo nền cho mỗi nhân vật, và hòa tấu cùng dàn hợp xướng thành một khối âm thanh mạnh nhưng mềm mại, lớn nhưng uyển chuyển, đánh dấu một bước chuyển rõ rệt trong nghệ thuật sử dụng hợp xướng và dàn nhạc, một cách mạng về "công nghệ" kiến tạo nghệ thuật và tư tưởng thời kì đó.

Cốt truyện chính của vở nhạc kịch “Cây sáo thần” xoay quanh những mặt đối lập và thống nhất giữa cái thiện và cái ác, giữa ngày và đêm, giữa đàn ông và đàn bà, giữa đam mê và ý chí...; để đến được với ái tình, cả Tamino và Pamina đều phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt. Ðây là một huyền thoại không dành riêng cho sắc tộc, cá nhân hay xã hội nào, mà mang tính nhân bản phổ quát. Vở nhạc kịch không xây dựng những con người tốt hay xấu, mà các nhân vật trong đó đều có tính cách giao thoa giữa các mặt đối lập và thống nhất.

Chàng hoàng tử Tamino và nàng Pamina xinh đẹp đã trải qua một mối tình lãng mạn. Tamino trong một lần bị rắn thần săn đuổi đã được các thị nữ của Nữ hoàng Bóng Đêm cứu sống. Để trả ơn, chàng cùng với gã săn chim Papageno tốt bụng đi cứu nàng Pamina - lệnh ái Nữ hoàng Bóng Đêm - đang bị bắt cóc bởi một thế lực đen tối ở vương quốc do Sarastro trị vì.

Trên đỉnh núi quạnh quẽ kia có vị vua đương hấp hối. Hành động cuối cùng của ngài là truyền lại Bảy Quầng Sáng Mặt Trời - nguồn gốc trí tuệ và quyền lực. Chầu quanh ngài có bà hậu - Nữ hoàng Bóng Đêm, lệnh ái Pamina, cùng Sarastro - đức giáo phụ.

Bộ phim “Vở nhạc kịch” của Ingmar Bergman vừa là một vở nhạc kịch theo sát nguyên tác của nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart, vừa mang đến những sáng tạo đậm tính chất cá nhân của đạo diễn điện ảnh. Thiên tài thì hiểu thiên tài. Bộ phim vừa giữ được vẻ đẹp huy hoàng của vở nhạc kịch, vừa lôi cuốn gần gũi hơn với khán giả thế kỉ XX bằng tiết nhịp điện ảnh đặc trưng, bằng những cận cảnh tuyệt vời khắc hoạ sâu sắc tình cảm của những nhân vật…

Buổi chiếu thu hút đông đảo người yêu điện ảnh

Lần đầu tiên bộ phim “Vở nhạc kịch” của Ingmar Bergman được trình chiếu với phụ đề tiếng Việt (thời lượng 138 phút) do Tranquil thực hiện, có sự tham gia biên tập hết sức công phu của Nguyễn Quang Dũng - sáng lập viên Fansland.

HỮU NHẬT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)