Nhắc đến thế hệ nhà văn thời kì chống Mỹ nổi tiếng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội như Nguyễn Minh Châu, Lê Lựu, Chu Lai, Khuất Quang Thụy…. có lẽ không mấy ai không biết những Phiên chợ Giát, Thời xa vắng, Ăn mày dĩ vãng, Những bức tường lửa… Và thế hệ sau này với Nguyễn Bình Phương, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hữu Quý, Ngồi, Dị Hương, Nháp, Dưới bóng cây sồi, Màu rừng ruộng, Họ vẫn chưa về, Hư thựcNguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Nguyễn Thế Hùng, Phùng Văn Khai… là những … Nhưng có lẽ, ít người để ý, các nhà văn Quân đội ấy, họ mang “sắc lính” gì. Thật may mắn, ngay từ khi chưa về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhiều lần tôi được “lê la, hóng chuyện” trong các cuộc “trà dư tửu hậu” với một số nhà văn hiện vẫn còn đang công tác tại tạp chí, và không dưới vài bận, chủ đề “sắc lính” ở nhà số bốn được họ đem ra “nghị bàn” vô cùng sôi nổi. Nhà văn Nguyễn Minh Châu chính hiệu lính bộ binh với dấu ấn trong truyện vừa “Trận phố Ràng”, Khuất Quang Thụy vốn là “anh trinh sát bộ binh” nên chất ‘trinh sát” cũng khá rõ trong các tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” hay “Đối chiến”, chất “đặc công nòi” của Chu Lai không giấu được trong “Nắng đồng bằng” hay “Ăn mày dĩ vãng”… Nguyễn Đình Tú, tất nhiên sẽ phải mang “sắc viện kiểm sát, tòa án binh” khi một sê ri tiểu thuyết của anh viết về tội phạm. Và xoay quanh cái món “dân” với “anh” ở trên ấy, nghe ra có ối chuyện vui.
Nhà văn Chu Lai một lần dẫn các trại viên của trại viết do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức, đi thực tế một đơn vị đặc công. Ở đơn vị ấy, rất nhiều người dù vô cùng hâm mộ tác phẩm của Chu Lai nhưng lại không biết mặt mũi ông thế nào. Thế nên mới có chuyện một buổi chiều, khi ông cùng mấy trại viên xuống chơi một đại đội, lúc ấy, có mấy anh lính đang thi “vật tay” ở ngoài hiên, biết trong đoàn có nhà văn Chu Lai, họ liền kéo đến và hỏi thăm tác giả “Nắng đồng bằng” đang ở chỗ nào để đến xin chữ kí. Vốn là người hóm hỉnh, nhà văn Chu Lai liền thách đấu… vật tay với các anh lính đặc công người “sáu bảy múi” cơ bắp cuồn cuộn đang trong cái tuổi bẻ gãy sừng trâu kia, rằng nếu ông không thắng, ông sẽ dẫn “nhà văn Chu Lai” xuống gặp họ ngay lập tức chứ không cần họ phải đi! Vậy là một chàng đặc công với hai “con chuột cống” dập dình trên bắp tay được cử ra. Nhìn tương quan lực lượng, ngay cả hai thi sĩ cùng đoàn cũng đặt cửa… thua cho ông nhà văn vóc người bé nhỏ kia! Ấy vậy mà, chưa đầy… một phút sau, trọng tài - một nữ sĩ của đoàn – đã phải vội vàng phất cờ dừng cuộc thi và xử hòa vì anh chàng đặc công kia đã núng thế! Hòa tức là không thắng, những chàng lính đặc công trẻ vẫn được cuộc! Và trong cuộc trò chuyện rôm rả sau đó, họ mới biết nhà văn Chu Lai vốn là“dân đặc công nòi nhà mình” từng ra vào căn cứ Mỹ như vào chỗ không người! Kết thúc buổi trò chuyện, tất nhiên cuốn sổ của họ không thể thiếu chữ kí của nhà văn nổi tiếng vốn “dân đặc công nòi nhà mình” mà giờ mới biết kia.
Đó là chuyện về nhà văn Chu Lai đã cách đây cả chục năm, mà tôi được nghe kể lại. Còn chuyện về nhà văn Đỗ Tiến Thụy sau đây thì chỉ mới diễn ra vào tháng 5 năm 2010, chính mắt tôi được chứng kiến. Đó là chuyến đi thực tế Tây Bắc do Đoàn thanh niên Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức (tất nhiên tôi và Đỗ Tiến Thụy đi với tư cách là khách mời vì… không phải đoàn viên). Con xe 12 chỗ - một cầu - của chúng tôi chỉ bon bon được từ Hà Nội tới thành phố Điện Biên… còn từ đó sang Phong Thổ - Lai Châu thì nó không còn “bon bon” nữa mà ì ạch từng mét đường một bởi mấy hôm trời mưa to, con đường bình thường đã lầy sụt đầy “ổ trâu, ổ bò”, nay do các loại xe quá khổ, trọng tải lớn đang thi công khu tái định cư của thủy điện Lai Châu nằm gần đó đã biến thành “hốc voi, hốc khủng long” lệt sệt bùn, nước. Theo tính toán, năm giờ chiều chúng tôi sẽ có mặt nghỉ ngơi ở Phong Thổ, vậy mà năm giờ ba mươi phút, sau gần một buổi chiều cả đoàn lấm lem bùn đất, đun đun đẩy đẩy, con xe một cầu của chúng tôi vẫn đang run rẩy trước một “hố khủng long” lõng bõng bùn choán cả mặt đường dài tới vài mét cách đích đến cả trăm cây số. Quả thực, nhìn những chiếc xe tải hai, ba cầu phải hổn hển phụt khói đen sì, máy gầm lên ầm ầm mới bò được qua cái hốc ấy, ngay cả cô gái trẻ xinh xắn – chủ nhân chiếc maztit đậu ngay phía sau xe chúng tôi cũng lắc đầu ngán ngẩm. Từng bước chân lội lội, đo đo, từng cái lắc đầu nhăn trán của bác tài xế xe chúng tôi đều không thoát khỏi ánh mắt hồi hôp dõi theo của cô gái và cả đoàn. “Sâu lắm! Giờ mà lao xuống sẽ lầy ngay!” Mọi người nghẹo đầu, nghẹo cổ, thở dài lượt sượt như… gió bấc, Tia hy vọng trong mắt tắt ngúm, chìm nghỉm dưới… vũng lầy khi tiếng bác tài xế mặt nhăn nhó cất lên. “Anh cứ giữ ga to và đều để nước không vào ống xả và lấy đà phóng qua, tôi đảm bảo qua được!” “Không ổn! không ổn! tôi đã đo rồi, không những lầy mà gãy cầu như chơi ấy chứ!” Bác tài xế lắc đầu quầy quậy phản đối rồi đi lên phía trước nghiêng ngó tìm xem có chiếc… cẩu nào để thuê cẩu xe qua không. Trong lúc ấy, Đỗ Tiến Thụy tiến về phía chủ nhân của chiếc matiz, không biết nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội nói gì mà sau một hồi lưỡng lự, cô gái xinh đẹp đồng ý giao chìa khóa xe của mình để làm vật thí nghiệm vượt lầy cho nhà văn. Nhìn bàn tay hơi run mở cửa xe của Đỗ Tiến Thụy, ai cũng lo không biết “anh hùng có cứu được mĩ nhân” không? Chiếc matiz chậm chạp lách lên rồi bắt đầu rồ ga. Nửa mét… một mét… hai mét… bánh sau xe bỗng quay tít. Chết rồi! Ai cũng nín thở lo lắng. Rất may, nó chỉ khựng lại một chút rồi tăng dần tốc độ và lao khỏi vũng lầy. Khi ấy, mọi người, kể cả bác tài xế và cô gái đều nhìn Đỗ Tiến Thụy với ánh mắt nê nể. Tất nhiên được khích lệ, bác tài của xe chúng tôi đã cho xe vượt lầy một cách an toàn. Lúc đó bác tài xế quen lái xe ở đường thành phố mới biết nhà văn Đỗ Tiến Thụy vốn có thâm niên gần 20 năm là lính lái xe của Quân đoàn 3 ở núi rừng Tây Nguyên. Sau này, ngồi chuyện phiếm, tôi có hỏi Đỗ Tiến Thụy làm sao anh thuyết phục được cô gái ‘giao trứng cho… ác”, anh mủm mỉm: “Tôi bảo cô ấy, tôi từng lái xe vượt ngầm chữ A trong thời kì Mĩ đánh phá ác liệt miền Bắc. Ha ha, thế mà cô ấy cũng tin mới khiếp chứ!”(Nhà văn họ Đỗ của chúng ta sinh năm… 1970!)
Cũng liên quan đến “sắc lính” của các nhà văn Nhà số 4, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã khiến một “fan” sinh viên trường luật vừa ra trường, rất hâm mộ “hồ sơ một tử tù” “Nháp” “Phiên bản” phải tròn mắt vì kinh ngạc. Sau dăm ba lần chầu chực săn đón, cuối cùng thì cậu sinh viên kia cũng được “tóm” được nhà văn ở phòng làm việc vào một buổi chiều. Sau vài ba câu xã giao, câu chuyện của họ nổ như ngô rang. Vì những tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú đều liên quan đến tội phạm nên cậu sinh viên có cơ hội được góp chuyện bằng những kiến thức vừa học xong của mình. Cậu hăng say trình bầy nào là những đoạn nào đoạn nào tác giả tả rất trúng tâm lý tội phạm, những đoạn nào đoạn nào nhân vật nếu chiểu theo quy phạm pháp luật thì sẽ vi phạm ở điều bao nhiêu, trang mấy, dòng mấy, cuốn nào do nhà xuất bản nào ấn hành..v..v.. Trong khi đó dưới sân cầu lông những tiếng hò reo để chuẩn bị cho trận cầu lông nảy lửa giữa ban Văn mà trưởng ban Nguyễn Đình Tú là cầu thủ chính và Ban hành chính vọng lên khiến nhà văn càng sốt ruột. Là một người lịch lãm nên Nguyễn Đình Tú vẫn kiên nhẫn… ngồi nghe. Chờ cho cậu sinh viên hết say… chuyện, anh mới vừa rót nước vừa mủm mỉm nhỏ nhẹ “tất cả các điều cậu nói đều đúng cả, nhưng cậu trích sai hai từ cực kì quan trọng ở hai điều trong bộ luật hình sự đó là hai từ: … còn cái này cũng góp ý luôn để cậu sau này có làm nghề cũng không mặc phải: điều… ở bộ luật hình sự nằm ở dòng… trang… chứ không phải ở dòng… trang… như cậu nói. Vô cùng kinh ngạc trước sự hiểu biết chính xác về pháp luật của “ông” nhà văn mà trong suy nghĩ của cậu, “tâm hồn luôn treo ngược cành cây” này, hỏi ra cậu mới tóa hỏa: Hóa ra nhà văn Nguyễn Đình Tú vốn là cựu sinh viên trường Luật, đã từng công tác nhiều năm ở Tòa án quân sự Quân khu Ba.
“Sắc lính” của các nhà văn Tạp chí Văn nghệ Quân đội không chỉ thể hiện ở tác phẩm mà còn khá rõ nét trong những sinh hoạt đời thường. Cứ nhìn cách nhà văn Khuất Quang Thụy kiên nhẫn ngồi nghe trong các cuộc “trà dư, tửu hậu” thi thoảng mới nhỏ nhẹ, thủng thẳng một câu cũng đủ biết “Cựu lính trinh sát” này “trinh sát luôn sâu” “trì” thế nào, Sương Nguyệt Minh thì hút hồn người nghe bằng tràng “liên thanh” là những câu chuyện vô cùng thú vị, quả “sắc bộ binh” đã ngấm sâu vào máu của anh mất rồi. Đỗ Tiến Thụy thì cứ “bon bon” qua hết “cua” này đến “cua” khác “lạng lách, đánh võng” phản biện các ý kiến, đúng chất của một anh lái xe ở núi rừng Tây Nguyên, Nguyễn Thế Hùng thì “vãi đạn lên trời” “trúng cũng lắm mà trật cũng nhiều” quả không hổ là “lính phòng không”, Nguyễn Đình Tú lập luận chặt chẽ, phản ứng nhanh thực đúng tác phong của một kiểm sát viên quân sự, Phùng Văn Khai thì “hiền” như một chiếc “T54” niêm cất nhưng nổ phát nào “động trời” phát ấy..v..v..
Dù rất hiển nhiên là đặc thù công việc của mỗi con người phần nào sẽ ảnh hưởng đến tính cách của họ, nhưng những điều mà tôi viết ở trên cũng chỉ là những “suy nghĩ vui vui’ của một người “sinh sau đẻ muộn’ ở nhà số bốn – một địa chỉ văn chương thứ hai sau Hội nhà văn của văn chương nước nhà trong những năm gần đây, nhân kỉ niệm 55 năm ngày thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
NGUYỄN MẠNH HÙNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn