Ở trại sáng tác truyện ngắn và thơ do Tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức mùa hè qua tại đoàn 295 Đồ Sơn có khá nhiều các nhà thơ mà tên tuổi, mà điệu thơ đang dần trở nên quen thuộc với bạn đọc quân đội. Đó là Nguyễn Hữu Quý và Lò Cao Nhum, Mạnh Lê và Vũ Hùng, Tô Hoàn và Kim Chuông, Phan Tùng Lưu và Vũ Toàn, Đỗ Quý Bông và Trọng Thanh... Các anh đến trại viết văn Văn nghệ quân đội thật hồ hởi, tự tin và vui. Gần kết thúc trại khi các nhà thơ đàn anh Vương Trọng và Nguyễn Đức Mậu đến “nghiệm thu” bài vở, Lò Cao Nhum sau khi đã “nộp quyển” một cách “ngon lành” liền ứng khẩu một bài thơ vui nói về không khí sáng tác của trại. Bài thơ có nhan đề thực ngộ HỎA HOẠN THƠ. Cái giỏi của bài thơ là có 18 câu nhưng đưa được dường như tất cả các tên tuổi của trại viên vào như là một “trích ngang” cán bộ, như là đôi nét “phác họa chân dung”.
-Về Mạnh Lê:
Mạnh Lê quê tận sông Ma
Đánh đùng một phát, tót ra ngoài này
Lăm lăm tứ thơ trong tay
Đánh đùng một cái thành ngay văn xuồi
Trong bài sông Ma tức là sông Mã, cái thành ngay văn xuồi tức là văn xuôi. Chả là Mạnh Lê ngoài thơ còn viết đúp cả truyện ngắn dự thi.
Về cảnh huống khi các “thầy” Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng tới các trại viên vội vã cuống cuồng tìm nhau, tìm “ống quyển”, Lò Cao Nhum tả chân:
Trọng Thanh bủn rủn cả người
Hai tay bấu víu mỉm cười Vũ Hung
Thưa bầm, thửa bẩm lung tung
Hay là thiếu rượu, Cao Nhum mở cừa
Quý Bông chạy gió, chạy mưa
Tô Hoàn đang giấc ngủ trưa choàng dầy
Tưởng là Hữu Quý bị say
Vội vàng cầu cứu đến thày Vương Trong
Thầy buông bản thảo nghe ngong
Đích là hỏa hoạn chạy vòng nhà tăm
Tùng Lưu đủng đỉnh xuống thăm
Thấy Vũ Toàn vẫn còn đằm trong bê
Kim Chuông nheo mắt cười hề
Thôi anh Mậu ạ, như thê là vùi
Ghi chú Vũ Hung tức là Vũ Hùng quê Vĩnh Phú nên mới có thưa bầm, mở cừa tức mở cửa, choàng dầy tức choàng dậy, nhà tăm = nhà tắm, đằm trong bê = đằm trong bể, như thê là vùi = như thế là vui. Cứ theo ghi chú này thì rõ ra HỎA HOẠN THƠ là bài thơ làm theo phong cách thơ của bậc tiền nhân Bút Tre. Mới hay cụ Bút Tre không chỉ có các môn đệ ở vùng xuôi mà còn có những môn đệ... ở tít trên miền ngược. Lò Cao Nhum không chỉ tài làm thơ trữ tình mà còn làm được cả thơ theo lối Bút Tre rất khéo.
V.H