Nói về sự nuối tiếc

Thứ Ba, 28/11/2017 00:36
ttbbt

Nuối tiếc là một trạng thái của cảm xúc mà chúng ta cảm thấy. Nó xảy ra khi ta gặp một điều gì không được trọn vẹn, tròn trịa, hài lòng như mong đợi bởi tưởng đã là có thể. Nhưng, nuối tiếc là một cảm xúc đẹp. Nhất là trong câu chuyện về thơ.

Sở dĩ Người Biên Tập bắt đầu như vậy bởi Tạp chí Văn nghệ Quân đội vốn là một địa chỉ quen thuộc để bạn viết chia sẻ và gửi gắm. Trong sự chia sẻ và gửi gắm ấy, bên cạnh những tác phẩm có chất lượng đã được chọn in thì cũng có không ít những tác phẩm để lại cho Người Biên Tập nhiều nuối tiếc. Âu đó là điều không tránh khỏi trong câu chuyện biên tập và chúng tôi cũng muốn chia sẻ với các tác giả cùng bạn đọc phần nào về sự nuối tiếc ấy.

Với Thơ trên bàn biên tập lần này, Người Biên Tập muốn nhắc đến chùm thơ của tác giả Phạm Hồng Nhật. Đọc chùm thơ Người Biên Tập thấy được nhiều nét dụng công của tác giả, đặc biệt là việc tìm kiếm, khai thác những đề tài mới. Bài thơ Ông đá mài là một ví dụ.

Tiếng
tiếng dao kéo chạm vào nhau
choe chóe
 
một chiếc mũ cối, một hòn đá mài
gia tài có thế, đi suốt cả ngày
đi cùn cả lối, đi cùn cả đường
về thì sáng quắc, dao sắc đường trơn


Những câu chữ mang chút âm hưởng đồng dao, cùng với âm thanh, hình sắc đã tạo nên sức gợi và những nét tươi mới cho bài thơ. Người Biên Tập nghĩ sự dụng công ấy ít nhiều đã mang tới thành quả sáng tạo. Nhưng cảm hứng ấy không được tác giả duy trì ở những câu sau khiến cho bài thơ lạc sang sự miêu tả thuần túy:

ông mài thật sắc, ông gõ thật kêu
dao gỉ bao nhiêu, kéo han, kéo hỏng
đưa ông mài cho
cắt gì cũng thẳng


Trong bài thơ Mỗi ngày của tác giả Phạm Hồng Nhật, Người Biên Tập cũng đọc được những câu ấn tượng như:

                Mỗi ngày thiếu vắng bóng em
Sáng không vàng nắng, chiều thiêm thiếp chiều


Hay:

       Bình minh cũng ngả về già
Lá rơi vàng chảy loang ra chân trời


Lá rơi vàng chảy loang ra chân trời là một câu thơ mang lại nhiều thi vị. Nhưng tiếc là trong cả bài Người Biên Tập chưa tìm được một cấu tứ thực sự chắc chắn, và còn những câu thơ khá cũ:

       Thời gian đi tựa như tên
Thoắt trôi trăng khuyết bên thềm đợi ta


Vẫn biết, để có một sáng tác hay thực sự rất khó, được một câu thơ hay, ấn tượng với người viết đôi khi cũng là một sự may mắn. Ngoài việc đi tìm đề tài mới, ngoài những câu chữ ấn tượng, Người Biên Tập mong tác giả Phạm Hồng Nhật sẽ trau chuốt và kiến tạo hơn nữa để có được những bài thơ chất lượng. Người làm thơ giống như thợ đào vàng, đôi khi cứ đào mãi hết lớp đất đá này đến lớp khác mà chưa thấy vàng đâu nên bỏ cuộc, nhưng biết đâu, chỉ còn một lớp đất mỏng nữa thôi là chạm tới mỏ vàng. Thế nên, người viết đừng vì lí do gì mà nản chí, bởi sáng tạo là cả một quá trình chứ không phải một chặng đường.

Một tác giả khác cũng gây chú ý với Người Biên Tập trong chùm thơ gửi về Văn nghệ Quân đội, tác giả Lương Hồng Ngọc Anh. Đó là những bài thơ viết về nỗi đau, những xa xót âm thầm mà chiến tranh để lại trong mỗi gia đình, mỗi phận người. Văn chương viết về chiến tranh để xoa dịu nỗi đau, và cao hơn cả để hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Mẹ còng lưng ngoài đồng
Cấy mạ xanh thành thóc
Bố cày bừa ngang dọc
Để kiếm từng củ khoai
Nhìn đứa con ngáp dài
Hình như chừng muốn nói
Đôi mắt trong bóng tối
Quờ tay em tìm ai?


Một cảm giác rưng rưng, nhoi nhói khi Người Biên Tập đọc xong bài thơ này. Dường như đằng sau những câu chữ giản đơn ấy là một thân phận, một hình hài đang lay thức người đọc, tưởng chừng như chỉ cần đưa tay ra là chạm vào. Điều tiếc nuối với Người Biên Tập là thơ ca không chỉ có vậy. Tác giả đã có chất liệu vàng trong tay, đó là cảm xúc cũng như ý tứ thơ nhưng chưa đủ khéo léo và sáng tạo để làm nên một bài thơ hoàn chỉnh và thẩm mĩ.

Trong bài thơ Bàn tay cha, Lương Hồng Ngọc Anh cũng viết về mất mát và hao khuyết do chiến tranh để lại.

       Cha đưa tay ôm lấy con
Bàn tay bom cắt đâu còn... bàn tay
       Con cười đôi mắt thơ ngây
Bế con bằng khuỷu tay này thiết tha
Rồi:
       Con từ dòng máu sinh ra
Bàn tay cha mất biết là vẫn đau
       Khó bàn tay sá chi đâu
Bởi không tính toán sang giàu như ai


Câu thơ cuối khổ như một sự lệch pha làm mất đi dòng xúc cảm vốn đã được tạo lập từ những câu thơ trên. Người Biên Tập mong muốn bạn Lương Hồng Ngọc Anh sẽ gọt giũa và tìm tòi sáng tạo nhiều hơn nữa để cho mỗi sáng tác của mình thực sự là một chỉnh thể về cảm xúc và ngôn ngữ biểu đạt.

Ranh giới của thơ tới và chưa tới là một sự mơ hồ mà ta không thể rạch ròi, định đoạt được bằng sự khẳng định. Đôi khi đó chỉ là một nốt rung của cảm xúc, một tiếng thầm thì từ vô thức, gợi mở những liên tưởng sâu xa
 
Người Biên Tập
               
 
 
               
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)