Trăng trôi chân cầu

Thứ Tư, 05/07/2017 00:30
. NGUYỄN PHÚ

1. Mẹ con Nhâm đang đi ngược dòng sông. Dòng sông Miên xanh đến lạ kì, bốn mùa màu diệp lục lặng lẽ trôi. Từ ngày theo chồng ở hẳn lại thành phố, Nhâm ít về quê. Thung lũng ấy, ngôi nhà ấy, một gia đình đầm ấm. Vậy mà, thời gian cướp đi của Nhâm tất cả.

Gần đến gốc gạo cổ thụ, Nhâm xuống xe dắt con đi bộ. Từ chỗ này về nhà không xa. Nhâm muốn hai mẹ con được đằm mình vào cái màu xanh mát của rừng, của sông, của núi. Đứa con gái năm tuổi chạy tung tăng trước mẹ, thi thoảng cúi xuống nhặt vài bông cỏ may găm nơi gấu váy.

Hôm Nhâm nói hai mẹ con mình sẽ về thăm quê, con bé rất háo hức rồi trằn trọc cả đêm, hỏi hết chuyện này đến chuyện khác về quê ngoại. Ở nó có sự liên kết kì lạ với nơi nó chưa từng đến. Dễ hiểu thôi, những ngày mang thai nó là những ngày Nhâm nhớ về núi rừng quay quắt. Ngay cả lúc nó sắp chào đời trong bệnh viện Nhâm cũng ước giá như nó được sinh ra sớm hơn, ở nhà Nhâm...
                                                               
2. Ngày Nhâm theo chồng về phố mưa giăng kín núi kín rừng. Chị Nhiên đứng bên sông tóc xổ tung. Nhâm ngoái nhìn, nước mắt chảy tràn xuống cằm, thấm vào ngực, lạnh buốt. Nhâm chỉ thôi khóc khi chồng bảo “Phấn lem nhem hết rồi kìa. Vợ anh không muốn thành cô dâu Lọ Lem đấy chứ?”. Bàn tay ấm nóng và chiếc khăn mùi xoa của chồng đã ngăn được những dòng nước mằn mặn nơi khoé mắt Nhâm. Nhưng những con sóng trong lòng lại cào lên ghê gớm. Mỗi lúc xe qua một khúc cua thì Nhâm biết đường về với núi rừng, với chị Nhiên càng thêm vời vợi.

Mấy đêm nằm bên chồng, Nhâm khóc suốt. Nhâm thương chị Nhiên. Chị là người mẹ thứ hai của Nhâm và Nhi. Ngày bố mất là một ngày kinh hoàng đối với mấy mẹ con. Chiều ấy bố lên nương như mọi ngày và mang thêm cơm nắm cho cả ngày hôm sau. Nhưng mãi đến sáng ngày thứ ba bố vẫn chưa về. Mẹ, chị Nhiên dáo dác đi tìm. Cả mẹ và chị cùng rú lên rồi chết ngất. Quanh chiếc lều lá cọ là những vệt máu vung vãi thâm đen trên đất đá. Bộ quần áo của bố bị xé vụn văng mỗi nơi một mảnh. Người trong làng kéo lên nhưng chỉ tìm thấy chiếc sọ bị gặm nham nhở và vài khúc xương trắng ởn trước cửa một cái hang. Mùi khăn khẳn, lờm lợm của ác thú còn ám vào đất đá, cây cỏ. Mấy người đàn ông mang theo súng kíp vào tận đáy hang nhưng cũng không tìm thêm được gì. Mọi người đành gói tất cả những gì còn lại của bố vào áo mưa, mang về. Mẹ quyết định đặt bố ngay trên đồi cam của nhà. Khi lòng đất đen ngòm nuốt chửng chiếc quan tài, cả bốn mẹ con cùng thét gào ai oán. Nhiều đêm sau đó Nhâm luôn phải tỉnh giấc vì những tiếng ú ớ kêu la của mẹ. Quá đau đớn trước cái chết của bố, quả tim ốm yếu của mẹ ngừng đập. Ngày mẹ ra đi, sông Miên bất ngờ cuồn cuộn những con sóng ngàu đỏ như máu, xác trâu bò, nhà cửa lao ầm ầm về xuôi.

Chị em Nhâm thành ba đứa trẻ mồ côi nơi xó rừng.
Sau ngày mẹ mất, Nhâm không bắt gặp một giọt nước nào từ đôi mắt chị Nhiên, kể cả trong ngày giỗ bố mẹ. Mọi đớn đau, buồn tủi tựa hồ những viên sỏi cần phải nằm sâu dưới lòng suối. Một mình chị Nhiên gánh vác việc hoa màu, cây trái trong vườn đồi. Hàng ngày, chị dậy nấu cơm từ mờ sáng cho hai đứa em rồi lặng lẽ vác cuốc, vác quà lên đồi. Có những sớm mùa đông Nhâm dậy học bài, bếp lửa góc nhà còn ấm sực, thơm nôn nao mùi cơm, chị Nhiên đã đi rồi. Nhâm chạy ra cửa, sương trắng ảo mờ từ mặt sông ùn ùn bay vào nhà. Nghĩ đến đôi gót chân trắng hồng của chị Nhiên khi lội qua lòng suối, tự nhiên chân Nhâm co cứng lại như bị chuột rút. 

 
trăng trôi giữa cầu
Minh họa: Nguyễn Văn Đức
3. Nhà anh Thao với nhà Nhâm ở trên một quả đồi lớn, cách nhau một vạt chè cổ thụ. Anh Thao học cùng lớp với chị Nhiên. Ngày bố mẹ chưa mất, chị em Nhâm thường chơi với mấy anh em anh Thao ở vạt chè ấy. Đã nhiều lần chị Nhiên, anh Thao phải vào vai cô dâu, chú rể để lũ em chơi trò đám cưới. Cả hai người thẹn thò đến tội nghiệp. Chị Nhiên chữa thẹn, bảo: “Chiều lũ ranh con thôi, chứ ai mà thèm lấy người như ông, Thao nhỉ?”. Anh Thao mặt đỏ bừng, nhưng cũng không chịu thua: “Cứ đợi đấy, tránh của nào trời trao của ấy, nhé!”. Rồi anh cười, hai hàm răng trắng như sứ, hàng ria con kiến lún phún xanh. Anh Thao học tiếp cấp ba trường huyện, sáng đạp xe đi đến đầu chiều mới về tới nhà, còn chị Nhiên, dù thi đỗ nhưng cương quyết không học nữa. Bố mẹ nói thế nào chị cũng không nghe. Anh Thao sang nói chị cũng không nghe. Khi anh về rồi, chị ra gốc ổi găng ngồi khóc. Chị bóc hết những cái giấy khen trên tường nhà, xếp gọn sách vở vào chiếc hòm con rồi để lên gác xép. Và không bao giờ chị lôi chiếc hòm ấy xuống nữa. Mấy vạt đồi cam nhà Nhâm quả sai lúc lỉu từ đôi tay bé nhỏ của chị Nhiên. Sau khi bố mẹ mất, anh Thao vẫn thường tranh thủ lúc nghỉ học sang nhà Nhâm làm giúp những việc của đàn ông. Khi thì anh quây lại cho mấy chị em cái nhà tắm bằng lá cọ, khi thì làm cái giá bát, lúc lại ghép chiếc cầu ao. Những lần anh Thao bận ôn thi không về, chị Nhiên ra cầu ao ngồi, mắt soi sâu vào lòng ao lạnh lẽo. Từng đám mây in bóng trên mặt ao vùn vụt bay trong mắt chị.

Có một lần Nhâm nói với chị Nhiên là Nhâm không muốn đi học, Nhâm chỉ muốn ở nhà dìn díu sớm tối với chị thôi. Chị Nhiên không nói gì, không khóc, trân trối nhìn Nhâm. Cái nhìn quặn thắt khiến Nhâm sợ. Nhâm chỉ biết học chăm hơn, tranh thủ làm nhiều hơn để chị đỡ khổ. Một mình quần quật nắng mưa với mấy quả đồi mùa nào thứ nấy, chị Nhiên vẫn cứ đẹp. Mẹ cha sinh ra chị. Núi đồi tạc nên những đường cong săn căng trên cơ thể chị. Hoa đào hoa mận tháng giêng thấm vào da thịt chị. Mắt chị chứa cả dòng sông diệp lục, miên man xanh và buồn.

Anh Thao học xong cấp ba, rồi học cao đẳng sư phạm trên tỉnh. Anh ngày càng cao lớn và điển trai. Vẫn hàm răng trắng sứ. Vẫn ánh nhìn ấm áp, chở che. Vẻ đàn ông càng được tôn lên bởi bộ râu quai nón xanh rì. Anh Thao ít về nhà hơn, nên mỗi lần anh về là chị Nhiên thức thật khuya. Hai người thường ngồi trên cầu ao. Chiếc cầu được ghép từ những phần gốc tre già hong gác bếp anh làm ngày trước, giờ đã nhẵn thín. Bóng hai người rung rinh trên mặt nước. Trăng lênh đênh sáng. Hương hoa chè, hoa cam thổn thức thơm, thơm thâu đêm. Có đêm anh chị ra bờ sông Miên ngồi. Khi chị Nhiên về, chui vào chăn, Nhâm thấy mùi sông còn vương khắp người chị.

Nhâm đỗ vào cấp ba. Anh Thao nhận quyết định về dạy ở trường tiểu học của xã. Anh chọn điểm trường trên quả đồi gần hai nhà. Mẹ anh vui lắm. Giọt nước mắt của người đàn bà goá bụa một mình nuôi đàn con ăn học trong bữa cơm báo cáo láng giềng làm mọi người cảm động. Chị Nhiên không dự bữa tiệc đó. Anh Thao chênh chao giữa những lời chúc tụng. Anh đâu biết, trước hôm anh về mẹ anh đã sang gặp chị Nhiên. Hai người nói với nhau những gì Nhâm không được biết, chỉ thấy mẹ anh Thao dấm dứt khóc. Chị Nhiên thì thẫn thờ, nhẹ bẫng như đám mây cuối chiều. Từ lúc đó, chị Nhiên tránh mặt anh Thao. Ngày ngày anh Thao lên lớp giảng bài ở cả hai lớp trên điểm trường. Chị Nhiên làm ở vạt đồi gần đó. Trước khi vào bài, lũ học trò lại đồng thanh hát: “Hôm qua em tới trường, mẹ dắt tay từng bước...”. Rồi giọng trầm ấm của anh Thao cất lên, lũ học trò hớp lấy từng lời, chị Nhiên cũng hớp lấy từng lời. Chị thừ người ra, không làm được gì, nước mắt thầm thĩ chảy. Chị không ra vạt đồi đó nữa. 

Một sáng sương giăng anh Thao đến bất ngờ. Gương mặt anh phờ phạc, xanh xao. Đôi mắt đớn đau quằn quại những câu hỏi: “Tại sao? Tại sao thế Nhiên?...”. Chị Nhiên lặng im, như không nhìn thấy gì, không nghe thấy gì.  Anh Thao dúi vào tay chị Nhiên một hòn sỏi to bằng nắm tay, hình một trái tim màu hồng có những đường gân xanh lam. Rồi về. Hòn sỏi này thật đặc biệt, hẳn anh Thao đã phải cất công nhiều ngày lội suối để tìm nó. Chị Nhiên giữ hòn sỏi một ngày, đêm đó chị trằn trọc, tiếng thở dài nghe khắc khoải mấy gian nhà. Sáng, chị mang hòn sỏi lặng lẽ thả vào lòng suối, dán cái nhìn đau đáu vào dòng nước lững lờ trôi.

Anh Thao đã không thể nào gặp được chị Nhiên. Chị tránh anh như tránh lũ. Cứ thấy bóng anh là chị bỏ đi. Đêm khuya, Nhâm nghe thấy tiếng anh Thao: “Tôi không tin Nhiên có người khác. Không thể nào!”. “Tin hay không tuỳ anh. Còn tôi... tôi không muốn ở xó rừng buồn tẻ này. Người ta sẽ cưới tôi, mang tôi ra thị xã. Rồi chúng tôi sẽ bán những quả đồi này. Ngày mai chồng sắp cưới của tôi sẽ đến.” - Tiếng chị Nhiên buốt lạnh. Hôm sau, một chiếc ô tô con đậu trước nhà Nhâm, người đàn ông còn khá trẻ, ăn vận lịch lãm bước xuống xe. Chị Nhiên niềm nở ra đón người ấy. Anh Thao đứng ở gốc xoài bên chái nhà nhìn sang. Nhâm nghe loáng thoáng câu chuyện của chị Nhiên và người khách. Họ nói đến những quả đồi, những mùa cam... Nhâm còn thấy người đàn ông ấy đến nhà Nhâm vài lần nữa, ông ta mang cả những bao tải phân bón đến cho chị Nhiên. Anh Thao vẫn đứng dưới gốc xoài nhìn sang. Nhâm bê mấy bao tải phân bón quăng ra sân, dằn dỗi: “Vì những thứ này à chị Nhiên?”. “Ừ. Nó cần cho chúng ta” - Chị Nhiên nói. “Em không cần... không cần...” - Nhâm gào lên nức nở. Đến mùa trăng thứ ba thì anh Thao không đứng ở gốc cây xoài nữa. Anh Thao đã đi với người con gái khác. Người đó có đôi mắt lung liêng, đôi mắt biết cười, chứ không rười rượi, thăm thẳm buồn như mắt chị Nhiên.  Người đó không ai xa lạ, là chị Tươi, bạn học chung ngày bé của chị Nhiên và anh Thao. Chị Tươi đang dạy mầm non, có bố làm chủ tịch xã. Gia đình chị Tươi có cái nhà hai tầng to nhất chợ trung tâm. Trước hôm cưới chị Tươi, anh Thao sang nhà mời chị em Nhâm. Mắt chị Nhiên khô héo, mà miệng thì cố cười để bật ra một lời chúc: “Cầu mong anh hạnh phúc với Tươi!”. “Tôi đang rất hạnh phúc, Nhiên ạ. Nhưng thứ hạnh phúc nơi xó rừng này chắc không thể bằng sự sung sướng ngoài thị xã... Bao giờ Nhiên cho chúng tôi ăn cưới? Tôi chờ ngày ấy.” Lời nói mũi dao của Thao khía vào tim chị Nhiên, ứa máu, Nhâm biết. Hôm cưới anh Thao, chị Nhiên lội dọc con suối cả ngày. Không biết chị tìm gì nơi lòng suối lạnh? Lúc về, chị ướt đầm đìa, hai bàn tay tưa tướp vết xước, như vừa cào vào cái gì đó sắc nhọn, gai góc. Nhạc đám cưới bên nhà anh Thao vẫn không thôi điệp khúc buốt ruột buốt gan: “Một người đi với một người/ Một người đi với nụ cười hắt hiu/ Hai người vui biết bao nhiêu/ Một người lặng lẽ buồn thiu đứng nhìn...”.
 Chị Nhiên lặng lẽ cười, hai mắt ầng ậng nước.
 
4. Anh Thao được bố vợ mua cho chiếc xe Wave màu đỏ chói. Anh đã xin chuyển ra dạy tại trường trung tâm xã. Hàng ngày anh chở vợ đôi ba lượt phóng xe vèo vèo qua nhà Nhâm. Nhiều lần chị Nhiên nhìn hun hút theo bóng hai người, sau thì không nhìn nữa.

Từ ngày anh Thao lấy vợ, người đàn ông đến nhà Nhâm dạo trước chả thấy quay lại. Nhâm hỏi, chị Nhiên chỉ ậm ừ, rồi lảng chuyện. Năm ấy, cam được mùa, chín rừng rực, đỏ ối mấy vạt đồi mà lòng người thì héo hắt. Cam rẻ, cánh buôn chả thèm chạy hàng. Chị Nhiên phải gánh cam mang bán dọc quốc lộ. Có buổi chiều, chị ngồi bán cam bên vệ đường thì một chiếc ô tô đỗ lại. Mấy người đàn ông xuống xe, xúm tới mua. Chị cân cam đưa cho khách. Nhưng hai gã đàn ông trông dữ dằn nhất cùng bảo “Bọn anh mua cam này” rồi sấn vào thộp ngực chị. Chị vùng ra, vớ cây đòn gánh vừa đập liên tiếp vào một gã gần nhất, vừa gào lên “Quân mất dạy!” Chúng lủi ngay lên xe, cười những tràng khả ố, không quên ném lại câu “Đúng là lên rừng gặp sư tử cái!”. Chị Nhiên vục mặt vào thúng cam, nấc không thành tiếng. Nỗi buồn nỗi tủi bóp nghẹt chị. Chị không gánh cam đi bán nữa, có ai đến mua thì cân tại vườn. Giá không đáng là bao, mà người mua chả có. Những quả cam căng mọng, rụng rơi, nằm ơ hờ khắp đồi. Nhìn hàng trăm quả cam thối rữa dưới gốc cây, Nhâm ôm cái Nhi khóc, khóc chán thì đào hố chôn cam.

 Người đàn bà tóc uốn xoăn tít, mắt kẻ xanh kẻ vàng đến nhà Nhâm đòi nợ. Những bao phân bón, thuốc tăng trưởng là của vợ chồng bà ta đầu tư cho nhà Nhâm dạo trước. Chị Nhiên phải bán hai tạ ngô với mấy mẻ chè mới đủ trả nợ. Lúc đấy thì Nhâm thực sự hiểu người đàn ông kia là thế nào với chị Nhiên. Nhâm ôm chị, nước mắt cứ tứa ra: “Sao phải làm thế chị ơi?”. Chị Nhiên cười chua chát: “Em còn nhớ cái đêm mẹ anh Thao sang nhà mình chứ? Mẹ anh ấy thường xuyên đau yếu, ba đứa em đang ăn học. Gánh thêm chị em mình để khổ cho người ta à. Mẹ anh ấy đã có ý chọn dâu. Chị sợ nước mắt người già... Thôi, cái số chị nó đã thế rồi”. Vài lần giáp mặt anh Thao, Nhâm đã định nói ra sự thật cho đỡ ấm ức, rồi lại thôi. Nói liệu sẽ thay đổi được gì? Gia đình người ta đang yên ấm.

Nhâm đi bộ từ chợ trung tâm về, ngang đường gặp anh Thao. Anh dừng xe, bảo: “Nhâm ơi, lên anh chở?”. Nhâm ngại, từ chối: “Thôi, anh cứ về trước đi. Một đoạn đường là mấy, em lại đang muốn ngắm cảnh.” “Chị em nhà Nhâm giờ phải ngồi ô tô, chứ ngồi xe máy làm gì cho bẩn, nhỉ?”. Nhâm im lặng. Anh Thao vẫn không buông tha: “Chọn được ông anh rể giàu, kể cũng sướng, Nhâm nhỉ? À, mà nhà Nhâm sắp chuyển ra thị xã chưa?”. Không chịu được nữa, Nhâm gào lên: “Anh là đồ độc ác! Cái đồ vô tâm! Anh cứ về hỏi mẹ anh, sao anh cưới vợ một năm mà chị tôi vẫn chưa lấy chồng.” Nhâm chạy, ngã dúi dụi, chả cần biết phía sau mặt anh Thao đần ra, chiếc xe máy đỏ đổ kềnh giữa đường từ lúc nào.
Mấy lần anh Thao sang nhà tìm gặp chị Nhiên, chị khoá chặt cửa buồng. Anh vỗ rầm rầm vào vách gỗ: “Nhiên ơi, tôi là thằng khốn nạn!”. Chị Nhiên nói vọng ra: “Anh về đi, con anh sắp ra đời... Đừng làm cho Tươi khổ. Một người đau đã quá đủ rồi...”. Anh Thao không đến nhà Nhâm nữa, chỉ thi thoảng đứng dưới gốc xoài nhìn sang. 
 
5. Chị Tươi sinh con nhưng không có sữa, con bé khóc đêm ròng rã mấy tháng trời. Những đêm ấy, chị Nhiên không ngủ được. Người trong làng bảo con bé giống chị Nhiên ngày bé. Lẽ nào con bé mang gương mặt của nỗi nhớ, từ người cha? Chị Tươi không thích điều ấy. Mỗi lần bế con, chị Tươi cứ chằm chằm nhìn con, nhìn chồng, rồi lại lấy gương ra soi mặt mình. Chả biết nghe người ta nói gì, vợ chồng anh Thao cãi nhau. Chị Tươi bế con bỏ về nhà mẹ đẻ, mẹ anh Thao phải đi đón mới chịu về.

Nhâm về Hà Nội học bốn năm, chị Nhiên và núi rừng chưa khi nào dứt trong những cơn mơ. Nhâm thương nhớ chị Nhiên mà không dám về nhiều, sợ chị lại phải chắt chiu từng đồng bạc lẻ cho Nhâm. Mỗi lần về thấy tóc chị càng mỏng đi, xơ xác, hai khoé mắt thêm những vết chân chim, Nhâm không cầm lòng được. Nhâm ôm chị khóc thầm. Không dám yêu, Nhâm dặn lòng học xong sẽ về với chị, với núi, với rừng. Nhưng ở kì thực tập cuối khoá, cái cục nam châm ấy, chồng Nhâm bây giờ, đã hút lấy Nhâm, giữ chặt Nhâm với phố. Nhâm không cưỡng lại được số phận. Con bé Nhi đã đi du học. Nó làm nên kì tích từ nơi xó rừng, báo đài viết thế. Chị Nhiên thành kẻ cô độc. Đã có lúc Nhâm nghĩ cả hai đứa em gái của chị là lũ ích kỉ. Chị Nhiên thì cười, cười mãn nguyện trong những lần tiễn các em đi.

Có mấy người đàn ông đứng tuổi muốn đến với chị Nhiên. Chị chỉ đáp lại tình cảm của họ bằng lời cảm ơn.
Con bé Nhi đi hai năm chả có tin gì về nhà. Chị Nhiên đứng ngồi trên lửa. Rồi những cái tin như bão liên tiếp dội về. Người ta bảo cái Nhi bỏ học, cặp bồ với một gã Tây, rồi bị gã bán vào nhà thổ. Lại có tin nó cùng với bạn trai người Việt vượt biên giới Canada sang Mĩ, bị truy đuổi, hai đứa nhảy xuống sông Niagara chết mất xác... Nhâm và chị Nhiên sống trong những ngày vật vã, đớn đau. Nhâm liên hệ với tất cả những nơi có thể. Tin tức cái Nhi vẫn biệt vô âm tín.
 
6. Cầu Vị Sơn bắc qua sông Miên được xây. Ngày đêm tiếng máy công trường phá tan bầu không khí tĩnh mịch của miền rừng. Những chiếc lán mọc lên hai bên bờ sông. Chị Nhiên mang rau, hoa trái vườn nhà bán cho những người đàn bà trong những chiếc lán ấy. Trên công trường, có một đôi mắt đàn ông không rời chị Nhiên. Anh ta nhìn chị thật lạ. Ánh mắt ấy làm chị phải suy nghĩ. Rồi một đêm sáng trăng người đàn ông đó lặng lẽ theo sau chị Nhiên. Anh ta bước qua ngưỡng cửa, cả ánh trăng lung linh cũng ùa vào căn nhà tranh tối tranh sáng. “Anh theo tôi làm gì?” - Chị Nhiên hững hờ hỏi. Người đàn ông đáp: “Tôi không theo em”. “Tôi đâu phải là một con bé, tôi không ưa những người thích đùa”. - Chị Nhiên cố kìm nén cơn bực tức. Giọng người đàn ông run run: “Tôi không theo em. Tim tôi đi theo ánh trăng. Tôi đi tìm ánh trăng...”. Chị Nhiên bỏ mặc người đàn ông ngồi bên bậc cửa. Chị đi sao nốt mẻ chè hái từ buổi sớm. Tay chị đảo điên cuồng trên chảo gang nóng. Lòng chị sôi lên cơn giận dữ dịu ngọt. Người đàn ông lặng lẽ nhìn chị, dưới trăng khuôn mặt anh ta nhẹ nhõm, đẹp lạ kì. Hôm sau, khi mặt trời vừa tắt, chị Nhiên thấy lòng chộn rộn. Cơn gió từ sông thổi vào làm chị run run... vì lạnh. Chị nhìn ra phía công trường. Chị chờ trăng lên... Chị hốt hoảng bởi những khác lạ trong lòng. Chị thấy xấu hổ như con bé ăn vụng. Nhưng người đàn ông đó đã không đến. Và chị Nhiên cả đêm nằm nghe gió táp từng chặp vào thưng nhà. Phải đến hai đêm sau người đàn ông đó mới quay trở lại. Và rất nhiều đêm như thế nữa. Hai người đã ngồi bên nhau, nhưng im lìm để trăng tưới lên những ý nghĩ. Rồi người đàn ông cũng phá tan được sự im lặng bằng câu chuyện buồn cuộc đời anh.

Hoàng - tên người đàn ông, kĩ sư trưởng của công trường. Bốn mươi tuổi Hoàng có trên dưới hai mươi năm lang bạt theo các công trình. Anh bảo đời anh là cành củi lênh đênh theo dòng, bất định, không bến đỗ. Thực ra anh đã từng có một nơi neo đậu của đời mình, nhưng rồi nó lại là nơi chốn ê chề, anh không thể gột rửa cho hết những năm tháng qua... Trong những lần chồng đi miết, cô vợ mới cưới của anh đã chung chạ với người khác. Đau hơn, người đó lại là chú họ của Hoàng, người hơn anh vài tuổi và đã goá vợ. Hoàng chỉ còn biết viết giấy li hôn và buông một lời cầu chúc khi cái thai của cô ta với ông chú đã lùm lùm. Đó là lí do bao năm qua hiếm khi Hoàng về quê, ngay cả những dịp tết. Những cái tết ở công trường với những cuộc rượu tràn cung mây làm anh quên, cái tết sẽ qua mau. Thường cuộc nhậu tàn, bạn anh sẽ bỏ đi với thú vui của họ. Một mình nằm trong lán, nhìn mưa lùn phùn rơi se sắt lạnh trong cái tanh vắng, thê lương giữa công trường, Hoàng thấy đắng nghét. Anh muốn được như bao người. Nhưng rồi anh lại hoài nghi. Anh cứ buông, cho mình trôi…

 Hoàng bảo: “Em sẽ là bến đỗ của đời anh. Anh đã tin thế, ngay từ lần đầu nhìn thấy em, Nhiên ạ!”. “Em không biết... Em sợ...” - Chị run rẩy trong vòng tay vững chãi của người đàn ông. Cuộc đời anh, tấm chân tình của anh làm chị xúc động. Chị tin anh. Nhưng chị sợ, một nỗi sợ hãi mơ hồ chính chị không lí giải nổi.
 
7. Nhâm đã bay lên mây trong niềm vui sướng khi chị Nhiên báo tin về một đám ăn hỏi. Từ ngày chị Nhiên có người yêu, anh Thao đã ở lại khu gia đình trong trường trung tâm, ít khi về nhà. Cây xoài nhà anh bị gió quật đổ, mẹ anh thuê người bổ làm củi đun.

Một buổi sáng mùa đông gió quất vun vút trên những ngọn cây, cả công trường cầu Vị Sơn chìm trong tang tóc. Một nhịp cầu bị sập, vùi mười ba con người xuống lòng sông. May mắn năm người thoát chết. Bảy người đã được tìm thấy sau mấy ngày nằm dưới lòng nước lạnh, anh Hoàng thì không. Người ta bảo sông Miên có những hang đá ngầm, có lẽ anh Hoàng đã bị mắc kẹt trong những cái hang ấy. Chị Nhiên đầu quấn khăn trắng, tóc rõa rượi chạy dọc sông, khóc gọi anh tên anh Hoàng. “Cưới xong, em sinh cho anh thật nhiều con nhé! Anh sẽ xin về hưu sớm, để làm vườn với em. Anh sẽ ở lại đây, thật đấy. Đất này sẽ là đất chôn anh...”. Lời nói gở đêm nào của anh Hoàng càng làm chị Nhiên thêm đau đớn. Chị cố tin vào một phép màu. Nhưng anh Hoàng thật sự đã không trở về. Mọi tìm kiếm đều vô vọng. Anh em công trường đành lập ngôi mộ gió dưới chân cầu.

Cây cầu được hoàn thành, kiêu hãnh soi bóng trên sông Miên.
Chị Nhiên thành người mộng du. Đêm đêm chị lảm nhảm hát một bài tình ca cũ kĩ, buồn thê thiết. Chị mang áo ra chân cầu giặt, có đêm ngồi bên ngôi mộ gió cho tới sáng. Nhâm đứt ruột nát gan mà không thể mang chị về Hà Nội. Rồi một ngày người ta báo tin chị Nhiên bị đuối nước. Nửa tháng trời vợ chồng Nhâm cùng mấy người bạn anh Hoàng mới tìm thấy chị gần một bến đò tận dưới Phú Thọ. Thật kì lạ, chỗ chị nằm lại có một ngôi mộ của người đuối nước, được chôn hơn năm trước, cỏ đã lên xanh. Chiếc vòng bạc có khắc chữ “H” ở khóa, kỉ vật của người xấu số mà người làm phúc giữ lại đã cho bạn bè anh Hoàng chắc chắn người nằm dưới mộ là anh. Chị Nhiên được đưa về quê, Nhâm đặt chị dưới chân cầu, bên ngôi mộ gió, theo dòng nhật kí cuối cùng của chị. Ba năm sau, anh Hoàng cũng được bạn bè đưa về nằm dưới ngôi mộ gió năm nào.

Người trong vùng kể, vào những đêm trăng có một người đàn ông ngồi dưới chân cầu, bên hai ngôi mộ nhìn xuống sông Miên. Trăng rơi từ đỉnh trời xuống mặt sông, đau đáu buồn như một con mắt trên dòng nước lạnh hắt lên khuôn mặt nát nhàu như rêu phủ của người đàn ông.
 
8.  Nhâm thuê một người trong làng trông nom ngôi nhà đã mấy năm nay. Nhâm cố giữ lại nó và toàn bộ đất đai của cha mẹ. Đó là nơi chốn thiêng liêng, để người sống và cả người chết sẽ nương theo những kí ức mà về.

Đi đến chân cầu Vị Sơn, con bé reo lên: “Cầu gì đây mẹ?”. “Cầu này... là cầu Tình con ạ.” - Nhâm trả lời con. Con bé dẩu cái miệng xinh xinh thắc mắc: “Sao lại là cầu Tình hả mẹ?”. Nhâm bảo: “Vì nó là nơi ghi lại những mối tình.” Nhâm thấy môi mặn, vội quay đi lấy khăn chấm mắt. Nhâm mở túi xách, chuẩn bị hoa quả, vàng hương...
Trăng lên từ lúc nào.

 Và con mắt trăng lại đau đáu buồn trôi dưới chân cầu 
 
Tháng 3/2017
N.P
 

 
 
 
 
 
 
 

 
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)