Thơ của Nguyễn Minh Khiêm

Chủ Nhật, 25/05/2025 11:18

Hiển hiện Vua Hùng từ thuở
nước Văn Lang

Có thể Vua Hùng đã nghỉ lại bến Trường Châu
Trong một đêm tiếng gươm giáo của kẻ thù chát chúa vọng vào
vách đá của núi Khả Lao
Người đã mất ngủ cùng dòng sông Mẹ (nghìn năm sau có tên
sông Mã)
Nơi mỗi buổi sáng mai vang vọng tiếng mõ chài
Tiếng hát tiếng cười rong khơi vượt bể
Nơi tấp nập đò ngược đò xuôi
Trai gái yêu nhau trồng dâu nuôi tằm dệt vải
Những mái chèo, những cánh bướm, cánh chim, những lưỡi cuốc lưỡi cày thành hoa văn trên cạp váy
Nhuộm nắng nhuộm mưa nhuộm bão nhuộm giông thành gốc rễ
cội nguồn

Sông Mẹ đã kể cho Vua nghe về mạch đất tổ tiên
Từ thành Luy Lâu nơi Kinh Dương Vương chọn làm Kinh đô
Xích Quỷ
Hai tiếng người Kinh bắt đầu từ đó
Những người con cùng bọc trứng Âu Cơ sinh sôi màu đỏ
sông Hồng
Đội mũ lông chim, khoác áo lông chim
Chia xuống miền xuôi chia lên miền ngược
Đốt ngọn lửa thiêng giữ núi rộng sông dài

Có thể Vua Hùng đã đứng trên đỉnh núi Tam Thai
Ngắm thế núi hình sông cánh đồng làng mạc
Để hiểu sâu thêm rồng cuộn hổ ngồi định ra mưu lược
Để người nghe rõ hơn tiếng chim Lạc bay về
Để thấu hiểu hơn nước mắt mồ hôi đã thấm xuống
từng tấc đất
Khi bắt đầu dựng nước Văn Lang

Có thể Vua Hùng đã đứng trên đỉnh núi Tam Thai
Để hiểu sâu hơn những bước chân từ Luy Lâu
tiến về Nghĩa Lĩnh
Bầy chim lang thang kiếm ăn không nơi cư trú
Định tổ nghìn năm nơi châu thổ phù sa
Được định danh Lạc Tướng, Lạc Hầu
Cưỡi ngựa cưỡi voi đua thuyền săn bắn
Sinh ra tục nấu bánh chưng bánh dày
bánh răng bừa ngày Tết
Sinh cây đu cây nêu mở hội mùa xuân

Có thể Vua Hùng khi ngắm nhìn những cánh đồng bát ngát xứ
Cửu Chân
Chân trời mở ra một màu vàng lúa chín
Người đã nghĩ đến đất nước Văn Lang vững bền no ấm
Chim hót vang trong dân vũ dân ca
Hoa thơm lừng trong lời nhớ lời thương áo mớ bảy mớ ba
Quả chín ngọt trong từng câu chuyện kể

Có thể Vua Hùng đã đứng trên đỉnh núi Tam Thai
nhìn ra cửa bể
Ngắm miền ngược miền xuôi tấp nập những con thuyền
Dù tiếng nói khác nhau nhưng chung một ngọn nguồn
Dù lưới chài sông cái sông con
Dù cày cấy nơi đồng cao đồng thấp
Nhưng cùng chung bão giông ngập lụt
Cùng nắng mưa sấm chớp bủa vây
Một hạt gạo bao lần giã bao lần xay
Một miếng cơm bao nhiêu lần củi lửa
Cứ tưởng nghìn vạn nóc nhà riêng biệt nghìn vạn cửa
Nhưng tất cả cùng chung một cửa nước Văn Lang

Vó ngựa kẻ thù phương Bắc đang rầm rập tràn sang
Chúng sẽ tàn sát muôn dân cùng làng mạc
Chúng sẽ đốt thành Luy Lâu, đốt Kinh đô Bạch Hạc
Sẽ không còn Lục Hải, Giao Chỉ, Giao Châu, Châu Ái,
Cửu Chân
Sông Mẹ, sông Hồng không còn nơi trồng dâu trồng lúa
Không còn lời ca không còn điệu múa
Không còn cánh cò bay lả bay la
Không còn lời ru đỏ nặng phù sa
Văn Lang chỉ còn tiếng khóc gào lầm than điêu đứng

Thấu nỗi Vua Hùng trùng trùng sóng dựng
Trằn trọc nghĩ suy cứu nước cứu dân
Trong đêm khuya thần núi hiện lên
Hiến kế sách cho Vua Hùng trừ giặc
Ngài hãy đúc trống đồng khi hai bên nghênh trận
Hãy bắt đầu cho nổi trống lên
Tiếng trống đồng là hồn sông núi linh thiêng
Là sức mạnh của muôn phương tụ hội
Khi kẻ thù nghe âm vang trống dội
Từ tướng đến quân phách lạc hồn xiêu
Dù kẻ thù mạnh khủng khiếp bao nhiêu
Nghe tiếng trống đồng sẽ như bùn tan chảy

Nghe lời thần núi Tam Thai
Vua Hùng hạ lệnh cho quân làm theo kế ấy
Một trận ra quân đã ca khúc khải hoàn
Thắng giặc trở về lạy thần núi Tam Thai
Vua cho xây đền thờ để ghi ơn muôn thuở
Rồi dâng trống đồng làm nghi lễ báo công
Từ đó đền thờ Thần núi Tam Thai có tên là Đền Đồng Cổ

Mấy nghìn năm lễ hội làng Đan Nê tưng bừng
trống giong cờ mở
Như thuở Vua Hùng bày tiệc khao quân
Tiếng trống đồng vang vọng mùa xuân
Cờ xí rợp trời núi Tam Thai ngời sáng
Thuyền rồng rợp Trường Châu reo mừng chiến thắng
Hiển hiện Vua Hùng từ thuở nước Văn Lang.

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

‘Mấy đứa nhỏ diễn sao giống tụi mình ngày đó quá trời’

Tại Củ Chi có một suất chiếu đặc biệt của bộ phim “Địa đạo- Mặt trời trong bóng tối” được gọi là suất chiếu tri ân.

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Nhân vật học viên trong truyện ngắn Mưa ở Bình Dương

Trong truyện ngắn này, có một nhân vật học viên trong cương vị chủ tịch phường đang theo học lớp tại chức mà nhân vật “tôi” làm thầy giáo đứng lớp... (VĂN GIÁ)

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)