(Đọc Hoa vàng mấy độ của nhà thơ Lê Thành Nghị, Nxb Hội Nhà văn, 2024)
Hoa vàng mấy độ, thi tập mới của nhà thơ Lê Thành Nghị là những tiểu tự sự hiện lên giọng trầm từ bóng người, bóng chữ đời thường. Các bài thơ thường được khai sinh với cái tên dung dị, nhưng rất gợi và thâm trầm, chiêm nghiệm.
Như bóng với hình, trong thơ Lê Thành Nghị, cảm quan thiên nhiên gắn liền/ thể hiện cách nhìn đời sống. Nói tới thiên nhiên là nói đến con người. Tự nhiên và con người trở thành đồng nhất. Thế giới tự nhiên là nhân vật trữ tình trong thơ anh. Từ “hệ sinh thái” ấy, hiện lên nhiều cung bậc của những câu thơ xanh, ý niệm xanh, gợi lên được cả những điều thầm kín, nói lên được tình thế, trạng huống của tồn tại, khắc khoải trong suy tư ý vị: Suối giữ những gì tận đáy sâu kia/ Làm đá đinh ninh giữa dòng nước chảy; tác giả ghi ở Nhà số 4 (Tạp chí Văn nghệ Quân đội): Hoa đại khẽ rơi như tiếng thở li biệt/ Một dáng người vừa mất sau cây/ Người thưa thớt dù cây vẫn biếc. Đó là nơi mà cây đại đã xanh lên bao cuộc đời, bao trang giấy. Nơi bóng ai trở lại lặng thầm bên sách cũ. Và hoa vẫn rơi bên ngoài ô cửa…
Trầm lắng và tinh tế, vừa bảng lảng thiền tính, vừa như những kí tự cộng sinh, vượt qua phong nhiêu, Hoa vàng mấy độ hay là dòng sông thao thiết trước hoàng hôn, vẫn đỏ nặng phù sa chảy vào quê hương, chảy vào mùa người, chảy vào vô tận… Hư hay thực, thơ Lê Thành Nghị thường nhòe mờ giữa lở bồi nhân thế. Thời gian của thân phận, của sự đồng hiện, tĩnh trong động, động trong tĩnh, cái nhìn thấu cảm, cảnh vật quen thuộc mà trở nên sâu lắng, dư ba: Cuộc giã từ quá vội/ Của đám hoa vàng rơi trên vạt nắng/ Để lại mênh mông khoảng trống không lời...
Có thể nói, đặc điểm nổi trội của thơ Lê Thành Nghị, của Hoa vàng mấy độ là sự giao thoa giữa trữ tình nội tâm và suy tư triết luận, là sự hài hòa trí tuệ và cảm xúc. Vừa là nhà phê bình văn học, vừa là thi sĩ, nhưng tư tưởng trong thơ anh không rơi vào tư biện “chặt chân cho vừa giày”. Luôn đi tìm cái tinh trong, tìm sự thanh sáng dịu dàng của ngôn từ, nhiều bài thơ phảng phất như tranh lụa. Khi không còn ranh giới, đâu là lí trí, đâu là tâm hồn, nhiều câu thơ trở thành diễn ngôn của cảm xúc trí tuệ: Hay quá trẻ nên người không thể biết/ Cây đã già lá mất ngủ trên cao? Đi sâu vào bản thể, bản ngã, sâu sắc nhưng không to tiếng, thơ anh trong và nhã, thường âm vang bởi sự cộng hưởng từ phía đời thường. Sức sống và vẻ đẹp chữ nghĩa ở chiều sâu của mạch ngầm suy tưởng. Như dòng suối nhỏ, thơ lặng lẽ thấm thía, lan tỏa vào đời sống.
Vừa mơ hồ vừa hiện hữu, thơ Lê Thành Nghị thường âm vang ở khoảng lặng sau lời. Mơ hồ, nhòe mờ thường song hành với cách viết mở. Vì thế, biểu đạt khó tìm ra nghiệm thực. Thơ nhiều nghiệm. Đêm trên Quản Bạ như một giấc mơ. Trầm tích của thời gian, xôn xao của tình tự, lưu luyến và nhớ thương, phôi pha mà ấm áp suy tư, chiêm nghiệm. Đêm, nhưng mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc của ánh sáng, của tấm lòng từ thi ảnh: Đá đứng im lìm trong ráng muộn/ Hoa thêm hoang dại lúc xế ngày/ Em buông khăn ấm làm mây nõn/ Một vệt ngang trời lau trắng bay. Đây là bài thơ khá điển hình cho tạng người, tạng thơ của thi sĩ Lê Thành Nghị.
Thơ là câu chuyện của cái nhìn và biểu đạt. Hữu hạn và vô cùng, bất biến và vô thường…, Hoa vàng mấy độ ánh lên cái nhìn tuệ giác từ đường biên ấy. Không chỉ là mong manh, nỗi thao thức về thân phận, thơ anh còn là niềm vui, là khát vọng vượt lên khổ đau trong lẽ nhân sinh.
LÊ ANH PHONG giới thiệu và chọn
Hoa dong riềng
Theo cơn gió tôi về đến núi
Hoàng hôn đã bớt vẻ chia xa
Tháng chạp hoa dong riềng thắp lửa
Một mùa đông lặng gió
Trong kí ức xa mờ!
Trở về với tháng năm xưa
Tìm lại đôi mắt người Sơn Tây
Mềm những mái đình chạm khắc
Ngọt những mía tím triền đê
Em đã hẹn gì trên đồng Bương Cấn
Mà rối bước chân người về?
Mới chạm con đường chân núi
Gặp xanh vô hạn Ba Vì
Tạm quên đắng lòng phố bụi
Để ngọt với hoa dong riềng
Để trong với suối tháng giêng
Muốn mang đôi mắt người Sơn Tây đi mãi vào núi
Cuối dải mây kia, cuối ngôi sao kia!
Chiều cuối năm
Một vòng xe đi
Họa mi trắng muốt
Chiều rơi xanh mướt bãi sông
Mộng du theo làn hương ngát
Có tiếng rù rì bầy ong!
Đến với sông
Quên đi trong kia xe kẹt
Xua đi mù mịt bụi đường
Một lần làm sạch lại mình!
Thành phố nhà cửa càng cao
Càng mất những chân trời bát ngát
Những mát lành từ phía sông lên
Tôi cũng mất
Những tóc gió đầy, những chân lấm cát
Những bãi xanh non, những vạt hoa vàng!
Chiều cuối năm
Ong gọi về miền hoa dại
Hương bay dẫn đến tóc dài
Gió lay những chùm trái chín
Nỗi buồn tưởng nhẹ như mây.
VNQD