Cuộc hành trình của ý nghĩ

Thứ Tư, 29/11/2017 00:42
ttntt

(Đọc Chậm hơn sự dừng lại của Trần Tuấn, Nxb Hội Nhà văn, 2017)

chamChậm hơn sự dừng lại là cuộc hành trình của ý nghĩ mà ở đó mọi chuyển động từ siêu khuôn thước (gió, nước, bóng tối, kí ức…) đến cái cụ thể (đứa bé, đống củi, thị trấn, con thuyền, ngón chân…) đều đưa tới một kết cục chung nhất “chậm hơn sự dừng lại”: gió vẫn thổi/ nhưng chậm hơn sự dừng lại (gió), bước chân chúng ta/ chậm hơn sự dừng lại (mùa), nước - chảy chậm hơn sự dừng lại (nước), trong kí ức già nua/ cánh đồng vẫn đang đi, ngọn cỏ vẫn đang đi/ nhưng chậm hơn sự dừng lại (kí ức), cái chết/ chậm hơn sự dừng lại (cái chết)… Cái kết cục chung nhất ấy, có phải đang dẫn chúng ta đến một sự vô nghĩa của đời sống, khi tất cả mọi vận động theo tính quy luật, theo chủ quan lẫn khách quan đều “chậm hơn sự dừng lại”. Trong vô vàn những suy nghĩ của mình, trong sự mê man theo từng con chữ của Trần Tuấn, tôi vẫn nghĩ “dừng lại mà không đứng yên” mới là điều anh muốn nói. Và riêng ở điểm này thì chậm hơn sự dừng lại chính là một cách ngôn về nghệ thuật, một chìa khóa để người đọc có thể mở ra, bước vào và khám phá thế giới của thơ anh.

Nếu hành trình ý nghĩ trong Ma thuật ngón - tập thơ, xuất bản năm 2008 của tác giả chỉ dừng lại ở sự chậm dần rồi ngưng lại đâu đó (ý nghĩ chậm dần/ rồi ngưng lại đâu đó (nhói trắng)) thì đến Chậm hơn sự dừng lại ta sẽ gặp một Trần Tuấn đằm lắng, khúc triết và logic hơn trong từng ý tưởng, câu chữ, đặc biệt là việc đưa đến cho bạn đọc một chỉnh thể văn bản có tính nghệ thuật. Một phần điều này được thể hiện rõ trong mục lục của tập thơ. Thường thì khi đọc một tập sách người ta ít quan tâm tới mục lục bởi đơn giản đó chỉ là phần hệ thống lại thông tin cơ bản của cuốn sách. Nhưng nếu đọc mục lục của Chậm hơn sự dừng lại, ta luôn có cảm giác về một văn bản nghệ thuật rất đậm chất thơ. Ví như mục lục phần Chậm hơn sự dừng lại: gió/ mùa/ nước/ kí ức/ những ngón chân di động/ trên dòng nước hồi xuân… dễ khiến ta liên tưởng đến một khổ thơ hiện đại nào đó.
 
ĐOÀN VĂN MẬT chọn và giới thiệu
 

Gió
 
Ve vuốt ngón tay xanh
mơn man đồi ngực trắng
chiếc khăn trùm đầu phập phồng im lặng
không thể vẽ tiếp gương mặt nào
 
Gió vẫn thổi
nhưng chậm hơn sự dừng lại
 
Thị trấn
như thiếu phụ
đang mỏng dần
nhẹ dần
trôi theo chiếc khăn choàng.

 
14826hinh nen la doc dao tren nen xanh


Mùa
 

Đến mùa này
tôi mới nghe thấy giọng nói ấy
cất lên từ trước đó nhiều ngàn năm
 
Bước chân chúng ta chậm hơn sự dừng lại
 
Dừng lại và nghe thấy
giọng nói
thanh âm phía trước
đang chờ đợi
đến mùa này
tôi nghe quá nhiều gió thổi
qua những vòm cây vách đá
 
Những tiếng nói từ ngàn năm không trôi theo ánh sáng
đã đến trước chúng ta
dừng lại
lắng nghe.

 Roses 1


Trên dòng nước hồi xuân
 
Tôi chạy bên sông Hàn
buổi sáng
 
Buổi sáng
thức nơi đây từ thế kỉ trước
chạy trên dòng sông chảy ngược
sông lao vào người
xuyên qua tôi
trôi không dấu vết
 
Buổi trưa
mặt sông đứng im mặt trời đứng im
chỉ có con đường chảy ngược
con đường chạy
chậm chậm trôi tôi qua nó
 
Buổi tối
thả bộ dưới lòng sông
trong u ơ mùi vị của gió
ướp qua nhiều ánh sáng
thời gian mắc lưới lòng sông
thấy mình già đi rất nhanh
trong ma sát mịn màng kiếp khác
 
Trên “dòng nước hồi xuân”(1)
đợi ở đây từ thế kỉ trước
...
 
Li cà phê như cây nến đen
thắp vào đêm một vũng bất định
rọi tìm trí nhớ hơi thở cái nhìn tiếng nói ý nghĩ đã vụt qua đã trôi
                                                                  đã mất
những “cái rực rỡ tối mù”(2)
 
Vùi quanh chân nến lãng quên
trên dòng nước hồi xuân.
______


1,2. Diễn ngôn của Marcel Proust

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)