VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Đoạn trường của một tiểu thuyết gia

Thứ Tư, 04/12/2024 06:35

. ĐỖ TIẾN THỤY 

Độc giả đã biết một Khuất Quang Thụy tác giả của những tiểu thuyết viết về chiến tranh với giọng văn cuồn cuộn Trong cơn gió lốc, Những bức tường lửa, Đối chiến… Nhưng ít người biết rằng, để có những tác phẩm mang âm hưởng sử thi phản ánh những sự kiện “long trời lở đất”, những đại cảnh bi tráng ấy Khuất Quang Thụy đã phải trải qua lắm đoạn trường.

Từ “món tiền oan ức”…

Năm 1967, đang học năm cuối cấp 3 Khuất Quang Thụy tình nguyện nhập ngũ, được biên chế vào Sư đoàn 320, một sư đoàn chủ lực “thép” nhất của quân đội Bắc Việt được đưa vào chiến trường miền Nam. Suốt những năm 68 - 71, Sư đoàn 320 đã quần nhau chí tử với Sư đoàn Thủy quân lục chiến Sư đoàn Kị binh không vận số 1 - Anh cả đỏ Mỹ tại Quảng Trị. Tổn thất của hai bên cực kì lớn.

Một ngày cuối năm 1972, một chiếc xe com - mămg - ca phủ đầy lá nguỵ trang chở một đoàn cán bộ quân đội đỗ xịch trước nhà Khuất Quang Thụy ở Phúc Thọ, Hà Tây.

Thời bom đạn ác liệt, các gia đình ở hậu phương rất sợ có cán bộ đến nhà. Bởi họ đến chỉ có hai khả năng: Một là đưa lệnh gọi nhập ngũ. Và hai là đưa… giấy báo tử.

Bởi thế cả gia đình Khuất Quang Thụy nín thở chờ đợi cái điều khủng khiếp sắp giáng xuống đầu.

Sau khi ân cần hỏi han, ông cán bộ trưởng đoàn trịnh trọng đặt lên mặt bàn một… cục tiền to bằng hòn đá ong, ngập ngừng: Thưa hai bác và gia đình! Đây là tiền của đồng chí Khuất Quang Thụy…

Ông chưa kịp nói hết câu thì bà mẹ đã ôm mặt rú lên: Ối giời ôi! Con tôi đang nơi hòn tên mũi đạn mà người ta mang tiền về cho gia đình thế này thì đích thị là tiền… tử tuất rồi!

Ông cán bộ hoảng hồn: Không không không! Đồng chí Khuất Quang Thụy vẫn… còn sống…. đang chiến đấu rất chi là… dũng cảm tại mặt trận phía Nam. Đây là tiền…

Thôi thôi thôi! Các ông không phải giải thích làm gì! Tôi biết hết rô.ô.ô.ồi… trời ơi!

Bà mẹ ngắt lời ông cán bộ bằng một tiếng gào buốt tim. Rồi tất cả mọi người trong gia đình đồng loạt khóc lum loa.

Nhà văn Khuất Quang Thuỵ.

Bà mẹ đã không tin những lời giải thích, bởi ngày đó ở trong làng, hễ gia đình nào bỗng nhiên nhận được những sự quan tâm bất thường của đoàn thể chính quyền là y như rằng nhà ấy có người hi sinh trong mặt trận. Đó là cách giải quyết chính sách từ từ, tránh gây sốc, thường được các địa phương áp dụng.

Phải mất mấy tiếng sau, đợi cho bà mẹ hồi tỉnh, ông cán bộ nọ mới giải thích cặn kẽ cho gia đình hiểu sự tình.

Ông tên là Đỗ Gia Hựu, Trưởng Phòng Văn hoá - Văn nghệ, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân. Một ngày nhà xuất bản nhận được một tập bản thảo viết trên giấy gói hàng gửi từ chiến trường ra theo đường giao liên. Đó là tập kí sự mang tên Lửa và Thép, tập hợp những ghi chép về những trận đánh khốc liệt trong chiến dịch Đường 9 -Nam Lào mà tác giả trực tiếp tham gia. Nhận thấy đây là một bản thảo tốt, ông cấp tốc cho in ngay.

Theo thông lệ, tiền nhuận bút vẫn được gửi theo đường bưu điện. Nhưng cuốn Lửa và Thép in xong đúng vào dịp Mỹ cho B52 leo thang đánh phá Hà Nội, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phải sơ tán lên Sơn Tây, gần quê hương của Khuất Quang Thụy. Ông Đỗ Gia Hựu vì tò mò muốn biết nhà của tác giả trẻ Khuất Quang Thụy ra sao nên mới mang nhuận bút tận nơi. Vì thế mà gây ra nông nỗi.

 

Trở thành “Tây Nguyên Idol”…

Sau khi in, Lửa và Thép được đài Tiếng nói Việt Nam đọc dài kì trên sóng thì chàng binh nhất Khuất Quang Thụy được đặc cách phong quân hàm trung sĩ, được rút về Phòng Chính trị Sư đoàn 320 làm phóng viên chiến trường. Ngày ấy chỉ có chính trị viên đại đội mới được quyền đeo đồng hồ, được nghe đài, vậy mà Khuất Quang Thụy được đích thân Chính uỷ Sư đoàn kí giấy phép cho sử dụng một chiếc đài bán dẫn Sony và một đồng hồ Selko loại xịn. Không phải chỉ huy sư đoàn quá cưng nhà văn, mà vì đó đều là những tặng phẩm Khuất Quang Thụy nhận được qua kì hội diễn và cuộc thi sáng tác thơ văn ở chiến trường Tây Nguyên.

Khuất Quang Thụy là người đa - nhi - năng, viết đủ các thể loại. Những kí sự nóng hổi từ chiến trường ác liệt Tây Nguyên được in sừng sững trên trang nhất các báo và tạp chí ở Hà Nội rồi được đọc trên đài. Đã thế anh còn giành một lúc 3 giải Nhất về Thơ, Kịch bản Chèo và Truyện ngắn trong một năm nên cái tên Khuất Quang Thụy càng trở nên lừng lẫy. Truyện ngắn Hương chè, bài thơ Hoa trên đường của anh đã được rất nhiều người lính Tây Nguyên thuộc lòng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh ngày ấy là một chàng lính trẻ của Tỉnh đội Gia Lai, cũng đã có truyện, thơ in báo, vậy mà còn phải tôn Khuất Quang Thụy là… Idol. Trung Trung Đỉnh đã lặn lội 40km đường rừng đầy rẫy bom mìn, biệt kích từ huyện Măng Yang (Gia Lai) lên Đăk Uy (Kon Tum) để chỉ xin được… ngắm Khuất Quang Thụy một cái cho thoả. Khuất Quang Thụy hôm ấy đang ở giữa Sở chỉ huy Sư đoàn 320, được canh gác cẩn mật. Trung Trung Đỉnh cứ nằn nì xin gặp mãi đến mức các chiến sĩ vệ binh… sinh nghi. Họ bảo nhau: Tay này rất có thể là… thám báo, chứ lính quèn thế này làm sao quen được một người nổi tiếng như “thủ trưởng Khuất Quang Thụy!”.

Là hình mẫu lí tưởng, là niềm ước ao của bao nhiêu cô văn công, các chiến sĩ nữ giao liên tại Tây Nguyên, vậy mà Khuất Quang Thụy đã suýt… ế vợ!

Năm 1976, Khuất Quang Thụy về phép. Và ý định đầu tiên của anh là phải tặng mẹ một… cô con dâu!

Nhưng hỡi ôi! Có ai ngờ “Tây Nguyên Idol” Khuất Quang Thuỵ đã bị 4 cô gái Phúc Thọ, Hà Tây từ chối bởi 3 lí do:

Thứ nhất Khuất Quang Thụy mới chỉ là… thượng sĩ (gần chục năm chiến đấu mà chưa lên nghĩa là chậm tiến bộ rồi).

Thứ hai, sau chục năm chiến chinh nếm đủ mùi đói khát, đạn bom, sốt rét…, “nhan sắc” Khuất Quang Thụy không được “vượng” như bây giờ.

Thứ 3, bà mẹ Khuất Quang Thụy sau bao nhiêu năm mòn mỏi ngóng con đã sinh đau ốm liên miên, sẽ là một gánh nặng đáng sợ, nhất là sau ngày cưới chồng sẽ lại quất ba lô lên vai ra đi chưa biết lúc nào về.

Giữa lúc Khuất Quang Thụy đang thất vọng tràn trề thì có một cô gái xinh đẹp tên Liên tình nguyện lấy chàng “thượng sĩ quèn”.

Chỉ đúng một năm sau ngày cưới vợ, tiểu thuyết Trong cơn gió lốc được in với số lượng 50.000 bản thì cái tên Khuất Quang Thụy đã vang khắp nước. Đến lúc ấy thì 4 cô gái kia (đều đã lấy chồng thợ cày) mới giật mình tiếc nuối vì đã đánh mất cơ hội ngàn vàng làm vợ nhà văn. Chia sẻ với các bạn, chị Liên đã an ủi họ rằng: Đừng có tiếc! Thực sự thì làm vợ nhà văn không sướng như các bạn tưởng đâu…

Và “gã tiều phu trên giấy”:

Năm 1979 Khuất Quang Thụy được điều về Hà Nội tham dự một trại sáng tác dài hạn, sau đó trở thành học viên khoá 1 Trường Viết văn Nguyễn Du. Là một nhà văn trẻ Khuất Quang Thụy dành tất cả đam mê cho văn chương chữ nghĩa. Thời bao cấp khó khăn, nhà nhà phải đôn đáo chạy vạy tìm kế sinh nhai, vậy mà anh thì cả tuần ở lì dưới trường chí thú học hành, sáng tác, chỉ chủ nhật mới về thăm nhà.

Trong lúc vất vả lo toan miếng ăn cái mặc cho cái gia đình cả chục con người, vợ nhà văn đã không tránh khỏi những so bì. Chồng người ta hết việc cơ quan là về nhà quần đùi áo may ô cuốc đất trồng rau chăn gà nuôi lợn, còn chồng tôi thì… nhìn kìa, mỗi tuần về thăm nhà được có một ngày mà chỉ biết ăn xong là nằm ghểnh vó lên đọc sách! Thơ mới văn mà làm gì. Cứ như anh X anh Y kia, chủ nhật nào cũng đạp xe vào rừng chặt củi, đỡ được cho vợ cái khoản tiền phải mua chất đốt, đằng này…

Đang đắm chìm trong khung cảnh trăng sao lãng mạn của nàng Natasa tình tự với Andrây trong “Chiến tranh và hoà bình”, tiếng búa bửa củi choanh choách của ông hàng xóm và lời than vãn của vợ đã kéo tuột nhà văn trẻ từ cõi mộng về cõi thực.

Buông sách của cụ L.Tolstoi xuống giường, Khuất Quang Thụy bước ra sân tuyên bố: Này này, tôi nói cho các người biết nhé. Khó như… đánh Mỹ tôi còn “chơi” được thì ba cái việc tẹp nhẹp này đối với tôi nào có đáng gì!

Nói xong, Khuất Quang Thụy vác dao nhảy ngay lên chiếc xe đạp được dựng từ bộ khung ngang mua từ Sài Gòn sau ngày giải phóng, phi thẳng vào núi thẳm Ba Vì. Vốn quen với việc chặt cây làm hầm, loáng một cái nhà văn đã chặt được hai bó củi to dài, buộc dựng hình chữ A sau xe đạp phóng về.

Nhưng... đang xuống dốc Đá Bạc thì chiếc xe của “tiều phu áo lính” bỗng… đứt phanh, lao như tên bắn. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, mạng sống nhà văn như “chỉ mành treo chuông”. May nhờ có phản xạ của một người từng là lính trinh sát chiến trường, Khuất Quang Thụy rướn người làm một cú bay ngoạn mục xuống đường, còn chiếc xe và củi thì bay vèo xuống vực.

Ngồi một mình trong buổi chiều hoang lạnh nhìn xuống đáy vực sâu rợn người, nhà văn ứa nước mắt rồi bất chợt ngửa cổ cười ha hả: May mà mình… có võ, nếu không thì đã chết mất ngáp! Bom đạn giặc chả giết được mình, vậy mà chết vì mấy bó củi thì… vô duyên quá!

Nghĩ vậy nên Khuất Quang Thụy đứng dậy thập thễnh bò lần xuống vực, gỡ hai bó củi vứt đi, vác xe lên và hùng dũng trở về tuyên bố với vợ: Nhà văn thì phải viết văn. Nhà văn đi đốn củi khác nào mang búa tạ đập ruồi?!

Và thế là những chủ nhật sau vợ nhà văn lại thấy chồng ôm sách đọc và đêm thì gò gẫm viết. Nhìn cảnh ấy chị chỉ còn biết ngao ngán thở dài, tự thương thân mình lấy phải chàng văn nhân vô tích sự.

Thế rồi một hôm bỗng nhiên có chiếc xe Zin ba cầu chở một xe củi cao nghễu nghện như trái núi tiến vào khu tập thể Sơn Tây. Thời ấy củi bán theo cân nên việc Khuất Quang Thụy bỗng nhiên có một xe củi tới hai chục site thì đúng là chuyện động trời. Mọi người nghi hoặc xầm xì. Chết chết! Có lẽ tay này tham ô ở đâu đó rồi lấy tiền mua củi cũng nên. Chị vợ nghe vậy thì lo sợ gặng chồng: Mình ơi, nghèo cho sạch rách cho thơm. Mình đừng làm gì để mang tiếng…

Đến lúc đó nhà văn mới trần tình.

Số là năm trước Khuất Quang Thụy được yêu cầu viết một cuốn sử của Sư đoàn 320. Là chiến sĩ cũ của đơn vị nên anh hào hứng nhận lời. Kẹt một nỗi Sư đoàn chưa biết thanh toán với tác giả theo phương thức nào vì hồi đó cả người viết lẫn những người chỉ huy sư đoàn chưa hình thành “phương thức trả tiền mặt” như bây giờ.

Sau cái buổi chiều suýt chết ở dốc Đá Bạc, Khuất Quang Thụy đã nảy ra sáng kiến “dùng ngòi bút làm… búa tiều phu”. Sư đoàn hoàn toàn có thể trả nhuận bút cho anh bằng… củi. Anh điện ngay lên Sư đoàn 320 lúc đó đang đóng ở Thái Nguyên trình bày cái “sáng kiến vĩ đại” ấy. Nghe xong vị Chính uỷ Sư đoàn cười vang: Gì chứ củi thì Sư đoàn không thiếu. Bọn tớ sẽ bảo anh em chở xuống cho cậu hẳn một xe!

Nghe chồng giải trình xong, vợ nhà văn thở hắt ra một hơi nhẹ nhõm và mủm mỉm cười: Cái cách chặt củi của chồng em thế mà hay, vừa an toàn, vừa… năng suất!

Khuất Quang Thụy liền nghiêm giọng bảo: Nhà văn viết sử khác nào mang dao mổ voi giết kiến. Từ mai anh sẽ bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết mới cỡ 1000 trang, sẽ không có thời gian để… “chặt củi” cho em nữa đâu!

ĐTT

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)