“Con đường sáng” của Hoàng Đạo và tác phẩm của L. Tolstoy - từ góc nhìn so sánh

Thứ Sáu, 17/06/2016 00:21
 . ĐỖ THỊ HƯỜNG
Trong cuốn Nhà văn hiện đại, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan đã đưa ra một số nhận xét về sự tương đồng giữa tiểu thuyết Con đường sáng của Hoàng Đạo và tiểu thuyết Anna Karenina của Lev Tolstoy. Còn trong cuốn Tiếp nhận văn xuôi Nga thế kỉ XIX ở Việt Nam, Trần Thị Quỳnh Nga lại khẳng định: “Hoàng Đạo đã đọc và chịu ảnh hưởng tác phẩm của L. Tolstoy, không chỉ Anna Karenina, Buổi sáng của một trang chủ, mà cả Chiến tranh và hòa bình”. Đối với văn học hiện đại Việt Nam giai đoạn đầu phát triển, việc các nhà văn trong nước tiếp nhận sáng tác của các tác giả kinh điển nước ngoài là điều hết sức bình thường, thể hiện khát khao học tập, đổi mới và mong muốn hòa nhập vào bản đồ văn chương thế giới của họ.

Hoàng Đạo là một trong những cây bút quan trọng, đứng ở vị trí người sáng lập của nhóm phái Tự lực văn đoàn. Đây là một văn bút chuyên nghiệp, gồm những trí thức Tây học ôm ấp khát vọng đổi mới và làm rạng danh văn chương Việt. Họ có nhà xuất bản, tờ báo riêng, giải thưởng riêng dành cho những cá nhân xuất sắc và đặc biệt có tôn chỉ sáng tác rõ ràng. Tự lực, tức là “tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi: mục đích là làm giàu thêm văn sản nước nhà”. Chúng ta thấy ở đây một mâu thuẫn. Các nhà văn Tự lực văn đoàn muốn “tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài”, thế nhưng Hoàng Đạo (và cả Nhất Linh - cũng là một trong những cây bút chủ chốt của nhóm) lại cho thấy sự “tham khảo” và “tiếp nhận” rất rõ văn học nước ngoài. Vậy, Hoàng Đạo đã giải quyết “mâu thuẫn” này như thế nào?

 Tính chất luận đề là đặc điểm quan trọng nhất trong lối viết của Hoàng Đạo, cả trong truyện ngắn, kịch, xã luận và tiểu thuyết. Con đường sáng là tiểu thuyết duy nhất của ông. Trong Con đường sáng, Hoàng Đạo xây dựng hình tượng người thanh niên trí thức tiểu tư sản Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX, sau khi trải qua tất cả những lạc thú của cuộc sống thành thị bèn trở về nông thôn, đem hết tâm sức và khả năng của mình giáo dục dân quê, dạy họ cách sinh hoạt, làm việc văn minh và hiệu quả nhằm giúp họ thực hiện khát vọng đổi đời. Diễn tiến tiểu thuyết, ngoài quá trình Duy - nhân vật chính - tìm cách thay đổi người dân quê, còn là quá trình  tự thức tỉnh của nhân vật này. Con đường đi của chàng không hề đơn độc, bởi chàng đã có Thơ - người vợ quê với tâm hồn trong sáng, cao đẹp mà chàng coi trọng hơn hết thảy - hỗ trợ mọi việc. Lí tưởng Duy theo đuổi trong suốt cuốn tiểu thuyết là “phải tu luyện hằng ngày để hiểu biết thêm và làm cho người khác cũng hiểu biết như mình”. Cũng chính lí tưởng này đã đem chàng đến gần hơn với “người bình dân”, giúp chàng vượt qua cám dỗ của những thú vui trụy lạc trước đây. Đã có lúc Duy bế tắc và muốn buông xuôi tất cả, nhưng lí tưởng ấy đã vực chàng dậy, đưa chàng quay trở lại con đường mà chàng đang theo đuổi.

Có thể nói, con đường theo đuổi đam mê của Duy gợi nhắc đến hình ảnh những nhân vật khao khát vươn tới lí tưởng của Tolstoy. Ở đây chúng tôi muốn nhắc đến Levin trong Anna Karenina. Levin là một địa chủ, trong cơ ngơi của chàng có rất nhiều nông nô. Ước mong của Levin là được sống một cuộc sống yên ổn cả đời ở thôn quê yên bình quanh những nông nô của chàng. Levin cũng ấp ủ những dự định cải cách nông thôn, nhằm “mưu lấy một cuộc đời êm đẹp cho dân quê nước Nga”. Về điểm này, Duy của Hoàng Đạo đã gặp gỡ Levin của Tolstoy. Hai nhân vật này chỉ khác nhau ở một điểm: trong khi Duy có một người phụ nữ thôn quê ở bên hỗ trợ thì người sát cánh với Levin lại không mặn mà gì với những dự án của chàng. Kitty - vợ chàng - là một tiểu thư quý tộc, chỉ chấp nhận lấy chàng và về nông thôn sinh sống sau cuộc tình thất bại với anh chàng hào hoa Vronsky. Bỏ qua tất cả những chi tiết khác, lí tưởng của Duy, xét trên một phương diện nào đó, chính là lí tưởng được gợi lên từ nhân vật Levin của Tolstoy.

 
conduongsang o ANNA KARENINA facebook

Trong Buổi sáng của một trang chủ, Tolstoy khắc họa hình ảnh chàng thanh niên địa chủ quý tộc Nekhliudov từ bỏ tất cả những hi vọng về công danh sự nghiệp chốn phồn hoa đô hội để ở lại điền trang gia đình, chăm lo cho đám nông dân của mình. Nekhliudov quyết định ở lại quê nhà sau chuyến nghỉ hè năm thứ ba đại học tổng hợp. Chàng từ bỏ con đường học hành và cuộc sống ở thủ đô khi có một tương lai tốt đẹp đang chờ đón, chỉ vì chàng ý thức được rằng: “Chẳng phải nghĩa vụ trực tiếp và thiêng liêng của cháu là quan tâm đến hạnh phúc của bảy trăm con người mà cháu sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chúa đó sao?”. Mong muốn tốt đẹp của Nekhliudov dần dần được hiện thực hóa trong những ngày chàng ở lại điền trang. Tolstoy miêu tả chi tiết một buổi sáng Nekhliudov đi thăm nhà các nông dân và tâm trạng bực tức, thất vọng của chàng khi trở về bởi những mong ước và việc làm của chàng cho họ đều không có kết quả. Chàng nhận ra mình đã lựa chọn sai lầm: “Họ chẳng tốt lên, mà ta thì mỗi ngày một thấy nặng nề hơn. Giá như ta thấy việc mình làm có kết quả, giá như ta thấy được lòng biết ơn… Nhưng không, ta nhìn thấy thói hủ lậu sai trái, các tệ nạn, sự ngờ vực, sự bất lực. Ta đã tiêu phí vô ích những năm tháng tốt đẹp nhất của cuộc đời mình”. Tác phẩm kết thúc trong sự dằn vặt và nỗi buồn của chàng công tước Nekhliudov. Tolstoy để ngỏ khả năng Nekhliudov tiếp tục công việc mà chàng ấp ủ hoặc trở về với con đường học tập. Tuy nhiên, tác phẩm đã khẳng định một sự thật mang tính lịch sử: ở thời đại ấy (nước Nga cuối thế kỉ XIX), những cải cách mang tính chất tự phát cá nhân và ban phát của giới địa chủ quý tộc sẽ không mang lại bất cứ ích lợi và kết quả gì. Bởi cách biệt giai cấp, bởi cách biệt văn hóa, bởi lịch sử cần những cuộc cách mạng thực sự để đổi mới.

Từ hình ảnh của Nekhliudov nhìn vào nhân vật Duy trong Con đường sáng của Hoàng Đạo, người đọc dễ dàng nhận ra dấu ấn tương đồng giữa hai anh chàng trí thức này. Trong Con đường sáng, sau khi trở về thôn quê, phong cảnh nên thơ của thôn quê đưa bước chân Duy vào ngôi nhà tranh của những người dân lao động. Thấy cảnh nhà nghèo đói khốn khổ của gia đình bác Tẹo, của bà cụ trẻ, thấy Thơ hết lòng vì những người tá điền xung quanh, Duy quyết tâm phải đổi mới. Sau một thời gian “thay da đổi thịt” cho làng quê, Duy trở lại thăm chính những gia đình mình đã giúp đỡ để được thấy thành quả. Nhưng chàng nhanh chóng thất vọng. Duy đã cất công làm ra những căn nhà tranh kiểu mới để những người nông dân được ở sạch sẽ và ngăn nắp, chàng cũng bày cách cho họ ăn ở văn minh hơn. Thế nhưng, bước vào trong căn nhà kiểu mới làm cho họ, chàng vẫn thấy những cảnh “giường ghế để bừa bãi, trên tường những vết nhơ bẩn đã làm hoen ố cả màu vôi xanh dịu chàng đã cho quét hai ba nước”, “trong một đống rác bẩn, mấy đứa trẻ đóng khố, đương ngồi quanh một cái rổ, hoa tay xua đuổi đàn ruồi bay tới tấp chung quanh”… Những người nông dân không những không cám ơn mà còn than phiền về nỗi túng thiếu khiến Duy “chán nản, thất vọng”. “Có phải sự mong mỏi quá nhiều đã đem lại cho ta sự chán nản?” - chàng tự vấn. Xã hội Việt Nam đầu thế kỉ XX 95% là nông dân mù chữ, những hủ tục vẫn còn tồn tại rất sâu trong đời sống. Trong tiểu thuyết, Duy không thể chịu được với cái lối bọn hào lí làng Hạ Nậu đem tiền đào giếng chàng đưa cho để ăn uống và chi tiêu vào việc làng. Bởi thế cho nên, một mình Duy “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến chống lại cái đói, cái nghèo, cái khổ, vấn nạn mù chữ và hủ tục. Mong ước cải cách của Duy chưa thành, chàng đã có lúc quay trở lại con đường trụy lạc, nhưng cuối cùng lí tưởng cao đẹp đã chiến thắng, chàng vẫn tìm thấy ý nghĩa cuộc đời ở thôn quê. Và, giống như Levin, chàng trở về nơi có người vợ hiền đang đợi, sống cuộc sống của một điền chủ tâm huyết. Như vậy, con đường của Duy đã được Hoàng Đạo lựa chọn, chứ không giống như Nekhliudov sau cuối vẫn hoang mang trước sự chọn lựa của chính mình.

Ở trên, chúng ta đã thấy những ảnh hưởng của Tolstoy tới Hoàng Đạo. Có thể nói, Duy của Hoàng Đạo chính là trung bình cộng của Levin trong Anna Karenina và Nekhliudov trong Buổi sáng của một trang chủ. Ngay cả diễn tiến chuyến viếng thăm của Nekhliudov cũng in dấu rất rõ trong Con đường sáng. Việc Hoàng Đạo có đọc và chịu ảnh hưởng các sáng tác của Tolstoy là rõ ràng. Tuy nhiên, trong sáng tác của mình, Hoàng Đạo đã xây dựng nhân vật rất Việt Nam. Ông chỉ học tập ý tưởng xây dựng nhân vật lí tưởng của đại văn hào Nga mà thôi. 
Duy của Hoàng Đạo được hiện lên trong dáng vẻ của một chàng công tử thành thị chơi bời hưởng lạc với thú hút thuốc phiện, chơi sàn nhảy và chơi gái. Chàng sẵn sàng tiêu phí cuộc đời vào những tháng ngày ăn chơi. Đó là hình mẫu chung của những chàng công tử nhà giàu trong xã hội Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Nếu như nhân vật của Tolstoy trăn trở, suy tư mà vẫn chưa tìm được đường thì Duy dễ dàng nhận ra và kiên định con đường của mình. Rõ ràng, tư tưởng cải cách xã hội của Duy vẫn rất cải lương, suy nghĩ của chàng còn hết sức đơn giản. Duy chưa thấy được những phức tạp và khó khăn của công cuộc cải cách xã hội, chưa thấy được khoảng cách giữa giai cấp của chàng với giai cấp nông dân và con đường thực sự để thay đổi. 

 Người đọc gặp trong Con đường sáng những khung cảnh thiên nhiên lãng mạn, nên thơ, những cảnh sinh hoạt sống động và in đậm dấu ấn làng quê Việt. Đây là khung cảnh buổi chiều quê mà đã lâu lắm rồi Duy mới được tận hưởng: “Có tiếng ếch kêu phía sau lưng chàng. Tiếng vang lên, Duy tưởng chừng như linh hồn của cả buổi chiều yên lặng. Duy nhớ đến những ngày còn thơ, chàng đi học về lúc trời chiều kéo màn sương xuống cánh đồng xa vắng, Duy sống lại những mẩu đời đã mất, trong lòng còn như man mác nỗi vui êm ả lần đầu tiên nhận thấy tiếng ếch nhái làm tăng yên lặng của buổi chiều ở thôn quê”. Đây là khung cảnh buổi sớm mai chốn làng quê thanh bình êm ả: “Mặt trời chưa lên cao; ở mọi gốc tre, ánh bình minh còn phơi màu hồng nhạt; một cơn gió lạnh đưa mùi thơm của hoa cau. Duy ngửng lên nhìn, nhíu đôi lông mày cho khỏi chói mắt; trên thân trắng một cây cau mọc cạnh cửa sổ, buồng hoa mới nở đêm hôm qua, xòe ra ngoài bẹ, màu vàng non và tươi đẹp như nỗi vui mới nở trong lòng chàng”. Việc đám của làng Hạ Nậu được khắc họa bằng ngòi bút miêu tả rất chân thực và sinh động, nhất là cảnh ăn uống trong đình với sự sắp xếp thứ bậc, sự nhộn nhạo của bọn cường hào: “Hơi men đã bắt đầu làm tăng sự huyên náo. Ở gần, vài ông già cãi nhau, gân cổ nổi cả lên, ở xa hơn một chút một anh trai làng ngồi vén đùi gãi, cạnh một cậu nhỏ đương véo thêm một ít xôi của phần người khác đắp thêm vào phần mình”…

 Như vậy, tuy nhân vật Duy mang dáng dấp những nhân vật đi tìm chân lí trong tiểu thuyết của Tolstoy, người đọc vẫn nhận thấy Con đường sáng hoàn toàn là sáng tác của nhà văn Việt Nam. Duy hội tụ những đặc điểm của giới trí thức tiểu tư sản Việt Nam đầu thế kỉ XX: có lí tưởng, khát khao đổi mới và lặn ngụp để tìm ra con đường đi đúng đắn giúp cho mình, cho người. Con đường sáng, tuy có những nhược điểm của một tiểu thuyết luận đề, vẫn cần được nhìn từ hiện tượng tiếp nhận và cả vấn đề bản sắc sáng tác để thấy giá trị và những đóng góp của Hoàng Đạo cho văn xuôi hiện đại Việt Nam buổi dò đường. Ở đây, nhà văn đã “tự mình làm ra” một cuốn sách có giá trị văn chương chứ không đơn thuần “phiên dịch sách nước ngoài”. Con đường sáng là sự bày tỏ tư tưởng của một người Việt khát khao đổi mới. Vì thế, dù không phải tác phẩm xuất sắc đại diện cho thời đại hay khuynh hướng, vẫn có vị trí nhất định trong lịch sử văn học Việt Nam, nhất là văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa nửa đầu thế kỉ trước. 
Đ.T.H
VNQD
Thống kê
Bài đọc nhiều nhất
Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Bóng thầm mà rực rỡ trên mỗi trang văn

Sau những giờ lên lớp về lí thuyết, các ông chia nhau mỗi người kèm mấy học viên sáng tác... (CHÂU LA VIỆT) 

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu trong "Vượt lũ"

Anh Tựu của chúng tôi, ngoài đời là Thầy thuốc Ưu tú, tiến sĩ, dược sĩ chuyên khoa II Trần Tựu... (KIỀU BÍCH HẬU)

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Giọt nước mắt mang hình vết thương

Cứ chiều chiều bà xay bột, tối tráng bánh rồi phơi, phơi đến khô thì mang ra chợ, vừa quạt than nướng vừa bán... (VŨ THANH LỊCH)

Tiếng chim bắt cô trói cột

Tiếng chim bắt cô trói cột

Chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng trong kí ức của một đứa trẻ đôi lần lên núi kiếm củi, bứt lá rừng về lót chuồng cho lợn cho bò, thi thoảng gặp bụi sim chín ửng… thì núi sau lưng làng tôi được bắt đầu từ mé sông... (HỒ MINH TÂM)