Thơ trong những tập thơ: Tập "Thơ lục bát" của Vũ Ngọc Thư

Thứ Hai, 04/07/2016 00:08
ttntt
 

Là tôi đi với chiều mưa…


Tập Thơ lục bát  của Vũ Ngọc Thư với hơn 110 bài, được chia thành hai phần: “Lục bát cõng mưa” và “Lục bát và em”. Hai khía cạnh đề cập dường như khác nhau nhưng thơ anh vẫn trồi lên đậm đà tình quê hương, tình người và tình yêu chân chất, dễ mến và đầy sức gợi từ chính những điều bình dị, dân dã ấy.
Tác giả bộc bạch: Hồn làng quyện đất phù sa/ Chắt từ rơm rạ để mà thành tôi. Cái “hồn làng”, “rơm rạ” ấy như một tờ giấy khai sinh để rồi gợn dần những “khung hình” đặc trưng một làng quê Bắc Bộ: cổng làng trầm mặc, tiếng chuông chùa ngân trong chiều, có đất đồng chiêm, bờ đê “bạc màu cỏ”, có những khuôn mặt của làng, có mẹ, có chị… Dáng làng như ngọn tre cong/ Dáng người ẩn bóng vào trong tre già (Làng ơi), Người làng lớp lớp đổi thay/ Cổng làng lưu giữ bàn tay từng người (Cổng làng), Người quê ăn nói vụng về/ Oang oang trên ruộng bốn bề gió mưa (Người quê nói chuyện nhà quê), Người quê trên đất đồng chiêm/ Dáng đi như cõng lưỡi liềm trên lưng (Người đất đồng chiêm) rồi tưởng chừng những cái “tôi” đã trở nên nhòa đi, bé nhỏ trước mẹ, trước chị: Mẹ tôi đi đón cơn mưa/ Bây giờ nắng đã qua trưa chẳng về (Gọi mẹ), Đời thì rộng đến bao la/ Chị tôi mỏng mảnh như là lá non (Chị tôi). Gắn bó, thao thiết với làng đến vậy mà tác giả còn những nỗi khôn nguôi, day dứt, tưởng như mắc nợ: Nợ làng từ chập chững đi/ Đôi chân tất bật bước lì đường thôn (Nợ Làng). Vì trong cái “Nợ” ấy còn là cái “Tình” đầy sức gợi: Ta còn nặng với đất quê/ Bạc lưng áo vá chẳng chê mẹ nghèo (Lục bát cõng mưa), Người quê nghĩ tới mà thương/ Mồ hôi đổ suốt dọc đường mình đi (Người quê nói chuyện nhà quê)… Coi làng là gốc rễ, mang ơn và trả ơn để một ngày thấy mình được “thảnh thơi”: Đêm nay ta cỏ ngồi chơi/ Trút buồn nhặt cái thảnh thơi trong buồn (Chuyện trò với cỏ) âu cũng là “quả thơm” với một người con “có hiếu” của ngôi làng trên đất Cẩm Giàng, xứ Đông xưa.

Trong một mạch chảy khác, tác giả dường như rất trẻ, rất đa tình. Nào là: Cũng đừng hỏi cỏ vì sao/ Kẻo không rồi lại vấp vào heo may (Lời ngày hôm qua), Mắt nào có thả bùa yêu/ Mà chênh chao cả cánh diều không dây (Mắt) đến những “bổi hổi, bồi hồi” của thời mười mấy cái xuân xanh: Người ơi giờ mới qua trưa/ Mà mây cứ đổ nước mưa xuống đồng (Mưa), hay một lời trách cứ những “cơ nhỡ” trong chuyện đôi lứa: Gập ghềnh nên chút duyên rơi/ Theo sau tôi nhặt làn hơi thở dài (Vành trăng đôi), Mắt em gai giắt bờ rào/ Nhìn anh để lại nốt nào cũng đau (Chợ sông)… Có khi chàng trai ấy lại tỏ ra khá quyết liệt, liều lĩnh: Nếu giờ còn chuyến đò ngang/ Thuận tay người chở nhẹ nhàng sang đây (Trăng nghiêng), Lời tôi nhắn có sang qua/ Bùa yêu đã thả ai mà giữ em (Lời gửi bùa yêu)…
Trong một biên độ cảm xúc được mở rộng, sử dụng vần điệu thể loại thơ khá nhuần nhuyễn, tác giả đã thổi vào thơ lục bát của mình những khám phá, gợi mở, có độ chiêm nghiệm mà không gượng ép, bí bách. Anh có nhiều câu thơ hay: Là tôi đi với chiều mưa/ Phải thương nên giọt nước chừa tôi ra (Đi với chiều mưa), Bóng tôi vắt ở đầu thềm/ Tựa vào mắt lá để quên tháng ngày (tháng ngày qua), Tiếng anh chìm lòng biển sâu/ Sao em để sóng vò nhàu thế kia? (Gọi em), Em ngồi tát nước ra sông/ Anh be bờ mãi cũng không khỏi tràn (Ru mưa)… Và, dường như xuyên suốt tác phẩm chính là một “dòng ý thức” đã được tác giả ngộ đạt: Anh còn cái phận trời cho/ Câu thơ viết dở phải lo cho đầy (Lục bát và em), coi thơ là số phận, là “nghiệp trời” ban cho ấy cũng là động lực dồi dào vô cùng để vun vén cho sự đầy đặn của một giọng thơ và một tập thơ lục bát khá gợi, thú vị, đáng đọc.
 
LÝ HỮU LƯƠNG chọn và giới thiệu
  

Gọi mẹ
 
       Mẹ tôi đi đón cơn mưa
Bây giờ nắng đã qua trưa chẳng về
       Tôi bòn mót ít đất quê
Đắp vào thương nhớ mà khê khát lòng
 
       Mẹ ơi lúa đã vào đòng
Con là hạt lép ở trong bông vàng
       Đời đem con để sẩy sàng
Lọt qua mắt trận gió ngàn mà bay
 
       Dòng trong dòng đục bàn tay
Mẹ không chỉ lối tháng ngày con đi
       Mưa ơi xối mãi làm chi
Đời tôi còn có những gì để trôi
 
       Đất không thể nặn thành người
Tiền không chuộc hết một đời bơ vơ
       Mẹ đi từ bấy đến giờ
Tiếng con gọi, mắc gai bờ dậu thưa
 
       Chiều nay trời lại đổ mưa
Tìm đâu giọt nắng để đưa mẹ về.


hinh nen hoa co dai dep 1 
 

Tháng ngày qua
 
       Gọi chiều, chiều mãi chẳng thưa
Gọi mây bảng lảng mây vừa mới qua
       Gọi gió, gió quẩn miền xa
Gọi trăng lạc ánh trăng tà vào đêm
 
       Bóng tôi vắt ở đầu thềm
Tựa vào mắt lá để quên tháng ngày
       Tôi mang đặt ở lòng tay
Mà heo may lại thổi ngày vu vơ
 
       Tôi mang một chút dại khờ
Thả vào vơ vẩn của bờ sông xanh
       Tôi mang một chút ngọt lành
Bọc vào áo bạc mà thành quả thơm
 
       Nào thôi gói lại rạ rơm
Hiện từ cây lúa thành cơm nuôi mình
       Nào thôi gói chút vô tình
Từ trong đất, cỏ lặng thinh âm thầm
 
       Ngồi tựa vào bóng trăng râm
Trăng trôi mà siết đến bầm thịt da
       Thôi thì mang tháng ngày qua
Cột vào mắt lá tìm ra chính mình.
 

Chợ sông

       Chợ sông họp ở bên sông
Anh vào phiên chợ người đông hôm nào
       Mắt em gai giắt bờ rào
Nhìn anh để lại nốt nào cũng đau
 
       Chợ sông bắc nhịp trên cầu
Nước xanh màu lá hai đầu cùng rung
       Bước lên cầu đảo bập bùng
Không lên bỗng hóa người dưng đôi bờ
 
       Vớt nước lã, thả câu thơ
Em ơi có đọc giả vờ mà sang.

 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)