Tạp chí Văn nghệ Quân đội số 926 (đầu tháng 10/2019)

Thứ Hai, 30/09/2019 07:55

 “Năm anh em mỗi đứa một quê/Đã lên xe ấy là cùng một hướng”, lời bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng của nhạc sĩ Doãn Nho phổ thơ Hữu Thỉnh từ lâu đã như một phát ngôn về lẽ sống của những người lính xe tăng. Đằng sau vỏ bọc thép với một ý chí thép, tinh thần thép đã làm nên những chiến công, đồng hành cùng đất nước trong những khúc khải hoàn, những người lính xe tăng còn ẩn giấu những vẻ đẹp tâm hồn, sự nhân văn như những nét văn hóa truyền thống của lực lượng Tăng thiết giáp các thế hệ. Bài trò chuyện giữa PV VNQĐ với Chính ủy Binh chủng Tăng thiết giáp, Đại tá Nguyễn Đức Dinh đã mở cánh cửa để bạn đọc cùng hiểu thêm về lực lượng đột kích mạnh của lục quân trong đội hình Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc thi truyện ngắn “Lửa mới” đang bước vào chặng cuối với những quyết liệt âm thầm, chắc hẳn mỗi bạn viết, bạn đọc cũng cùng chung tâm trạng lật giở từng trang tạp chí số mới để tìm cho mình một ứng viên hoa khôi truyện ngắn theo cách tự chấm giải của riêng mình. Lật những trang tạp chí VNQĐ số 926, bạn sẽ gặp lại nữ văn sĩ từng mang trên đầu chiếc vương miện truyện ngắn VNQĐ, nhà văn Y Ban. Lần này chị trở lại với truyện ngắn “Sự nhầm lẫn”. Đã có nhiều sự “nhầm lẫn” trong cuộc đời, trên dương thế của nhân vật chính để dẫn đến một sự “nhầm lẫn” nơi địa ngụcnhư là bi kịch về sự trả giá. Đáo để và quyết liệt, Y Ban cùng với các nhà văn nữ thành danh xuất hiện trong phần Văn xuôi của VNQĐ gần đây như Võ Thị Xuân Hà, Thu Trân cho thấy một nội lực, một sức viết “gừng già” khiến những người viết trẻ muốn theo cũng không dễ.

Đã có những “mối tình già” trong khuôn khổ dự thi và hưởng ứng “Lửa mới” như của Hữu Phương, của Nguyễn Thị Thu Huệ với những sắc thái khác nhau. Lần này là một “mối tình già” khác của tác giả Lương Minh Vũ với truyện ngắn “Không dừng bên nhau”. Thật giản dị, không dừng bên nhau là sẽ lướt qua nhau, nhẹ nhàng thế mà sao cồn thấu, rẩy run; đi ngang qua đời nhau, mãi mãi ngang đời nhau cho đến khi tưởng chẳng còn gì ngăn cách vẫn đi ngang đời nhau. Lỗi tại hoàn cảnh hay là lựa chọn của người trong cuộc, mỗi người đọc sẽ tự tìm câu trả lời.

VNQĐ số này sẽ có sự trở lại của một cây bút nữ và có lẽ chị cũng muốn giới thiệu với bạn đọc “Lửa mới” một gương mặt khác của mình với truyện ngắn “Người kí ức”. Đời sống của người trẻ ở đô thị đã từng được bóc tách, xuyên thấu qua những chụp cắt lớp của các tác giả Trần Nhã Thụy, Nguyễn Hải Yến và cả Phạm Thu Hà, nhưng lần này ở chị là một góc nhìn khác,một truyện ngắn với những câu thoại dưới trần trụi và huỵch toẹt nhưng không tầm thường. Trước khi bàn đến chuyện sống như thế nào, trong khi đa số người viết quan tâm đến câu chuyện về tâm hồn thì một chân lí giản đơn đã được Phạm Thu Hà nêu ra, trước hết cần có một thể xác lành lặn để chuyên chở tâm hồn ấy.Với nhiều người thì điều đó quá dễ dàng, nhưng có những người lại là điều không tưởng, và câu chuyện thể xác thực ra lại chi phối lớn đến không chỉ tâm hồn mà nó mang trở.Bởi vậy, nếu bạn cần một cụ thể cho câu hỏi“Người kí ức” viết về cái gì thì có thể trả lời viết về “cuộc sống của những con người bị bệnh tật làm cho tan nát”.

Chuyên mục “Truyện ngắn hay tác giả tự chọn” số này giới thiệu tác phẩm của nhà văn cựu binh Phạm Hoa với một truyện ngắn gắn với cuộc đời sống và viết ở chiến trường của nhà văn, vốn là một tài xế Trường Sơn khi dừng chân tại một binh trạm đã thành cơn cớ để truyện ngắn ra đời.

Phần thơ có sự góp mặt của các nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Linh Khiếu, Nguyễn Phong Việt, Đỗ Quang Vinh, Nguyệt Phạm, Ngô Thanh Vân…VNQĐ kì này cũng giới thiệu gương mặt thơ của một cô giáo miền Tây Bắc với những vần thơ về không gian, miền văn hóa nơi chị sinh sống, tác giả Vũ Thị Mai Oanh với bút danh Myo.

Bàn về yếu tố kì ảo trong văn học Việt Nam gắn với loại nhân vật tâm linh, tác giả Dương Thị Hương tập trung đề cập đến một dạng thức của loại nhân vật này trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại, đó là nhân vật có năng lực siêu nhiên qua khảo sát tác phẩm của các nhà văn Võ Thị Hảo, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Tô Hải Vân, Nguyễn Một, Nguyễn Đình Tú, Uông Triều…

Ở một bài viết thuyết phục khác có tính kết nối, người viết lại cho rằng, văn chương có thể vươn tới những tột đỉnh của cái lạ lùng, phi thực, phi lí, phi logic… nhưng văn chương sẽ khó trở nên vĩ đại nếu chúng chỉ đứng khựng ở những đỉnh cao ấy mà không dấn bước khai phá những thành trì của cái thực, đi sâu vào lãnh địa của cái thực. Cái thực ấy là gì? Theo cách nhìn của Nguyễn Đình Minh Khuê, tác giả từng được nhận tặng thưởng năm của VNQĐ về phê bình, đó là những sự thực khổng lồ, ám ảnh và bi thiết, đã phần nào làm nên mẫu số chung của số phận nhân loại. Nhà văn phải trình hiện trước người đọc những trắc diện ẩn của cuộc đời, những tầng vỉa thế giới đang chìm sâu trong vô tri và quên lãng.Tác giả chỉ ra rằng, ngay trong những trang viết tưởng chừng viễn mơ, huyền hoặc, buồn cười và phi lí nhất, cái thực vẫn đóng một vai trò trọng yếu trong việc tạo cho tác phẩm một tầm vóc, một sức ám ảnh dai dẳng. Và như thế, tất nhiên, chạm vào cái thực ấy quả không hề dễ.

Phần Bình luận văn nghệ còn có sự góp mặt của tác giả Thanh Tâm (cộng tác viên từ Nga), Lê Thị Hường, Trần Minh Ngọc…

Mời bạn đón đọc!

Văn

P.V

Bộ đội Tăng thiết giáp: Đã ra quân là đánh thắng! 

Lương Minh Vũ

Không dừng bên nhau 

Đinh Phương

Nhớ lắm thuyền xưa

Phạm Hoa

Ngày không bình thường 

Y Phương

Bánh giầy ngải cứu

Y Ban

Sự nhầm lẫn 

Phạm Thu Hà

Người kí ức 

 

Thơ

Nguyễn Việt Chiến

Nếu xứ sở dân ca không thấy biển?; Bài hát thời trận mạc; Tiên Nữ ở Trường Sa

Đỗ Trọng Khơi

Đi; Về lại cánh đồng; Về 

Nguyễn Phong Việt

Biển người ngoài kia; Hoa vẫn nở bên trời; Cảm ơn những cơn đau 

Đặng Bá Khanh

Ngày trở lại

Lương Đình Khoa

Trên hè phố chúng mình 

Phùng Thị Hương Ly

Ý nghĩ từ bình minh

Diệu Thoa

Chiếc nạng của cha 

Ngô Thanh Vân

Đàn bà núi

Nguyệt Phạm

Mùi của mẹ; Giấc mơ lênh đênh 

VNQĐ giới thiệu thơ Myo

Sắc chàm; Đừng khóc một mình; Xúm à ơi 

Hoàng Anh Tuấn

Giấc mơ dài; Hải đăng 

Đinh Sỹ Minh

Duyên hải 

Nam Thanh

Biển trở về làm mẹ

Đỗ Quang Vinh

Trái tim; Trong suốt

Nguyễn Linh Khiếu

Những cuộn cỏ hoàng hôn; Hát rong ở Auckland; Long Xuyên 

 

Bình luận văn nghệ

Xuân Hùng

Một tấm lòng với Bác

Dương Thị Hương

Nhân vật có năng lực siêu nhiên trong tiểu thuyết Việt Nam đương đại 

Nguyễn Đình Minh Khuê

Chạm vào cái thực 

Lê Thị Hường

Đi vào vùng mờ vô thức 

Thanh Tâm

Thơ ca Nga đương đại, những sắc màu mới 

Trần Minh Ngọc

Phim gia đình Việt: đã tìm được Thưa mẹ con đi

 

Minh họa, ảnh

Bìa 1: Mùa thu Tranh: Abraham A. Manievich

Tranh, ảnh, minh họa: Lê Anh, Trương Đình Dung, Nguyễn Đăng Phú, Bùi Tiến Tuấn, Lê Anh Vân, PV, Internet.

VNQD
Thống kê