Hồ Quang Lợi và khát vọng xanh Hà Nội

Thứ Tư, 10/07/2013 16:13

Một cuốn sách bề thế, bìa cứng, in trang trọng, ẩn chứa bên trong nhiều vấn đề từ vi mô đến vĩ mô, từ trong nước đến quốc tế, từ những sinh hoạt đời thường đến những suy nghĩ mang tầm chiến lược, ở bất kỳ trang nào, bạn đọc cũng đều thấy “cuộn sóng”, bởi nó là đứa con tinh thần của một người vừa có cảm quan tinh nhạy của một nhà báo- chiến sĩ, vừa có cái đằm thắm, hồn hậu của một người ưu thời mẫn thế. Người đó chính là nhà báo Hồ Quang Lợi.

Chân trời nào bình yên?

Bạn đọc cả nước đã quá quen với một phong cách báo chí mang đậm chất Hồ Quang Lợi, trong tư cách là cây viết bình luận thuộc hạng nhất nhì của báo chí Việt Nam hiện đại, đặc biệt trong vài thập niên trở lại đây, khi mà tình hình trong nước và quốc tế đầy biến động, đến mức ở bất kỳ lĩnh vực nào từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục,… đều có những bất cập cần tháo gỡ để vượt thoát. Như vậy làm gì có chân trời nào bình yên, mà chỉ có “Những chân trời cuộn sóng” (1).

Đây là tập sách nối tiếp nhiều tập trước của Hồ Quang Lợi. Sau gần ba mươi năm cầm bút, anh đã cho xuất bản cuốn: “Cuộc bứt phá toàn cầu”, Nxb Quân đội nhân dân, năm 1997,. “Ẩn số thời cuộc”, Nxb Quân đội Nhân dân, 2004, rồi “Xung chấn kỷ nguyên đột biến”, Nxb Quân đội Nhân dân, 2011, “Việt Nam trên ngọn sóng thời cuộc”, Nxb Quân đội Nhân dân, 2012,... Tất cả các bài viết được tập hợp trong những cuốn sách nói trên đều đã đăng trên các báo, tạp chí: Nhân Dân, Cộng sản, Quân đội nhân dân, Sài gòn giải phóng,...

Trong “Những chân trời cuộn sóng” anh không ngại đề cập đến cơ man vấn đề gai góc, nhạy cảm, mà với những người yếu kém về bản lĩnh chính trị, thiếu thông tin báo chí hoặc không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, thì thật khó có thể dám đụng đến. Từ những vấn đề chính trị mang tầm cỡ vĩ mô của các nước như: Nga, Trung Quốc, Mỹ, đến những vấn đề về kinh tế và văn hóa của Pháp, Hàn Quốc, Canada, Hồ Quang Lợi đều có cái nhìn thấu đáo và lý giải hợp lý cả ở bình diện lý thuyết và thực tế với đầy ắp những tư liệu, con số thống kê đầy thuyết phục. Chứng tỏ anh là người theo rất sát dòng thời sự, hơi thở của cuộc sống đương đại. “Nếu như Nhật Bản đã trở thành một giá trị ổn định về “huyền thoại kinh tế” thì sự ra mắt đột ngột của Hàn Quốc như một nền kinh tế đầy sức vóc trẻ trung và năng dộng đang làm ngỡ ngàng thế giới. Năm 1962 (9 năm sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên- 1953- Đ.N.Y) thu nhập quốc dân của Hàn Quốc chỉ đạt 2,3 tỉ USD, thì đến 2002 đã tăng lên 477 tỉ USD với thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng vọt từ 78 USD/năm lên tới 10.013 USD/năm. Hàn Quốc bây giờ đang là nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới…” (tr 252). Hàn Quốc có thể xem là hình mẫu về việc giải quyết vấn đề đô thị hóa, trong khi đất trồng trọt của họ chỉ chiếm 19% tổng diện tích đất đai. “Năm 2002 Hàn Quốc đã đạt mục tiêu về tự cung cấp về gạo với sản lượng 4,9 triệu tấn/năm. Quá trình công nghiệp hóa đã làm giàu nhanh số dân làm nông nghiệp. Tỷ lệ dân nông thôn giảm mạnh từ 57% năm 1962 xuống còn 9% vào cuối năm 2000. Nếu năm 1960 chỉ có 38% số dân sống ở thành phố thì đến năm 2000 đã lên tới 83%,… Nếu năm 1985 chỉ có 13,5% số hộ gia đình sống trong các khu chung cư thì tới năm 2002 tỉ lệ này đã lên đến 47,7%,...” (tr 257).

Rõ ràng đây là những “con số biết nói” rất đáng để chúng ta suy ngẫm trong việc giải bài toán về vấn đề đô thị hóa ở nước ta hiện nay.

Đau đáu một giấc mơ xanh

Dù trong một thế giới đầy biến động đến như thế, nhưng Hồ Quang Lợi vẫn dành một “khoảng lặng” cần thiết cho những vấn đề khác. Trong “Những chân trời cuộn sóng”, ngoài phần một “Cuồng phong thế sự” và phần hai “Hiện thực và góc nhìn”, gồm các bài viết thuộc về lợi thế so sánh mà nhà báo Hồ Quang Lợi dành để viết về những vấn đề quốc tế đang diễn ra trước mắt chúng ta như: Những chân trời bị đốt nóng, Ác mộng còn đó, Phép cân bằng lợi ích, Nước Nga xác quyết tương lai, Một trận chiến khốc liệt, Những chặng đường nước Mỹ,… các phần còn lại, anh dành để bàn luận về những vấn đề trong nước, những con người cụ thể: “Một thời và mãi mãi” và “Dấu ấn những con người”. Riêng phần năm anh đã dành trọn cho “Hà Nội yêu thương” với những vấn đề được cả xã hội quan tâm như: Kỳ vọng Hà Nội xanh, Để việc cưới là nét đẹp văn hóa, “Hà Nội không chỉ có nhà to, đường lớn, cầu dài” mà ở đấy còn có Vẻ đẹp người chiến sĩ Thủ đô, có Gương mặt tinh thần Thăng Long, ngàn năm văn hiến, có Niềm tin vượt khó,…

Trong tất cả các đề án quy hoạch của Hà Nội có tầm nhìn đến các năm 2030 và 2050, đặc biệt là Luật Thủ đô vừa được Quốc Hội thông qua cuối năm 2012, “yếu tố Xanh bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu, được nhấn mạnh với sự quan tâm đặc biệt để Hà Nội đạt bằng dược mục tiêu: 70% diện tích là không gian xanh, 30% là phát triển đô thị,…” (tr 437). Để làm được điều này từng bước Hà Nội đã “điểm danh” lại các loại cây quý như: sấu già ở phố Phan Đình Phùng, xà cừ ở phố Hoàng Diệu, Kim Mã, cây sao đen ở phố Lò Đúc,…với tổng cộng 172 loài, thuộc 55 họ thực vật. Rồi đến việc cho xây dựng: vườn hoa ở Quảng trường Cách mạng tháng Tám, thay vì mọc lên ở đó một cao ốc; xây dựng con đường lát đá đen có thảm cỏ và cây xanh ở chợ 19-12- nơi đã phát hiện nhiều hài cốt của đồng bào và chiến sĩ ta hy sinh trong trận chiến mùa đông 1946, thay vì lạnh lùng cho mọc lên ở đó một trung tâm thương mại; dừng dự án xây dựng khách sạn SAS cao ngất tại Công viên Thống Nhất,…Đó là những quyết định kịp thời, đúng đắn và dũng cảm được dư luận đánh giá cao,… (tr 439).

Trong Hồ Quang Lợi, Hà Nội là nỗi trăn trở, lo toan thường trực. Có thể nói trong khoảng 150 trang sách dành cho Hà Nội, không một trang nào anh không đề cập đến những vấn đề riết róng của thủ đô, mà người Hà Nội quan tâm và hy vọng “ngày mai trời lại sáng”. Nếu nói về trách nhiệm người đứng đầu cơ quan Tuyên giáo của Thành ủy, anh không thể không nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân để tham mưu cho lãnh đạo thành phố tìm cách tháo gỡ. Nhưng chỉ như vậy thôi, chắc chắn là chưa đủ, mà phải là người có bầu nhiệt huyết bỏng cháy với thủ đô thì mới có thể viết nên được những trang sách như rút ruột mình ra đến như vậy. “Câu chuyện tư tưởng, câu chuyện tinh thần sôi nổi nhất, lắng sâu nhất, căn cốt nhất năm qua là việc chỉnh đốn- xây dựng Đảng thông qua việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI. Một câu chuyện thiêng liêng! Thiêng liêng không chỉ với cán bộ, đảng viên mà còn đối với cả những người dân bình thường,…” (tr 498).

Có một thực tế là với Hồ Quang Lợi, công việc quản lý ở báo Quân đội Nhân dân trước kia hay báo Hà Nội mới sau này, trước khi về công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã lấy đi của anh khá nhiều thì giờ. Thế nhưng càng bận, anh càng viết hăng hơn. Và cái sự viết của anh không những không hề suy giảm về nhiệt huyết, trái lại anh càng viết, bút lực anh càng mạnh mẽ, văn phong càng tinh tế, sâu sắc hơn. Với gần 500 trang sách viết về những vấn đề thường được xem là khô khan, khó “tiêu hóa” đối với không ít người, vậy mà, tôi càng đọc càng say, càng say càng ngấm, càng ngấm càng ngẫm. Ngẫm mãi thấy ở thời buổi bây giờ, sao vẫn có một người say chính luận đến như Hồ Quang Lợi, kể cũng lạ. Dù lạ đến đâu, đấy vẫn là một Hồ Quang Lợi đích thực mà tôi hằng quý trọng./.

Đ.N.Y……………

(1) Những chân trời cuộn sóng- Hồ Quang Lợi, Nxb Hà Nội, 2013

VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Vòng quay ra con số vòng xoay ra phận đời

Tôi nhớ cho đến đầu năm lớp 9, một đêm Dưỡng đạp xe qua nhà tôi cho lại bộ sách rất mới. Dưỡng bảo nghỉ học. Chỉ vậy thôi rồi Dưỡng đi... (TỐNG PHƯỚC BẢO)

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Cây thốt nốt quỳ trên núi Tưk-cot

Tôi được nhiều lần sang Campuchia cùng các đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh qua các thời kì chiến tranh... (HỒ KIÊN GIANG)

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Nguyên mẫu trong hai truyện vừa đầu tay viết cho thiếu nhi của tôi

Khi viết cuốn Những tia nắng đầu tiên tôi đã hóa thân vào các em nhỏ học sinh lớp 6 của năm học 1969 - 1970 ở Hà Nội... (LÊ PHƯƠNG LIÊN)

Bà Minh của tôi

Bà Minh của tôi

Sống ở Hà Nội, trở thành một công dân có hộ khẩu đến nay đã hơn hai thập kỉ, nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác mình thuộc về Hà Nội... (ĐỖ BÍCH THÚY)