Đó là tên của Triển lãm mĩ thuật khai mạc lúc 19h ngày 27/11/2019, tại Erato School of Music and Performance Art, 56 Phố Trạm, Long Biên, Hà Nội.
Sự kiện thu hút đông đảo người yêu nghệ thuật
Triển lãm là sự tụ hội tác phẩm của 15 nghệ sĩ trải dải xuyên suốt các lãnh địa nghệ thuật khác nhau: Cấn Văn Ân, Lê Đăng Ninh, Ngô Thu Hương, Nguyễn Thế Sơn, Phạm Khắc Quang, Phan Hải Bằng, Phi Oanh Oanh, Trần Công Dũng, Trần Hậu Yên Thế, Triệu Khắc Tiến, Triệu Minh Hải, Trịnh Minh Tiến, Vũ Kim Thư, Vũ Xuân Đông và Vương Văn Thạo.
Các nghệ sĩ tại buổi khai mạc Triển lãm
Phát biểu khai mạc Triển lãm, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn - giám tuyển - cho biết: Đây là triển lãm của nhóm nghệ sĩ từng tham gia dự án nghệ thuật đương đại trong hầm tòa nhà Quốc hội năm ngoái. Lần này các nghệ sĩ thực hiện cuộc triển lãm tại một trung tâm nghệ thuật tư nhân (Erato School of Music and Performance Art) trưng bày những tìm tòi thử nghiệm với những dự án mới, mới hoàn thành hoặc vẫn trên quá trình tìm tòi thực nghiệm.
Nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn (trái) và đồng nghiệp bên bộ tác phẩm nhiếp ảnh phù điêu (1901-1911 - Nhà hát Lớn Hà Nội, 1805-1832 - Ngọ Môn Huế, 1886-1891 - Bưu điện trung tâm thành phố Sài Gòn) của mình. "Với thủ pháp nhiếp ảnh phù điêu thực hiện trong suốt nhiều năm nay về chủ đề kí ức đô thị, tôi đã cố gắng dựng lên một sân khấu lớn của cuộc đời, của những con người có thể từng đi ngang qua hay dừng lại trước cánh cửa Nhà hát Lớn suốt hơn 100 năm qua; hay cố gắng dựng lại hình ảnh Ngọ Môn kinh thành Huế như một chứng nhân lịch sử; hay cố gắng lột tả vẻ đẹp kiến trúc của toà nhà lịch sử cũng như diễn tả những lớp người xuyên thời gian cùng xuất hiện, khắc hoạ nên những biến động của thành phố của con người Sài Gòn trong suốt dòng chảy lịch sử" - nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn chia sẻ
Mỗi một cột mốc trong quá trình sáng tạo của một nghệ sĩ như một “chân trời biến cố” - nơi mà quán tính vận động thay đổi. Mỗi nghệ sĩ là một gương mặt riêng biệt, mang tính cá nhân trong những góc thực hành và quan điểm nghệ thuật. Họ là những nghệ sĩ kế thừa được đặc tính của nghệ thuật truyền thống đồng thời mang nó vào trong những thực hành thể nghiệm từ chất liệu cho đến tư tưởng.
Bộ tác phẩm sắp đặt gốm Series Lịch sử vỡ của nghệ sĩ Vương Văn Thạo. Kết hợp giữa nghệ thuật gốm sứ Bát Tràng và nghệ thuật Kintsugi - ghép đồ gốm sứ bằng vàng của Nhật Bản, những chiếc đĩa được chủ động vẽ hình và ghép nối, truyền tải thông điệp gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hoá
Chính sự pha trộn giữa hai lãnh địa tưởng chừng như tách rời nhau đã tạo nên các cá tính riêng biệt. Các nghệ sĩ như Vũ Xuân Đông, Oanh Phi Phi, Triệu Khắc Tiến đã tạo nên những giao diện tiếp cận hiện đại trên sơn mài, tì trên kĩ thuật truyền thống. Những người thực hành trên phương tiện mới như Trần Hậu Yên Thế, Phan Hải Bằng, Vũ Kim Thư, Triệu Minh Hải, Phạm Khắc Quang và Nguyễn Thế Sơn luôn trên con đường lần tìm nhận diện cá nhân để rồi bắt gặp chính bản thân mình trong chất liệu cũng như trong tư tưởng về văn hoá và lịch sử. Chặng đường đó còn được bồi đắp thêm nhựa sống rất quan trọng từ những nghệ sĩ trẻ như Ngô Thu Hương, Cấn Văn Ân…
Khách tham quan bên tác phẩm sắp đặt Bảy nổi ba chìm của nghệ sĩ Lê Đăng Ninh
Các nghệ sĩ không những kế thừa được những kinh nghiệm thực hành hiệu quả mà còn từng bước xác lập hành trình riêng của mình vừa như một cầu nối để nghệ thuật tiếp biến vừa tạo dựng một hình ảnh chuyển giao quan trọng trong bối cảnh nghệ thuật chung.
Em là tác phẩm trong series sơn mài Pro Se của nghệ sĩ Phi Oanh Oanh. Tác phẩm mang hình dạng một chiếc máy tính bảng giống như Ipad đề cập đến cách chúng ta thường trải nghiệm hình ảnh ngày nay, tiêu thụ và ghi lại chúng nhanh chóng ở dạng kĩ thuật số. Các đặc tính của chất liệu sơn mài Việt Nam - sự rạng rỡ, cái óng ả thâm trầm cùng với sự lộng lẫy mà kim loại mang đến - buộc chúng ta phải chậm lại và nhìn lại hình ảnh hàng ngày theo cách thiền hơn
Từ những ngã rẽ thực hành tưởng chừng khác biệt ấy, sự kết hợp cho dù từ bất kì điểm nào đi chăng nữa cũng tạo lập được một chỉnh thể hoà trộn rất riêng biệt, mà không hề bị lệ thuộc vào tính chất tất định của quá khứ và truyền thống.
Đến từ Huế, với series tác phẩm được tạo nên bởi sự kết hợp linh hoạt của nghệ thuật Trúc chỉ, nguyên lí của khắc gỗ, sơn mài và ánh sáng, nghệ sĩ Phan Hải Bằng đã tạo nên một tổng thể mang âm hưởng trầm hùng, hoài cổ nhưng lộng lẫy mà vẫn mang tinh thần đương đại... chứa đựng nhiều lớp giá trị khác nhau của nội hàm văn hoá. “Trong triển lãm này, một lần nữa Trúc chỉ lại tự hào là một đối chứng cho sự hội ngộ của những giá trị hiện hữu đã được khẳng định. Với bộ Ngẫu liên - Giao kết gồm 5 bức, tôi góp cho mùa chớm đông Hà Nội thêm chút thảo thơm xứ thần kinh. Những mảnh gỗ từ những đồ nội thất ghi dấu hoàng kim xưa cũ được phủ lên các lớp màu. Như những lớp thời gian phủ nhoà quá vãng được khắc lên (của đồ họa) và mài xả trở lại (của sơn mài). Như một cách kêu gọi những vọng âm từ quá khứ hiện về với một hình hài khác, một âm hưởng khác, nhất là khi phối ngẫu với những năng lượng mới. Trúc chỉ là một trong những lựa chọn cộng hưởng cho cuộc trở về đầy hân hoan này..." - nghệ sĩ Phan Hải Bằng chia sẻ
Triển lãm “Chân trời biến cố” sẽ kéo dài đến ngày 27/1/2020. Trong thời gian triển lãm sẽ diễn ra nhiều workshop và buổi nói chuyện nghệ thuật của các nghệ sĩ tham gia triển lãm cộng hưởng cùng các hoạt động nghệ thuật của Erato School of Music and Performance Art.
ĐĂNG MINH
VNQD