Ô môi nở muộn

Thứ Năm, 13/07/2017 00:09
. HỒ TĨNH TÂM
 
                 Dẫu muộn màng hoa ô môi vẫn nở
                 Hương dịu dàng tím thổn thức đêm xanh

                                                        H.T.T
Gần cuối năm 1974, tôi lận lưng miếng giấy giới thiệu của Ban Tuyên huấn miền Tây, theo anh giao liên tìm đến trạm C15.

Anh giao liên còn rất trẻ, chỉ độ mười tám, mười chín tuổi là cùng. Hai chúng tôi đi bằng xuồng ba lá. Bơi rã bắp tay từ lối bốn giờ chiều tới gần năm giờ sáng thì tới nơi. Dọc đường, anh giao liên kể cho tôi nghe đủ thứ chuyện về chiến trường Hậu Giang. Kể đã đời rồi anh mới phàn nàn, rằng, đáng lẽ anh đã được đầu quân cho tiểu đoàn Tây Đô, nhưng vì bà Hường cắc cớ giữ lại mà phải làm cái việc đưa rước với đưa thư, việc dẫn đường của đàn bà con gái.

Tôi hỏi bà Hường là ai, anh ta trả lời cái rột:
- Tới trạm C15 rồi anh biết. Bả coi mặt trẻ khô mà khó ngặt trời ông địa!

Tưởng cái trạm to tát thế nào, té ra chỉ là mấy cái chòi dựng bằng tràm trên một cuộc đất đặc ngừ cây mù u, cây dái ngựa, cây trâm bầu, cây me keo và cây bình bát. Trạm lúc đó lèo tèo có ba người, mà lại là ba cô xàng xê một lứa hăm hăm ngoài chút đỉnh. Một cô tên Thị, người tròn lăn lẳn, thịt nở bung ra từng múi dưới làn áo, nhìn thấy ngốt con mắt, tưởng sắp bục ra tới nơi. Một cô tên Sáu, cao nghều nghệu hơn thước bảy mà mái tóc đen dày lại cắt cụt ngủn như kiểu đàn ông, tướng đi coi lêu đêu như con cò, con vạc. Cô thứ ba là Út Hường, trưởng trạm, người nhỏ nhắn, mảnh mai, có nước da săn giòn, gần như màu bánh cam.

Khi tôi trình miếng giấy giới thiệu, Út Hường lặng thinh cầm cây đèn làm bằng vỏ đạn M79, rọi vô đọc một hồi, rồi nói với tôi:
- Xong rồi! Bao giờ đưa anh đi được, tụi em sẽ báo.

Sau câu nói cụt lủn, Út Hường day qua biểu anh thanh niên đưa tôi tới cái lán bỏ không gần kế một miệng hố bom đã mọc xanh rì toàn cây bình bát. Nói xong có bấy nhiêu đó với tôi và anh giao liên, Út Hường lập tức quay lưng lại, lục trong cái bồng may bằng thứ vải dầu chống thấm nước ra một cuốn tập học sinh, dò dò ngón tay trỏ, chăm chú đọc cái gì trong đó, làm như không hề có tôi đang hiện hữu trên đời.

Lúc còn đang đứng trình giấy cho Út Hường, tôi thấy hai cô giao liên của trạm cùng nằm chung trong một cái mùng xô, thò đầu ra nhìn tôi một cái lấy lệ, rồi cũng chui vào ngay, chẳng ai thèm đoái hoài chào hỏi tôi một tiếng lấy có. Đúng là một cái trạm câm đầu tiên mà tôi gặp trong đời.

Khi về tới cái lán bỏ không, anh giao liên khuyên tôi nên mắc võng tạm dưới mấy cây trâm bầu mà tranh thủ ngủ lấy sức. Dù rất phật ý với cách thức đón tiếp lạnh lùng của mấy cô nội tướng không chồng của trạm C15, tôi cũng không còn đủ sức nằm chong mắt để chê trách mấy cô là thờ ơ lạt lẽo với khách, giống hệt như nước rau ngổ luộc không có muối, đem chan cơm nguội. Bởi mới vừa đặt lưng xuống võng, tôi đã lăn ra ngủ say mê mệt tới quên đời.

Tôi ngủ một hơi tới gần bảy giờ sáng mới thức. Cái bụng trống rỗng suốt từ chiều qua đói cồn lên như xát ớt. Nhìn qua cái lán của mấy cô, thấy vắng hiu vắng hắt còn hơn cả chùa Bà Đanh, tôi thầm trách: Mấy bà cố nội này đúng là tệ thiệt, cán bộ của khu ghé qua trạm mà hổng lo được miếng cơm, miếng cháo, làm như nguyên tắc cơm ai nấy ăn là trên hết vậy.

Cái thói ở đời quả là muôn thuở không thay. Muốn ăn phải lăn xuống bếp, đói thì đầu gối phải bò. Ngồi ôm cái bụng rỗng không sôi sùng sục mãi cũng mờ con mắt, cuối cùng tôi phải lò dò mò sang cái tổ chim cò chim vạc bên ấy, hi vọng kiếm được miếng gì đó bỏ bụng. Nhưng mà trời ạ, cả anh giao liên, cả ba cô đều biến đi đằng nào không biết. Cái tổ cò tổ vạc của họ trống lổng. Trạm C15 rõ là cái trạm chết tiệt mà tôi mới chạm mặt lần đầu trong hàng trăm chuyến công tác của mình. Nhìn quanh quất trong lán một chặp, tôi phát hiện ra ở trên đầu cây cột gỗ trâm bầu có treo tòn ten cái cà men nhôm của Trung Quốc. Mở ra thấy đầy một cà men cơm chiên với hai con khô sặc rằn nướng thơm phức.

 
05 2017
Minh họa: Lê Anh Vân

Ăn xong, không biết làm gì để giết thời gian, tôi lôi hộp màu nước ra, chọn một góc cánh rừng của trạm C15, hí húi ngồi vẽ. Tôi vẽ một mạch tới mặt trời đứng bóng, được tất cả ba bức. Đang ngồi ngắm mấy bức tranh của mình, tôi chợt giật nảy mình vì có tiếng phụ nữ ở sau lưng.

- Anh Ba vẽ đẹp thiệt! Họa sĩ có khác! Anh vẽ tặng em một bức chân dung, được hôn?
Ngoảnh lại nhìn, tôi nhận ra cô Thị, hai ống quần và hai vai áo còn dính bùn lem luốc. Kể ra cô ta coi cũng bắt con mắt. Giá như cô bớt mập đi chục kí thì sẽ tuyệt hơn nhiều. Đang hứng với đường nét, sắc màu, tôi chỉ chỗ cho cô dựa khẩu AK vào gốc trâm bầu, đứng gác một chân lên ụ đất, xõa mái tóc qua một bên mặt, cúi người xuống làm động tác xắn quần, kiểu như người đang chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Không hiểu sao lúc đó tôi vẽ rất nhanh.

Khi nhìn thấy bức tranh, Thị nhảy dựng lên tỏ ý thích thú, rồi bất chợt xoay người lại, ôm chầm lấy tôi.
- Anh Ba tặng em nghen! Thưởng anh cái hôn nè!

Cô ta hôn chùn chụt lên má tôi liền mấy cái, khiến tôi hết sức bất ngờ, đứng chết trân như trời trồng. Rồi chẳng cần tôi có đồng ý hay không, cô gỡ bức tranh ra khỏi miếng các tông tôi dùng làm giá vẽ, chạy ù luôn về cái tổ chim cò chim vạc của mấy cô.

Chừng gần một tiếng sau, tôi nghe cô ta gọi với ra từ bên ấy:
- Anh Ba! Anh Ba! Anh qua ăn cơm, em phải đi ngay bây giờ đây!

Khi tôi qua tới nơi thì cô ta đã chống xuồng đi lách vào cánh rừng tràm được chừng hơn trăm mét.
Lạ thật! Không biết mấy cô này đang âm mưu vụ gì mà cứ kín bưng như hũ nút. Hình như cánh giao liên xưa nay vẫn vậy, khó mà cạy miệng họ được tiếng nào, nếu như họ thấy cần giữ kín việc họ làm. Thôi thì kệ họ.

Ăn xong, không biết làm gì cho khuây khỏa, tôi gieo mình xuống võng, đánh luôn một giấc tới chiều. Khi tỉnh dậy, thấy thấp thoáng bóng người bên tổ chim cò chim vạc, tôi liền xỏ chân vào đôi dép rọ, định bụng mò qua làm quen với họ. Trong lán chỉ có Út Hường và cô Sáu. Cả hai đều tỏ ra lặng lẽ tới khó hiểu.

Khi nghe tôi hỏi cô Thị ở đâu mà không thấy, Út Hường ngước cặp mắt buồn rười rượi, nhìn như hút lấy tôi.
- Thị mất hồi xế chiều rồi anh ạ! Đạp phải trái gài trên bờ kinh Tư.

Út Hường vừa nói xong, cô Sáu đã khóc oà lên hù hụ. Cô ta ấp tấm chân dung tôi vẽ cô Thị lên ngực, khóc rung cả hai bờ vai. Út Hường thấy bạn khóc, liền bước tới, ngồi xuống ôm lấy bạn, rồi cùng khóc nấc lên. Họ khóc mùi mẫn tới mức khiến tôi cũng phải nao lòng, ứa nước mắt. Trước cảnh ấy, dù rất muốn biết vì sao cô Thị lại đạp nhằm trái gài, nhưng tôi vẫn không thể nào mở miệng ra được. Cái chết đến với Thị sao mà nhanh, mà đơn giản và vô lí làm vậy. Mới hồi trưa nay Thị còn đứng làm mẫu cho tôi. Trẻ trung và tươi tắn, và nồng nhiệt biết bao.

Tới bữa cơm, Út Hường nói với tôi:
- Em có việc phải đến trạm H23. Tối nay anh em mình cùng đi luôn một thể.

Ngay sau bữa cơm, tôi với Hường đã bắt tay chuẩn bị lên đường. Lúc tôi sắp dợm chân bước xuống xuồng, cô Sáu từ trong lán chạy à tới, dúi vào tay tôi mấy gói thuốc Rubi đỏ.
- Anh cầm lấy mà hút. Sáu biếu anh vì bức tranh vẽ con Thị đó!

Sau này Út Hường mới cho tôi biết, mấy gói thuốc đó, Sáu mua định để dành cho người yêu ở đoàn pháo Z57.
 Tôi với Hường bơi xuồng vượt cắt qua đồng đưng ngập nước. Tôi ngồi mũi, Út Hường ngồi lái. Chiếc xuồng bơi theo một lối nhỏ trong đồng đưng vốn chằng chịt những lối nhỏ do chân người giẫm đạp suốt cả mùa khô. Tiếng be xuồng chạm vào lá đưng nghe loạt xoạt. Hai chúng tôi lặng im bơi mải miết như chưa hề bao giờ quen nhau. Bơi tới mỏi nhừ hai bắp tay, tôi đề nghị Hường dừng lại nghỉ một lúc.

Đêm đen nhánh màu huyền thoại. Gió đồng lao xao thổi nhẹ như hơi thở. Vòm trời căng vồng một cách thanh thoát, nở bung ra muôn ngàn vì sao lấp lánh. Đồng đưng ngút ngát, mênh mông hòa nhập vào chân trời.

Châm xong điếu thuốc, tôi hỏi:
- Cô Út quê ở đâu cà?
- Em quê ở Thốt Nốt, nhưng cả nhà chỉ còn mỗi mình em. Hai trái bom tấn nổ cùng một lúc thì còn gì nữa hả anh!
Nghe Út Hường nói vậy, tôi im bặt luôn, không dám hỏi thêm một tiếng nào, sợ bị lỡ lời, cứa sâu thêm vào nỗi đau của cô. Tôi hiểu thế nào là sức hủy diệt của hai trái bom tấn cùng lúc giáng xuống một gia đình. Chiến tranh là đổ hết máu ra ngoài trái tim. Chiến tranh là bấy bá xương thịt. Chiến tranh là chiến tranh.

Lối 11h đêm, lúc chúng tôi đang linh đinh giữa đồng nước nổi, một chiếc đầm già từ hướng Trà Nóc rà rà bay tới, quần đảo thả đèn dù sáng rực trời. Không thể phơi mình giữa bốn bề mênh mông nước ngập, chúng tôi phải dìm xuồng xuống nước. Chiếc đầm già không hiểu cơn cớ tại làm sao, cứ rì rì lượn vòng trên đồng nước, phải gần nửa tiếng đồng hồ mới chịu bỏ đi. Hai chúng tôi hì hụi lôi chiếc xuồng lên, lắc hết nước, rồi trèo lên bơi tiếp. Bơi mới chừng nửa tiếng đồng hồ, lại một chiếc đầm già nữa bay tới thả đèn dù. Chúng tôi lại phải dìm xuồng xuống nước. Lần này chiếc đầm già quần thảo soi mói còn dai hơn chiếc trước, nó khiến hai chúng tôi ngâm nước tới bợt da, lạnh run cầm cập. Đồng nước sáng rực lên loang loáng. Trên nền trời, những cột khói phát ra từ lửa đèn dù, ngoằn ngoèo như những nét vẽ bùa chú nguệch ngoạc.

Khi chiếc đầm già đã bỏ đi, Út Hường nói với tôi:
- Đêm nay mình khó lòng tới được trạm H23 anh ạ! Lóng rày tụi nó nghi đàng mình chuyển quân áp sát Cần Thơ, thành thử tụi nó bay ruồng cả ngày lẫn đêm. Hễ phát hiện ra điều gì khác thường, lập tức nó gọi pháo bắn mịt trời, gọi máy bay tới liệng bom mịt trời. Có lẽ mình phải ghé lên gò Ông Bổn trong lung Ngãi, trú qua ngày mai mới đi được.

 Lối hơn ba giờ sáng, tôi với Hường lên tới gò Ông Bổn. Đó là một gò đất rậm rịt, toàn cây tạp, nổi lên giữa lung nước mịt mùng bần chát, bần ổi, mịt mùng dừa nước ken dày tới tối trời. Tụi A37 đi đánh ở đâu trở về, thường bay qua nơi đây, trút nốt những trái bom chưa kịp gieo tội ác. Chị em giao liên gọi nơi đây là vùng tử địa, vùng oanh kích tự do.

Tôi với Hường giấu xong chiếc xuồng, mỗi người trải một miếng ni lông cặp theo hai bên cái mả đá, ngả lưng nằm xuống. Đất gò mềm mềm. Đêm lung tối tối. Có tiếng chim lợn éc éc rợn người. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng nước lọt mà cua lóc bóc.

Tôi đang chờm chợp, chợt nghe tiếng Hường nói nhỏ, sát ngay bên lỗ tai:
- Dậy anh Ba! Hình như có hơi hám tụi biệt kích. Em nghe tiếng cò chao chác kêu, như thể chúng bị giựt mình, phía trái cánh rừng bần nè!

Bấy giờ trời đằng đông đã hựng sáng, da trời đã chớm hồng lên ưng ửng.
Cuộn xong tấm ni lông nhét vô miệng bồng, tôi mở khóa an toàn khẩu K2, lặng lẽ cùng Hường tới bờ ô rô gần rạch nước. Chúng tôi mỗi người ngồi ẩn trong một bụi mua trên bờ đất, căng mắt ra quan sát cả bốn phía.

Lối gần năm giờ sáng, tôi ngửi thấy mùi thuốc lá Bastos khen khét. Lập tức tôi với Hường chui ngay vào rặng ô rô dày đặc những phiến lá nhọn sắc như lưỡi dao. Chúng tôi vừa ẩn mình trong đám lá được một lúc, đã thấy một toán biệt kích rằn ri xuất hiện. Chúng đi thành hàng dọc, cả thảy có năm đứa. Có lẽ tụi này đã ẩn mình trong rừng bần suốt cả đêm qua. Chúng đi sát rạt ngay trước mặt tôi. Thấy rất rõ gương mặt mệt mỏi của chúng. Có lẽ chúng chỉ vỏn vẹn năm thằng, bởi khi chúng kéo hết lên gò Ông Bổn cả nửa tiếng đồng hồ, vẫn không thấy có thêm một toán lính nào xuất hiện.

Từ chỗ nấp, tôi thấy rất rõ toán biệt kích đang dọn chỗ nằm xung quanh cái mả đá. Rõ ràng tụi này có ý định cắm quân khá lâu để rình rập, nghe ngóng sự chuyển quân của ta. Cái thằng đang nằm ngửa, gối đầu lên ba lô, hút thuốc phì phèo, chắc là thằng toán trưởng. Ngay bên cạnh hắn là thằng lính thông tin. Tên này đã thay ăng ten lá lúa chiếc máy PRC77 bằng cái ăng ten bảy đốt. Cái máy nó để sát bên người, nhưng nó thì lại nằm duỗi chân nhai tóp tép kẹo cao su, chứ không hề lên sóng liên lạc; dường như nó sợ lên sóng dễ bị ta phát hiện. Ba thằng còn lại cũng nằm túm tụm xung quanh cái mả đá.

Tụi biệt kích nằm ngồi ngả ngớn suốt từ sáng tới gần trưa mới nổi lửa nấu nước sôi để chế vô bịch cơm sấy. Ăn xong, có lẽ quá mệt mỏi, quá chán chường, cả toán đều lăn ra ngủ. Chỉ còn mỗi thằng lính thông tin là vẫn ngồi hút thuốc.
Út Hường thận trọng trườn sát tới chỗ tôi nằm, bụm tay nói nhỏ vào tai tôi:
- Tụi này còn cắm chốt lâu đó anh. Nó chỉ cần cắm chốt thêm một đêm nữa thì hỏng việc của em mất. Bằng mọi giá, sáng ngày kia phải chuyển kịp công văn tới trạm C7. Chắc phải diệt tụi nó để lấy xuồng mới đi kịp công việc anh ạ!

Đánh thì đánh. Tụi nó chỉ có năm thằng, lại đang rơi vào thế bị động. Máu lãng mạn chiến trường của tôi, lây một cách nhanh chóng máu quyết tâm xung trận của Hường.

Hai chúng tôi trườn lết như rắn mối tới mé gò Ông Bổn, cách đám lính không đầy một tầm ném lựu đạn. Chúng tôi xếp tất cả sáu trái da láng ra trước mặt. Út Hường thì thào dặn tôi, ngay khi cô nổ súng bắn hạ thằng điện đài, tôi phải nhanh chóng tấn công tới tấp bằng lựu đạn. Với sáu trái lựu và hai khẩu K2, làm sao tụi biệt kích trong thế bị động có thể chống nổi.

Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, nhanh gọn tới mức không thể ngờ được. Khi cả sáu trái lựu đã nổ rân trời, hai chúng tôi nhào lên, rưới thêm mấy loạt đạn nhọn vào đám lính. Phía bọn chúng không hề có được một hành động chống trả nào. Hình như lựu đạn đã đốn ngã tất cả đám biệt kích. Điều kì diệu là chiếc máy PRC77 không hề bị suy chuyển một chút nào. Thằng lính thông tin bị Hường bắn gục đã nằm đè lên máy, giữ cho cái máy còn nguyên lành.

Thu dọn xong chiến lợi phẩm, hai chúng tôi hì hụi kéo năm cái xác cùng năm cái ba lô xếp thành dãy quanh cái mả đá. Làm xong mọi việc, chúng tôi mới cùng ngồi bệt xuống đất, chỏi hai tay chống ra sau lưng, ngửa mặt lên trời thở hào hển.
- Mất thêm với tụi nó một ngày, nhưng cũng không đến nỗi lỗ lắm phải không anh? Giờ anh ngồi đây, em chạy ù đi đập mấy con rắn mối đem nướng lèo, rồi lấy cơm sấy của chúng mà ăn.

Khi Út đã đi rồi, tôi lôi trong mớ chiến lợi phẩm ra một trái mìn Claymo, tháo tung ra, véo từng dúm thuốc làm chất đốt để nấu nước. Bữa cơm chỉ có mấy con rắn mối nướng lèo chấm muối, nhưng ăn uống xong xuôi thì hoàng hôn cũng đã buông bảng lảng ngoài bìa rừng. Nắng đổ từng vạt trên đất gò, lốm đốm sắc màu. Từ bầm đỏ, bầm tím, tới bầm đen.

Gió lao xao trên tàng cây. Các mảng màu rung rinh nhảy múa. Hoàng hôn chuyển dần vào đêm, nồng nồng mùi cỏ úng.
Út Hường vừa thu dọn mọi thứ, vừa nói với tôi:
- Mình tranh thủ đi ngay anh ạ! Tới trạm H23, em sẽ nhờ chị em ở đó tới đây chôn cất đám lính, để hương hồn tụi nó đỡ tủi thân phải chết bờ chết bụi.

Bấy giờ không hiểu sao tôi thấy Út Hường đẹp và hiền dịu tới lạ lùng. Đến cả dáng ngồi bơi xuồng của cô cũng đẹp. Vốn là dân của tiểu ban báo chí, được phân công đi vẽ ở đâu, bao giờ tôi cũng đem theo máy ảnh. Tranh thủ lúc còn ráng chiều vàng xuộm, tôi lôi cái máy ra khỏi miệng bồng, bấm lạch xạch liền một hơi mấy kiểu. Về sau, nhờ vào mấy tấm hình thiếu sáng ấy, tôi đã dựng thành công một bức sơn dầu, mang tên: “Cô giao liên trên đồng nước nổi”.

Chúng tôi tới trạm H23 vào lúc 11 giờ đêm. Trạm này có tới sáu cô, nhưng hai cô đã lên đường chuyển công văn và đưa một chị cán bộ khu vận tới C7. Tại đây, người ta cho tôi biết, đêm hôm sau sẽ có người dẫn đường cho tôi đi tiếp tới C7.
Sau khi cùng ăn cháo khuya với mấy cô giao liên vui tính, tôi ra mé con rạch mắc võng, nằm đánh đòng đưa hút thuốc.

Đang vừa phì phèo vừa nghĩ lan man, thốt nhiên tôi nhìn thấy Út Hường đi tới.
- Anh Ba, em nhờ anh một chuyện, được không?
Tôi tuột khỏi võng, ngồi xuống gốc cây, nói với Hường:
- Cô cứ ngồi xuống đây, rồi muốn nhờ gì cũng được.
Hường ngồi xuống cái rễ cây nổi u sần sụi, nói:
- Em có người chú ruột ở tiểu đoàn Tây Đô. Tên họ và địa chỉ em biên trên bao thơ rồi. Anh chuyển giùm em cho chú lá thư, vậy thôi.

Thực tình lúc đó tôi rất muốn bắt chuyện làm quen với Hường, thành ra tôi kiếm cớ hỏi chuyện để giữ chân cô lại.
- À này, chàng trai trẻ măng đưa tôi đến C15, anh ta biến đi đằng nào mà tôi không biết?
- Anh hỏi thằng Tùng đi đâu à? Nó đi ngược lên trạm K9 để đón mấy chị giao liên về bổ sung cho trạm em. Tháng rồi C15 tụi em đi công tác, đụng tao ngộ chiến với biệt kích mấy lần, hi sinh hết năm đứa. Thằng Tùng chưa tới tuổi mười bảy, vô đồng cứ nằng nặc đòi đầu quân cho tiểu đoàn Tây Đô. Em thấy nó đã học xong lớp 10 trong thành nên giữ nó lại, tính nay mai cho nó học tiếp trường thiếu sinh quân, đặng hòa bình thi vô ngành thông tin. Vậy mà nó cứ vùng vằng hờn dỗi hoài hà. Nó đi trước khi Thị qua đời không đầy một tiếng đồng hồ. Nhờ sức con trai mạnh đùng đùng như trâu của nó, tụi em mới chuyển xong cả mấy trăm thùng đạn 12li7, mấy trăm thùng đạn AK giấu dưới đồng nước đến chỗ quy định. Mấy hôm vừa rồi, hôm nào tụi em cũng phải hè hụi đi khiêng đạn tới nơi cất giấu mới. Anh tính, trạm có mấy người, vừa cắt người chạy công văn giấy tờ, vừa tranh thủ chuyển kho, tụi em trần lưng với công việc muốn hụt hơi, suốt từ hừng đông tới tận xế chiều. Nhìn con Sáu thì biết. Nhỏ đó cũng tội lắm. Chưa hết tang cha đã tới đám tang đứa em hi sinh trong trận đánh lộ bờ Gòn. Bản thân nó tháng rồi cũng ba lần đụng tao ngộ chiến, không chết là may đó anh. Nó không ốm nhom ốm nhách sao được.

Té ra là vậy. Còng lưng chạy công văn và vác đạn cả ngày, còn sức lực đâu mà các cô không làm mặt lạnh với tôi.
Một ngọn gió đêm giật mình trở giấc, trượt dài theo mé rạch. Từ trên tàng cây, nơi chúng tôi đang ngồi, muôn ngàn cánh hoa rụng xuống lả tả. Những cánh hoa mỏng mảnh, nhẹ như hơi thở, đậu lấm tấm cả trên mái tóc, cả trên đôi bờ vai của Hường.
- Hoa ô môi nở muộn đó anh. Năm nào hoa ô môi nở muộn, năm đó nước ngập linh lang, cánh giao liên tụi em tha hồ mà lội nước.

Phải rồi. Hai chúng tôi đang ngồi dưới gốc ô môi cổ thụ đơm đầy những bông hoa nở muộn. Hoa ô môi có màu hồng phấn, màu của tình cảm chân thành và trong sáng.
Tôi đang định tìm cách nối thêm câu chuyện, đã nghe Hường lên tiếng:
- Anh Ba đi nghỉ cho khỏe để mai còn vượt trạm. Giờ em cùng với hai đứa của H23 phải trở lại gò Ông Bổn, kịp sáng mai chôn cất cho mấy thằng lính xấu số. Ngủ ngon nghen anh Ba!

Biết làm sao mà giữ chân Hường lại được. Đời người giao liên cứ như cánh chim, hết bay tới nơi này lại bay ngay sang nơi khác; họ như con cò con vạc, lặn lội cả đêm cả ngày. Tôi đành phải đứng dậy chia tay với Hường.
Hường cùng với hai cô gái trẻ xuống xuồng ngay gốc cây ô môi tôi giăng võng. Cùng đi trên chiếc xuồng là một anh cán bộ bị cụt cánh tay phải, mái tóc xừng lên như rễ tre. Anh này vận đồ bà ba đen, đeo kính nhốp, khoác chéo cái xà cột da bên hông.

Lúc chia tay, tôi nắm tay Hường rất chặt.
- Hẹn gặp ở Cần Thơ, nghen cô Út!
- Ừa, thể nào cũng gặp lại mà anh Ba! Chiến thắng tới nơi rồi mà anh Ba!

Lúc Hường đã ngồi xuống sạp xuồng, một cơn gió đêm lại chạy vun vút dọc theo con rạch, trút xuống muôn vàn những cánh hoa ô môi màu hồng phấn. Những cánh hoa mỏng mảnh đậu đầy trên mái tóc, trên đôi bờ vai của Hường, cùng với Hường hút vào cánh đồng khuya thăm thẳm.

Đêm chợt cồn lên nỗi nhớ lạ lùng. Đó là nỗi nhớ lặng thầm của những bông ô môi bổi hổi rơi trong màn đêm đen nhánh, báo hiệu mùa xuân đang độ mơn căng sức sống 
 
 H.T.T
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Nguyên mẫu nhân vật Năm Thao, Năm Lựu Đạn trong "Hoa xương rồng"

Sòng nhậu đầu tiên ở bãi, không bến không bờ tức giang hồ thiệt thọ, đã phết cho tôi Tàn sau Minh để hóa một Minh Tàn... (NGUYỄN TRÍ)

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)