Sáng 12/12/2019, tại 58 Quán Sứ, Hà Nội, Ban Văn hoc - Nghệ thuật (V0V6) Đài Tiếng nói Việt Nam đã tổ chức buổi toạ đàm giới thiệu tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long của nhà văn Nguyễn Thế Quang.
Cuốn sách dày 566 trang do Nxb Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2019
Đường về Thăng Long chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nguyên mẫu là tiểu thuyết lịch sử thứ tư của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Các tiểu thuyết trước đó của ông (tiểu thuyết Nguyễn Du viết về Nguyễn Du, tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông viết về bà Hoàng Thị Loan và tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống viết về Nguyễn Công Trứ) đều được dư luận chú ý và đoạt những giải thưởng cao. Ngày 25/11/2019, tại Băng Cốc, Thái Lan, Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN 2019 đã xướng tên hai nhà văn Việt Nam là Nguyễn Thế Quang và Trần Hùng.
Với Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang, lần thứ hai hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi vào lĩnh vực tiểu thuyết. Nếu như tiểu thuyết lịch sử Không phải huyền thoại (2007) của nhà văn Hữu Mai tập trung khai thác hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm tháng ở chiến trường, thì tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang lại tập trung làm nổi bật hình tượng Đại tướng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là giai đoạn 1946 - 1947. Khoảng thời gian trước 1946 cũng được phản ánh bằng phương pháp hồi tưởng, tính từ khi Võ Nguyên Giáp bắt đầu vào học trường Quốc học Huế (1927). Đây là thời kì chính quyền cách mạng còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn gian nan nhất. Trong phần cuối tác phẩm, tác giả dành khoảng 30 trang để tóm lược và khái quát về những sự kiện, diễn biến cơ bản trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn hệ thống và xuyên suốt về nhân vật.
Nhà văn Nguyễn Thế Quang (đứng) nói về cuốn sách của mình
Tại sự kiện, nhà văn Nguyễn Thế Quang chia sẻ: “Việc chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nguyên mẫu cho hư cấu nghệ thuật tiểu thuyết, với tôi là một áp lực, một thách thức vô cùng lớn. Bài toán đặt ra là phải nỗ lực thế nào để có thể vừa tái dựng chân dung một nhân vật đã trở nên thân thuộc trong lòng dân, vừa tìm biết để góp phần điều chỉnh những nhận thức chưa đúng cũng như bổ khuyết những nhận thức chưa đủ của nhiều người về Đại tướng”.
Nhà phê bình Bùi Việt Thắng phát biểu: “Sẽ rất khó khăn cho nhà văn khi tái hiện nhân vật lịch sử tầm cỡ như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì cái gọi là ‘khoảng cách sử thi’. Nhưng tác giả đã khéo léo vượt qua cái ranh giới tưởng như nhất thành bất biến này. Bằng cách như là người trong cuộc, ướm mình vào nhân vật mà viết”.
Tập trung khai thác những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, tác phẩm chủ ý nhấn mạnh vào tâm thế của người tìm đường - chọn đường - nhận đường trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc.
PGS.TS Đinh Trí Dũng phát biểu: “Các tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Thế Quang đều nhất quán một chủ đề lớn - vấn đề nhận đường của người trí thức. So với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ thì quá trình nhận đường của Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn ra trong một bối cảnh lịch sử phức tạp hơn nhiều. Và Đại tướng không chỉ chọn đường cho riêng mình mà quan trọng hơn là cho dân tộc”.
Bên cạnh nhân vật chính Võ Nguyên Giáp, một loạt nhân vật lịch sử khác cũng hiện lên với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng đều hướng tới việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Cao Xuân Huy… Giữa các tuyến nhân vật có nhiều sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, bởi những sự lựa chọn và cách nhìn nhận, quan điểm khác nhau, song lịch sử đã mang tới cho chúng ta câu trả lời đúng đắn nhất: “Nhân dân chọn ai, người đó thắng, bởi có dân là có tất cả”. Trong tiểu thuyết này, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác về diễn biến tâm trạng, tâm lí nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp - một trí thức, người anh hùng đậm chất đời, gần gũi và mến thương hơn trong cảm nhận của mỗi độc giả.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phê, trong Lời giới thiệu cuốn sách, viết: “Đường về Thăng Long là một cuốn tiểu thuyết có sức nặng tư tưởng, thể hiện những điều tâm huyết, những suy nghĩ mới mẻ của tác giả về thời cuộc, về cách đánh giá sự kiện và nhân vật có vị trí quan trọng trong lịch sử hiện đại của dân tộc ta”. Tuy nhiên, vì đây là tiểu thuyết nên “tác giả đã mạnh dạn tái hiện những điều ‘có thể có thật’ - đó là những ‘khoảng mờ’ trong lịch sử hay những riêng tư, thao thức mà chính sử không thể có”.
“Vì dân sẽ có dân, có dân có tất cả”. “Con người là bi kịch, con người sẽ lớn hơn khi biết phá vỡ bi kịch”. Đường về Thăng Long của Nguyễn Thế Quang là một cách đối thoại giữa lịch sử, hiện tại và tương lai.
ĐĂNG HOÀNG
VNQD