VNQĐ kết nối  Tư liệu VNQĐ

Thơ Phạm Ngọc Cảnh: Từ dấu vết thời đại đến biến hóa trong lục bát

Chủ Nhật, 01/12/2024 08:20

. VŨ QUẦN PHƯƠNG
 

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (1934 - 2014), bút danh là Vũ Ngàn Chi, quê ở Hà Tĩnh. Trong kháng chiến chống Mĩ, ông là diễn viên Đoàn văn công Quân khu Trị Thiên, rồi ở Đoàn kịch Tổng cục chính trị. Từ năm 1971, ông về làm biên tập ở Tạp chí Văn nghệ quân đội và gắn bó cho đến khi về hưu. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, đọc lời bình, dẫn các chương trình thơ trên sóng phát thanh, truyền hình và đóng một số vai trong phim. Năm 2007, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các tập thơ: Đêm Quảng Trị; Lối vào phía Bắc; Trăng sau rằm; Nhặt lá.

Trong việc phân định giai đoạn văn chương, chúng ta thường nối liền giai đoạn kháng chiến chống Pháp với chống Mĩ. Thật ra còn một giai đoạn hòa bình ở miền Bắc ngắn và mỏng manh khoảng mười năm (1954 - 1964) chèn ở giữa. Trong giai đoạn ấy xuất hiện một lứa nhà thơ có vị riêng như Thái Giang, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Xuân Thâm, Vân Long, Ngô Văn Phú, Phù Thăng... Lứa thơ này kế thừa lớp kháng chiến chống Pháp khá đậm trong cách nhìn hiện thực và miêu tả hiện thực. Đó là cách nhìn hiện thực phát triển theo chiều thuận lý tưởng. Tính lãng mạn mà thơ chạm tới cũng lãng mạn theo chiều thuận ấy. Hiện thực là gốc rễ, là thân cành, lãng mạn là hoa lá, cùng nảy nở và cùng hương vị từ chính một loài cây.

Khi chúng tôi rụt rè in bài thơ đầu, thì Phạm Ngọc Cảnh đã là một cây bút chững chạc. Hương vị thơ anh là một kết hợp phẩm chất công dân sâu sắc, thường trực và niềm cảm hứng đậm tính dân tộc truyền thống, ngôn ngữ hình ảnh khơi gợi nét xưa của làng mạc ruộng đồng. Năm 1965, miền Bắc bước vào cuộc chiến chống oanh kích phá hoại của không lực Hoa Kỳ, miền Nam đã nổi dậy, diệt bốt san đồn, lập vùng giải phóng. Cuộc chiến ác liệt dần. Thơ Phạm Ngọc Cảnh khi ấy là thơ vào trận, thơ cổ vũ chiến đấu, thơ biểu dương sức lớn mạnh của quân đội cách mạng.

Bài thơ Sư đoàn dù nhan đề nói tới một cấp độ của tổ chức quân đội nhưng lại như một tiếng reo ca nhiều điệp khúc. Bài thơ như một báo cáo gọn, chắc về thế và lực của quân đội ta. Phiên hiệu các sư đoàn vang lên với tên đất đai sông núi, hòa với nhịp điệu câu thơ khi ngắn khi dài, khi bằng khi trắc như những mũi quân xuất hiện đột ngột, di chuyển thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn. Người làm thơ như viên tướng cầm quân dày dạn khi ẩn khi hiện, khi Nam Bộ khi Tây Nguyên, cấp tập giành chủ động, bao quát chiến trường. Cảm hứng thơ thật sảng khoái:

Này đây

Doi cát Cửu Long xanh

Sư đoàn Châu thổ

Giữa bãi sú rừng tràm

Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ

Sư đoàn Tây Nguyên

Từ hầm chông bẫy đá cung tên

Này đây, Cực Nam, Phan Rang, Phan Thiết

Này đây Quảng Ngãi, Phú Yên...

Trên nguồn xa Ô Lâu, Thạch Hãn

Sẽ tiến về sư đoàn Trị Thiên

Gần như sinh đôi với bài Sư đoàn là bài Mẹ. Tình mẹ con ở đây được nâng lên thành tình dân nước. Bà mẹ tình cảm muôn đời thành bà mẹ của lý tưởng yêu nước, của ý chí chiến đấu quả cảm. Tác giả viết như trong một cơn say, quên cả ranh giới phát ngôn của mình và của bà mẹ:

Ô! Con mẹ ngày mai làm chiến sĩ

Giọt máu đỏ của cha con - đồng chí

Mấy hôm rày rạo rực quá con ơi

Nghe không con! Tổ quốc gọi con rồi.

Chất trữ tình, cả giọng và cả hồn của dạng đề tài tình mẫu tử đã nhường chỗ cho hơi chính luận anh hùng ca. Phạm Ngọc Cảnh lay động bạn đọc bằng những tình cảm lớn. Không phải lúc nào thơ cũng làm được việc đó. Cảm hứng của một thời đại đang lên cộng hưởng với tầm xúc động cao cả của nhà thơ mới tạo được sức lay động ấy.

Khi nói về thế hệ mình, thế hệ đánh giặc cùng với làm thơ, làm thơ để đánh giặc, Phạm Ngọc Cảnh ý thức sự khắc nghiệt máu lửa của chiến tranh song song với nỗi khát khao trữ tình tươi xanh thi sĩ và anh chấp nhận. Rành rọt phân biệt và tỉnh táo chấp nhận:

Vẫn phải viết nghìn lời cháy bỏng

dẫu trong ta khởi sắc xanh rờn

đạn xâm lược cắm vào mặt ruộng

câu thơ nào? Câu thơ nào hơn!

Có thể coi đây là tuyên ngôn thơ của Phạm Ngọc Cảnh, của thế hệ anh. Thời cuộc dù có đổi thay dâu bể thế nào, thì ý thức cầm bút cao cả, vị tha ấy, tôi chắc, bao giờ cũng được kính trọng.

Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934, trên đất Nghệ Tĩnh, nơi bừng bừng những cao trào đấu tranh chống xâm lược. Năm 1947, khi mới mười ba tuổi, Phạm Ngọc Cảnh đã tham gia vệ quốc đoàn rồi tuyên truyền viên văn nghệ của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh. Thời kháng chiến chống Mĩ, anh là diễn viên văn công Quân khu Trị Thiên rồi diễn viên kịch nói Tổng cục Chính trị. Anh chuyên vào thơ từ năm 1972, làm việc tại tạp chí Văn nghệ quân đội cho đến khi về hưu năm 1998.

Với sáng tác, về hưu cũng như đang tại ngũ, thơ anh liền mạch trong cảm hứng Quân đội. Thơ tình yêu, thơ gia đình, thơ mây gió hay chủ đề gì thì cũng thấm đậm tâm hồn người lính. Giọng thơ sau chiến tranh, không có cái ác liệt còn mất, thẳng thừng đến rắn lại nhưng lại dào dạt nhiều trắc ẩn. Vào các ngôi chùa ở tỉnh Thái Bình, gặp lại những nữ thanh niên xung phong tan giặc trở về, đã xuống tóc quy Phật, tình cảm xót xa lại trội lên trong anh. Phẩm chất tình đồng đội ở đây là lòng thương cảm của những người trong cuộc, những người cùng từng trải những hi sinh thời chiến và nay lại chấp nhận những hi sinh của thời bình:

Hỏi ra “mấy khúc cơ cầu

mãn vòng binh lửa xuống màu tăng ni”

Đáp rằng “mượn khúc từ bi

thề nguyền chi, hẹn hò chi mà về

Phạm Ngọc Cảnh có một vốn sống khá sâu đậm về phong tục làng quê. Cảm giác thân thuộc đầm ấm tự nghìn đời tụ lại nơi hậu phương một cuộc chiến hiện đại đã thành một nguyên nhân từ cội rễ của chiến thắng. Hai bài thơ Cô Tấm ở trong nhàLý ngựa ô ở hai vùng đất cho thấy thêm một khía cạnh thi pháp Phạm Ngọc Cảnh. Ấy là một nền tảng cảm xúc có tính truyền thống, rất đậm phong vị dân tộc trong cách hiểu, cách nghĩ, cách giải quyết việc đời và cách biểu hiện thơ. Bài Cô Tấm ca ngợi những người vợ có chồng ra trận. Phong trào ba đảm đang hồi ấy cả nước đã biết. Những gương điển hình được biểu dương rộng khắp. Ý nghĩa của thực tiễn ấy vừa giúp người đi xa yên tâm chiến đấu vừa nuôi sống hậu phương cả vật chất lẫn tinh thần. Phạm Ngọc Cảnh mở thêm một tầng ý nghĩa khi anh nhập phẩm chất ấy vào truyền thống của dân tộc. Anh mượn một nhân vật trong cổ tích phổ cập nhất, cô Tấm, để gọi người phụ nữ của mỗi nhà. Bài Lý ngựa ô có cái tung tẩy biến hóa của hình tượng chú ngựa. Khi ngựa đi nước kiệu trong câu hát, khi ngựa lồng lên trong thần tích, khi đủng đỉnh là ngựa đón nàng về dinh, rồi lại tung hoành thành ngựa của kỵ binh chiến đấu. Bài thơ thoát ra khỏi đề tài mà triển khai trong chủ đề về tình cảm, về phong thái sống ung dung, lãng mạn và quả cảm người Việt mình, từ Nam chí Bắc, từ xa xưa cho đến bây giờ, từ người trong thiên hạ cho đến chính tác giả. Hình tượng thơ biến hóa, ngôn ngữ thơ khơi gợi, nửa thực nửa mơ, là thơ chiến trận cũng là thơ tình yêu. Bài thơ mở ra nhiều mạch sống nhưng lại rất tập trung làm hiện lên tâm thế Việt.

Chất truyền thống dân tộc vào nửa sau của đời viết Phạm Ngọc Cảnh bộc lộ khá rõ trong việc tận dụng thể lục bát. Đây là thể thơ thuần Việt rất quen thuộc, thể thơ của ca dao, của Truyện Kiều rất dễ làm nhưng lại khó hay. Để làm hay làm mới, Phạm Ngọc Cảnh lạ hóa lục bát. Anh lạ hóa bằng ngôn ngữ, lấy ảo để nói thực và ghép thực vào với ảo, câu thơ phóng túng tung tẩy, nghĩa chữ nhòe đi, đôi khi mập mờ, lơ mơ kiểu hậu hiện đại. Về một ông tướng làm thơ, anh viết:

Trận đồ mưu kế ngủ im

vách địa đạo bóng ông chìm trong mưa

Thế gian tưởng đã như thừa

may còn lá gió khua khua chút buồn

Có khi tiếng dùng thật cũ, hình ảnh thật cũ lại thành lối nói lạ cho thơ bây giờ. Đây là hình đất nước ta trên bản đồ, như người ta quen ví Bắc Nam như hai thúng thóc và dải đất hẹp miền Trung như cái đòn gánh. Ví với thúng thóc để nói ấm no nhưng nghĩ kỹ mà thương lại cha ông:

Ví von xưa tội lắm mà

đòn triêng quẩy nước non ta đói nghèo

lên đèo quẩy đói nghèo theo

lên đèo Cả lại lên đèo Hải Vân

Anh còn lạ hóa bằng hình ảnh, bằng âm điệu, bằng ý bạo. Lục bát Phạm Ngọc Cảnh có thương hiệu riêng, ưu hay khuyết gì đọc lên là nhận ra ngay. Càng cao niên càng không cần để tài cụ thể. Hình ảnh dắt thi sĩ vào thơ. Vần câu sáu đẩy câu tám vào biến hóa. Phạm Ngọc Cảnh lợi dụng cái vần cố định khuôn phép từ lục sang bát để phóng túng hình hài ý và tứ câu thơ. Bạn đọc để ý xem câu tám buột ra khỏi mạch thơ là buột ở cái từ phải bắt vần:

Bóng thông ấy Nguyễn không trông

vầng trăng ấy gió buộc lồng nhành cây

Tưởng rồi nghiệp vững tràn tay

mời trăng ghé giấc hây hây cuối vườn

Cái buột ấy nhiều khi thành chỗ xuất thần của Phạm Ngọc Cảnh nhưng cũng không ít lần nó chỉ thành chỗ trang trí, cầu kỳ và (may là) có duyên khôi hài:

Váy em giờ chiếc nơm hồng

ngắn lên quá nấc tang bồng trốn xa

Đọc câu thơ này, tôi như thấy lại ánh mắt hóm hỉnh của anh. Dù thế, tôi vẫn cứ phải đoán: Vậy cái nấc tang bồng của anh nó cao đến đâu, và chữ trốn trong trốn xa là anh đi trốn cho thật xa cái tang bồng ấy hay cái nấc tang bồng ấy còn ở một nơi chốn xa xôi, dù váy đã rất gần.

V.Q.P

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)